Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: Trí thức phải miệt mài hơn nữa, sáng tạo hơn nữa

13:18, 21/05/2022

Sáng 21/5, lễ tôn vinh 106 trí thức tiêu biểu năm 2022 đã diễn ra tại Hà Nội. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết Nhà nước luôn quan tâm và đặt niềm tin vào đội ngũ trí thức nước nhà.

106 trí thức khoa học công nghệ được vinh danh

Sáng 21/5, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, 11 Lê Hồng Phong, Ba Đình, Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức Lễ tôn vinh trí thức Khoa học và Công nghệ tiêu biểu năm 2022 với sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đại diện lãnh đạo các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, bộ, ngành Trung ương, đại diện lãnh đạo 91 Hội ngành toàn quốc và 63 Liên hiệp hội tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thuộc hệ thống VUSTA và các cơ quan, đơn vị có liên quan.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: Trí thức phải miệt mài hơn nữa, sáng tạo hơn nữa - Ảnh 2.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng các cá nhân là trí thức khoa học và công nghệ được vinh danh sáng 21/5.

106 trí thức khoa học và công nghệ được vinh danh lần này có 68 người có học hàm, học vị từ phó giáo sư, tiến sĩ trở lên, 20 người có học vị thạc sĩ, 18 người có học vị cử nhân và tương đương; 2 Anh hùng Lao động; 16 nữ, 90 nam. Tuổi bình quân của 106 trí thức là 63 tuổi, trong đó có 02 trí thức cao tuổi nhất là GS.TS.BS. Hoàng Bảo Châu, sinh năm 1929 (93 tuổi) - nguyên Phó Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam và GS.TS. Lê Xuân Tùng, sinh năm 1936 (86 tuổi) - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội… Các trí thức KH&CN tiêu biểu được lựa chọn đều có nhiều thành tích, công lao đóng góp xuất sắc trong hoạt động KH&CN và công tác vận động trí thức.

Một số gương mặt được tôn vinh lần này có GS.T. Lê Xuân Tùng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội; GS.TS. Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nguyên Bí thư Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh; GS.TS. Lê Hữu Nghĩa, nguyên Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; GS.TSKH. Đặng Vũ Minh, nguyên Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, nguyên Chủ nhiệm UBKH,CN&MT của Quốc hội, Chủ tịch danh dự Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam; TS.AHLĐ. Nguyễn Quang Mâu, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Gốm Đất Việt; GS.TSKH.AHLĐ.NGND. Trần Vĩnh Diệu, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu vật liệu Polime, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội…

Phát biểu khai mạc buổi lễ, TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho biết,  thấm nhuần tư tưởng của Bác Hồ trong việc trọng dụng người tài đức, theo đó việc xây dựng đội ngũ trí tuệ vững mạnh là nâng tầm trí tuệ, đầu tư cho đội ngũ phát triển trí thức là đầu tư cho phát triển bền vững. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và cuộc mạng công nghiệp lần thứ 4 với quan điểm phát triển khoa học công nghệ được coi là quốc sách hàng đầu, nhiệm vụ trao cho đội ngũ trí thức nước nhà là hết sức to lớn.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: Trí thức phải miệt mài hơn nữa, sáng tạo hơn nữa - Ảnh 3.

TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phát biểu khai mạc lễ tôn vinh trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu năm 2022.

Đây là lần thứ 4 Liên hiệp hội tổ chức hoạt động tôn vinh trí thức khoa học công nghệ tiêu biểu. Ông cho biết Liên hiệp Hội Việt Nam đã tập hợp được trên 3,7 triệu hội viên, trong đó có 2,2 triệu trí thức KH&CN chiếm 32,5% đội ngũ trí thức của cả nước. Hoạt động này ghi nhận đóng góp của trí thức, đồng thời đoàn kết phát huy sức sáng tạo của đội ngũ trí thức trong và ngoài nước, góp phần quan trọng thúc đẩy tiềm lực khoa học xã hội quốc gia, phát triển kinh tế xã hội.

