Chủ tịch Linagora: Việt Nam nên phát triển một chiến lược chính thức về mã nguồn mở

15:09, 07/05/2024

Ông Alexandre Zapolsky, Chủ tịch kiêm đồng sáng lập Linagora cho rằng Chính phủ Việt Nam nên tài trợ việc nghiên cứu, phát triển và hỗ trợ tăng trưởng quy mô các phần mềm được sản xuất tại Việt Nam. Trong đó, chương trình “Make in Vietnam” sẽ là tiền đề để phát triển hơn nữa các công nghệ, đặc biệt là các phần mềm mở được tạo ra, sản xuất tại Việt Nam.

Chuyên gia về phần mềm nguồn mở Alexandre Zapolsky.

PV: Ông thấy việc ứng dụng mã nguồn mở tại Việt Nam và Pháp hiện nay như thế nào?

Ông Alexandre Zapolsky: Tôi thấy có sự khác nhau về mức độ tiếp nhận mã nguồn mở của hai nước. Tại Pháp, mức độ tiếp nhận và sử dụng sản phẩm nguồn mở mạnh mẽ hơn, nhiều công ty ở Pháp và cả chính phủ cũng sử dụng nhiều sản phẩm nguồn mở. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhiều lần lên tiếng ủng hộ mã nguồn mở tại các sự kiện công nghệ.

Ở Việt Nam, tôi thấy mức độ tiếp nhận sản phẩm nguồn mở thấp hơn, tuy nhiên lại có nhiều hơn các startup tham gia theo cách tiếp cận nguồn mở hoặc phát triển sản phẩm nguồn mở. Thế hệ trẻ Việt Nam đông đảo và nhiều người muốn trở thành kỹ sư, họ muốn phát triển sự nghiệp là một nhà phát triển, lập trình viên. Và ngày nay khi bạn là một nhà phát triển phần mềm, bạn nên quan tâm đến mã nguồn mở.

Ở cấp quốc gia, tôi nghĩ cả Pháp và Việt Nam nên phát triển một chiến lược chính thức về mã nguồn mở. Bản thân tôi đã tham gia rất nhiều vào quá trình thúc đẩy chính phủ Pháp để phát triển chiến lược này và tôi nghĩ rằng Việt Nam cũng nên có một quyết định chiến lược về mã nguồn mở và chủ quyền kỹ thuật số. Chúng ta cũng có thể học hỏi từ nhau từ nhau để phát triển nguồn mở và công nghệ mở.

PV: Ông có nhắc đến chủ quyền kỹ thuật số, đó là gì và tại sao lại là mã nguồn mở tạo ra chủ quyền kỹ thuật số?

Ông Alexandre Zapolsky: Chủ quyền số có thể hiểu là khả năng quản lý sự phụ thuộc kỹ thuật số của bạn, hoặc tổ chức của bạn với các đơn vị cung cấp. Nếu bạn phụ thuộc vào các nhà cung cấp phần mềm hoặc giải pháp thương mại quốc tế không mở, bạn có thể đang gặp rủi ro.

Một thay đổi về địa chính trị có thể khiến bạn không còn có quyền truy cập vào hệ thống CNTT của chính mình nữa. Chúng ta không thể có chủ quyền số nếu không làm chủ công nghệ.

Và với nguyên tắc thiết kế của mã nguồn mở, bạn không chỉ dễ dàng tiếp cận hơn mà còn hoàn toàn độc lập, không bị phụ thuộc vào bất đơn vị cung cấp phần mềm cụ thể nào, từ quốc gia nào.

Điều đó đặc biệt đúng với trí tuệ nhân tạo như hiện nay. Quan trọng nhất trong mô hình ngôn ngữ lớn và AI là dữ liệu. Đối với những mô hình ngôn ngữ độc quyền, bộ dữ liệu họ sử dụng không được công bố. Họ huấn luyện bộ dữ liệu đó theo cách của họ. Khi đó, bên sử dụng sẽ không thể kiểm soát dữ liệu đầu vào và đầu ra. Điều này sẽ tạo ra một rủi ro lớn khi có thể bị phụ thuộc vào tầm nhìn của một cá nhân hay doanh nghiệp. Rủi ro dễ thấy nhất là AI có thể tạo ra một câu trả lời không phù hợp với sự kiểm soát của riêng bạn, với chính trị và văn hóa của quốc gia bạn.

Ngoài ra, tôi cho rằng AI phải tôn trọng sự đa dạng. Trong tự nhiên, chúng ta cần sự đa dạng sinh học thì trong thế giới kỹ thuật số cũng nên như vậy. Chúng ta không nên chỉ có một hoặc một vài mô hình trí tuệ nhân tạo. Chúng ta cần có một sự đa dạng của các mô hình trí tuệ nhân tạo và đó là những gì mà mã nguồn mở LLM mở sẽ mang lại cho thế giới.

PV: Có lợi ích như vậy nhưng những công ty thành công nhất vẫn là mã nguồn đóng. Có thách thức gì trong việc ứng dụng mã nguồn mở không?

Ông Alexandre Zapolsky: Tôi muốn đề cập đến OpenAI. Thật đáng tiếc khi mà tên gọi là “Open AI” nhưng nó lại là công nghệ đóng. Tuy nhiên trong tương lai, tôi không nghĩ rằng người chiến thắng sẽ cuối cùng là OpenAI, mà đó sẽ là một công ty sử dụng mã nguồn mở. Một công ty trí tuệ nhân tạo mã nguồn mở thực sự sẽ trở thành lãnh đạo trên thị trường.

