Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 14/3
Văn phòng Chính phủ vừa có Thông cáo báo chí chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 14/3.
Thành lập Ban chỉ đạo cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng
Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 213/QĐ-TTg thành lập Ban Chỉ đạo cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm Trưởng Ban Chỉ đạo.
Các Phó Trưởng Ban gồm: Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái (Phó Trưởng Ban thường trực); Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng.
Các thành viên là lãnh đạo một số bộ, ban, ngành.
Ban chỉ đạo có nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo triển khai các giải pháp cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn liền với xử lý nợ xấu theo các mục tiêu, định hướng nêu tại Quyết định 689/QĐ-TTg ngày 8/6/2022 phê duyệt Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn liền với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 và các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có) (Quyết định 689).
Nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ phương hướng, giải pháp xử lý những vấn đề quan trọng, xử lý các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Quyết định 689 và các vấn đề vượt thẩm quyền Bộ, ngành.
Giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, đôn đốc các bộ, ngành và địa phương xử lý các vấn đề trong phạm vi Quyết định 689 thuộc chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành và địa phương.
Giúp Thủ tướng Chính phủ điều hòa, phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương, đồng thời tăng cường trách nhiệm, hiệu quả tham gia, phối hợp của các bộ, ngành và địa phương trong quá trình triển khai thực hiện Quyết định 689.
Thực hiện các nhiệm vụ khác theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu.
Kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp ngày 1/3/2023 về tình hình, kết quả triển khai thực hiện Luật Cư trú và Nghị định số 104/2022/NĐ-CP ngày 21/12/2022 của Chính phủ
Văn phòng Chính phủ vừa phát đi Thông báo số 74/TB-VPCP ngày 14/3/2023 kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp ngày 1/3/2023 về tình hình, kết quả triển khai thực hiện Luật Cư trú và Nghị định số 104/2022/NĐ-CP ngày 21/12/2022 của Chính phủ.
Hạn chế sử dụng thông tin về nơi cư trú là điều kiện để thực hiện các thủ tục hành chính
Tại Thông báo trên, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà kết luận: Các đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nhân dân về việc tổ chức thực hiện quy định bãi bỏ yêu cầu nộp, xuất trình sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy, giấy xác nhận cư trú khi thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công thuộc phạm vi quản lý theo đúng quy định tại Luật Cư trú, Nghị định số 104/2022/NĐ-CP của Chính phủ; tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ, kiên quyết không để xảy ra tình trạng trì trệ, sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.
Các bộ, cơ quan khẩn trương kiểm tra, rà soát, sửa đổi các thông tư, quyết định, văn bản pháp luật thuộc thẩm quyền có quy định liên quan đến việc nộp, xuất trình Sổ hộ khẩu giấy, Sổ tạm trú giấy hoặc giấy tờ có yêu cầu xác nhận của địa phương nơi cư trú (phải chứng minh thông tin nơi cư trú trước khi xác nhận như: Sơ yếu lý lịch, giấy xác nhận tình trạng hôn nhân,…) khi thực hiện các thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công, bảo đảm cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính trên cơ sở khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các Cơ sở dữ liệu khác, cũng như nguyên tắc "hạn chế việc sử dụng thông tin về nơi cư trú là điều kiện để thực hiện các thủ tục hành chính" theo đúng quy định tại Luật Cư trú và Nghị định số 104/2022/NĐ-CP ngày 21/12/2022 của Chính phủ.
Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành khẩn trương hoàn thành việc công bố, công khai các thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý có liên quan đến việc nộp, xuất trình Sổ hộ khẩu giấy, Sổ tạm trú giấy hoặc giấy tờ có yêu cầu xác nhận của địa phương nơi cư trú khi thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công theo quy định tại Luật Cư trú, Nghị định số 104/2022/NĐ-CP của Chính phủ, hoàn thành chậm nhất trước ngày 15/3/2023.
