Kể từ khi các nhà mạng yêu cầu thuê bao trả trước phải đăng ký thông tin cá nhân và một khách hàng chỉ được đăng ký tối đa là 3 số sim/một mạng thì tưởng như các trò quấy rối qua điện thoại đã lùi vào dĩ vãng. Thực tế không hoàn toàn như vậy. Những cuộc gọi, tin nhắn quấy rầy vẫn tiếp tục ở một mức độ cao hơn và phức tạp hơn.
Nan giải quấy rối từ internet
Không chỉ là quấy rối từ điện thoại đến điện thoại, nhiều trường hợp còn quấy rối từ Internet. Điều này liên tục xảy ra thời gian gần đây vì một số trang web và phần mềm chạy trên máy tính, smartphone cung cấp dịch vụ gọi điện thoại hay nhắn tin SMS từ Internet miễn phí hoặc có trả phí. Như http://www.for-ever.us cho phép nhắn tin miễn phí. VoxOx, một chương trình chat với nhiều tính năng hấp dẫn có thêm chức năng gọi điện thoại và SMS; SpoofCard có chức năng gọi điện, giả số gọi đến và thậm chí là còn giả giọng nam, nữ; Friendcaller chạy trên iPhone có chức năng tương tự. Về cơ bản, các trang web hoặc những phần mềm như thế ngay từ đầu không có ý xấu. Nhưng khi con người sử dụng với nhiều mục đích khác nhau thì những tiện ích cũng có thể là nguyên nhân gây nên phiền phức. Chưa kể, kẻ quấy rối còn có thể dùng các tài khoản bị hack để nạp tiền vào các tài khoản gọi từ Internet. Cứ như thế, những cuộc gọi đến, tin nhắn SMS bị giấu số, thậm chí bị giả mạo số của người khác khiến người bị quấy rối “dở khóc dở cười”. Hoặc trường hợp giả số thì cũng hết sức khó khăn vì đa số những số bị giả đều là số của những người thân quen.
Nhà mạng vào cuộc
Sau khi nhận được nhiều lời phàn nàn từ các “khổ chủ”, nhà mạng bắt đầu vào cuộc. Hiện các cuộc gọi thực hiện từ Internet sẽ hiện số call 1 hoặc 1740040 hoặc có mã quốc gia phía trước trên máy người nhận. Căn cứ vào đây, người dùng sẽ biết rằng mình đang bị quấy nhiễu từ các cuộc gọi Internet. Bên cạnh đó, một phần mềm tên Friendcaller trên iPhone có khả năng giấu số để quấy nhiễu đến các số thuê bao khác. Để ngăn chặn, trên diễn đàn apple.vn cũng đã có những cảnh báo thiết thực nhằm hạn chế tối đa cũng như không cho phép khách hàng download các phần mềm này với mục đích quấy phá người khác. Tuy nhiên, trên các dòng điện thoại khác, kẻ quấy rối vẫn sử dụng các phần mềm, Web để gọi từ Internet thì đến nay tình hình vẫn rất nan giải.
Truy tìm những cuộc gọi giấu số
Nếu các cuộc gọi từ Internet còn gây nhiều phiền phức cho người bị quấy rối thì những cuộc gọi giấu số từ điện thoại đến điện thoại lại dễ giải quyết hơn nhiều. Hiện trên một số trang web rao vặt và các diễn đàn điện thoại quảng cáo dịch vụ bắt số 2 lần. Chi phí cho dịch vụ là từ 300-500.000 đồng. Bằng cách này, những thuê bao giấu số khi gọi đến sẽ bị hiển thị số. Thông qua đó, các khổ chủ sẽ biết số gọi là của thuê bao mạng nào và có sơ sở để ngăn chặn, khiếu kiện. Số tiền bỏ ra để bắt số 2 lần này không quá lớn nhưng đa số người dùng không mặn mà bởi bên cạnh dịch vụ bắt số thì giới kinh doanh lại cũng có thêm dịch vụ giấu số. Chưa kể, thông tin của người gọi đến dù đã giấu số nhưng vẫn bị lưu vào cơ sở dữ liệu của nhà mạng để thực hiện việc tính phí cuộc gọi.
