Chứng khoán hôm nay ngày 21/10/2024: Cổ phiếu "họ Vin" và EIB tạo điểm nhấn trong khi thị trường "đỏ lửa"
Thị trường chứng khoán hôm nay ngày 21/10/2024 chứng kiến áp lực bán dâng cao, kéo theo hàng loạt cổ phiếu lớn khác giảm và kích hoạt đợt bán mạnh. Chỉ có cổ phiếu "họ Vin" và EIB của Eximbank là tạo điểm nhấn mạnh nhất trong phiên.
Áp lực bán mạnh
Kết thúc phiên giao dịch 21/10, VN-Index giảm 5.69 điểm về 1.279,77 điểm; HNX-Index giảm 1,78 điểm về 227,43 điểm; UPCOM-Index giảm 0,56 điểm về 92,14 điểm. Thanh khoản thị trường giảm so với phiên giao dịch trước đó, với khối lượng giao dịch khớp lệnh của VN-Index đạt hơn 580 triệu cổ phiếu, tương đương giá trị đạt hơn 13.400 tỷ đồng; HNX-Index đạt hơn 42,2 triệu cổ phiếu, tương đương giá trị hơn 736 tỷ đồng.
Thị trường chứng khoán hôm nay giảm mạnh.
Nhóm VN30 kết phiên giảm gần 5 điểm khi chỉ còn 5 mã tăng và 23 mã giảm, trong đó tâm điểm là họ nhà Vingroup với VHM tăng 5,6%, VRE tăng 1,9%, VIC tăng 1,1%. Tính riêng VHM đã đóng góp tới gần 2,9 điểm cho chỉ số chung. Thanh khoản của VHM sôi động khi đứng ở vị trí thứ 4 toàn thị trường với hơn 21,52 triệu đơn vị khớp lệnh, đồng thời đây cũng là mã được khối ngoại mua ròng mạnh nhất, đạt hơn 100 tỷ đồng.
Trong ngành cũng có một số mã nổi bật tăng điểm như DXG, HDC, EVG, DXS, KOS, DLG, hai mã tăng kịch trần là QCG và CIG.
Trái lại, nhóm ngân hàng tác động tiêu cực đến thị trường khi các mã CTG, BID, VCB, TCB, ACB, MBB đã lấy đi tổng cộng 3,6 điểm. Các mã còn lại hầu hết cũng đều kết phiên trong sắc đỏ, chỉ còn 4 mã VPB, KLB, EVF, VBB kết phiên tăng điểm. Riêng EIB ngược chiều tăng kịch trần lên 20.800 đồng/cổ phiếu trong phiên số cổ tức ngân hàng phát hành hồi tháng 9 về tài khoản cổ đông (122 triệu cổ phiếu EIB).
Nhóm chứng khoán cũng chìm trong sắc đỏ, ngoại trừ duy nhất VIX lội ngược dòng tăng 1,3%, đóng cửa tại mức giá 11.500 đồng/cổ phiếu với thanh khoản đạt gần 29,2 triệu đơn vị khớp lệnh. Trong khi đó, HCM kết phiên giảm 3%, VND giảm 1% đều đóng cửa ở vùng giá thấp nhất ngày, với thanh khoản đều đạt hơn 12,5 triệu đơn vị.
Mặc dù đang là mùa cao điểm các doanh nghiệp báo cáo kết quả kinh doanh quý 3/2024, nhưng thị trường chứng khoán vẫn không có gì khởi sắc, nhà đầu tư có nhiều thận trọng xuống tiền.
Điều đáng nói, diễn biến này cũng phù hợp với tình hình kinh doanh của doanh nghiệp. Thậm chí trong cùng 1 ngành sự phân hóa kết quả kinh doanh cũng đang diễn ra, thể hiện rất rõ ở nhóm doanh nghiệp ngân hàng, chứng khoán, dệt may, bất động sản. Chỉ có ít số doanh nghiệp có kết quả kinh doanh vượt trội từ 2, hoặc 3 con số trở lên. Đáng chú ý, cổ phiếu của các doanh nghiệp này cũng không có nhịp tăng dài, chỉ 1 vài phiên sẽ trở lại hòa vào nhịp diễn biến thị trường chung.
Trước bối cảnh trên, khối ngoại bán ròng phiên thứ 7 liên tiếp với giá trị 268 tỷ đồng phiên hôm nay, trong đó khối này giải ngân 1.227 tỷ đồng và bán ra 1.495 tỷ đồng.
