Chất lượng đơn đăng ký sáng chế tại Việt Nam còn thấp

14:51, 19/10/2024

Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ đã phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ tổ chức Hội thảo giải pháp tăng cường bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với kết quả nghiên cứu.

Hội thảo nhằm thúc đẩy sự phát triển các hoạt động sở hữu trí tuệ trong nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ của các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp; đồng thời góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ, từng bước hình thành văn hóa sở hữu trí tuệ trong cộng đồng.

Tại hội thảo lãnh đạo Cục Sở hữu trí tuệ, Viện Khoa học sở hữu trí tuệ đã chia sẻ chuyên đề về xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với kết quả nghiên cứu và sử dụng, khai thác, phân chia lợi ích đối với các tài sản trí tuệ từ kết quả nghiên cứu; nội dung quản trị, khai thác các tài sản trí tuệ, thương mại hóa các kết quả nghiên cứu. Các trường đại học, doanh nghiệp cũng chia sẻ về thực tiễn, những hoạt động tăng cường bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với kết quả nghiên cứu tại trường, doanh nghiệp…

Đặc biệt, sáng chế tại Việt Nam là một trong những vấn đề được nhiều chuyên gia quan tâm. Tại hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Cẩn, Quyền Viện trưởng Viện Khoa học sở hữu trí tuệ cho biết: "Chất lượng đơn đăng ký sáng chế còn thấp. Thương mại hóa sáng chế ở thị trường Việt Nam rất manh mún".

Ông Nguyễn Hữu Cẩn thông tin, theo thống kê của Viện Khoa học sở hữu trí tuệ từ năm 2009 - 2018, số đơn đăng ký sáng chế được cấp bằng ở Việt Nam chỉ chiếm khoảng 15% tổng số đơn đăng ký sáng chế, 85% đơn bị từ chối. Nguyên nhân là do chất lượng tạo ra sáng chế chưa gắn kết được với thị trường, không đủ hấp dẫn để đối tác quan tâm đầu tư ứng dụng thực tiễn; nghiên cứu bị trùng lặp; không có tính sáng tạo, yếu tố mới nên bị từ chối bảo hộ. Đó cũng chính là rào cản khiến thương mại hóa sáng chế ở Việt Nam gặp khó khăn, manh mún. Từ năm 2019 - 2023, số lượng đơn đăng ký hợp đồng sáng chế, số lượng hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng sáng chế ở Việt Nam rất ít, chỉ hơn 20 sáng chế được chuyển giao trong một năm. Chuyển nhượng sáng chế (mua bán sáng chế) từ chủ sở hữu này sang chủ sở hữu khác cũng rất ít với khoảng 100 sáng chế.

Để hoạt động thương mại hóa sáng chế được "khởi sắc", ông Nguyễn Hữu Cẩn lưu ý nhà khoa học, nhà sáng chế cần quan tâm chất lượng đầu vào trước khi đưa vào thương mại hóa, đáp ứng được nhu cầu thị trường; hiệu lực độc quyền về sáng chế phải được bảo đảm. Trong khai thác thương mại hóa sáng chế cần đánh giá đúng tiềm năng thị trường. Nhà nghiên cứu, người tạo ra sáng chế không chỉ vì đam mê mà phải đem lại hữu ích, hướng đến khách hàng, thị trường tiềm năng. Người làm ra sáng chế phải có kỹ năng tra cứu thông tin; ước định giá trị tài sản sở hữu trí tuệ (sáng chế); năng lực tìm kiếm đối tác, khách hàng sử dụng giải pháp sáng chế; phải bảo vệ được tài sản trí tuệ. "Khi nào làm được những điều đó, thương mại hóa sáng chế sẽ khởi sắc hơn", ông Nguyễn Hữu Cẩn nhận định.

Trong khi đó, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Trần Lê Hồng nhấn mạnh, ngoài quan tâm đến thị trường, sản phẩm sáng chế cần chú ý đến hàm lượng chất xám trong sản phẩm. Bởi nếu sản phẩm có hàm lượng trí tuệ càng cao thì tính cạnh tranh, bền vững của sản phẩm trong khai thác thương mại hóa càng lớn.