Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 13/11

14:14, 14/11/2023

Văn phòng Chính phủ vừa có thông cáo báo chí Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 13/11.

Thành lập Hội đồng thẩm định Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045

 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Quyết định 1317/QĐ-TTg thành lập Hội đồng thẩm định Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Hội đồng thẩm định).

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà làm Chủ tịch Hội đồng. Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm Phó Chủ tịch Hội đồng.

Các thành viên Hội đồng, gồm:

+ Đại diện lãnh đạo các Bộ: Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Tư pháp; Xây dựng; Tài nguyên và Môi trường; Quốc phòng; Công an; Ngoại giao; Giáo dục và Đào tạo.

+ Đại diện lãnh đạo các cơ quan: Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam; Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh.

+ Đai diện Lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Hà Nội; Thành phố Hồ Chí Minh; Đà Nẵng; Cần Thơ; Lào Cai; Thừa Thiên Huế; Lâm Đồng.

Các thành viên là Ủy viên phản biện gồm: PGS. TS Nguyễn Toàn Thắng, Nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; PGS.TS Vũ Đức Minh, Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Khoa giáo - Văn xã, Văn phòng Chính phủ; TS. Hoàng Minh Thái, Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; TS. Trần Đức Phấn, Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; TS. Vũ Thái Hồng, Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ thể thao, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam.

Cơ quan thường trực của Hội đồng là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Hội đồng thẩm định có nhiệm vụ tổ chức thẩm định Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo quy định của pháp luật về quy hoạch.

Hội đồng thẩm định hoạt động theo hình thức kiêm nhiệm; chấm dứt hoạt động và tự giải thể sau khi Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 

 Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 1339/QĐ-TTg ngày 13/11/2023 phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo Quy hoạch, phạm vi lập Quy hoạch tỉnh Hà Giang là toàn bộ diện tích theo địa giới hành chính tỉnh Hà Giang với diện tích tự nhiên là 7.927,55 km2.

Kinh tế phát triển xanh và năng động, nhanh và bền vững

Mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, tỉnh Hà Giang là Tỉnh phát triển khá, toàn diện và bền vững trong vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ; kinh tế phát triển xanh và năng động, nhanh và bền vững trên cơ sở đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Không gian kinh tế - xã hội được tổ chức, phát triển hài hòa, hợp lý gắn với đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế; bảo đảm về môi trường, sinh thái. Hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, an toàn; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc; phát triển văn hóa, y tế, giáo dục, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống cho Nhân dân; bảo đảm quốc phòng, an ninh vững chắc; hợp tác, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng; khu vực biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển bền vững.

Phấn đấu đến năm 2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt khoảng 8%/năm.

Cơ cấu kinh tế: Nông, lâm nghiệp - thủy sản chiếm khoảng 22 - 23%; công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 29,0%; dịch vụ chiếm khoảng 43 - 44%; Thuế sản phẩm, trừ trợ cấp sản phẩm khoảng 4 - 5%. Tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt khoảng 95 triệu đồng.

Về văn hóa - xã hội, chỉ số phát triển con người HDI đạt khoảng 0,8. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia toàn tỉnh đạt trên 75%. Tỷ lệ giảm nghèo đa chiều hàng năm bình quân đạt 4%/năm.

Tầm nhìn phát triển đến năm 2050 phấn đấu xây dựng tỉnh Hà Giang là tỉnh phát triển trung bình khá của cả nước, theo hướng xanh, bản sắc, bền vững và toàn diện; giữ vị trí quan trọng của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ về phát triển kinh tế cửa khẩu, thương mại biên giới, du lịch và bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Các đột phá phát triển của tỉnh Hà Giang từ nay đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 là phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, hạ tầng thương mại cửa khẩu, hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, hạ tầng số.

Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; phát triển kinh tế nông nghiệp đặc trưng, giá trị gia tăng cao theo chuỗi giá trị; nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế cửa khẩu.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tăng cường đào tạo nghề cho người lao động phục vụ nhu cầu phát triển các ngành, lĩnh vực chủ lực của Tỉnh; thu hút và đào tạo có trọng tâm, trọng điểm nhân lực chất lượng cao.

Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số với ba trụ cột: Chính phủ số - Kinh tế số - Xã hội số để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao năng lực cạnh tranh của Tỉnh…

Về phương hướng phát triển ngành, lĩnh vực, nông nghiệp phát triển đặc trưng, theo chuỗi giá trị hàng hóa chất lượng cao. Tập trung phát triển theo 2 trục: (i) Đảm bảo về an ninh lương thực, thực phẩm, bao gồm: Nhóm cây lương thực; nhóm cây thực phẩm; nhóm cây công nghiệp ngắn ngày; (ii) Ưu tiên thúc đẩy phát triển một số chuỗi sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, đặc hữu chất lượng cao theo chuỗi giá trị, gồm: Chuỗi chè Shan tuyết; chuỗi mật ong bạc hà; chuỗi cây ăn quả ôn đới; dược liệu; tam giác mạch; bò vàng; lợn đen…

Phát triển lâm nghiệp bền vững, phát triển rừng gắn với phát triển du lịch sinh thái tại các khu bảo tồn thiên nhiên, gắn với xây dựng chuỗi giá trị lâm sản, nâng cao hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường. Thu hút, phát triển các cơ sở sản xuất cây lâm nghiệp chất lượng cao, cơ sở chế biến gỗ gắn với phát triển các sản phẩm ngoài gỗ dưới tán rừng.

Tỉnh phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu quả, xanh và bền vững. Xây dựng thương hiệu du lịch Hà Giang là điểm đến an toàn, hấp dẫn, đặc sắc. Xây dựng Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn trở thành khu du lịch quốc gia; thành phố Hà Giang trở thành thành phố du lịch, trung tâm kết nối du lịch của Tỉnh. Phát triển các sản phẩm du lịch đa dạng, gắn với các lợi thế của địa phương, như: Du lịch cộng đồng; du lịch văn hóa, lịch sử; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; du lịch mạo hiểm; du lịch thương mại, biên giới.

Xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy trở thành khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực

Phát triển kinh tế khu vực cửa khẩu đáp ứng xu hướng mở cửa và hội nhập quốc tế, đầu mối trung chuyển, xuất nhập khẩu hàng hóa, giao lưu phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch và văn hóa. Xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy trở thành khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực. Phát triển hạ tầng đồng bộ tại các khu vực cửa khẩu song phương, lối mở khác nằm ngoài khu kinh tế; bảo đảm hài hòa không gian giữa sản xuất, đô thị và văn hóa; đáp ứng yêu cầu về phát triển kinh tế - xã hội của địa phương…

Phê duyệt Chiến lược phát triển đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2035; Kế hoạch kinh doanh và kế hoạch đầu tư phát triển đến năm 2025 của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC)

 Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ký Quyết định số 1336/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2035; Kế hoạch kinh doanh và kế hoạch đầu tư phát triển đến năm 2025 của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).

Sau năm 2025 SCIC trở thành tổ chức đầu tư tài chính có quy mô vốn chủ sở hữu hàng đầu tại Việt Nam

Mục tiêu tổng quát của Chiến lược phát triển đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2035 của SCIC là tiếp tục tập trung triển khai nhiệm vụ tiếp nhận, cổ phần hóa, tái cơ cấu, bán vốn tại các doanh nghiệp Nhà nước không cần nắm giữ vốn, thực hiện tốt và có hiệu quả vai trò là định chế, công cụ của Chính phủ để hỗ trợ, thúc đẩy tiến trình cơ cấu lại, sắp xếp đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước.

Củng cố SCIC để bảo đảm đủ các nguồn lực tài chính, quản trị để tập trung thực hiện nhiệm vụ đầu tư kinh doanh vốn, đầu tư và phát triển các dự án đầu tư có quy mô lớn, quan trọng, điều hành và định hướng phát triển các công ty con theo chiến lược phát triển của SCIC; hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả, góp phần hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gắn với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo từng giai đoạn.

Thực hiện đầu tư kinh doanh vốn theo cơ chế thị trường và nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.

Từng bước chuyển đổi mô hình hoạt động của SCIC theo mô hình tổ chức đầu tư chuyên nghiệp, định hướng sau năm 2025 SCIC trở thành tổ chức đầu tư tài chính có quy mô vốn chủ sở hữu hàng đầu tại Việt Nam.

Chiến lược đưa ra mục tiêu hoạt động cụ thể từng giai đoạn.