Về thị trường công nghệ nói chung, tôi cho rằng sức mạnh thống trị của công ty hàng đầu công nghệ GAFAM (Google, Amazon, Facebook, Apple, Microsoft), một phần đến từ sức mạnh tài chính của họ. Họ có thể tạo ra rào cản trong thị trường công nghệ, làm cho việc cạnh tranh với mã nguồn mở trở nên khó khăn hơn.

Mã nguồn mở có thể dễ tiếp cận cho nhà phát triển, nhưng việc truyền thông và thuyết phục người dùng sử dụng các giải pháp mã nguồn mở đòi hỏi ngân sách hay nguồn lực đáng kể. Hiện nay giá trị vốn hóa của GAFAM có thể nhiều hơn cả ngân sách của Pháp. Tuy nhiên, bất chấp những thách thức lớn như vậy, ngày càng nhiều người nhận ra rằng mã nguồn mở có lợi cho toàn cầu, cho cá nhân và cho xã hội nói chung.

Sự phổ biến của mã nguồn mở đang tăng lên, đặc biệt là trong thế hệ trẻ, họ ngày càng có xu hướng sử dụng và quảng bá các giải pháp mã nguồn mở hơn các giải pháp độc quyền. Tôi tin rằng chúng ta vẫn đang ở giai đoạn đầu của cuộc hành trình này và thế giới sẽ tiếp tục tiến về việc chấp nhận mã nguồn mở nhiều hơn.

PV: Vậy các nước châu Âu đã làm gì để bảo vệ chủ quyền số và ông có lời khuyên gì cho Việt Nam trong việc này?

Ông Alexandre Zapolsky: Ở châu Âu, 80% thị trường phần mềm được cung cấp bởi các hãng từ Mỹ. Đó là một con số khổng lồ và đến lúc chúng tôi nhận ra “đã đủ rồi”, không thể mãi là một con mồi được. Từ đó, chúng tôi quyết liệt hơn để bảo vệ lợi ích của mình.

Để làm được điều đó, bạn cần phát triển cơ sở hạ tầng số cốt lõi của mình dựa trên nền tảng mã nguồn mở. Những trụ cột của hạ tầng công nghệ số có thể kể đến như hệ điều hành, công cụ quản lý, khai thác dữ liệu… cần được xây dựng dựa trên mã nguồn mở. Chúng tôi đã xây dựng một sáng kiến gọi là "Cơ sở hạ tầng Công cộng số" - Digital Public Infrastructure và chúng được xây dựng trên các tiêu chuẩn mở với các công cụ phần mềm mã nguồn mở.

Và tôi nghĩ mỗi quốc gia nên có khả năng quản lý hạ tầng của mình, không nên phụ thuộc vào bất kỳ quốc gia nào khác. Ở Việt Nam, tôi thấy một số công ty rất thành công về việc xây dựng chủ quyền kỹ thuật số như là VNPT, Viettel. Họ sử dụng những công nghệ mở với sự trợ giúp của một số chuyên gia và tổ chức nước ngoài và họ toàn toàn độc lập trong hạ tầng công nghệ

Xa hơn, tôi nghĩ rằng Việt Nam nên phát triển các chương trình tài trợ nghiên cứu và phát triển, để tài trợ phát triển và hỗ trợ tăng trưởng quy mô của các phần mềm được sản xuất tại Việt Nam.

PV: Vậy việc phát triển AI nguồn mở ở Việt Nam thì sao?

Ông Alexandre Zapolsky: Khi càng có nhiều công ty phát triển dựa trên mã nguồn mở thì công ty độc quyền sẽ càng giảm. Vì vậy, điều mà tôi nghĩ là bạn cần phải sẵn sàng để làm LLM mã nguồn mở. Khi đã có nền tảng này đủ tốt và được các nhà phát triển chấp nhận, việc mở cửa công nghệ sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.

Ngay cả ở những công ty lớn đã đề cập ở trên, như Meta, họ đã bắt đầu sử dụng mã nguồn mở trong các mô hình ngôn ngữ lớn LLama 1, LLama 2 để cạnh tranh với OpenAI. Elon Musk cũng đã quyết định làm LLM mã nguồn mở Grok AI. Và vì vậy, nếu bạn không làm LLM mã nguồn mở, bạn có thể sẽ chậm chân so với thế giới.

Tôi nghĩ giải pháp cho Việt Nam sẽ là "Le saut de grenouille”, hay Leap frog. Hiểu đơn giản là bạn không cần phải cạnh tranh bằng cách làm theo những gì những người khác đã làm, mà cần nhảy vọt thẳng đến điểm tiếp theo. Và điểm tiếp theo chính là trực tiếp phát triển mô hình LLM nguồn mở thực sự.

PV: Vì sao ông lại khởi xướng việc thành lập cộng đồng mã nguồn mở có chủ quyền tại châu Âu?

Ông Alexandre Zapolsky: Một quốc gia không thể có chủ quyền số nếu họ không làm chủ công nghệ nguồn mở. Mã nguồn mở giúp chúng ta hoàn toàn không bị phụ thuộc vào bất đơn vị cung cấp phần mềm cụ thể nào.

Điều này đặc biệt đúng với trí tuệ nhân tạo. Nếu bạn không có một mô hình ngôn ngữ lớn mở (OpenLLM), bạn sẽ phụ thuộc vào một hệ thống mô hình ngôn ngữ lớn độc quyền. Hầu hết các hệ thống nền tảng này sẽ đến từ Mỹ hoặc Trung Quốc.

