Chìa khóa giúp Quảng Ninh thăng hạng ICT

Minh Hà 11:00, 18/06/2020

Năm 2019, sau 4 năm đứng ở vị trí thứ 4 về chỉ số ICT (chỉ số đánh giá mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT), Quảng Ninh đã vươn lên vị trí thứ 3 toàn quốc và là vị trí cao nhất từ trước đến nay của tỉnh trong bảng đánh giá này. Chìa khóa giúp Quảng Ninh có sự thăng hạng chính là thành công từ chương trình mục tiêu CNTT giai đoạn 2016-2020.

Cán bộ Trung tâm Hành chính công TX Đông Triều giải quyết TTHC cho người dân.

Tháng 1/2018, tại Quyết định số 153/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình mục tiêu CNTT giai đoạn 2016-2020. Mục tiêu chung của chương trình là đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, xây dựng chính phủ điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến thống nhất từ trung ương đến địa phương; nâng cao năng lực đảm bảo an toàn thông tin quốc gia và xác thực điện tử; phát triển ngành công nghiệp CNTT thông qua việc phát triển các khu CNTT trọng điểm và các sản phẩm CNTT trọng điểm.

Bám sát mục tiêu, nhiệm vụ của chương trình và nhằm đón bắt cơ hội từ cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0, Quảng Ninh đã ban hành các văn bản để chỉ đạo, tổ chức thực hiện và trong khi trung ương chưa bố trí kinh phí, tỉnh đã chủ động cân đối, dành nguồn ngân sách thỏa đáng để hoàn thành các nhóm dự án thành phần của chương trình.



Cục Hải quan tỉnh triển khai giám sát hải quan trực tuyến 24/24h đối với Chi cục Hải quan Cửa khẩu Móng Cái.

Theo đó, từ năm 2018 đến nay, tỉnh đã triển khai một loạt những dự án lớn như: Nâng cấp và triển khai nhân rộng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quản lý văn bản; hoàn thiện hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu một cửa điện tử; nhiệm vụ xây dựng kiến trúc thành phố thông minh và kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh; xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật và phần mềm nền tảng cho thành phố thông minh; xây dựng hệ thống phòng mã độc tập trung; xây dựng trung tâm kiểm soát an toàn thông tin mạng…

Đặc biệt, với việc hoàn thành Dự án xây dựng chính quyền điện tử và đào tạo công dân điện tử đã đem lại cho Quảng Ninh những kết quả rất rõ rệt. Dự án đã góp phần hoàn thiện hạ tầng nền tảng cho chính quyền điện tử, gồm: Trung tâm tích hợp dữ liệu tiên tiến, đạt chuẩn quốc tế; trên 200 điểm cầu hội nghị truyền hình trực tuyến từ tỉnh đến cấp xã; xây dựng Đề án khung về xây dựng mô hình thành phố thông minh, hình thành nền tảng các cơ sở dữ liệu cốt lõi để xây dựng, triển khai có hiệu quả Đề án tổng thể Chính quyền số giai đoạn 2019-2025.

Quảng Ninh đã trở thành mô hình mẫu trong cả nước về xây dựng chính quyền điện tử khi thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và các địa phương. Trong đó, ứng dụng CNTT được coi là giải pháp cốt lõi, các bộ phận tiếp nhận đều được đầu tư trang thiết bị CNTT hiện đại, đảm bảo khai thác hiệu quả hệ thống thông tin của chính quyền điện tử như: Cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 tại các trung tâm phục vụ hành chính công các cấp; hoàn thiện việc kết nối, tích hợp giữa phần mềm hệ thống chính quyền điện tử với hệ thống bưu điện trong việc tiếp nhận và trả kết quả tại nhà; cung cấp công cụ để người dân thực hiện thanh toán bằng thẻ hoặc trực tuyến đối với những thủ tục hành chính có thu phí, lệ phí; thực hiện trả kết quả bằng văn bản điện tử áp dụng chữ ký số, giúp công dân và tổ chức có thể sử dụng để giao dịch, giải quyết công việc thông qua môi trường mạng. Đặc biệt, tháng 12/2019, Quảng Ninh đã được Thủ tướng Chính phủ chọn là một trong 3 địa phương (cùng với TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh), thực hiện thí điểm việc kết nối liên thông với Cổng dịch vụ công quốc gia.



Ứng dụng Smart Quảng Ninh, một trong những ứng dụng thiết thực cho người dân trong việc giải quyết các dịch vụ công.

Nhờ liên tục được quan tâm đầu tư, nâng cấp và mở rộng hạ tầng CNTT, đến nay 100% các cơ quan Đảng, cơ quan nhà nước từ cấp xã trở lên đã được trang bị máy tính, kết nối mạng LAN, internet để thực hiện nhiệm vụ. Quảng Ninh cũng là tỉnh đầu tiên triển khai cấp phát, đưa vào sử dụng chữ ký số trong trao đổi văn bản điện tử cho các cơ quan thuộc hệ thống chính trị và các đơn vị sự nghiệp từ cấp tỉnh xuống đến cấp xã. Mặt khác, tỉnh cũng ứng dụng CNTT mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực của đời sống và phát triển kinh tế - xã hội từ y tế cho đến giáo dục, giao thông, ngân hàng, môi trường, du lịch, hải quan...

Từ sự quyết tâm và dám đổi mới, đến nay tỉnh đã cơ bản hoàn thành các mục tiêu đặt ra của chương trình. Chia sẻ tại hội nghị phân tích, đánh giá chỉ số PAR INDEX, SIPAS, PAPI, ICT năm 2019 của tỉnh vừa diễn ra vào đầu tháng 6 vừa qua, ông Lê Hồng Hà, Phó Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam, khẳng định: Việc đẩy mạnh xây dựng, phát triển hạ tầng CNTT để xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số và thành phố thông minh vận hành theo quy luật thị trường, phù hợp với thực tiễn địa phương đã đem đến cho Quảng Ninh những lợi ích thiết thực, tạo động lực bứt phá trên tất cả các lĩnh vực. Hiện tất cả các bảng xếp hạng từ PCI đến PAR INDEX, SIPAS, PAPI đều liên quan đến chỉ số CNTT. Khi CNTT tốt, các chỉ số thành phần khác cũng sẽ tốt lên. Và tôi tin là Quảng Ninh hoàn toàn có thể dẫn đầu ICT trong thời gian tới khi các bạn đang có những quyết sách rất đúng đắn và đầu tư xứng đáng trong lĩnh vực này.

Chỉ số ICT được đánh giá ở 3 thành phần chính, gồm: Hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng nhân lực CNTT và ứng dụng CNTT. Để có được sự thăng hạng này, năm 2019, các chỉ số ICT Index của tỉnh đều được cải thiện đáng kể so với năm 2018. Trong đó có 7/9 chỉ số đã tăng hạng từ ừ 8-21 bậc; 2/9 chỉ số còn lại không tăng hạng nhưng vẫn nằm trong top 10 địa phương cao nhất.

 PV (T/h)