Những mã bị đẩy bán mạnh nổi bật là STB 131 tỷ đồng, FPT 64 tỷ đồng, HPG 57 tỷ đồng, SSI 56 tỷ đồng, quỹ FUEVFVND 41 tỷ đồng,… Ngược lại, những mã mua gom chủ yếu VHM 104 tỷ đồng, DXG 53 tỷ đồng, MSN 46 tỷ đồng, CMG 45 tỷ đồng, VPB 41 tỷ đồng,...
Sàn HoSE có 99 mã tăng và 287 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 622,8 triệu đơn vị, giá trị 14.347,2 tỷ đồng, giảm 9,6% về lượng và 6,74% về giá trị so với phiên cuối tuần trước ngày 18/10. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 42,55 triệu đơn vị, giá trị 852,1 tỷ đồng.
Sàn HNX có 56 mã tăng và 95 mã giảm, HNX-Index giảm 1,78 điểm (-0,78%) xuống 227,43 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 42,14 triệu đơn vị, giá trị 733,73 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,77 triệu đơn vị, giá trị 16,67 tỷ đồng.
Điểm nhấn chứng khoán ngày 21/10/2024
Điểm nhấn trong phiên hôm nay là nhóm cổ phiếu “họ Vin” của tỷ phú Phạm Nhật Vượng tiếp tục tăng khá mạnh. Cụ thể, cổ phiếu Vinhomes (VHM) tăng 2.550 đồng lên 47.800 đồng/cp, so với mức 34.000 đồng/cp hồi đầu tháng 8. Đây là mức giá cao nhất của cổ phiếu VHM kể từ đầu tháng 9/2023. Tổng cộng, hơn 21 triệu đơn vị được chuyển nhượng trong phiên 21/10, trị giá gần 1.000 tỷ đồng. Trong đó, khối ngoại mua hơn 4,3 triệu VHM và bán gần 2,1 triệu cổ phiếu VHM. Cổ phiếu Vingroup (VIC) cũng tăng khá tốt, thêm 450 đồng, lên 42.250 đồng/cp. Còn Vincom Retail (VRE) tăng 350 đồng, lên 19.100 đồng/cp.
Theo nhiều chuyên gia, cổ phiếu "họ Vin" tăng mạnh diễn ra trong bối cảnh Vinhomes của tỷ phú Phạm Nhật Vượng sẽ mua tối đa 370 triệu cổ phiếu quỹ theo phương thức khớp lệnh và/hoặc thoả thuận từ ngày 23/10 đến 21/11. Đây được xem là thương vụ mua cổ phiếu quỹ lớn nhất lịch sử TTCK Việt Nam.
Bên cạnh đó, thị trường bất động sản nóng trở lại với giá căn hộ, các sản phẩm nhà liền kề, shophouse, biệt thự,... tại một số dự án được báo cáo tăng mạnh. Giá đấu giá bất động sản ở nhiều quận/huyện tại Hà Nội cũng leo thang.
Vinhomes cùng với VEF (công ty con của Vingroup) ra mắt dự án Vinhomes Global Gate (Vinhomes Cổ Loa) với tổng mức đầu tư 35.000 tỷ đồng. Cổ phiếu VEF gần đây cũng tăng mạnh và hiện có giá 217.900 đồng/cp.
Phối cảnh dự án dự án Vinhomes Global Gate (Vinhomes Cổ Loa).
Việc Vinhomes quyết định chi ra số tiền khổng lồ, có thể lên tới 17 nghìn tỷ đồng, để mua lại 370 triệu cổ phiếu VHM được xem là một cú hích cho cổ phiếu "họ Vin".
Ngoài ra, còn phải kể đến cổ phiếu EIB của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam - Eximbank nhanh chóng được kéo lên mức giá trần, đóng góp hơn 0,5 điểm cho VN-Index.
Trong phiên giao dịch chiều ngày 21/10, cổ phiếu EIB của Eximbank nhanh chóng được kéo lên mức giá trần 20.800 đồng/cp (đây là mức giá cao nhất của cổ phiếu này trong vòng 2 năm). Khối lượng giao dịch cũng tăng đột biến lên hơn 34 triệu cổ phiếu.
Đây là phiên tăng giá thứ 4 liên tiếp (+14%) của cổ phiếu EIB kể từ phiên giảm 4,5% vào đầu tuần trước.
Được biết, hôm nay là ngày gần 122 triệu cổ phiếu EIB chính thức được giao dịch bổ sung trên sàn chứng khoán. Đây là số cổ phiếu ngân hàng phát hành hồi tháng 9 để trả cổ tức cho cổ đông.