Chủ tịch nước Dự Lễ khánh thành "Đền thờ liệt sĩ tại chiến trường Điện Biên Phủ"
Cùng dự buổi lễ có nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Quốc phòng; Đinh Tiến Dũng, Bí thư Thành ủy Hà Nội, cùng đại diện lãnh đạo một số ban, bộ ngành Trung ương và một số địa phương; cựu chiến binh, thân nhân gia đình liệt sĩ và nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên.
Sáng ngày 18/5, Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên long trọng tổ chức Lễ khánh thành Đền thờ liệt sĩ tại Chiến trường Điện Biên Phủ và phát động Chương trình mái ấm nghĩa tình, an sinh xã hội.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu cắt băng khánh thành Đền thờ liệt sĩ tại chiến trường Điện Biên Phủ.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ chính trị, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam cho hay: Đền thờ liệt sĩ tại Chiến trường Điện Biên Phủ là công trình mang ý nghĩa chính trị, xã hội và nhân văn sâu sắc, thể hiện tình cảm, lòng biết ơn sâu nặng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân cả nước đối với các anh hùng liệt sĩ tại Điện Biên Phủ, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân cả nước, các cựu chiến binh, người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ khi đến Điện Biên.
"Tôi mong rằng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Điện Biên sẽ làm tốt việc quản lý, giữ gìn và phát huy công trình Đền thờ liệt sĩ tại Chiến trường Điện Biên Phủ một cách hiệu quả, thiết thực. Cùng với Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đền thờ Liệt sĩ tại Chiến trường Điện Biên Phủ không chỉ là nơi giáo dục truyền thống mà còn là điểm nhấn về văn hóa, kết nối với mạng lưới các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh của vùng, phục vụ du khách tham quan, tưởng niệm, góp phần thúc đẩy ngành du lịch Điện Biên ngày càng phát triển, từng bước xác lập vị trí là trung tâm kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc", Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi lễ
Công trình Đền thờ liệt sĩ tại Chiến trường Điện Biên Phủ có mức đầu tư là 105 tỷ đồng, từ 2 nguồn vốn là vốn tài trợ của Ngân hàng LienVietPostBank và vốn ngân sách của địa phương.
Ông Huỳnh Ngọc Huy, Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank chia sẻ: Việc tài trợ cho công trình xây dựng Đền thờ các anh hùng, liệt sĩ tại Chiến trường Điện Biên Phủ là sự tiếp nối của chính sách "Gắn xã hội trong kinh doanh" của Công ty Cổ phần Him Lam và Ngân hàng Bưu điện Liên Việt để tưởng nhớ hơn 10.000 liệt sĩ đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc; góp phần thể hiện tình cảm, lòng biết ơn sâu sắc của Đảng, Nhà nước, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp cả nước đối với các anh hùng liệt sĩ tại Điện Biên Phủ.
Theo báo cáo quá trình triển khai thực hiện dự án xây dựng công trình Đền thờ liệt sĩ, đồng chí Lê Thành Đô, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên, thông tin: Đền thờ được xây dựng trên đồi F, có diện tích 49.534 m2 thuộc phường Mường Thanh, thành phố Điện Biên Phủ. Công trình hoàn thành đưa vào sử dụng sau 14 tháng triển khai, đáp ứng nguyện vọng, niềm mong đợi thiết tha của nhân dân trong và ngoài nước, các cựu chiến binh, người có công với cách mạng và thân nhân các liệt sĩ khi đến Điện Biên.
Tại buổi lễ, tỉnh Điện Biên đã phát động chương trình “Mái ấm nghĩa tình - an sinh xã hội” với mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, đồng hành từ các tổ chức, cá nhân chung tay với cấp ủy, chính quyền tỉnh Điện Biên chăm lo cho gia đình chính sách, hộ nghèo. Đặt mục tiêu huy động khoảng 235 tỷ đồng để hỗ trợ 5.000 hộ nghèo làm nhà ở theo tiêu chuẩn “3 cứng”, tỉnh Điện Biên phấn đấu trước năm 2024 giải quyết cơ bản tình trạng nhà ở dột nát, hư hỏng nặng cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số ở vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn toàn tỉnh; Điện Biên coi đây là nhiệm vụ cơ bản hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Đánh giá cao quyết tâm của tỉnh Điện Biên đặt ra trong chương trình “Mái ấm nghĩa tình - an sinh xã hội” hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/2024), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị các cơ quan, đơn vị, các Tập đoàn, Tổng Công ty và các cá nhân tích cực ủng hộ cả về vật chất và tinh thần giúp tỉnh Điện Biên thực hiện có hiệu quả Chương trình “Mái ấm nghĩa tình”.
Đồng hành cùng chương trình “Mái ấm nghĩa tình - an sinh xã hội” do tỉnh Điện Biên phát động, tại Lễ khánh thành Đền thờ liệt sĩ, các địa phương, tập đoàn và các ngân hàng thương mại, doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã ủng hộ hơn 150 tỷ đồng để làm nhà cho người nghèo, gia đình chính sách tại Điện Biên.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trồng cây mắc ca tại lễ phát động
Cũng trong sáng 18/5, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương dự Lễ phát động trồng cây hưởng ứng Đề án “Trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025” gắn với phát triển cây công nghiệp chiến lược trên địa bàn tỉnh Điện Biên, tại bản Nà Nọi, xã Nà Nhạn, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên.
Trong các loại cây trồng hiện nay, Chủ tịch nước cho rằng, cây mắc ca là một trong những loại cây đã được xác định vùng quy hoạch và có hiệu quả kinh tế ở một số địa phương. Do đó, cây mắc ca có thể coi là loại cây “đi sau, về trước”. Nêu thực tế Tây Bắc có 3 triệu ha vùng đất trống, đồi trọc, trong đó riêng Điện Biên, tỉnh có thổ nhưỡng phù hợp với cây mắc ca, hiện có 300 nghìn ha, Chủ tịch nước nhận định, Điện Biên có thể chọn mắc ca trở thành một trong những cây giảm nghèo.
Đồng thời, Chủ tịch nước lưu ý Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương, việc phát triển cây mắc ca phải từng bước chắc chắn, trên cơ sở khoa học, thực tiễn vững chắc và nhu cầu thị trường, đáp ứng yêu cầu kinh tế xã hội và môi trường sinh thái. Cần lưu ý phát triển cây mắc ca phải theo vùng trồng tập trung là chính, ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao chất lượng, tạo sản phẩm phù hợp thị trường, mang lại giá trị gia tăng cao; có biện pháp đảm bảo chất lượng cây giống và cung ứng cây giống tốt cho thị trường, giúp người dân tiếp cận dễ dàng với chi phí hợp lý. Cùng với đó là thúc đẩy xúc tiến thương mại, tăng cường xã hội hóa thu hút đầu tư vào trồng và chế biến sản phẩm mắc ca; Xây dựng bảo hộ thương hiệu các sản phẩm mắc ca của Việt Nam.
Bảo Trân (T/H)