Cụ thể, giai đoạn đến 2025:

+ Đối với hoạt động hỗ trợ, thúc đẩy tiến trình cơ cấu lại, sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước: Tiếp tục thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước từ các Bộ, ngành, địa phương để tiếp tục cơ cấu lại vốn tại các doanh nghiệp này thông qua hoạt động đầu tư, nắm giữ, thoái vốn, sắp xếp, chuyển đổi sở hữu...; tiếp nhận doanh nghiệp, phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp theo nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao để hỗ trợ phục hồi, cơ cấu lại vốn, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

+ Đối với hoạt động đầu tư kinh doanh vốn, SCIC thực hiện 2 nhóm nhiệm vụ: (i) Đầu tư kinh doanh vốn theo cơ chế thị trường vào những ngành, lĩnh vực mang lại hiệu quả và SCIC có lợi thế theo nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bảo toàn và phát triển vốn, không giới hạn lĩnh vực đầu tư; (ii) Đầu tư kinh doanh vốn theo nhiệm vụ chính trị được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao; trong đó tập trung những ngành, lĩnh vực then chốt, trọng yếu mà Nhà nước cần nắm giữ, hoặc tham gia để hỗ trợ xử lý khó khăn tài chính cho doanh nghiệp do khủng hoảng tài chính hoặc các nguyên nhân bất khả kháng.

Giai đoạn 2026 - 2030: Tập trung nguồn lực để đẩy mạnh hoạt động đầu tư kinh doanh vốn, trong đó tập trung đầu tư vào các dự án kết cấu hạ tầng, các dự án lớn, quan trọng, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế xã hội của đất nước trong từng giai đoạn: đầu tư vào các ngành, lĩnh vực then chốt có tính chất dẫn dắt, mở đường....

Giai đoạn 2031 - 2035: SCIC hoạt động theo mô hình tổ chức đầu tư tài chính chuyên nghiệp, là công cụ, kênh đầu tư của Chính phủ vào nền kinh tế.

Kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm giai đoạn đến năm 2025

Với chức năng, nhiệm vụ được giao và vai trò là tổ chức đầu tư chuyên nghiệp, SCIC tập trung đầu tư vào: (i) các lĩnh vực, dự án trọng điểm; (ii) các lĩnh vực, dự án hiệu quả và (iii) thu hút vốn đầu tư từ xã hội và từ nước ngoài; bao gồm một số lĩnh vực cụ thể như sau:

- Đầu tư vào các dự án, ngành, lĩnh vực then chốt: Tập trung, ưu tiên xem xét các cơ hội đầu tư trong một số ngành, lĩnh vực và dự án trọng điểm mà Nhà nước cần tập trung đầu tư và nắm giữ chi phối, được xác định tại Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021 - 2030 và tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước; đồng thời, đảm bảo năng lực tài chính của SCIC và hiệu quả đầu tư theo nguyên tắc thị trường như:

+ Lĩnh vực công nghệ cao (viễn thông, công nghệ thông tin...), kinh tế số (hạ tầng số, hệ thống cơ sở dữ liệu...), năng lượng (năng lượng tái tạo, năng lượng sạch...); các dự án hạ tầng trọng điểm (cảng hàng không, đường bộ, đường sắt), đô thị thông minh, y học - y tế hiện đại, dược phẩm; tài chính - ngân hàng; nông nghiệp công nghệ cao...;

+ Đầu tư vào các Tập đoàn, Tổng công ty, ngân hàng thương mại,...;

+ Đầu tư bổ sung vốn vào một số doanh nghiệp lớn, đang hoạt động hiệu quả và có tiềm năng trong danh mục đầu tư hiện hữu của SCIC để phục vụ kế hoạch đầu tư phát triển của doanh nghiệp;

+ Đầu tư vào lĩnh vực đổi mới sáng tạo, góp phần chuyển đổi mô hình tăng trưởng của nền kinh tế dựa trên khoa học và công nghệ.

- Đầu tư kinh doanh vốn vào ngành, lĩnh vực theo nhiệm vụ chính trị được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao; thực hiện bằng nguồn vốn của Chính phủ hoặc nguồn vốn do SCIC tự cân đối.

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 – 2025

Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành công văn 97/TCTCCTTHC về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025.

Thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/5/2023 của Chính phủ về Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh (viết tắt là QĐKD) giai đoạn 2020-2025, các bộ, ngành đã tích cực cắt giảm, đơn giản hóa nhiều quy định không cần thiết, không hợp lý, không hợp pháp và gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân, qua đó góp phần thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Tuy nhiên, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, vẫn còn 04 Bộ: Công Thương, Tư pháp, Tài chính, Văn hóa -Thể thao và Du lịch chưa trình Thủ tướng Chính phủ phương án cắt giảm, đơn giản hóa QĐKD; một số Bộ chưa cập nhật đầy đủ, kịp thời QĐKD lên cổng tham vấn và tra cứu QĐKD; việc tham vấn ý kiến của doanh nghiệp, người dân đối với QĐKD dự kiến ban hành mới, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ trong các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (viết tắt là VBQPPL) chưa được thực hiện đầy đủ; còn 688 QĐKD đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa nhưng vẫn đang trong quá trình nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các VBQPPL để thực thi; việc tiếp nhận, xử lý khó khăn, vướng mắc trong thực hiện quy định, thủ tục hành chính (viết tắt là TTHC) cho người dân, doanh nghiệp còn chậm trễ.

Xử lý dứt điểm các đề xuất, kiến nghị của các hiệp hội, doanh nghiệp đối với các QĐKD

Để khắc phục những tồn tại nêu trên và tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ được Chính phủ giao, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Tổ trưởng Tổ công tác cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng Cơ quan ngang bộ, Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc hoàn thành chỉ tiêu cắt giảm, đơn giản hóa QĐKD thuộc phạm vi chức năng quản lý được Chính phủ giao tại Nghị quyết 68/NQ-CP; tập trung chỉ đạo các đơn vị chức năng:

Thường xuyên thống kê, cập nhật, công khai đầy đủ, chính xác, kịp thời QĐKD được ban hành mới, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ cùng với chi phí tuân thủ đối với từng QĐKD lên cổng tham vấn và tra cứu QĐKD (gồm cả QĐKD trước khi được sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ); tổng hợp danh sách QĐKD được cắt giảm, đơn giản hóa để tính tỷ lệ cắt giảm số QĐKD và tỷ lệ cắt giảm chi phí tuân thủ QĐKD; số lượng VBQPPL có QĐKD thuộc phạm vi quản lý của từng bộ, cơ quan trên Cổng tham vấn và tra cứu QĐKD.

Tham vấn trực tuyến, tương tác hai chiều giữa bộ, ngành với các hiệp hội, doanh nghiệp; giữa bộ, địa phương và các đối tượng liên quan trên cổng tham vấn và tra cứu QĐKD để rút ngắn thời gian lấy ý kiến đối với các dự án, dự thảo VBQPPL.

Xử lý dứt điểm các đề xuất, kiến nghị của các hiệp hội, doanh nghiệp đối với các QĐKD thuộc phạm vi quản lý được gửi tương tác trên cổng tham vấn và tra cứu QĐKD và những phản ánh, kiến nghị được giao tại mục IX Nghị quyết số 97/NQ-CP ngày 08/7/2023 của Chính phủ.

Tuyên truyền, khuyến khích các hiệp hội, doanh nghiệp, đối tượng quản lý tham gia đóng góp ý kiến hoặc gửi vướng mắc, đề xuất đối với QĐKD trên Cổng tham vấn và tra cứu QĐKD.

Khẩn trương hoàn thành việc thực thi phương án cắt giảm, đơn giản hóa QĐKD đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt

Các Bộ: Giao thông vận tải, Thông tin và Truyền thông, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài Nguyên và Môi trường, Giáo dục và Đào tạo, Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ, Công an, Quốc phòng và Ngân hàng nhà nước Việt Nam khẩn trương hoàn thành việc thực thi phương án cắt giảm, đơn giản hóa QĐKD đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Hoàn thành việc thực thi các phương án cắt giảm, đơn giản hóa thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ trước ngày 20/12/2023.

Các Bộ: Công Thương, Tư pháp, Tài chính, Văn hóa - Thể thao và Du lịch khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ phương án cắt giảm, đơn giản hóa QĐKD. Thời hạn chậm nhất trước ngày 30/11/2023.

Bộ Tư pháp báo cáo kết quả giảm số văn bản quy định chi tiết thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội; pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và giảm số thông tư từ năm 2021 đến nay và đề xuất giải pháp thực hiện hiệu quả nhiệm vụ này. Báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo trước ngày 20/12/2023.