Những mô hình ngôn ngữ độc quyền sẽ sử dụng bộ dữ liệu không công bố. Nhà phát triển huấn luyện AI bằng bộ dữ liệu đó theo cách của họ. Việc không thể kiểm soát dữ liệu đầu vào, đầu ra sẽ tạo ra một rủi ro lớn đối với người sử dụng AI đóng có thể tạo ra một câu trả lời không phù hợp về văn hóa hay lợi ích địa chính trị của quốc gia bạn. Ví dụ, AI sẽ trả lời thế nào nếu được hỏi về một vùng lãnh thổ đang có tranh chấp giữa nhiều quốc gia? Theo tôi, không một quốc gia nào nên bị phụ thuộc vào tầm nhìn của các quốc gia khác

Không nên chỉ có một hoặc một vài mô hình trí tuệ nhân tạo như OpenAI từ Mỹ hay Baidu AI từ Trung Quốc. Chúng ta cần có sự “đa dạng sinh học” trong môi trường kỹ thuật số, với sự xuất hiện của nhiều mô hình trí tuệ nhân tạo khác nhau. Đó là những gì mã nguồn mở LLM có thể mang lại cho thế giới.

Ông Alexandre Zapolsky và các chuyên gia của Linagora tại văn phòng Việt Nam.

PV: Từ góc nhìn của ông, chủ quyền số có ý nghĩa thế nào đối với các quốc gia?

Ông Alexandre Zapolsky: Tôi sẽ lấy ví dụ về cuộc xung đột ở Ukraine. Chúng ta đã thấy điều gì xảy ra với nước Nga khi bị tách khỏi hầu hết các nhà cung cấp phần mềm từ Mỹ.

Do sức ép từ các lệnh trừng phạt, MongoDB - một công ty về giải pháp dữ liệu đã chặn toàn bộ truy cập dịch vụ của tất cả các công ty và cơ quan có liên quan tới yếu tố Nga. Chỉ trong một ngày, những tổ chức này không còn có quyền truy cập vào dữ liệu của họ nữa.

Tồi tệ hơn nữa, chỉ sau đó một thời gian, MongoDB quyết định hủy toàn bộ các dữ liệu trên. Điều đó khiến khách hàng tại Nga của nhà cung cấp phần mềm độc quyền này mất hoàn toàn quyền khôi phục dữ liệu từ dịch vụ mà họ phụ thuộc

Đây là một ví dụ cụ thể về tầm quan trọng của chủ quyền số, nhất là với những dịch vụ như dữ liệu. Nếu bạn phụ thuộc vào các nhà cung cấp phần mềm hoặc giải pháp thương mại quốc tế không mở, bạn đang gặp rủi ro. Bạn có thể sẽ không còn quyền truy cập vào hệ thống CNTT của chính mình trong một ngày nào đó.

Để tránh điều đó xảy ra, bạn cần phát triển cơ sở hạ tầng số cốt lõi của mình dựa trên nền tảng mã nguồn mở. Đây là điều chúng tôi đã xây dựng ở Pháp và Châu Âu, một sáng kiến gọi là “cơ sở hạ tầng công cộng số” (Digital Public Infrastructure). Chúng được xây dựng dựa trên các tiêu chuẩn mở với các công cụ phần mềm mã nguồn mở.

PV: Tại sao mã nguồn mở với nhiều ưu điểm như vậy thế nhưng lại không quá phổ biến?

Ông Alexandre Zapolsky: Thách thức của mã nguồn mở chính là sức mạnh thống trị đến từ GAFAM (Google, Amazon, Facebook, Apple, Microsoft). Giá trị vốn hóa của GAFAM thậm chí vượt toàn bộ ngân sách nước Pháp. Những gã khổng lồ công nghệ này có sức mạnh tiền bạc, tài chính và đòn bẩy kinh tế lớn tới từ ngân sách quảng cáo, tiếp thị, vận động hành lang chính sách.

Họ tạo ra rào cản thị trường công nghệ, khiến khả năng cạnh tranh của mã nguồn mở trở nên khó khăn. Việc truyền thông, thuyết phục người dùng sử dụng các giải pháp mã nguồn mở cũng đòi hỏi một khoản ngân sách hay nguồn lực đáng kể..

Tuy nhiên, bất chấp những thách thức, ngày càng nhiều người nhận ra rằng mã nguồn mở có lợi cho hành tinh, cho cá nhân và cho xã hội nói chung. Sự phổ biến của mã nguồn mở đang tăng lên, đặc biệt là trong thế hệ trẻ. Tôi tin rằng chúng ta vẫn đang ở giai đoạn đầu của cuộc hành trình này và thế giới sẽ ngày càng chấp nhận mã nguồn mở.

PV: Ông có lời khuyên gì đối với Việt Nam trong việc bảo vệ chủ quyền số quốc gia?

Ông Alexandre Zapolsky: Mỗi quốc gia nên có khả năng quản lý hạ tầng của mình, không nên phụ thuộc vào bất kỳ quốc gia nào khác. Ở Việt Nam, tôi thấy một số công ty rất thành công trong xây dựng chủ quyền số. Họ sử dụng những công nghệ mở với sự trợ giúp của một số chuyên gia và tổ chức nước ngoài, nhưng vẫn toàn toàn độc lập trong hạ tầng công nghệ.

Ở Pháp và các nước châu Âu, có rất nhiều chương trình tài trợ cho các công ty mã nguồn mở. Ví dụ Linagora đang được tài trợ bởi một vài đơn vị để phát triển một giải pháp có tên Twake workplace nhằm thay thế Microsoft 365..

Những trụ cột của hạ tầng số gồm: hệ điều hành, quản lý, thư mục, dữ liệu… cần được xây dựng dựa trên mã nguồn mở. Tôi nghĩ Chính phủ Việt Nam nên tài trợ việc nghiên cứu, phát triển và hỗ trợ tăng trưởng quy mô các phần mềm được sản xuất tại Việt Nam.

