Có nhiều điểm sáng để tăng trưởng kinh tế trong năm 2024
Theo các dự báo đưa ra trước đây, kinh tế Việt Nam tăng trưởng khoảng 6,5% năm 2023 và sẽ đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn trong năm 2024. Dù nửa đầu năm nay, nền kinh tế đối diện với nhiều khó khăn nhưng theo các chuyên gia, đã tìm ra nhiều điểm sáng là động lực để tăng trưởng.
Trong Năm 2024 sẽ đối diện với nhiều rủi ro không chỉ là khủng hoảng kinh tế toàn cầu hay tình trạng doanh nghiệp phá sản tăng cao, gia tăng nợ xấu trong hệ thống ngân hàng, mà còn đến từ việc triển khai thiếu hiệu quả các biện pháp hỗ trợ, cải cách kinh tế. Trong bối cảnh đó, Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024 phải được xây dựng trên cơ sở đánh giá đầy đủ, chính xác tình hình, kết quả phát triển kinh tế-xã hội sáu tháng đầu năm, dự báo tình hình cả năm 2023; từ đó xác định mục tiêu phát triển của kế hoạch phù hợp.
Theo TS Lê Đăng Doanh, hiện chúng ta có nhiều dấu hiệu phục hồi về xuất khẩu, đầu tư và tiêu dùng. Theo đó, mục tiêu tăng trưởng từ 6%-6,5% có thể đạt được trong năm 2024.
Chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) Lê Đăng Doanh đã có cuộc trao đổi với phóng viên Tạp chí Thương Trường xung quanh vấn đề này.
PV: Thưa ông, năm 2023 đã ở những ngày cuối cùng, nhiều tổ chức kinh tế giới dự báo năm nay chúng GDP chúng ta chỉ đạt 5-5,2%, ông bình luận gì về việc này?
TS. Lê Đăng Doanh: Nhiều tổ chức kinh tế nhận định tình hình kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng rất khó khăn và vì vậy, GDP năm nay của chúng ta khó đạt được mục tiêu Quốc hội và Chính phủ đặt ra. Do đó, họ đã hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam xuống từ 5-5,2%. Mới đây, một số tổ chức nâng lên chút với mức 5,5%.
Năm nay có nhiều khó khăn. Trong 9 tháng năm 2023 chúng ta chỉ có 51 doanh nghiệp phát hành trái phiếu với khối lượng 123 nghìn tỷ đồng, giảm 60,4% so với cùng kỳ 2022. Thị trường bất động sản cũng không lạc quan hơn khi cơ cấu hàng chưa phù hợp, thừa hàng ở những phân khúc cao, nhưng lại thiếu hàng ở phân khúc thấp.
Xuất nhập khẩu chúng ta phụ thuộc nhiều vào khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Tăng trưởng kinh tế tuy cao (dự báo 5,19%), nhưng vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra là 6,5%, điều này ảnh hưởng đến lộ trình phát triển đến năm 2025 và 2030.
Năm 2023, dù đại dịch Covid-19 đã được khống chế tuy nhiên, hậu quả của nó để lại vẫn rất nặng nề, đang tác động tiêu cực đến kinh tế thế giới nói chung và nền kinh tế Việt Nam nói riêng.
Những khó khăn khách quan này khiến chúng ta thật khó để hoàn mục tiêu. Nhưng cũng có thể thấy rằng, tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023 quý sau cao hơn quý trước, ước tăng trưởng GDP quý IV/2023 đạt 7,72%, cao hơn mức tăng trưởng quý III/2023 là 5,23%; quý II/2023 là 4,05% và quý I/2023 là 3,28%.
Chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) Lê Đăng Doanh.
Nhìn ra bên ngoài, Trung Quốc trong 10 năm đều đạt mức tăng trưởng 10%, nhưng năm nay họ cũng chỉ phấn đấu đạt tăng trưởng 5%; ngoài ra các đối tác kinh tế khác như EU, Mỹ cũng rất khó khăn, căng thẳng. Như ở Mỹ, vừa qua Thượng viện và Hạ viện cố gắng để Chính phủ thoát khỏi cảnh dừng hoạt động. Fed liên tục tăng lãi suất nhiều lần liên tiếp khiến đời sống người dân khó khăn, thị trường suy giảm...
Do đó, GDP Việt Nam đạt mức tăng trưởng 5,4%-5,6% năm nay trong năm nay cũng đã là xuất sắc rồi.
PV: Thưa ông, tại họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 6/12, trả lời câu hỏi về đánh giá mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 là 6-6,5%, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho rằng thực hiện mục tiêu 6-6,5% là một nhiệm vụ khó, bởi năm 2024 vẫn còn tiếp tục các khó khăn chưa thể dự báo được, ông bình luận gì về điều này?
TS. Lê Đăng Doanh: Hiện tôi nhận thấy, những thách thức nền kinh tế năm 2024 vẫn rất rõ nét bởi bối cảnh xung đột ở nhiều nơi vẫn gay gắt; chuỗi cung ứng toàn cầu về linh phụ kiện, xuất khẩu vẫn đứt gãy; các nước lớn đang gia tăng các biện pháp bảo hộ ngày càng rõ rệt… Điều này đã và đang tác động rõ rệt đến Việt Nam năm 2023 và chưa có dấu hiệu chấm dứt trong năm 2024.