Tổ chức gặp gỡ, đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn

Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm chỉ đạo các đơn vị chức năng tổ chức gặp gỡ, đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn theo thẩm quyền; tổng hợp phản ánh, kiến nghị về khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực hiện các QĐKD gửi các bộ, ngành xử lý theo chức năng quản lý. Đối với những vấn đề vượt thẩm quyền giải quyết, báo cáo Tổ công tác cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ để chỉ đạo xử lý.

Nghiên cứu, góp ý đối với các phương án cắt giảm, đơn giản hóa các QĐKD khi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ gửi lấy ý kiến trên Cổng tham vấn và tra cứu QĐKD.

Tuyên truyền, khuyến khích các hiệp hội, doanh nghiệp, người dân tại địa phương tham gia đóng góp ý kiến hoặc gửi vướng mắc, đề xuất đối với QĐKD trên Cổng tham vấn và tra cứu QĐKD.

Văn phòng Chính phủ hướng dẫn việc truy cập, tạo tài khoản, sử dụng chữ ký số, đăng nhập để các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp cập nhật dữ liệu, rà soát, tham vấn, gửi vướng mắc, đề xuất, tương tác hai chiều; đôn đốc việc cập nhật dữ liệu và tham vấn; định kỳ hàng tháng Báo cáo tình hình, kết quả thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP lồng ghép trong Báo cáo cải cách TTHC trình Chính phủ; đánh giá và công khai nỗ lực cải cách của các bộ, ngành trên cổng tham vấn và tra cứu QĐKD.

Các đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng Cơ quan ngang bộ, Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghiêm túc thực hiện các yêu cầu của Tổ trưởng Tổ công tác cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ nêu tại văn bản này; định kỳ hàng tháng tổng hợp kết quả thực hiện vào Báo cáo công tác cải cách TTHC gửi Văn phòng Chính phủ.

Chuyển mục đích sử dụng đất tại tỉnh Sóc Trăng 

 Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chấp thuận UBND tỉnh Sóc Trăng quyết định chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án xây đường và cầu.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký văn bản số 1088/TTg-NN ngày 13/11/2023 nêu: Xét đề nghị của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc đề nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa sang mục đích khác để thực hiện dự án trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã chấp thuận UBND tỉnh Sóc Trăng quyết định chuyển mục đích sử dụng 36,5 ha đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp để thực hiện dự án đầu tư xây dựng mới Đường tỉnh 938, đoạn từ Đường tỉnh 940 đến Quốc lộ 61B và cầu trên tuyến tại huyện Mỹ Tú, huyện Thạnh Trị và thị xã Ngã Năm.

Chỉ được quyết định chuyển mục đích sử dụng đất khi dự án đủ điều kiện

Phó Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức kiểm tra, rà soát hiện trạng sử dụng đất đảm bảo thống nhất hồ sơ và thực địa, đảm bảo chỉ tiêu đất trồng lúa được Thủ tướng Chính phủ phân bổ; chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật, trước Thủ tướng Chính phủ về việc quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa đảm bảo đúng quy định của pháp luật về đất đai và các pháp luật khác có liên quan; bảo đảm sử dụng đất tiết kiệm và hiệu quả, không để xảy ra thất thoát, lãng phí; có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc bóc tách sử dụng tầng đất mặt theo quy định của pháp luật; thường xuyên kiểm tra, giải quyết những khó khăn vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa theo đúng quy định của pháp luật.

Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng tiếp thu và thực hiện đầy đủ ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường, chỉ được quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa khi dự án đủ điều kiện và tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật.

Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm toàn diện về nội dung báo cáo kết quả thẩm định, sự đầy đủ, chính xác của các hồ sơ kèm theo đối với việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa để thực hiện dự án đầu tư xây dựng mới Đường tỉnh 938, đoạn từ Đường tỉnh 940 đến Quốc lộ 61B và cầu trên tuyến tại huyện Mỹ Tú, huyện Thạnh Trị và thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng, bảo đảm theo đúng quy định; theo dõi và hướng dẫn thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nêu trên theo đúng quy định của pháp luật./.

Theo Báo điện tử Chính phủ

https://baochinhphu.vn/chi-dao-dieu-hanh-cua-chinh-phu-thu-tuong-chinh-phu-ngay-13-11-102231114095547039.htm