Chủ tịch VFOSSA: Phần mềm nguồn mở đóng vai trò nền tảng phát triển các ứng dụng "Make in Viet Nam" tự chủ, an toàn và bảo mật

Hữu Ích 09:23, 11/05/2020

Đây là một trong những phát biểu của Ông Nguyễn Hồng Quang, chủ tịch CLB phần mềm tự do nguồn mở Việt Nam VFOSSA tại Hội nghị giao ban công tác quản lý nhà nước (QLNN) tháng 4 năm 2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT).

Ngày 8-5, tại Hội nghị giao ban công tác quản lý nhà nước (QLNN) tháng 4 năm 2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT). Ông Nguyễn Hồng Quang, chủ tịch CLB phần mềm tự do nguồn mở Việt Nam VFOSSA đã có bài phát biểu thu hút sự chú ý của Bộ trưởng Bộ TT&TT cùng các đại biểu tham dự. Dưới đây là toàn bộ bài tham luận của chủ tịch VFOSSA.
Hội nghị giao ban công tác QLNN 4 tháng đầu năm 2020, Hà Nội, ngày 8/5/2020
Hội nghị giao ban công tác QLNN 4 tháng đầu năm 2020, Hà Nội, ngày 8/5/2020

1. Vai trò của phần mềm nguồn mở như nền tảng phát triển các ứng dụng "Make in Viet Nam" tự chủ, an toan và bảo mật

PMNM là một kho tàng quý giá, tài sản trí tuệ miễn phí của nhân loại có thể giúp ích cho VN nhanh chóng làm chủ công nghệ, tận dụng tri thức và kỹ năng của thế giới Nguồn mở để thúc đẩy nhanh chóng tiến trình chuyển đổi số một cách bền vững, tự chủ và an toàn.

Chuyển đổi số là nội hàm cốt lõi của cuộc CMCN 4.0, là một quá trình lâu dài và không ai có thể làm thay cho mỗi tổ chức, DN. PMNM đã có mặt và đóng vai trò quan trọng trong tất cả các công nghệ đặc thù của CMCN 4.0 như AI, Big Data, IoT, trong tất cả các nền tảng để tạo ra một thế giới số thông minh. Tận dụng một cách đúng đắn và sáng tạo PMNM sẽ giúp VN nhanh chóng tạo ra các giải pháp "make in Vietnam" dựa trên PMNM cho công cuộc chuyển đổi số của mình. Theo quan sát của chúng tôi, trong 10 năm trở lại đây, đã có một số chuyển biến tích cực trong nhận thức về PMNM và NM nói chung trong CQNN và cộng đồng, trong đó có phần đóng góp tích cực  của VFOSSA. Bộ TTTT đã ban hành hoặc tư vấn CP ban hành một số chính sách và văn bản hướng dẫn có đề cập đến áp dụng Nguồn mở. Tuy nhiên cho đến nay PMNM vẫn chưa được hiểu, đánh giá đúng và khai thác hiệu quả tại VN. Có một số vấn đề chúng tôi muốn đề cập ở HN này như sau:

Cần điều chỉnh một nhận thức phổ biến rằng PMNM là PM không có bản quyền. Thực tế là ngược lại. PMNM nói chung (trừ PM đặt ở public domain - mã nguồn cho download tự do không kèm giấy phép hoặc giấy phép không kèm theo bất cứ ràng buộc gì) đều là phần mềm có bản quyền: có tác giả, có giấy phép sử dụng quy định các ràng buộc khi sử dụng, thay đổi và phân phối PM. Khi áp dụng PMNM mọi người đều chỉ nghĩ đơn giản là miễn phí và do đó coi là PM không có bản quyền.  Cần có sự điều chỉnh để CQQLNN nhận thức rằng PMNM là PM có bản quyền, được bảo vệ bởi Luật SHTT, và rằng áp dụng PMNM cũng là một đầu tư.

Khi đã coi PMNM là có bản quyền và quyền SHTT thì NN cần có văn bản pháp quy thừa nhận các giấy phép PMNM (do FSF hoặc OSI cấp hoặc phê chuẩn)  được pháp luật Việt Nam bảo hộ nhằm bảo vệ các PMNM được phân phối theo các giấy phép này trên lãnh thổ VN. Thực tế cho thấy đã có nhiều trường hợp vi phạm giấy phép PMNM tại VN từ trước đến nay, song cộng đồng chỉ có một biện pháp ngăn chặn duy nhất là dùng dư luận để lên án sự vi phạm, còn chưa có căn cứ pháp lý để khởi kiện hành vi đó trên lãnh thổ VN. Điều này làm cho các nhà phát triển PMNM VN thiếu niềm tin và động lực.

Áp dụng PMNM cũng là một đầu tư. Thật vậy, PMNM không mất phí giấy phép sử dụng, song vẫn phải "mua" nhiều thứ: tư vấn, tùy biến (nếu cần thiết), cài đặt, huấn luyện, chuyển đổi, bảo hành, bảo trì. Với PMNM thì đây là các gói dịch vụ khác nhau đi kèm với nó. CQNN hoặc DN có thể chọn mua các gói mà mình không tự làm được hoặc tự làm đắt hơn. NN cần có những văn bản quy định rõ ràng chuyện này trong các chính sách mua sắm CNTT cho CQNN. Cần nhận thức rằng đầu tư ban đầu cho áp dụng PMNM tại một CQ hay DN có thể không kém, thậm chí có trường hợp còn nhỉnh hơn việc mua sắm một giải pháp thương mại đóng gói tương đương. Tuy nhiên, lợi ích lâu dài của áp dụng PMNM là rất lớn. Đó là: giảm phụ thuộc vào một nhà cung cấp độc quyền, làm chủ công nghệ để phát triển bền vững, phát huy nội lực, giảm "chảy máu" chất xám và ngoại tệ, đảm bảo an toàn, an ninh theo quy định của pháp luật.

