Chip di động Kirin do chính thức bi “khai tử” Huawei "khai tử"

Minh Anh 08:47, 08/08/2020

Huawei đã lên tiếng xác nhận Mate 40, chiếc smartphone cao cấp mà hãng ra mắt vào cuối năm nay, sẽ là chiếc smartphone cuối cùng được trang bị chip Kirin do chính Huawei phát triển.

Cũng như Apple với dòng chip A sử dụng cho các phiên bản iPhone hay Samsung với dòng chip Exynos sử dụng cho smartphone Galaxy, Huawei hiện đang sử dụng chip Kirin do chính mình phát triển trên các mẫu smartphone của hãng.

Các phiên bản chip Kirin cao cấp của Huawei được đánh giá cao về hiệu năng và không thua kém gì các đối thủ trên thị trường chip dành cho di động. Tuy nhiên, mới đây Huawei đã lên tiếng xác nhận sẽ “chia tay” chip Kirin.

Huawei bất ngờ “khai tử” chip di động Kirin do chính mình thiết kế - 1

Huawei đã phải “khai tử” dòng chip Kirin do mình phát triển vì lệnh trừng phạt của chính phủ Mỹ

Phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh 2020 của Hiệp hội Công nghệ Thông tin Trung Quốc vừa diễn ra, Richard Yu, Tổng giám đốc bộ phận sản phẩm tiêu dùng của Huawei cho biết Mate 40, chiếc smartphone cao cấp ra mắt vào cuối năm nay của Huawei, sẽ là sản phẩm cuối cùng được trang bị chip Kirin.

“Huawei đã trải qua hơn một thập kỷ để khám phá thị trường chipset, từ chỗ “tụt hậu nghiêm trọng” đến “rất tụt hậu” và cuối cùng đã “bắt kịp” rồi giờ đây đã bị cấm”, Richard Yu chia sẻ. “Chúng tôi đã đầu tư rất nhiều cho nghiên cứu và phát triển và đã trải qua một hành trình khó khăn. Thật không may, khi nói đến sản xuất chất bán dẫn, Huawei đã không đầu tư vào lĩnh vực này, chúng tôi chỉ thiết kế chip nhưng bỏ qua khâu sản xuất chip”.

Nguyên do chính của quyết định này chính là lệnh cấm của chính phủ Mỹ có hiệu lực từ ngày 15/9 tới đây.

Vào tháng 5 vừa qua, chính quyền tổng thống Donald Trump đã gia hạn lệnh trừng phạt đối với Huawei thêm một năm, kéo dài đến tháng 5/2021. Trong lệnh trừng phạt mới này, bên cạnh việc cấm các công ty Mỹ thực hiện giao dịch mua bán sản phẩm với Huawei, chính phủ Mỹ cũng cấm các hãng sản xuất chip và chất bán dẫn bên ngoài Trung Quốc đại lục, nhưng đang sử dụng phần mềm và công nghệ của Mỹ, hợp tác hoặc bán sản phẩm cho Huawei, ngoại trừ trường hợp được chính phủ Mỹ cấp phép.

Cũng như Apple hay Qualcomm, Huawei có thể tự thiết kế chip di động cho riêng mình, nhưng không thể tự sản xuất, mà phải nhờ một đối tác ở bên ngoài. Hiện TSMC là đơn vị đang sản xuất chip cho Huawei.

Do TSMC vẫn đang sử dụng công nghệ Mỹ cho dây chuyền sản xuất chip của mình, lệnh cấm của chính phủ Mỹ sẽ ngăn TSMC, công ty của Đài Loan này tiếp tục sản xuất chip theo đơn đặt hàng của Huawei.

Huawei đã tìm kiếm các giải pháp để thay thế, trong đó dự kiến sẽ thuê SMIC, nhà sản xuất chip lớn nhất của Trung Quốc để sản xuất chip cho hãng, tuy nhiên, SMIC không đủ khả năng đáp ứng về công nghệ và năng lực để sản xuất chip cho Huawei.

Hiện TSMC vẫn tiếp tục sản xuất cung cấp chip theo các đơn đặt hàng trước đó cho Huawei, tuy nhiên, khi lệnh cấm chính thức có hiệu lực, Huawei sẽ mất đi đối tác sản xuất chip cho riêng mình. Do vậy, không còn cách nào khác, Huawei đã buộc phải “khai tử” chip Kirin do riêng hãng phát triển.

Tuy nhiên, không loại trừ khả năng nếu Huawei được chính phủ Mỹ nới lỏng lệnh trừng phạt và cho phép hợp tác trở lại với TSMC và các hãng sản xuất chip khác, Huawei rất có thể sẽ tiếp tục phát triển các phiên bản chip Kirin mới trong tương lai để tiếp tục trang bị cho sản phẩm của mình.

Vấn đề đặt ra lúc này là Huawei sẽ lựa chọn dòng chip nào để thay thế chip Kirin trên các mẫu smartphone trong tương lai của hãng. Nhiều khả năng chip Exynos của Samsung hoặc MediaTek sẽ là những giải pháp mà Huawei sẽ lựa chọn.

Minh Anh