Ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý nông sản

09:46, 06/06/2024

Ngành nông nghiệp Hà Nội đang ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng và phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa theo hướng thống nhất, chuẩn hóa. Qua đó, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người tiêu dùng, phù hợp với xu hướng phát triển về truy xuất nguồn gốc trên thế giới và yêu cầu phát triển công nghệ hiện nay.

Hiện nay nhiều đơn vị sản xuất nông nghiệp đã sử dụng mã QR để người tiêu dùng dễ truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Ảnh: VGP/TT.

Là hợp tác xã sản xuất các sản phẩm nông sản an toàn, anh Nguyễn Thế Lâm, Giám đốc hợp tác xã nông nghiệp Khánh Phong, xã Tiến Thịnh, huyện Mê Linh cho biết: Để tạo dựng niềm tin với người tiêu dùng sản phẩm nông sản an toàn, hợp tác xã cũng đã sử dụng mã QR code để truy xuất nguồn gốc cũng như quy trình sản xuất các sản phẩm để người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn các sản phẩm của hợp tác xã.

Với hơn 200 ha rau của xã Văn Đức, huyện Gia Lâm đã được cấp mã vùng chuyên canh rau và 40 ha được cấp mã vùng trồng xuất khẩu. Ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc HTX rau an toàn Văn Đức chia sẻ: Nhiều năm nay, xã Văn Đức đã có nhiều sản phẩm nông sản xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc, Đài Loan và một số nước Châu Á khác cho thấy việc ứng dụng công nghệ trong đăng ký QRcode tích hợp với thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, như: Quy trình sản xuất, thu hoạch, đóng gói..., từ đó tạo được niềm tin với người tiêu dùng.

Ngành nông nghiệp Thủ đô đã hỗ trợ các hợp tác xã, doanh nghiệp phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản, thực phẩm thành phố Hà Nội tại địa chỉ (https://check.hanoi.gov.vn). Hiện tại, hệ thống đã cấp tài khoản tham gia quản lý cho 3.430 cơ sở là các hợp tác xã, cơ sở sản xuất, chế biến, sơ chế, đóng gói nông, lâm sản và thủy sản với trên 13.300 bộ mã truy xuất nguồn gốc sản phẩm. 

Ông Nguyễn Mạnh Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết: Việc ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng mã QR Code đang góp phần minh bạch hóa sản phẩm nông sản an toàn, truy xuất nguồn gốc xuất xứ để người tiêu dùng yên tâm khi sử dụng sản phẩm.

Việc ứng dụng hệ thống thông tin trong quản lý chuỗi nông sản an toàn đã giúp các hợp tác xã, doanh nghiệp chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp thuần túy sang nền nông nghiệp hiện đại. Ngoài ra, nhờ ứng dụng thương mại điện tử qua các nền tảng mạng xã hội: Facebook, Zalo, TikTok…, đã giúp người sản xuất kết nối trực tiếp với người tiêu dùng.

Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ

(https://thanglong.chinhphu.vn/ung-dung-cong-nghe-thong-tin-vao-quan-ly-nong-san-103240605174504044.htm)