Chỉ cho phép mở tài khoản ngân hàng trực tuyến bằng căn cước công dân gắn chip
Trao đổi với VnEconomy, ông Phạm Tiến Dũng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết cơ quan quản lý đang hoàn thiện văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định số 52/2024/NĐ-CP. Có hai điểm quan trọng trong đó là mở tài khoản eKYC phải bằng căn cước công dân gắn chip và "tiền điện tử" là tiền pháp định; không được coi là tiền ảo, tài sản ảo...
Ngành ngân hàng tăng cường định danh điện tử để chống lừa đảo trực tuyến.
Ngày 15/5/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 52/2024/NĐ-CP quy định về thanh toán không dùng tiền mặt (có hiệu lực từ ngày 1/7/2024), thay thế Nghị định số 101/2012/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung).
Nghị định số 52/2024/NĐ-CP là văn bản pháp lý quan trọng về lĩnh vực thanh toán không dùng tiền mặt, có ảnh hưởng rộng đến nhiều lĩnh vực, đối tượng, tổ chức, cá nhân liên quan.
KIỂM SOÁT CHẶT VIỆC MỞ TÀI KHOẢN TRỰC TUYẾN
Trao đổi với phóng viên VnEconomy về các vấn đề triển khai Nghị định 52, ông Phạm Tiến Dũng, Phó Thống đốc cho biết: "Tới đây, Ngân hàng Nhà nước sẽ sửa thông tư quy định về mở và sử dụng tài khoản ngân hàng, bổ sung nhiều điểm mới. Ví dụ như khách hàng chỉ được mở thẻ eKYC (mở tài khoản bằng định danh điện tử - PV) bằng căn cước công dân gắn chip chứ không chấp nhận bất cứ loại giấy tờ nào khác, nếu không thì xin mời khách hàng ra quầy".
Theo ông, quy định này tương tự như người dân tham gia giao thông trên cao tốc, nếu có thẻ không dừng thì được đi vào làn không dừng còn nếu thanh toán tiền mặt thì phải chấp nhận chậm hơn một chút. Trên thực tế, Bộ Công an công bố là hầu hết công dân đủ điều kiện đã được cấp thẻ căn cước công dân gắn chip rồi nên không có lý do gì ngân hàng không bổ sung quy định này. Bên cạnh đó, dự thảo thông tư về thẻ cũng sẽ có những điểm mới liên quan đến điều kiện cho vay đối với những món vay tiêu dùng dưới 100 triệu đồng. Ông Dũng cũng nhận định, từ 1/7/2024, Nghị định số 52/2024/NĐ-CP và Quyết định 2345/QĐ-NHNN có hiệu lực sẽ góp phần hạn chế và kiểm soát nhiều nguy cơ về mất an toàn, an ninh thanh toán.
“Hiện nay, Hiệp hội An ninh mạng quốc gia đưa ra 24 thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng nhưng đó chỉ là những thủ đoạn đơn. Tội phạm lừa đảo hiện nay còn kết hợp các thủ đoạn với nhau, lấy thủ đoạn số 1 kết hợp với thủ đoạn số 24 chẳng hạn để ra một cái thủ đoạn mới. Do đó, tổ hợp các thủ đoạn lừa đảo không ngừng gia tăng. Cho nên, cả cơ quan quản lý nhà nước và người dân đều phải liên tục cập nhật thực tiễn và nâng cao cảnh giác để đấu tranh với lừa đảo trên không gian mạng”, ông Phạm Tiến Dũng nói.
Ông Phạm Tiến Dũng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
"Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, 70% giao dịch chuyển khoản hiện nay là dưới 1 triệu đồng. Số lượng giao dịch giá trị lớn trên 10 triệu chiếm tỷ lệ thấp. Do đó, việc xác thực sinh trắc học theo Quyết định 2345/QĐ-NHNN sẽ không ảnh hưởng gì tới trải nghiệm người dùng".
Từ ngày 1/7/2024, nếu khách hàng chuyển khoản trên 10 triệu đồng, ngân hàng phải xác thực khuôn mặt của người giao dịch trùng khớp với khuôn mặt của chủ tài khoản đã được kiểm tra với cơ sở dữ liệu từ căn cước công dân gắn chip do Bộ Công an cấp.
Theo Phó Thống đốc, quy định này sẽ ngăn chặn tình trạng cho thuê, mượn tài khoản, loại bỏ tình trạng tài khoản không chính chủ, tài khoản được mở bằng giấy tờ giả đã xảy ra trên thực tế.
