Chính phủ điện tử - trụ cột quan trọng nâng cao năng suất dịch vụ công
Chính phủ điện tử tập trung vào việc sử dụng hiệu quả công nghệ thông tin và truyền thông trong điều hành các cơ quan, tổ chức công nhằm cải thiện năng suất tổng thể. Áp dụng hiệu quả những công cụ của Chính phủ điện tử có thể nâng cao hiệu quả trong lĩnh vực công theo nhiều cách khác nhau như giảm chi phí, giảm thiểu tham nhũng, cải thiện chất lượng dịch vụ và quản lý công.
Năng suất lao động phản ánh năng lực tạo ra của cải, hiệu suất lao động cụ thể trong quá trình sản xuất, được đo bằng số sản phẩm hay lượng giá trị tạo ra trong một đơn vị thời gian hoặc lượng thời gian lao động sử dụng để sản xuất ra một đơn vị sản phẩm.
Muốn thúc đẩy năng suất quốc gia thì dịch vụ công là một trong những lĩnh vực quan trọng đóng vai trò nền tảng. Bởi dịch vụ công cũng giống như các lĩnh vực khác của nền kinh tế cung cấp sản phẩm và dịch vụ, cần sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu vào (lao động, vốn, đầu vào trung gian) để tạo ra “đầu ra” có chất lượng nhằm nâng cao mức sống người dân. Các lĩnh vực dịch vụ công bao gồm: Giáo dục, An ninh quốc phòng, Hành chính công, Y tế và các dịch vụ cộng đồng, xã hội khác.
Để đạt được mục tiêu năng suất đặt ra trong lĩnh vực dịch vụ công và cải thiện hiệu quả, chất lượng dịch vụ công, Tổ chức Năng suất Châu Á (APO) đã xây dựng và phát triển mô hình năng suất trong lĩnh vực dịch vụ công. 5 yếu tố then chốt được xác định là những trụ cột ưu tiên trong mô hình này là: Lãnh đạo đổi mới sáng tạo, Chất lượng dịch vụ, Chính phủ điện tử, Cải cách hành chính, Dịch vụ công.
Chính phủ điện tử tập trung vào việc sử dụng hiệu quả công nghệ thông tin và truyền thông trong điều hành các cơ quan, tổ chức công nhằm cải thiện năng suất tổng thể. (Ảnh minh họa).
Trong đó, đối với trụ cột Chính phủ điện tử, tập trung vào việc sử dụng hiệu quả công nghệ thông tin và truyền thông trong điều hành các cơ quan, tổ chức công nhằm cải thiện năng suất tổng thể. Trụ cột này đã trở thành một phần không thể thiếu trong hầu hết chương trình quốc gia.
Để nâng cao chất lượng dịch vụ, Chính phủ cần xây dựng, hoàn thiện thể chế tạo cơ sở pháp lý đầy đủ và toàn diện cho việc triển khai, xây dựng phát triển Chính phủ điện tử trong tất cả tổ chức công nhằm cải thiện chất lượng dịch vụ theo hướng minh bạch và công bằng. Áp dụng hiệu quả công cụ của Chính phủ điện tử có thể nâng cao hiệu quả trong lĩnh vực công theo nhiều cách khác nhau như giảm chi phí, giảm thiểu tham nhũng, cải thiện chất lượng dịch vụ và quản lý công.
Báo cáo Đổi mới sáng tạo (GII) của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ toàn cầu (WIPO) hàng năm cũng công bố kết quả xếp hạng về hiệu quả của các quốc gia trong dịch vụ online của Chính phủ. Các quốc gia có thể dựa vào chỉ số này để đánh giá và so sánh hiệu quả về dịch vụ online của mình so với các quốc gia khác trên thế giới.
Cổng Dịch vụ công quốc gia mang đến sự công khai, minh bạch thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính trên cả nước.
Bên cạnh đó, đối với trụ cột Dịch vụ công, Chính phủ cung cấp dịch vụ và nguồn lực để đáp ứng nhu cầu thực tiễn của người sử dụng, đó là người dân và những đối tượng có liên quan khác. Chính phủ cần sử dụng công nghệ như là nền móng mới để cung cấp và tích hợp các chương trình và dịch vụ sẵn có cho người dân có thể dễ dàng tiếp cận thông qua tất cả các kênh thông tin khác nhau.
Chính phủ của nhiều quốc gia trên thế giới đang nỗ lực cắt giảm phí cung cấp dịch vụ và tìm kiếm những phương thức khả thi hơn để tương tác với người dân và doanh nghiệp. Để giải quyết vấn đề này, Chính phủ cần phải cải thiện tính hiệu quả của dịch vụ công.
Ví dụ như Singapore là quốc gia điển hình về thành công trong việc xây dựng dịch vụ công tốt. Singapore cho thấy khái niệm quốc gia thông minh là nơi công nghệ hỗ trợ người dân có cuộc sống ý nghĩa hơn. Cụ thể, Singapore đã xây dựng một số dự án chiến lược quốc gia, trọng tâm hướng tới quốc gia thông minh như: National Digital Identity- Hệ thống nhận dạng điện tử hỗ trợ người dân và doanh nghiệp thực hiện các giao dịch điện tử một cách thuận tiện và an toàn; E-payments (Thanh toán điện tử)- Phương thức thanh toán đơn giản, nhanh chóng, mau lẹ và an toàn; Smart Nation Sensor Platform- triển khai các thiết bị cảm biến và thiết bị kết nối vạn vật để Singapore trở thành quốc gia đáng sống và an toàn; Smart Urban Mobility- Dữ liệu và công nghệ kỹ thuật số, bao gồm trí tuệ nhân tạo vả tự động hóa để cải thiện giao thông công cộng.
Cùng với 2 trụ cột vừa nêu, 3 trụ cột còn lại gồm lãnh đạo đổi mới sáng tạo, chất lượng dịch vụ, cải cách hành chính là những yếu tố rất quan trọng nhằm thúc đẩy năng suất dịch vụ công, từ đó thúc đẩy năng suất quốc gia.
Nhìn chung, các chuyên gia cho rằng, kết quả đạt được từ nỗ lực cải tiến 5 trụ cột trên sẽ được đánh giá thông qua các chỉ tiêu cụ thể như Mức độ hài lòng của người dân, Xây dựng niềm tin của người dân, Hiệu quả chi phí và Năng lực cạnh tranh quốc gia và Chất lượng cuộc sống.