Diễn đàn “Make in Vietnam” dựa trên sáng kiến của Bộ TT&TT là một chương trình rất tốt để vinh danh các sản phẩm sản xuất trong nước. Tuy nhiên, để công nghệ nguồn mở phát triển hơn nữa, Việt Nam cần có cơ chế tài chính mạnh mẽ hơn nhằm hỗ trợ cho các đơn vị sản xuất công nghệ mở.

Việt Nam có phần nào đó giống với Ấn Độ. Trong nhiều năm qua, Ấn Độ đã làm tốt việc gia công phần mềm, tuy nhiên họ cũng đang dần chuyển giao, làm chủ và xuất khẩu công nghệ.

Chương trình “Make in Vietnam” sẽ là tiền đề để phát triển hơn nữa các công nghệ, đặc biệt là các phần mềm mở được tạo ra, sản xuất tại Việt Nam.

PV: Ông có chia sẻ gì về công nghệ nguồn mở, vì sao nên phát triển và phổ biến công nghệ này? Hướng đi của công ty khi lựa chọn con đường này là gì?

Ông Alexandre Zapolsky: Nguồn mở là hoàn toàn cơ bản vì nguồn mở là ở trung tâm của Internet. Không có nguồn mở sẽ không có sự phát triển của Internet như chúng ta đã biết.

Ngoài ra, nguồn mở tạo cho tất cả mọi người khả năng phát triển phần mềm. Và ngày nay, khi bạn là một nhà phát triển phần mềm, hay một sinh viên, và bạn muốn tạo ra một giải pháp kỹ thuật số mới, điều đầu tiên bạn làm là tìm xem liệu có gì trên Internet không, nếu họ tìm thấy ở nguồn mở, họ sẽ bắt đầu sử dụng chúng và phát triển các giá trị gia tăng.

Và vì thế nguồn mở là một quá trình đổi mới liên tục. Trên hết, nó cho phép những người mới tham gia tìm được chỗ đứng trên thị trường và do đó mọi người thực sự có thể đóng góp cho sự đổi mới toàn cầu.

Tóm lại, mã nguồn mở vừa là chất lượng của Internet mà còn là tương lai của Internet và công nghệ số. Nguồn mở có ở khắp mọi nơi và do đó nó cực kỳ quan trọng. Và hơn nữa, nguồn mở cho phép các quốc gia phát triển chủ quyền kỹ thuật số của họ. Nó cho phép bạn ít phụ thuộc hơn, đặc biệt là các nhà cung cấp phần mềm lớn, các nhà cung cấp phần mềm lớn của Mỹ và Trung Quốc.

Cuối cùng, tất cả các quốc gia, ngoại trừ Hoa Kỳ và Trung Quốc, đều quan tâm đến việc phát triển một công nghệ kỹ thuật số thay thế, dựa trên phần mềm tự do, và phát triển chủ quyền kỹ thuật số của họ. Đây là những gì tôi gọi là đa dạng sinh học trong kỹ thuật số.

Điều này đang bắt đầu trên khắp thế giới, mọi người hiểu rằng trên hết chúng ta không nên phụ thuộc vào một hoặc vào một số phần mềm. Không nên rơi vào tình trạng độc quyền hoặc độc quyền nhóm và quan trọng là phải có nhiều sự lựa chọn đa dạng. Giống như trong tự nhiên, đa dạng sinh học là cần thiết trong lĩnh vực kỹ thuật số.

Đa dạng sinh học kỹ thuật số là hoàn toàn thiết yếu và tất cả những điều đó, nguồn mở, chủ quyền kỹ thuật số, đa dạng sinh học kỹ thuật số, là cái mà tôi gọi là “Con đường kỹ thuật số thứ ba”, với ý tưởng rằng có một con đường kỹ thuật số thay thế cho kỹ thuật số của Mỹ và Trung Quốc.

Và về cơ bản, con đường kỹ thuật số thứ ba này không chỉ là con đường của Châu Âu, của Pháp, đây là con đường mà tất cả các quốc gia có thể đi theo, ví dụ như Ấn Độ, các nước Châu Phi, cả Đông Nam Á, các nước như Việt Nam đều quan tâm đến việc phát triển công nghệ số khác với Mỹ hoặc Trung Quốc. Và để làm được điều này, chúng ta phải cộng tác cùng nhau. Chúng ta phải làm việc cùng nhau, giữa những người châu Âu, giữa người Việt Nam, với người Ấn Độ, với phần còn lại của thế giới để phát triển công nghệ kỹ thuật số thay thế này.

Ông Alexandre Zapolsky là chuyên gia về phần mềm nguồn mở, thành viên của Ủy ban Kỹ thuật số Quốc gia Pháp. Ngay từ khi còn là sinh viên, ông đã sáng lập công ty phần mềm Linagora và phát triển đến nay. 

PV: Những thuận lợi và khó khăn của Công ty khi theo đuổi lĩnh vực phần mềm mã nguồn mở ?

Ông Alexandre Zapolsky: Ưu điểm là chúng tôi giảm được rào cản đầu tư, rào cản gia nhập đầu tư cần thiết để tạo ra giải pháp tốt, nghĩa là trong nguồn mở, chúng tôi không bao giờ phát minh ra toàn bộ phần mềm, trên thực tế, chúng tôi mang đến các yếu tố có giá trị gia tăng và mỗi yếu tố mang lại một phần giá trị gia tăng. Cuối cùng, đó là một quá trình đổi mới liên tục. Vì vậy, điều đó giúp giảm các rào cản đầu tư.

Chúng tôi có khả năng làm tốt như những gã khổng lồ internet, những công ty công nghệ lớn nổi tiếng, nhưng với số tiền ít hơn họ rất nhiều.

