Chủ tịch VNG: "Câu hỏi đặt ra, Facebook có nghe lén hay không?"
"Dữ liệu cá nhân ở Việt Nam hiện nay đang không được tôn trọng và không bảo mật"...
Chủ tịch VNG Lê Hồng Minh.
Cách đây một tháng, tôi có ngồi ăn tối với những người bạn và mọi người nói về một sản phẩm y tế mới ở Mỹ. Sáng hôm sau đã thấy quảng cáo sản phẩm đó xuất hiện trên NewsFeed của mình. Câu hỏi đặt ra, liệu Facebook có đang nghe lén hay không?
Một trong ba câu chuyện được Chủ tịch Công ty Cổ phần VNG Lê Hồng Minh kể tại sự kiện Ngày Internet Việt Nam (Internet day 2020) do Hiệp hội Internet Việt Nam tổ chức hôm 16/12, liên quan đến dữ liệu và quản lý dữ liệu – thứ mà mọi người đang xem là nguồn dầu mỏ mới của mỗi quốc gia.
DỮ LIỆU LÀ DẦU MỎ: VIỆT NAM MỚI XỬ LÝ ĐƯỢC 1% CỦA 1%
Câu chuyện thứ hai được vị Chủ tịch VNG kể là 10 năm nay ông không bao giờ điền số điện thoại và email đúng nhất vào bất cứ form (mẫu) nào trên mạng, là bởi cách đây 10 năm khi tìm kiếm (search) trên Google và thấy tên mình nằm trong danh sách top 22 nghìn người có thu nhập trên 1.000 USD ở Tp.HCM, với đầy đủ tên, điện thoại và địa chỉ. Như vậy, cho thấy dữ liệu cá nhân của cá nhân đã bị lộ.
Và câu chuyện thứ ba là việc mỗi năm ông Minh với tư cách là người đại diện pháp luật của VNG phải khai tới 100-150 sơ yếu lý lịch để phục vụ cho công việc của công ty, thì thấy các nguồn dữ liệu của Việt Nam rất rời rạc, không thống nhất, đơn cử như tạo ra rất nhiều dữ liệu trùng lặp.
Ba câu chuyện của Chủ tịch VNG đều "dính" đến chuyện dữ liệu. Gần đây, câu nói "data is the new oil" – dữ liệu là dầu mỏ của thế kỷ 21, được nhiều người nhắc đến. Trên thế giới, trung bình một người một ngày tạo ra 1,7GB dữ liệu. Việt Nam một năm tạo ra 76 tỷ GB dữ liệu – đây là một nguồn dữ liệu vô cùng lớn. Và hiểu theo nghĩa "data is the new oil" thì quốc gia nào càng sở hữu nhiều dữ liệu thì càng trở nên giàu có.
Tuy nhiên, theo ông Minh, có sự khác biệt ở chỗ, dữ liệu cũng chỉ có giá trị khi trở thành "dầu tinh". Nhưng theo thống kê, hiện nay, 99% dữ liệu mới đang được thu thập (dữ liệu thô), còn lại chỉ 1% dữ liệu là được xử lý để tạo ra giá trị (dữ liệu được thu thập, phân tích, xử lý và đưa ra các đánh giá, quyết định).
Nhưng đặc biệt hơn, trong 1% dữ liệu được xử lý (tạo ra giá trị) hiện nay ở Việt Nam thì 99% là được thực hiện bởi các công ty công nghệ đa quốc gia lớn nhất trên thế giới, còn lại những tổ chức hay công ty của Việt Nam mới chỉ xử lý 1% của 1% dữ liệu đang được tạo ra ở Việt Nam.
CẦN SỚM CÓ LUẬT BẢO VỆ QUYỀN RIÊNG TƯ CỦA DỮ LIỆU
Dữ liệu cá nhân ở Việt Nam hiện nay đang không được tôn trọng và không bảo mật, theo Chủ tịch VNG Lê Hồng Minh. Điều này rất hiển nhiên khi số điện thoại của cá nhân thường bị xuất hiện trên Internet, bị gọi đến làm phiền, bị đưa vào đủ các danh sách khác nhau. "Bộ Thông tin và Truyền thông vài năm qua đã có rất nhiều cố gắng trong việc xử lý tin nhắn rác và cuộc gọi rác nhưng đó chỉ là phần nhỏ của tảng băng chìm", ông Minh nói.
"Không thể chấp nhận được số điện thoại của mình được sử dụng trong rất nhiều mục tiêu theo cách không tôn trọng. Và đấy mới chỉ là số điện thoại, mình chưa thể biết còn rất nhiều dữ liệu khác đang được các đơn vị tổ chức, bao gồm cả nước ngoài, trong nước, tư nhân sử dụng như thế nào", ông nói tiếp.
Theo quan điểm của Chủ tịch VNG, để kinh tế số hay kinh tế dữ liệu phát triển được thì vấn đề cơ bản đầu tiên là phải tin tưởng dữ liệu của mình được tôn trọng, còn nếu không có sự tin tưởng đấy thì kinh tế dữ liệu không phát triển được.
"Tôi đề xuất Bộ Thông tin và Truyền thông cần đưa ra một luật bảo vệ quyền riêng tư của dữ liệu của Việt Nam", ông Minh nói và cho rằng, hiện có một số quy định liên quan đến bảo vệ quyền riêng tư nhưng những vấn đề này không được xem là quan trọng tại Việt Nam, chưa được đưa vào luật để phát triển nền kinh tế số và đây và việc cực kỳ quan trọng.
Quyền dữ liệu của mỗi người được tôn trọng theo Chủ tịch VNG là: "ai thu thập tôi được biết, mục tiêu gì tôi được biết, tôi được quyền đồng ý hay không đồng ý việc sử dụng dữ liệu đó".
Nếu Chính phủ xem việc bảo vệ quyền riêng tư của dữ liệu là quan trọng, cần thiết trong phát triển kinh tế số thì trong một hoặc hai năm là có thể đưa ra luật bảo vệ quyền riêng tư của dữ liệu, bởi điều này không quá khó vì đã có nhiều khung pháp lý liên quan trên thế giới, trong đó nổi tiếng nhất là Luật bảo mật thông tin GDPR của châu Âu, vị Chủ tịch VNG gợi ý.
Đề xuất tiếp, ông Minh cho rằng, sau khi tạo dựng được niềm tin thì cần một hạ tầng để phát triển kinh tế dữ liệu tại Việt Nam. Bởi hiện tại các nỗ lực xây dựng cơ sở hạ tầng vẫn nằm trong dự án của các bộ ngành riêng biệt. Hiện nay, Việt Nam đang thiếu eID (digital ID) cho mỗi công dân. "Hy vọng là 3-5 năm tới, Việt Nam sẽ xây dựng được 1 hạ tầng eID thay cho chứng minh nhân dân, sơ yếu lý lịch", vị Chủ tịch VNG "đặt hàng" Bộ Thông tin và Truyền thông.
Cuối cùng, theo ông Lê Hồng Minh, sau khi xây dựng cơ sở hạ tầng, vấn đề là làm sao khuyến khích các doanh nghiệp và tổ chức của Việt Nam trao đổi dữ liệu với nhau. Theo đó, Chính phủ cần tạo ra một nền tảng (platform) để các bên có thể chia sẻ, trao đổi dữ liệu, bởi việc này không doanh nghiệp nào có thể tự làm được.
Theo vneconomy.vn