Song, vỏ quýt dày thì cũng có móng tay nhọn. Đơn giản hơn nhiều, ngoài việc chọn dịch vụ chặn cuộc gọi của nhà mạng, khách hàng có thể dùng dịch vụ báo cuộc gọi nhỡ. Sau khi bị cuộc gọi quấy rối gọi đến, bạn tạm thời tắt máy trong khoảng nửa giờ đồng hồ. Sau đó, bật máy lại, tổng đài sẽ báo các số đã gọi đến trong lúc tắt máy. Và vì số gọi đến cho dù có giấu số vẫn lưu trong cơ sở dữ liệu của nhà mạng để tính cước nên sẽ hiển thị trong các số gọi nhỡ. Cách này được sử dụng nhiều hơn vì đơn giản, chi phí đăng ký dịch vụ báo cuộc gọi nhỡ cũng thấp. Tuy vậy cũng hơi phiền phức ở chỗ là đôi lúc phải tắt máy, phần nào gây cản trở việc thông tin liên lạc. Và cách này chỉ trị được các cuộc gọi giấu số từ điện thoại đến điện thoại.
Quản lý cuộc gọi của nhà mạng
Cách ngăn chặn cuộc gọi quấy rối giấu số từ điện thoại đang được áp dụng nhiều nhất hiện nay là tận dụng những dịch vụ tiện ích của nhà mạng. Ví như dịch vụ Call management của Vinaphone, cho phép khách hàng lập Blacklist (các số điện thoại trong danh sách này sẽ bị chặn) và Whitelist (chỉ có các số điện thoại trong danh sách này không bị chặn, các số khác sẽ bị chặn). Bằng các thao tác nhắn tin SMS đơn giản, khách hàng có thể kích hoạt dịch vụ này nhằm hạn chế sự làm phiền của các số điện thoại không mong muốn.
Cước phí khá rẻ, khoảng 10.000 đồng/tháng
. Thông tin về cú pháp nhắn tin, giá cước
và các điều khoản có thể xem tại: http://cm.vinaphone.com.vn Điểm đặc biệt của dịch vụ này là nó được cung cấp bởi nhà mạng nên không cần cài đặt rắc rối cũng như không cần quan tâm đến sự tương thích của điện thoại với phần mềm quản lý cuộc gọi chạy trên các smartphone. Bởi vậy, mọi khách hàng đều có thể dễ dàng sử dụng dịch vụ với phương thức đăng ký nhanh chóng và cước phí hàng tháng thấp
. Ngoài ra, Viettel cũng có dịch vụ chặn cuộc gọi với tên gọi Call Blocking. Khách hàng có thể tham khảo chi tiết tại Website của nhà mạng để ngăn chặn các cuộc gọi quấy nhiễu.
Quản lý cuộc gọi trên smartphone
Nếu am hiểu về cài cắm phần mềm và bạn đang sử dụng điện thoại smartphone chạy các hệ điều hành như: Windows mobile, Android, Mac OS, Symbian... thì có thể chọn giải pháp cài phần mềm. Tùy theo từng hệ điều hành mà các phần mềm này có những cái tên khác nhau, ví như: Call Firewall chạy trên WM, Handyblacklist, Mobicall chạy trên Symbian, I berry black & whitelist chạy trên Blackberry. Ưu điểm của phần mềm là không giới hạn danh sách Blacklist hay Whitelist.
Đồng thời còn có thêm nhiều tùy biến hấp dẫn khác như chặn các cuộc gọi không hiển thị số... Bằng cách sử dụng Whitelist, nhiều người chỉ cần dùng 1 sim duy nhất cho cả công việc lẫn gia đình mà không sợ các cuộc gọi không mong muốn. Trong giờ làm việc thì để điện thoại như bình thường, còn ngoài giờ làm việc thì bật chức năng Whitelist. Khi đó chỉ những số trong danh bạ hoặc những số nằm trong danh sách là có thể gọi đến. Các cuộc gọi khác đều bị chặn theo hướng đổ chuông báo máy bận một cách tế nhị.
Phương Nam