Mặt khác, chúng tôi cũng giảm được chi phí về phân phối vì nguồn mở có sẵn trên Internet và bất kỳ ai cũng có thể truy cập và kiểm tra xem giải pháp có thực sự phù hợp với nhu cầu của họ hay không. Bạn ít cần nhân viên bán hàng hơn và giảm chi phí cho truyền thông và tiếp thị vì mọi người đều có thể biết đến phần mềm của bạn.

Hãy lấy ví dụ một trong những phần mềm của Linagora, chẳng hạn như Twake Work Place, có sẵn trên Internet và vì vậy bất kỳ ai cũng có thể thấy, tải xuống và nhận ra rằng đó là một phần mềm tốt, không cần phải có người bán hàng hay thực hiện một chiến dịch quảng cáo, v.v.

Nói tóm lại, nó cho phép bạn làm tốt như những gã khổng lồ với chi phí thấp hơn nhiều và phân phối phần mềm của bạn trên toàn thế giới. Vì vậy đây là những lợi thế lớn của nguồn mở.

Mặt trái của điều này là bạn cho phép mọi người sử dụng phần mềm của bạn một cách tự do và miễn phí. Và do đó, bạn có một số lượng lớn người dùng sử dụng phần mềm của bạn nhưng không trả tiền cho bạn. Điều này là bình thường vì phần mềm tự do thực sự là phần mềm miễn phí và điều đó có nghĩa là bạn chấp nhận rằng một phần trong số những người dùng của bạn không đóng góp vào thành công của bạn, những người trên thực tế không tài trợ cho sự phát triển của bạn. Và điều đó cân bằng với các khoản đầu tư, đầu tư ít hơn thì thu nhập cũng sẽ ít hơn.

Tôi cho rằng dần dần sẽ có tỷ lệ một trên mười. Ví dụ như khi bạn làm ra doanh thu mười lăm triệu euro trong lĩnh vực nguồn mở thì cũng như việc kiếm được doanh thu từ một trăm năm mươi đến ba trăm triệu euro nếu bạn là một nhà sản xuất phần mềm truyền thống. Về việc sử dụng, vì phần lớn người dùng của chúng tôi không phải là khách hàng nên họ không trả tiền cho việc sử dụng phần mềm. Tuy vậy, việc này là cần thiết.

PV: Các sản phẩm của Công ty có lợi thế gì so với những ứng dụng khác trong cùng lĩnh vực trên thị trường hiện nay ?

Ông Alexandre Zapolsky: Các sản phẩm là một phần giá trị của công ty. Phải nói thêm rằng mã nguồn mở cũng là cách để thu hút những nhà phát triển giỏi nhất, những nhà phát triển giỏi nhất thế giới. Họ muốn làm việc trong lĩnh vực nguồn mở, họ muốn công việc của mình hữu ích, họ muốn đóng góp để làm cho xã hội tốt đẹp hơn, và do đó, những người tham gia phần mềm tự do là những người góp phần làm cho xã hội tốt đẹp hơn. Linagora là một công ty có sứ mệnh và sứ mệnh của chúng tôi là mang lại chủ quyền kỹ thuật số cho các quốc gia, phát triển tính độc lập về công nghệ của người dùng và khách hàng của chúng tôi, đồng thời đem lại tác động tích cực đến xã hội và hành tinh cũng như những người làm việc với chúng tôi. Đó là tại sao chúng tôi gọi là một công ty hoạt động theo sứ mệnh. Và vì vậy, chúng tôi không chỉ là một công ty ở đây để kiếm tiền mà còn góp phần cho một thế giới tốt đẹp hơn.

Chủ quyền kỹ thuật số, nói ngắn gọn, giống như chủ quyền. Điều này có nghĩa là bạn phải có khả năng lựa chọn sự phụ thuộc của mình, đặc biệt là có thể quản lý những sự phụ thuộc này. Và do đó, có những lĩnh vực việc phụ thuộc vào một quốc gia khác không phải là vấn đề nghiêm trọng lắm. Nhưng có những lĩnh vực mà việc phụ thuộc vào một quốc gia nào đó có thể là một khó khăn.

Và vì vậy khái niệm này, ở Châu Âu, nó ngày càng phát triển, bởi vì chúng tôi nhận ra rằng, chẳng hạn, trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo đang ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực, điều cực kỳ quan trọng là chúng tôi phải làm chủ các công nghệ trí tuệ nhân tạo của riêng mình ở Châu Âu, để không phụ thuộc vào các nhà cung cấp phần mềm của Mỹ và đặc biệt là vào công ty Mỹ có tên OpenAI, và do đó có khái niệm về chủ quyền số, khái niệm này ngày càng được phổ biến. Đó cũng là trọng tâm của các cuộc thảo luận của các bộ trưởng kỹ thuật số G20 ở Ấn Độ vài tháng trước. Và tôi biết rằng đây là chủ đề cũng được các cơ quan chức năng Việt Nam rất quan tâm. Và tôi tin họ có lý khi quan tâm đến chủ đề này. Việt Nam phải có khả năng lựa chọn vận mệnh kỹ thuật số của mình, và có thể lựa chọn những phụ thuộc nào có thể chấp nhận được và những phụ thuộc nào ít được chấp nhận hơn. Và vì vậy nó không phải là một chủ đề gây tranh cãi. Nó có thể là một chủ đề chính trị, nhưng theo nghĩa tốt của thuật ngữ này, có thể nói rằng đó là sự lựa chọn vì quốc gia, lựa chọn vì xã hội. Và đó là lý do tại sao nó có thể là một chủ đề chính trị, nhưng không phải là một chủ đề gây tranh cãi.