Bên cạnh đó, trong 1 nước số doanh nghiệp đóng cửa, dừng hoạt động thậm chí có tháng còn cao hơn số doanh nghiệp thành lập mới. Trong khi doanh nghiệp mới thành lập, gia nhập thị trường vẫn khó khăn, lãi suất dù giảm song không mấy ai muốn vay vốn do thị trường tiêu thụ chậm, yếu, nhu cầu suy giảm. Đáng chú ý, những doanh nghiệp mới này thật ra chưa tạo ra giá trị, chưa đóng góp tăng trưởng GDP, thậm chí đó là chưa nói đến việc doanh nghiệp đăng ký mới có thể là "ảo" do chính sách đăng ký thành lập doanh nghiệp hiện nay thông thoáng, có nhiều hình thức lập doanh nghiệp để đấu giá, quay vòng hóa đơn, lừa đảo, trốn thuế… gây hại cho nền kinh tế thực.
Tuy nhiên chúng ta cũng nhìn thấy một số điểm sáng. Bởi tăng trưởng kinh tế phụ thuộc vào ba yếu tố chính là xuất khẩu, đầu tư và tiêu dùng. Năm nay, xuất khẩu bị kìm hãm nhưng cuối năm đã có những dấu hiệu phục hồi. Trong thời gian tới, nhu cầu thị trường thế giới tăng, khả năng phục hồi của xuất khẩu nước ta sẽ rõ nét hơn. Cùng với đó, nhu cầu của thị trường trong nước cũng khả quan. Cuối năm 2023 và đầu năm 2024, khối lượng tiền lớn từ gói hỗ trợ kích cầu theo Nghị quyết 43 của Chính phủ được đưa vào nền kinh tế phát huy hiệu quả sẽ tác động lớn tới thị trường.
Năm 2024, Việt Nam sẽ thực hiện cải cách tiền lương, điều này cũng tạo sức cầu lớn, do đó, nền kinh tế có cơ sở tăng mạnh hơn năm nay. Bên cạnh đó, hiện nay, Việt Nam vẫn tiếp tục giữ đà đầu tư. Theo đó, nếu như không có những yếu tố tác động đột biến mục tiêu tăng trưởng đề ra trong năm 2024 có thể cũng đạt được.
PV: Để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP và xuất khẩu trong bối cảnh thị trường còn nhiều biến động khó lường, ông có khuyến nghị gì đến cơ quan chức năng và các doanh nghiệp?
TS. Lê Đăng Doanh: Tôi từng nói rất nhiều về cải cách thể chế. “Chiến dịch đốt lò” hiện chúng ta thực hiện rất tốt, những vụ án tham nhũng lớn đã bị phanh phui và thu hồi lại tiền cho Nhà nước. Tuy nhiên, tham nhũng vặt vẫn còn rất nhiều. Theo công bố của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố vào tháng 4/2023, có đến 72% doanh nghiệp thừa nhận tình trạng nhũng nhiễu của cán bộ, công chức, viên chức khi giải quyết các thủ tục. Từ những nhũng nhiễu này sẽ dẫn đến việc doanh nghiệp phải chi phí “bôi trơn” hoặc phí “không chính thức” với những dịch vụ công thiết yếu hay các nghiệp vụ về quản lý thị trường, thanh tra môi trường, thuế...
Báo cáo Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2022 (PCI) cũng cho biết, tỷ lệ doanh nghiệp trả chi phí không chính thức cho cán bộ thuế đã gia tăng đáng quan ngại, từ mức 33,8% của năm 2021 lên mức 54,54% năm 2022.
Tôi còn nhớ, cách đây không lâu, tôi có đến một địa phương và trong khi đang trò chuyện, Chủ tịch Tỉnh đó đã cáo lỗi tôi vì đến chiều tối có mấy cuộc hẹn. Mà hỏi ra mới biết, tỉnh có hai đoàn khách là đoàn cựu chiến binh ở địa phương khác và một đoàn là phu nhân của chủ tịch địa phương khác đến chơi. Rồi họ lên kế hoạch chi tiền, tiếp đón. Tôi cho rằng đó là những khoản chi không cần thiết, rất tốn kém. Hoặc nhiều tỉnh vẽ ra việc cử cán bộ đi nghiên cứu học tập, nhưng thực chất có khi là con cháu chủ tịch…
Theo đó, cần đẩy mạnh cải cách thể chế, làm sao để bộ máy công khai, minh bạch chi tiêu ngân sách, quy trình bổ nhiệm cán bộ, người dân đóng góp ý kiến…
Bên cạnh đó, hiện chúng ta phải có biện pháp làm sao giải ngân nhanh gói 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội, các chính sách miễn thuế VAT, phí cho doanh nghiệp cần thực hiện dài hơi nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tối đa.
Dù còn rất nhiều khó khăn nhưng chúng ta vẫn tìm ra những điểm sáng để tăng trưởng kinh tế năm 2024.
Bên cạnh đó, chính sách tiền tệ cần linh hoạt, trong đó việc giảm lãi suất, hỗ trợ lãi suất doanh nghiệp ưu tiên như xuất khẩu, công nghệ, logistics sẽ đạt hiệu quả tốt hơn.
Với doanh nghiệp, cần phải đẩy mạnh chuyển đổi số. Cần tăng cường kết nối trên thị trường thương mại điện tử, không gian mạng để giảm bớt chi phí, giá thành sản xuất, buôn bán. Kết nối doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp trong nước, nông sản, mua hàng nguyên liệu để giảm chi phí trung gian, tiến tới giảm chi phí logistic, vận tải…
Chuyển đổi số trong mọi ngành, mọi lĩnh vực, doanh nghiệp cần được xem là động lực, vừa là việc bắt buộc để tăng hiệu quả đồng vốn vừa giúp gia tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp, cho nền kinh tế.
Thách thức của chuyển đổi số không ai khác chính là thói quen cũ và cách tạo giá trị gia tăng cũ. Cần xem chuyển đổi số như cuộc chơi, bài test để doanh nghiệp thay đổi tương lai của mình.
Theo Tạp chí Thương Trường