Cần quan tâm hơn nữa đến các nhà khoa học

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết, trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, cha ông ta luôn quý trọng hiền tài và đội ngũ trí thức, coi hiền tài là nguyên khí quốc gia. Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu. Ngay từ khi mới thành lập nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã nói: "Nước nhà cần phải kiến thiết, kiến thiết cần phải có nhân tài".

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: Trí thức phải miệt mài hơn nữa, sáng tạo hơn nữa - Ảnh 4.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại lễ tôn vinh trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu năm 2022.

Học tập tư tưởng của Bác Hồ trong trọng dụng người tài đức, trong bối cảnh toàn cầu hoá, xu thế phát triển khoa học công nghệ, quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước ta là phải bằng và dựa vào khoa học công nghệ, phát triển khoa học và công nghệ phải là quốc sách hàng đầu, giữ vai trò then chốt trong sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Nhiệm vụ giao cho đội ngũ trí thức là KHCN là rất to lớn và nặng nề, trong đó phát hiện tôn vinh các cá nhân tiêu biểu trong hoạt động sang tạo khoa học và công nghệ được xác định là nhiệm vụ quan trọng đối với Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam. Nhiệm vụ này cần được làm tốt hơn nữa để thực hiện các chiến lược quan trọng quốc gia để hướng đến tầm nhìn Việt Nam 2045.

Chủ tịch nước cho rằng, hoạt động tôn vinh trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu là một hình thức thi đua yêu nước có ý nghĩa nhân văn rất lớn, thể hiện sự quan tâm, coi trọng, đãi ngộ của Đảng và Nhà nước đối với trí thức, đồng thời khích lệ, ghi nhận các cá nhân có nhiều đóng góp tiêu biểu trong sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

"Danh hiệu trí thức KHCN tiêu biểu không chỉ mang đến niềm tự hào cho chính các cá nhân và gia đình mà còn trở thành niềm vinh dự và trách nhiệm lớn lao với Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam làm tốt hơn nữa nhiệm vụ tập hợp, đoàn kết, phát huy tốt hơn nữa công tác tập hợp đoàn kết, phát huy sức sang tạo, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao".

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thẳng thắn, bên cạnh những thành tựu đạt được, chúng ta phải thẳng thắn thừa nhận năng lực và trình độ công nghệ của nền kinh tế còn thấp, công nghiệp chủ yếu là gia công lắp ráp, giá trị lao động không cao, năng suất lao động thấp, công nghiệp hỗ trợ phát triển chậm, tỉ lệ nội địa hoá thấp, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu còn hạn chế, tính tự chủ của nền kinh tế còn thấp...

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư hiện nay mở ra cơ hội để nước ta rút ngắn khoảng cách, tăng tốc phát triển, vì thế yêu cầu trí thức khoa học công nghệ nước nhà phải miệt mài hơn nữa, sáng tạo hơn nữa, tạo ra nhiều giá trị hơn nữa cho cuộc sống từ nghiên cứu, phát minh sáng kiến của mình. Do vậy, Chủ tịch nước đề nghị các cấp các ngành quan tâm hơn nữa đến các nhà khoa học để các đồng chí có nhiều đóng góp hơn nữa cho các ngành, địa phương.

"Tôi mong rằng thành công của các nhà khoa học hôm nay sẽ tiếp tục truyền cảm hứng tạo ra động lực lan toả, đội ngũ trí thức khoa học công nghệ Việt Nam ngày càng lớn mạnh, đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của nước nhà", Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu.

Đây là lần thứ 4 Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam tổ chức lễ tôn vinh này, bắt đầu từ năm 2015. Ba lần tôn vinh trước vào các năm 2015 (tôn vinh 116 trí thức tiêu biểu), năm 2017 (tôn vinh 118 trí thức tiêu biểu), năm 2019 (tôn vinh 112 trí thức tiêu biểu). Như vậy lần này tôn vinh số lượng thấp nhất, 106 trí thức, trong đó chỉ có 16 người là nữ.

Theo/suckhoedoisong.vn