Chống hàng giả trên mạng: Ứng dụng công nghệ trong truy xuất nguồn gốc để ngăn chặn

09:13, 19/06/2024

Theo các chuyên gia, việc ngăn chặn hàng giả trên không gian mạng ngày càng khó khăn cần có nguồn nhân lực, nhất là công cụ, phương pháp phù hợp như ứng dụng công nghệ trong truy xuất nguồn gốc để ngăn chặn.

Xử lý nhiều vụ vi phạm trên các nền tảng thương mại điện tử

Theo Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam 2023, doanh thu thương mại điện tử bán lẻ tại Việt Nam năm 2023 tăng 25% so với 2022, đạt 20,5 tỷ USD, chiếm 8% doanh thu bán lẻ hàng hoá, dịch vụ tiêu dùng cả nước. Số lượng người mua sắm trực tuyến tại Việt Nam trong năm 2023 đã đạt gần 61 triệu người và ước tính mỗi người chi tiêu cho mua sắm 336 USD/năm.

Thế nhưng, đây cũng là mảnh đất màu mỡ cho đối tượng lợi dụng để kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Cùng đó, lợi dụng thương mại điện tử để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tuyên truyền và phổ biến sản phẩm cấm, sản phẩm xâm phạm đến chủ quyền, an ninh quốc gia… Các hành vi vi phạm ngày càng tinh vi, khó lường cả về quy mô lẫn địa bàn hoạt động.
Chống hàng giả trên mạng không thể

Ông Nguyễn Đức Lê - Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường - phụ trách chỉ đạo điều hành chung các công tác của Tổ thương mại điện tử (Tổng cục Quản lý thị trường) cho biết, tính đến hết năm 2021, Tổng cục Quản lý thị trường đã phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) thực hiện kiểm tra gần 3.000 vụ việc, xử phạt trên 20 tỷ đồng. Năm 2022, thực hiện thanh tra, kiểm tra 784 vụ, xử lý 449 vụ, phạt tiền gần 6 tỷ đồng, trị giá hàng hóa gần 11,5 tỷ đồng, chuyển hồ sơ 2 vụ sang cơ quan Cảnh sát điều tra liên quan đến những hành vi vi phạm về thương mại điện tử. Trong năm 2023, lực lượng đã kiểm tra 834 vụ, xử lý 764 vụ, phạt tiền 12 tỷ đồng, trị giá hàng hóa gần 6 tỷ đồng.  

Hàng giả vẫn tung hoành trên không gian mạng cần phải ứng dụng công nghệ trong truy xuất nguồn gốc để ngăn chặn triệt để. Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, ban hành 14 văn bản yêu cầu chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử, website/ứng dụng thương mại điện tử rà soát gỡ bỏ sản phẩm vi phạm các quy định của pháp luật. Kết quả đã gỡ bỏ 23.359 sản phẩm và chặn 6.254 gian hàng vi phạm. Đáng lưu ý, nhiều vụ việc bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên mạng xã hội nổi cộm đã bị triệt phá như: Ansan Cosmetics - thành phố Hồ Chí Minh; TS Việt Nam - thành phố Hà Nội; Menshop79 -thành phố Hà Nội; 145 Hoàng Diệu - Lào Cai; Vụ Bản - Nam Định; chuyển cơ quan điều tra vụ việc Mailystyle ở Hà Đông, thành phố Hà Nội…

Mặt khác, nhiều đối tượng còn lợi dụng thương mại điện tử bán sản phẩm cấm lưu hành, sản phẩm gắn bản đồ thể hiện sai lệch chủ quyền, biên giới quốc gia. Điển hình như vụ việc đồ chơi có hình bản đồ cắm cờ thế giới; hình lưỡi bò của Trung Quốc (thu giữ 30 thùng hàng và 2 bao tải chưa xuất trình được hóa đơn, chứng từ); vụ việc đồng 2 đô Australia có hình cờ vàng (Lazada gỡ bỏ 30 sản phẩm và khóa 8 gian hàng; Sendo gỡ bỏ 6 sản phẩm và khóa 2 gian hàng; Shopee khóa 27 gian hàng và khoảng 700 sản phẩm).

Ngoài ra, Bộ Công Thương đã phối hợp chặt chẽ với Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, Bộ Công an, Bộ Y tế… cung cấp thông tin, rà soát và xử lý hàng trăm website, ứng dụng vi phạm mỗi năm. Đồng thời, chuyển hồ sơ để công an xử lý nhiều vụ việc vi phạm có dấu hiệu hình sự để làm rõ và có biện pháp xử lý kịp thời, ngăn chặn nguy cơ gây thiệt hại quy mô lớn.