Quay trở lại cầu hỏi về thuận lợi và khó khăn khi phát triển phần mềm mã nguồn mở. Ưu điểm của nguồn mở là khi bạn phát triển nó, bạn luôn phát triển từ những viên gạch đã tồn tại và đã có sẵn. Và vì vậy, về cơ bản, bạn không cần phải phát minh ra mọi thứ. Bạn thực sự đang tiếp quản công việc do người khác khởi xướng. Bạn bổ sung cho nó và bạn thêm vào phần giá trị gia tăng của mình. Đây là điều được thực hiện bởi rất nhiều các nhà phát triển trên toàn thế giới. Họ đóng góp vào việc phát triển phần mềm tự do, điều này cho phép chúng ta có một lực lượng tập thể ấn tượng có khả năng cạnh tranh với những công ty toàn cầu lớn nhất, và như vậy sự đổi mới đến từ các cộng đồng phần mềm tự do. Hơn nữa, những người làm việc cùng nhau này chính là những gì chúng tôi gọi là cộng đồng phần mềm tự do. Và đó thực sự là một trong những điểm mạnh của phần mềm tự do, sức mạnh của việc cùng làm, cùng sáng tạo và đổi mới rất riêng của phần mềm tự do.

Một trong những điểm hạn chế rất riêng của phần mềm tự do, đó là ban đầu, nó dựa vào sự đóng góp của các cá nhân, các hội. Dù ngày càng có nhiều các công ty như Linagora chuyên về phần mềm tự do, nhưng ở quy mô vừa và nhỏ và do đó không có được có lực lượng hùng hậu như những gã khổng lồ phần mềm toàn cầu, những ông lớn công nghệ nổi tiếng. Và vì vậy, chắc chắn sẽ khó được biết đến và được công nhận hơn. Nhưng cuối cùng, bằng chứng là chúng ta thật may mắn khi được các báo lớn, và đài truyền hình của Việt Nam quan tâm đến những gì chúng ta đang làm ở đây, tại Linagora Việt Nam, trong lĩnh vực nguồn mở. Và như vậy giới truyền thông là đồng minh, người chơi trong phần mềm tự do. Điều này cho phép chúng tôi truyền thông rộng rãi và tiếp cận được nhiều người hơn.

Chúng tôi cũng nghĩ về điểm yếu về mặt truyền thông và tiếp thị bởi thực tế là chúng tôi làm việc rất nhiều bằng truyền miệng. Khi mọi người thực sự thích một giải pháp, họ sẽ nói cho người khác biết. Điều này cho phép chúng tôi giảm chi phí tiếp thị các giải pháp của mình. Ví dụ: chúng tôi tạo ra một giải pháp có tên Twake Work Place, một giải pháp giao tiếp và cộng tác. Nếu ai đó vào trang web Twake và nhận ra rằng đó là một giải pháp tốt, họ sẽ sử dụng nó cho chính mình và chắc chắn sẽ cho người khác biết về nó. Và vì vậy, bất kỳ ai cũng có thể xem Twake có thể làm gì và có đáp ứng được nhu cầu của họ không. Và rồi họ sẽ tải xuống giải pháp, sẽ cài đặt nó, và thế là chúng ta có hiệu ứng lan tỏa, truyền miệng là cách tiếp thị tốt nhất. Bởi vì khi có ai đó quen bạn nói với bạn giải pháp này là một giải pháp tốt, họ là người bán hàng giỏi nhất, người quen bạn là người nói với bạn rằng, bạn nên thử. Và do đó, nó phụ thuộc rất nhiều vào các mối quan hệ giữa con người, và nó thực sự là một trong những điểm mạnh của phần mềm tự do. Đây vừa là một trong những điểm yếu của nó, nhưng lại là một trong những điểm mạnh của nó.

Một trong những khó khăn mà chúng tôi có thể nhấn mạnh là khó khăn trong việc hiểu các đặc thù của mô hình nguồn mở. Chúng ta biết rõ về các mô hình phần mềm cổ điển. Có một sự đổi mới, một phần mềm, có giấy phép độc quyền và nếu muốn sử dụng nó, tôi phải trả tiền. Trên thực tế, tôi trả phí sử dụng. Mọi người không thực sự hiểu những mô hình cổ điển trong lĩnh vực phần mềm, bởi vì đã nhiều năm trôi qua kể từ khi những gã khổng lồ, chẳng hạn như Microsoft, thực sự phổ biến mô hình này, và được mọi người biết đến.

Nguồn mở là một mô hình thay thế, chúng ta cần phải hiểu các tính năng cụ thể của mô hình này là gì? Và vì vậy việc đào tạo phải được thực hiện, việc giải thích phải được thực hiện. Điều này có thể cần chút thời gian và hơi phức tạp. Tôi nhận thấy về sự chậm chạp trong việc áp dụng nguồn mở, bởi vì chúng ta đã nói về mã nguồn mở từ 25 năm trước, nhưng là trong các lĩnh vực chuyên môn, cụ thể là công nghệ thông tin. Và còn phải mất khá lâu nữa nó mới đến được với công chúng. Bởi vì nó hơi khó hiểu nên bạn phải nỗ lực giải thích, và như tôi đã nói, có rất ít người có khả năng tài chính và bỏ nhiều tiền vào việc giải thích những đặc thù của mô hình này. Nhưng khi ngày càng có nhiều nhà phát triển phần mềm trên thế giới, các thế hệ mới hiểu được lợi ích của nguồn mở, điều này đang thay đổi dần, và chúng tôi đang trong quá trình thay đổi tất cả những điều đó.

