Phát triển công nghệ thông tin thành ngành công nghiệp xứng tầm
Ngày nay, công nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) đã tự khẳng định là một trong những ngành có sự tăng trưởng tích cực nhất, đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế đất nước. Vì vậy, phát triển công nghiệp CNTT trở thành ngành kinh tế mũi nhọn được coi là xu hướng tất yếu, hỗ trợ đắc lực cho nền kinh tế Việt Nam phát triển bền vững và thực hiện các cam kết quốc tế trong quá trình hội nhập.
Công nghiệp công nghệ thông tin khẳng định vai trò quan trọng
Công nghệ thông tin ngày càng khẳng định vai trò là động lực phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Điều này được nhấn mạnh trong các văn kiện quan trọng của Đảng và Nhà nước như: Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị (Khóa XII) đã chỉ rõ định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với quan điểm phát triển công nghiệp CNTT, công nghiệp điện tử là con đường chủ đạo; phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo là trung tâm; phát triển công nghiệp chế tạo thông minh là bước đột phá; chú trọng phát triển công nghiệp xanh. Chủ trương đến năm 2030, tập trung ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp: CNTT và viễn thông, công nghiệp điện tử ở trình độ tiên tiến của thế giới, đáp ứng được yêu cầu của cuộc CMCN 4.0 nhằm tạo ra nền tảng công nghệ số cho các ngành công nghiệp khác.
Trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng, công nghiệp CNTT (công nghiệp ICT, công nghiệp công nghệ số) được xác định là một phần quan trọng trong quá trình chuyển đổi số, nhằm cung cấp các công nghệ cơ bản, góp phần thay đổi toàn diện cả về tổ chức, quy trình kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp đến sự tham gia của con người trong quá trình thực hiện.
Đến nay, khung pháp lý tổng thể về công nghiệp CNTT đang được quan tâm tích cực và ngày càng hoàn thiện. Trước tiên phải kể đến Luật CNTT năm 2006 với 4 thành phần chính, gồm: Nghiên cứu - phát triển (R&D), phát triển nguồn nhân lực, phát triển công nghiệp CNTT, phát triển dịch vụ CNTT. Trong đó, các cấu phần của ngành công nghiệp CNTT được quy định tại Luật bao gồm các loại hình: Công nghiệp phần cứng, điện tử; công nghiệp phần mềm; công nghiệp nội dung số; khu CNTT tập trung. Bên cạnh Luật, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 71/2007/NĐ-CP ngày 03/5/2007 quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều về công nghiệp CNTT của Luật CNTT; Nghị định số 154/2013/NĐ-CP ngày 08/11/2013 quy định về khu CNTT tập trung và Quyết định số 2407/QĐ- TTg ngày 31/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển khu CNTT tập trung đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 để tạo hành lang pháp lý phát triển khu CNTT tập trung. Thêm vào đó, triển khai Chiến lược phát triển công nghiệp công nghệ số Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 còn được xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển nền móng kinh tế số và xã hội số, để phát triển doanh nghiệp số.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2023, doanh thu công nghiệp CNTT đạt khoảng 142 tỷ USD; khoảng 1.500 doanh nghiệp công nghệ số có doanh thu từ thị trường nước ngoài (tăng gần 4% so với năm 2022). Kim ngạch xuất khẩu ngành hàng điện tử, máy tính và linh kiện, điện thoại và linh kiện năm 2023 dù có sự sụt giảm so với năm 2022, chỉ đạt 110,5 tỷ USD nhưng vẫn giữ vai trò chủ lực trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (Global Innovation Index - GII) của Việt Nam được cải thiện đáng kể trong những năm gần đây. Năm 2023, Việt Nam được xếp hạng 46/132 quốc gia, nền kinh tế, tăng 13 bậc kể từ vị trí thứ 59 năm 2016. Trong đó, Việt Nam tiếp tục có sự cải thiện thứ hạng đầu vào của đổi mới sáng tạo, tăng 2 bậc so với năm 2022 (từ vị trí 59 lên 57); đầu ra của đổi mới sáng tạo tăng 1 bậc so với năm 2022 (từ vị trí 41 lên 40).
Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) đánh giá, Việt Nam là 1 trong 7 quốc gia thu nhập trung bình đạt được nhiều tiến bộ nhất về đổi mới sáng tạo trong thập kỷ qua và là 1 trong 3 quốc gia giữ kỷ lục có thành tích vượt trội so với mức độ phát triển trong 13 năm liên tiếp. Khẳng định được vai trò lớn trong ngành công nghệ phần mềm thế giới, khi liên tục cải thiện thứ hạng và lọt Top 30 thế giới về gia công phần mềm.
Với những thành tựu công nghệ nhất định, cùng nền kinh tế năng động và chính sách cởi mở, Việt Nam trở thành điểm sáng đầu tư của nhiều tập đoàn công nghệ trên thế giới như IBM, Intel, Microsoft, Samsung… Các tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ trong nước như: FPT, VNPT, Viettel, VinGroup... hứa hẹn phát triển vượt bậc hơn nữa trong tương lai.
Ảnh minh hoạ.
Giải pháp phát triển công nghiệp CNTT thành ngành kinh tế mũi nhọn
Phát triển công nghiệp CNTT được kỳ vọng sẽ tạo động lực to lớn, là con đường ngắn nhất và nhanh nhất để thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng đất nước văn minh, giàu mạnh, tự lực, tự cường. Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch) mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 36/QĐ-TTg ngày 11/01/2024 vừa qua đã xác định công nghiệp công nghệ số là ngành công nghiệp nền tảng, cần có cơ chế chính sách đặc biệt để thúc đẩy phát triển.
Quy hoạch đặt ra định hướng phát triển công nghiệp công nghệ thông tin dựa trên các công nghệ số như Trí tuệ nhân tạo AI, dữ liệu lớn Big Data, chuỗi khối, điện toán đám mây, Internet vạn vật…; tăng cường ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số trong mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội để hình thành công nghiệp công nghệ số. Trọng tâm phát triển nhanh và bền vững của Ngành là chuyển dịch từ lắp ráp, gia công sáng tạo ra những sản phẩm, dịch vụ điện tử, viễn thông, CNTT Make in Viet Nam, góp phần tạo không gian phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và tham gia sâu vào những công đoạn có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị sản xuất công nghiệp công nghệ số thế giới.
Để phát triển công nghệ CNTT theo Quy hoạch, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025, hình thành và triển khai đề án, dự án 12-14 khu công nghệ thông tin tập trung và thành viên chuỗi khu công viên phần mềm trên cả nước; xây dựng một số khu CNTT tập trung ở các tỉnh, thành phố có đủ điều kiện; ưu tiên triển khai các khu CNTT tập trung có các dự án thành lập trung tâm R&D, sản xuất các sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam phục vụ cho chuyển đổi số quốc gia. Đến năm 2030, hình thành 16-20 khu công nghệ thông tin tập trung và thành viên chuỗi khu công viên phần mềm Thu hút đầu tư, phát triển mạnh các khu CNTT tập trung tại các thành phố trực thuộc Trung ương và một số vùng có sự phát triển mạnh về công nghiệp CNTT. Nâng cấp, mở rộng kết nối các khu CNTT tập trung tại một số địa phương trong vùng trở thành các khu CNTT tập trung lớn của khu vực, trong đó có các trung tâm R&D của các tập đoàn công nghệ lớn quốc tế.
Các khu CNTT tập trung đem lại cơ sở hạ tầng kỹ thuật và môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp lĩnh vực CNTT hoạt động, là vườn ươm cho doanh nghiệp mới phát triển, cho hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Đồng thời, đây còn là nơi đặt những trung tâm đào tạo nhân lực quan trọng cho cả nước nói chung và ngành CNTT nói riêng. Khi được đưa vào khai thác, sử dụng sẽ tạo ra hệ sinh thái, nâng cao năng lực cạnh tranh và hàm lượng sản phẩm CNTT Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu./.
Theo Tạp chí in số 1 tháng 4/2024