Trước một số ý kiến về việc Ngân hàng Nhà nước lại đưa ra mốc 10 triệu đồng khi xác thực trắc học có thể dẫn đến rắc rồi đối với người dùng, ông Dũng lý giải: con số này ảnh hưởng tới không nhiều khách hàng. Ngân hàng Nhà nước đã có thống kê là 70% số lượng giao dịch chuyển khoản hiện nay là dưới 1 triệu đồng. Số lượng giao dịch giá trị lớn trên 10 triệu chiếm tỷ lệ không nhiều. Cơ quan quản lý cũng quy định với các giao dịch nhỏ thì tổng giá trị giao dịch trong ngày trên 20 triệu đồng mới phải xác thực sinh trắc học. Sau khi xác thực rồi thì khách hàng lại được thanh toán tiếp 20 triệu đồng nữa. Do đó, việc áp dụng quy định này sẽ không ảnh hưởng gì tới trải nghiệm người dùng. Ngoài ra, theo Quyết định 2345, khi khách hàng cài đặt ứng dụng ngân hàng sang thiết bị khác cũng phải xác thực sinh trắc học.
Phó Thống đốc thông tin ngoài khung khổ pháp lý chặt chẽ, Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông giải quyết triệt để vấn nạn gửi tin nhắn giả mạo thương hiệu của ngân hàng để lừa đảo khách hàng, làm sạch dữ liệu của tất cả người đi vay… để phòng chống lừa đảo.
LẦN ĐẦU TIÊN CÓ QUY ĐỊNH VỀ TIỀN ĐIỆN TỬ
Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng cũng nhấn mạnh điểm mới của Nghị định số 52/2024/NĐ-CP là cập nhật cái khái niệm về tiền điện tử.
“Từ nay trở đi, tiền điện tử là tiền pháp định của Việt Nam và được định nghĩa dưới một số dạng. Còn khi chúng ta nói về tiền ảo, tài sản ảo thì sẽ dùng thuật ngữ khác chứ không gọi là tiền điện tử nữa”, ông Dũng nói.
Theo đó, Nghị định số 52/2024/NĐ-CP đã bổ sung một số quy định về tiền điện tử (e-money); trong đó, định nghĩa, làm rõ bản chất của tiền điện tử (Điều 3); quy định cụ thể các hình thức thể hiện của tiền điện tử được sử dụng trong hoạt động thanh toán bao gồm ví điện tử, thẻ trả trước (Điều 6); đối tượng cung ứng tiền điện tử bao gồm: ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (cung ứng dịch vụ ví điện tử và thẻ trả trước) và tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán (cung ứng dịch vụ ví điện tử liên kết với tài khoản thanh toán của khách hàng mở tại ngân hàng).
Theo vị lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, việc hoàn thiện quy định pháp lý cho tiền điện tử tại Nghị định 52/2024/NĐ-CP sẽ góp phần ngăn ngừa, loại trừ các phương tiện thanh toán không hợp pháp do các tổ chức không được phép phát hành, hỗ trợ các cơ quan có thẩm quyền trong việc ngăn ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền điện tử (theo Đề án hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kèm theo Quyết định số 1255/QĐ-TTg ngày 21/8/2017).
Ngoài ra, Nghị định 52/2024/NĐ-CP đã bổ sung quy định để làm rõ khái niệm thanh toán quốc tế, hệ thống thanh toán quốc tế (Điều 3); vai trò quản lý nhà nước của Ngân hàng Nhà nước đối với thanh toán quốc tế (Điều 4); quy định về hoạt động cung ứng dịch vụ từ nước ngoài vào Việt Nam và từ Việt Nam ra nước ngoài, thực hiện dịch vụ chuyển mạch tài chính quốc tế (Điều 5); quy định việc chấp thuận tham gia các hệ thống thanh toán quốc tế của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và điều kiện để được chấp thuận (Điều 5, Điều 21); quy định về việc các bên liên quan có trách nhiệm cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời và đáp ứng các yêu cầu của các cơ quan quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật Việt Nam nhằm quản lý các luồng giao dịch xuyên biên giới (Điều 5).
Giới phân tích cho rằng, quy định về thanh toán quốc tế tại Nghị định 52/2024/NĐ-CP nhằm nâng cao vai trò quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước trong hoạt động thanh toán quốc tế và đẩy mạnh các mô hình hợp tác cung ứng dịch vụ thanh toán xuyên biên giới trong bối cảnh phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo cũng như hỗ trợ thanh toán đối với thương mại điện tử ngày càng gia tăng.
Theo VnEconomy