Tôi tin rằng điểm đặc biệt của những gì chúng tôi làm ở đây với Linagora Việt Nam là phần mềm TwakeWorkPlace, không giống như các giải pháp khác từ nước ngoài, nó được phát triển ở đây. Năm ngoái, chúng tôi đã đăng ký tham gia một sáng kiến có tên Made in Vietnam và rất tự hào giới thiệu TwakeWorkPlace như một giải pháp được sản xuất tại Việt Nam. TwakeWorkPlace sản xuất tại Việt Nam – gồm Tmail, Twake Chat, TDrive, Calendar, Visio, thực sự giúp một doanh nghiệp hoặc một tổ chức hoạt động hiệu quả về mặt giao tiếp và cộng tác. Và khi bạn sử dụng phần mềm này tại Việt Nam, bạn sẽ biết rằng nó được sản xuất tại địa phương bởi người Việt Nam và đó thực sự là một niềm tự hào vì đó là những sản phẩm thực sự được sản xuất tại Việt Nam.

Ngoài ra, chúng tôi còn có một công cụ chuyển lời nói thành văn bản (transcription) tên là Linto. Và điểm đặc biệt của Linto là chuyển lời nói thành văn bản cho Tiếng Anh, Tiếng Pháp và cả Tiếng Việt rất tốt. Không có nhiều công cụ làm được điều đó. Và vì vậy chúng tôi rất tự hào khi có Linto nói tiếng Việt, hiểu tiếng Việt. Công cụ này cho phép bạn tạo ra những bản tóm tắt tự động hoặc cho phép bạn đào tạo các mô hình của trí tuệ nhân tạo. Tất cả những điều này đã và đang được phát triển tại Việt Nam và chúng tôi rất, rất tự hào.

Đặc biệt, chúng tôi đã hợp tác với Đại học Bách Khoa Hà Nội. Tôi rất tin tưởng vào sự hợp tác giữa Pháp và Việt Nam về đổi mới, nghiên cứu và phát triển. Tôi nghĩ chúng ta cần phải làm nhiều hơn nữa. Đây là thông điệp mà tôi muốn gửi tới Bộ Khoa học và Công nghệ, thuyết phục Bộ Khoa học và Công nghệ phát triển và tăng cường tăng cường hợp tác giữa Việt Nam và Pháp. Nhất là khi tôi được biết rằng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ đến thăm Việt Nam vào cuối năm nay. Tôi nghĩ rằng đây là cơ hội rất tốt để tăng cường hợp tác về lĩnh vực của tương lai - kỹ thuật số và nguồn mở.

Tôi muốn bổ sung thêm, sắp tới chúng tôi sẽ ra mắt nền tảng này tới công chúng nhờ váo các cộng sự của chúng tôi tại SUNTECO, một công ty con của Hà Nội Telecom - Công ty cung cấp giải pháp đám mây (cloud) và chúng tôi sẽ cung cấp TwakeWorkPlace của mình dưới dạng SAAS. Bất kỳ ai cũng có thể đăng ký trực tuyến rất dễ dàng trực tuyến các dịch vụ giao tiếp và cộng tác này. Và vì vậy, chúng tôi đang xây dựng mối quan hệ hợp tác vững chắc giữa Linagora Việt Nam và các đối tác Việt Nam tại địa phương.

PV: Ông đánh giá thế nào về xu hướng của công nghệ Trí tuệ nhân tạo (AI) hiện nay? Sự phát triển của lĩnh vực nguồn mở có tác động gì đến AI ?

Ông Alexandre Zapolsky: Đầu tiên, chúng ta có thể quan sát thấy trí tuệ nhân tạo (AI) đang phát triển theo cấp số nhân, và đang chạm đến tất cả các ứng dụng, tất cả các lĩnh vực. AI đang đi vào cuộc sống hàng ngày. Và nó sẽ ngày càng ảnh hưởng đến tất cả mọi người, không chỉ với riêng dạng lao động này hay dạng lao động khác. AI sẽ thay đổi gốc rễ cách chúng ta làm việc trong các tổ chức.

Hôm nay, khi tôi tổ chức một cuộc họp, tôi ghi chép lại cuộc họp đó. Đôi khi tôi viết báo cáo, sau đó tôi phải chia sẻ báo cáo này. Ngày mai khi tôi họp hoặc hội nghị truyền hình, báo cáo sẽ được làm tự động khi kết thúc cuộc họp, và sẽ được chia sẻ trực tiếp trong hộp thư của mỗi người tham gia. Trên thực tế, việc này sẽ giống như việc nhắn tin tức thời như Whatsapp hoặc Telegram. Và với trí tuệ tập thể này, trí tuệ nhân tạo này, tất cả các nội dung được nói trong cuộc họp sẽ được viết lại và vì vậy chúng ta thấy rất rõ ràng nó có tác động như thế nào đến tổ chức. Chúng ta sẽ có cái mà chúng ta gọi là mô hình ngôn ngữ cá nhân. Ví dụ, tôi đang thực hiện cuộc phỏng vấn này với bạn, mô hình này sẽ học hỏi từ cuộc trao đổi của chúng ta, nó sẽ biết những gì tôi nghĩ trong đầu, những gì tôi có thể giải thích cho bạn, những gì tôi có thể nói với bạn. Và lần tiếp theo, khi một nhà báo khác hỏi tôi những câu hỏi tương tự, về cơ bản, tôi gần như có thể yêu cầu AI cá nhân của mình đưa ra những câu trả lời giống nhau cho những loại câu hỏi giống nhau. Cuộc sống của chúng ta trở nên phong phú hơn nhờ sự đóng góp của trí tuệ nhân tạo. Và chúng ta đang ở giai đoạn đầu của hiện tượng này. Chúng ta có thực sự có sự chuyển đổi hoàn toàn? Nó đang đến và nó ở trước mặt chúng ta. Tôi đã nói với bạn về năng suất trong doanh nghiệp và sau đó là chủ đề Personnal LLM, PLM chúng tôi gọi như vậy, trên thực tế, nó sẽ ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực, tất cả người chơi và do đó nó thực sự là một hiện tượng. Trong sự chuyển đổi toàn cầu này, tôi tin chắc rằng những mô hình đầu tiên mà chúng ta biết là những mô hình đóng và độc quyền. Mọi người đều hiểu rằng đây là một sự thay đổi lớn trong xã hội.