Căn cứ trên cơ sở công bố của bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện công bố, công khai thủ tục hành chính trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh và nơi tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính; đồng thời, hoàn thiện quy trình nội bộ, quy trình điện tử để thực hiện việc bãi bỏ yêu cầu nộp, xuất trình sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy, giấy xác nhận cư trú trên cơ sở khai thác, sử dụng thông tin về cư trú của công dân trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công theo Luật Cư trú, Nghị định số 104/2022/NĐ-CP của Chính phủ, hoàn thành chậm nhất trước ngày 20/3/2023.
Cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính
Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương khẩn trương nâng cấp Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh đáp ứng yêu cầu số hóa, lưu trữ, xử lý thông tin, dữ liệu điện tử; hoàn thành kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để khai thác dữ liệu dân cư phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công theo đúng quy định tại Luật Cư trú, Nghị định số 107/2021/NĐ-CP, Nghị định số 104/2022/NĐ-CP của Chính phủ, hoàn thành trước ngày 20/3/2023; hoàn thiện các dịch vụ công trực tuyến theo hướng cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục, mẫu đơn, tờ khai điện tử trên cơ sở khai thác, tái sử dụng thông tin dữ liệu dân cư từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hoàn thành trong tháng 5/2023.
Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ, cơ quan liên quan hướng dẫn cụ thể về việc xử lý sai sót liên quan đến dữ liệu dân cư của người dân và việc khai thác dữ liệu từ tàng thư về cư trú mà chưa được thu thập, cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ giải quyết thủ tục hành chính (như: thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã cấp cho hộ gia đình,…). Hoàn thành trong tháng 3/2023.
Văn phòng Chính phủ căn cứ dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính tổng hợp, công khai danh mục các Thông tư, Quyết định, văn bản pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ, ngành, địa phương và thủ tục hành chính có quy định liên quan đến việc nộp, xuất trình Sổ hộ khẩu giấy, Sổ tạm trú giấy hoặc giấy tờ có yêu cầu xác nhận của địa phương nơi cư trú chưa được sửa đổi, công bố, công khai theo đúng quy định Luật Cư trú, Nghị định số 104/2022/NĐ-CP của Chính phủ, làm cơ sở để các bộ, ngành, địa phương kiểm tra, rà soát, thực hiện theo đúng quy định; chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai các giải pháp bảo đảm hạ tầng kỹ thuật, các chức năng của Cổng Dịch vụ công quốc gia đáp ứng yêu cầu triển khai Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06), hạn chế tối đa tình trạng có lúc còn thiếu ổn định, chưa thật sự thông suốt, ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ, nhất là việc giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công của bộ, ngành, địa phương cho người dân.
Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát, đánh giá và đôn đốc, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương việc đầu tư, nâng cấp hạ tầng, các hệ thống thông tin theo yêu cầu triển khai Đề án 06, nhất là vấn đề sử dụng hạ tầng dùng chung, dùng riêng. Hoàn thành trong tháng 4 năm 2023.
Bộ Nội vụ nghiên cứu, sớm ban hành quy định, hướng dẫn về lưu trữ hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính điện tử, làm cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện; tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện lưu trữ điện tử tại các địa phương. Hoàn thành trong tháng 4/2023.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, bộ, cơ quan liên quan tập trung làm sạch dữ liệu khách hàng của ngân hàng trong Cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng trên cơ sở xác thực thông tin với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ phòng, chống rửa tiền; chỉ đạo các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nghiên cứu, triển khai các giải pháp kết nối, khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, định danh thông tin khách hàng, giao dịch đảm bảo thông qua thẻ Căn cước công dân gắn chíp điện tử, ứng dụng định danh và xác thực điện tử (VneID); xác thực dữ liệu đa chiều (được phân tích, tổng hợp từ nhiều nguồn dữ liệu, các giấy tờ tích hợp như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, thuế, đăng ký doanh nghiệp…), trong đó dữ liệu dân cư làm gốc phục vụ hoạt động nghiệp vụ ngân hàng./.
Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