Để giảm tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm để hội nhập và tôn trọng Công ước quốc tế về SHTT thì việc khuyến khích và ưu tiên áp dụng PMNM là con đường tốt nhất. CP cần có chiến lược quốc gia về Nguồn mở, trong đó có PMNM. Như chúng tôi đã đề cập ở trước, PMNM cũng phải được sử dụng, sửa đổi và phân phối đúng theo những quy định đã ghi trong giấy phép để tránh hệ lụy pháp lý cũng như để phát triển bền vững. Cần có các điều khoản quy định tường minh về tuân thủ giấy phép PMNM và các chế tài đi kèm. Nâng cao nhận thức về áp dụng/phát triển phần mềm nguồn mở đúng theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế cho lãnh đạo, CIO các CQNN và DN là một công tác quan trọng.

VFOSSA sẵn sàng hỗ trợ và tư vấn cho Bộ TTTT về các chủ đề nêu trên.

2. Đề nghị cách thực hiện xây dựng các ứng dụng phục vụ cộng đồng ( ví dụ như Bluezone) với phương thức xây dựng phần mềm nguồn mở. 

VFOSSA hoan nghênh và đánh giá cao sáng kiến của Bộ TTTT quyết định cho công bố mã nguồn theo giấy phép GNU GPL v3 của hai apps trên điện thoại di động của ứng dụng Khẩu trang điện tử Bluezone, được truyền thông rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng từ nửa cuối tháng 4/2020.

Ngay sau khi được tin, VFOSSA đã lập tức liên hệ với Cục THH là cơ quan chủ trì dự án và nhóm phát triển dự án, đề nghị được tham gia hỗ trợ nhóm dự án để công bố mã nguồn, tài liệu, truyền thông và xây dựng cộng đồng cho Bluezone theo đúng các chuẩn mực của dự án PMNM. VFOSSA đã kêu gọi hội viên của mình tham gia cộng đồng Bluezone và đóng góp cho dự án theo tinh thần tự nguyện. VFOSSA cũng cử 2 chuyên gia dày dạn kinh nghiệm trong tham gia các dự án PMNM quốc tế và xây dựng kho mã nguồn tham gia hỗ trợ trực tiếp cho nhóm phát triển, 1 chuyên gia đánh giá dự án PMNM theo các tiêu chí khách quan của phương pháp chấm điểm PoF (Points of Failure) và 1 chuyên gia huấn luyện trực tuyến cho nhóm phát triển sử dụng GitHub để lập kho mã nguồn. Hoạt động của nhóm hỗ trợ của VFOSSA đã đóng góp tích cực và đẩy nhanh việc công bố mã nguồn, tài liệu và cho phép tiếp nhận nhanh chóng các đóng góp của cộng đồng cho dự án.

Theo dõi đóng góp và phê phán của cộng đồng cho Bluezone cho thấy, sáng kiến của Bộ đã được đón nhận rất tích cực từ cộng đồng chuyên gia trong và ngoài nước. Tất cả phê phán, phản biện đều rất xây dựng và đều hoan nghênh sự minh bạch của Bộ TTTT. Điều đó cho thấy với các ứng dụng công ích động chạm đến lợi ích của đông đảo người dân như Bluezone thì việc minh bạch thông qua công bố PMNM là một quyết định sáng suốt và mang tính đột phá của Bộ TTTT. VFOSSA khuyến nghị Bộ có nhiều hơn nữa các sáng kiến như vậy và cần công bố mã nguồn, tài liệu sớm hơn nữa, thậm chí từ khi bắt đầu ý tưởng nhằm tận dụng được tối đa đóng góp của cộng đồng cho nhóm phát triển.

Một thực tế mà nhóm hỗ trợ của VFOSSA nhận thấy từ ví dụ dự án này là các thành viên nhóm phát triển gần như chưa có kỹ năng phát triển PM chuyên nghiệp theo chuẩn mực quốc tế. Những người đã từng tham gia các dự án PMNM lớn bắt buộc phải có các kỹ năng này để đóng góp của mình được tiếp nhận và được ghi công. Kỹ năng trao đổi, tiếp thu và sửa chữa lỗi do cộng đồng phát hiện cũng còn rất yếu. Cộng đồng PMNM có những bộ quy tắc ứng xử và quy ước lập trình rất chuẩn mực và là nguyên nhân để cho ra đời các sản phẩm chất lượng cao và an toàn. Đây cũng là yếu điểm chung của đội ngũ lập trình viên Việt Nam, nhất là tại các Cty chưa bao giờ tham gia phát triển PMNM. Để cải thiện và nâng cao kỹ năng, cần có các bài giảng tại các ĐH và các Cty phát triển giải pháp cần huấn luyện cho nhân viên của mình về kỹ năng và phong cách nguồn mở, chuyên nghiệp.

VFOSSA sẵn sàng đồng hành cùng Bộ TTTT và các DN trong các dự án và sáng kiến PMNM trong tương lai.

PV