Chúng ta cần có niềm tin vào những mô hình này. Chúng ta cần hiểu chúng được tạo ra như thế nào và từ dữ liệu nào, và từ đó mọi thứ thúc đẩy chúng ta phát triển nguồn mở. Đặc biệt là nguồn mở thực sự (True Open Source), cái mà chúng tôi gọi là trí tuệ nhân tạo thực sự (True AI). Nguồn mở là một trí tuệ nhân tạo với mô hình được sử dụng tự do mà không bị hạn chế. Mô hình mà chúng ta biết nó được tạo ra như thế nào nên chúng ta biết phương pháp huấn luyện nó.

Và yếu tố thứ ba, chúng ta truy cập vào kho dữ liệu cho phép chúng ta huấn luyện mô hình. Điều này cho phép chúng ta tin tưởng vào trí tuệ nhân tạo. Cần thiết phải có niềm tin vào trí tuệ nhân tạo vì trí tuệ nhân tạo sẽ ngày càng hiện diện ở khắp mọi nơi. Tôi sẽ cho bạn một ví dụ trong đó việc tin tưởng vào trí tuệ nhân tạo là điều vô cùng cần thiết. Ngày mai, một phần giao thông trên đường hoặc thậm chí giữa các máy bay sẽ được thực hiện bằng trí tuệ nhân tạo. Khi một tình huống cụ thể phát sinh, trí tuệ nhân tạo sẽ ra lệnh cho bạn đi về bên phải, hay về bên trái. Chúng ta cần có trí tuệ nhân tạo có thể giải thích được và chúng ta tin tưởng vào nó. Và vì vậy, để có thể giải thích được, để chúng ta có thể tin tưởng vào AI này, chúng ta phải hiểu nó được tạo ra như thế nào, do đó chúng ta cần AI nguồn mở. Đó là lý do tại sao AI nguồn mở đang phát triển theo cấp số nhân. Trước đây có một câu nói nổi tiếng rằng “phần mềm đã nuốt chửng thế giới”. Và điều chúng tôi đang nói hiện nay là “nguồn mở đang nuốt chửng phần mềm”. Mọi thứ đều trở thành nguồn mở, bao gồm cả trí tuệ nhân tạo. Về chủ đề này, Linagora là một trong những nhà vô địch thế giới về Nguồn mở AI. Chúng tôi đã tạo một cộng đồng có tên OpenLLM. Chúng tôi bắt đầu thực hiện OpenLLM ở Pháp và sau đó chúng tôi thực hiện OpenLLM ở Châu Âu. Tôi đến Hà Nội để đề xuất với những người bạn Việt Nam và các đồng nghiệp Châu Á khác đang tập trung tại một sự kiện lớn mang tên FossAsia để thành lập OpenLLM Asia, để tất cả chúng ta cùng nhau phát triển các mô hình trí tuệ nhân tạo nguồn mở.

PV: Công ty có những giải pháp gì để có thể tiếp tục cạnh tranh, giữ chỗ đứng trên thị trường chịu biến động lớn từ công nghệ như hiện nay?

Ông Alexandre Zapolsky: Để có thể tiếp tục phát triển và cạnh tranh được, tôi thực sự chỉ thấy ba hành động khả thi: đổi mới, đổi mới, đổi mới.

Trong một thị trường có tính cạnh tranh rất cao như thị trường kỹ thuật số, để tiếp tục không chỉ cạnh tranh mà còn phải phát triển, chúng ta phải tập trung mọi thứ vào đổi mới, nghiên cứu và phát triển. Để làm được điều đó, cần sự hợp tác với các trường đại học. Chúng tôi có một chương trình cho phép chúng tôi tiếp xúc chặt chẽ, chẳng hạn như ở Pháp, với năm trường kỹ thuật lớn trong đó có Đại học Bách khoa (Ecole Polytechnique). Chúng tôi cũng đang làm điều tương tự ở Việt Nam, ở Việt Nam, chúng tôi hướng tới tăng cường hợp tác với Đại học Bách khoa Hà Nội trong nhiều năm và chúng tôi đang phát triển mối quan hệ hợp tác này. Chúng tôi phải có khả năng thu hút những người giỏi nhất, và vì vậy, chúng tôi có các chương trình thực tập cho sinh viên, sau đó chúng tôi cố gắng giữ họ với các cơ hội việc làm phù hợp và tạo điều kiện để các bạn trẻ xây dựng sự nghiệp với chúng tôi. Tiếp theo là sự hợp tác cấp cao với các phòng thí nghiệm, nghiên cứu. Đây là điều chúng tôi làm rất tốt ở Pháp với CNRS, Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia, tổ chức lớn nhất của Pháp về nghiên cứu công. Chúng tôi vừa ký một thỏa thuận chiến lược với CNRS. Chúng tôi là công ty thứ 23 của Pháp ký thỏa thuận chiến lược với CNRS và chúng tôi đang cố gắng làm điều tương tự tại Việt Nam. Tôi thúc đẩy mạnh mẽ sự hợp tác giữa Pháp và Việt Nam, kể cả ở cấp độ phòng thí nghiệm, nghiên cứu công. Và vì vậy tôi thực sự tin tưởng vào mô hình này, nơi chúng tôi kết hợp kinh nghiệm của các phòng phòng nghiên cứu công và nghiên cứu tư nhân.

PV: Xin cảm ơn ông!

PV (Theo Tạp chí Tin học và Đời sống)