Theo bà Phạm Thị Minh Phương, Tổ trưởng Tổ Thương mại điện tử, Tổng cục Quản lý thị trường, sau 2 tháng chính thức hoạt động, Tổ Thương mại điện tử của Tổng cục Quản lý thị trường đã kiểm tra, xử lý 9 vụ vi phạm trên các nền tảng thương mại điện tử với tổng số tiền phạt, trị giá hàng tịch thu, tiêu hủy gần 2 tỷ đồng. Đáng lưu ý, tổng số tiền phạt vi phạm hành chính gần 615 triệu đồng; trị giá hàng hóa tịch thu trên 1 tỷ đồng; trị giá hàng hóa buộc tiêu hủy gần 200 triệu đồng.

Ứng dụng công nghệ trong truy xuất nguồn gốc 

Thương mại điện tử đang trở thành xu thế tất yếu bởi những lợi ích mang lại nhưng đi liền đó là nhiều bất cập; trong đó, nổi bật là việc trà trộn kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Điều này đã và đang đặt ra nhiều thách thức mới cho lực lượng quản lý thị trường trong đấu tranh phòng, chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng. Bởi vậy, nhiều ý kiến cho rằng việc ngăn chặn vi phạm trên môi trường mạng cần có nguồn nhân lực, nhất là công cụ, phương pháp phù hợp chứ không thể “tay không bắt giặc”.

Ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Cục nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương cho rằng, việc ứng dụng công nghệ trong truy xuất nguồn gốc sẽ là giải pháp hữu hiệu, không chỉ giúp các cơ quan quản lý nhà nước thuận lợi hơn trong công tác chống hàng giả, hàng nhái, mà còn giúp các doanh nghiệp bảo vệ thương hiệu, giúp người tiêu dùng nhận biết được các sản phẩm chính hãng.

"Tiến tới thực hiện Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Đề án 319 về chống hàng giả, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử cũng như Công điện mới nhất số 56 của Thủ tướng ngày 6/6/2024 yêu cầu các bộ ngành, địa phương tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số, thì việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa cực kỳ quan trọng.

Bộ Công Thương chịu trách nhiệm chính về thương mại điện tử và thương mại truyền thống. Mục tiêu chính của lực lượng quản lý thị trường là kiểm tra, giám sát hàng hóa; bảo đảm thực hiện đúng các quy định của pháp luật, vì lợi ích người tiêu dùng".

Thực tế hiện nay, trên thị trường có rất nhiều giải pháp công nghệ về truy xuất nguồn gốc nhưng chúng ta vẫn chưa kiểm soát được chất lượng, độ tin cậy, cũng như mức độ chuẩn hóa quốc tế của các giải pháp này.

Để giải quyết vấn đề trên, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư số 02 (vừa có hiệu lực từ 1/6/2024) quy định về quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa. Thông tư yêu cầu các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh, dịch vụ khi kết nối với Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hoá quốc gia sẽ phải bảo đảm tối thiểu 10 thông tin như: Tên và hình ảnh sản phẩm; Tên, địa chỉ đơn vị sản xuất; Các công đoạn trong sản xuất; Thời gian sản xuất; Mã truy xuất nguồn gốc sản phẩm; Số sê-ri; Hạn sử dụng; Các tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế.

Hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa bảo đảm các nguyên tắc sau: “Một bước trước - một bước sau” bảo đảm khả năng giám sát, nhận diện được công đoạn sản xuất, kinh doanh trước và công đoạn sản xuất, kinh doanh tiếp theo trong quá trình sản xuất, kinh doanh đối với một sản phẩm, hàng hóa;

Nguyên tắc “sẵn có của phần tử dữ liệu chính”: các phần tử dữ liệu chính phải được thu thập, lưu trữ và cập nhật kịp thời trong các báo cáo thông tin chi tiết về các sự kiện quan trọng trong quá trình sản xuất và chuỗi cung ứng;

Nguyên tắc “Minh bạch”: hệ thống truy xuất nguồn gốc phải đạt yêu cầu về tính minh bạch tối thiểu bằng cách sử dụng dữ liệu tĩnh về khách hàng, bên cung ứng, sản phẩm và các điều kiện sản xuất;

Nguyên tắc “Sự tham gia đầy đủ các bên truy xuất nguồn gốc”: hệ thống truy xuất nguồn gốc phải có sự tham gia của đầy đủ các bên truy xuất nguồn gốc của tổ chức.

Hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa của tổ chức, cá nhân bảo đảm đầy đủ quá trình truy xuất nguồn gốc theo các quy định trong tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực tương ứng với chủng loại sản phẩm, hàng hóa và được công bố phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng. Căn cứ để công bố phù hợp dựa trên kết quả tự đánh giá của tổ chức, cá nhân hoặc kết quả chứng nhận của tổ chức chứng nhận được chỉ định theo quy định của pháp luật.

Theo Tạp chí Chất lượng Việt Nam

(https://vietq.vn/chong-hang-gia-tren-mang-khong-the-tay-khong-bat-giac-d222466.html)