Chứng khoán Mỹ và giá dầu cùng tăng trước thời điểm FED họp quyết định giảm lãi suất

09:18, 18/09/2024

Các kỷ lục mới của S&P 500 và Dow Jones xuất hiện vào thời điểm mà yếu tố mùa vụ không thuận lợi cho thị trường...

Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ ghi nhận những mức điểm kỷ lục mới trước khi đóng cửa trong trạng thái ít biến động trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (17/9), khi nhà đầu tư chờ kết quả cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang (Fed). Giá dầu thô có thêm một phiên tăng nhờ kỳ vọng lãi suất sắp được cắt giảm.

Lúc đóng cửa, chỉ số S&P 500 tăng 0,03%, đạt 5.634,58 điểm. Trong phiên, thước đo rộng nhất của chứng khoán Mỹ có thời điểm đạt mức cao nhất mọi thời đại 5.670,81 điểm.

Chỉ số Dow Jones giảm 15,9 điểm, tương đương giảm 0,04%, chốt ở 41.606,18 điểm, sau khi lập một kỷ lục nội phiên mới.

Chỉ số Nasdaq tăng 0,2%, kết thúc phiên ở mức 17.628,06 điểm.

Các kỷ lục mới của S&P 500 và Dow Jones xuất hiện vào thời điểm mà yếu tố mùa vụ không thuận lợi cho thị trường. Trong 10 năm trở lại đây, tháng 9 là tháng xấu nhất trong năm đối với S&P 500, với mức giảm bình quân là 1,3% - theo dữ liệu từ FactSet.

Các nhà giao dịch cổ phiếu ở Phố Wall cũng đã phải chống chọi với những cơn gió ngược cuối mùa hè xuất phát từ mối lo về sức khỏe của nền kinh tế Mỹ. Những số liệu gây thất vọng về việc làm và hoạt động sản xuất trong tháng 8 đã gây bán tháo. Tuy nhiên, thị trường đã cho thấy khả năng phục hồi ngoạn mục sau khi những số liệu gần đây hơn cho thấy sự xuống thang của lạm phát qua đó củng cố khả năng Fed bắt đầu cắt giảm lãi suất.

Cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ được mong đợi nhất trong năm nay của Fed đã khởi động vào ngày thứ Ba và sẽ kết thúc vào ngày thứ Tư. Quyết định lãi suất của ngân hàng trung ương này sẽ được đưa ra vào buổi chiều ngày thứ Tư theo giờ địa phương, và sau đó, Chủ tịch Fed Jerome Powell sẽ có một cuộc họp báo.

Chiến dịch tăng lãi suất để chống lạm phát của Fed bắt đầu từ tháng 3/2022. Từ tháng 7/2023 đến nay, lãi suất quỹ liên bang giữ ở mức cao nhất 23 năm là 5,25-5,5%.

Báo cáo thống kê ngày thứ Ba từ Bộ Thương mại Mỹ cho thấy người tiêu dùng vẫn duy trì mức chi tiêu khả quan. Doanh thu bán lẻ tháng 8 tăng 0,1% so với tháng trước, thay vì giảm 0,2% như dự báo mà giới phân tích đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones. Nếu không tính mặt hàng ô tô, doanh thu bán lẻ tháng 8 tăng 0,1%, thấp hơn một chút so với dự báo tăng 0,2%.

Sau khi dữ liệu trên được công bố, giới đầu tư giảm nhẹ đặt cược vào khả năng Fed giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm trong lần họp này.

Theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME, thị trường đang đặt cược khả năng 63% Fed chọn mức giảm 0,5 điểm phần trăm, giảm từ mức 67% ghi nhận vào hôm thứ Ba, dù vẫn cao hơn nhiều so với mức 47% ghi nhận vào hôm thứ Sáu tuần trước.

Số liệu bán lẻ khiến Fed chi nhánh Atlanta tăng dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 3 của Mỹ lên 3% so với cùng kỳ năm ngoái, từ mức dự báo tăng 2,5% trước khi báo cáo được công bố. Trong quý 3, nền kinh tế lớn nhất thế giới ghi nhận mức tăng 3%.

“Có vẻ như chẳng có lý do gì để giới chức Fed hạ ngay lãi suất 0,5 điểm phần trăm. Dù thị trường việc làm có đang yếu đi, sự suy yếu đó chưa ngấm tới nhu cầu tiêu dùng trong nền kinh tế. Nếu đây là một nền kinh tế đang ngấp nghé suy thoái, chắc chắn người tiêu dùng chưa nhận thấy điều đó”, nhà kinh tế trưởng Christopher Rupkey của Fwdbonds nhận định với hãng tin Reuters.

Ngoài ra, một số nhà đầu tư và chuyên gia cũng cho rằng mức giảm lãi suất lớn có thể thổi bùng những mối lo ngại không cần thiết về sức khỏe nền kinh tế.

“Một cú giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm có thể mang hàm ý về sự lo ngại gia tăng của Fed về triển vọng thị trường lao động. Đó sẽ bị nhìn nhận là một dấu hiệu âu lo. Tôi cho rằng sẽ có một sự chênh lệch lớn giữa những gì thị trường đang kỳ vọng và những gì mà Fed dự kiến sẽ truyền đạt”, chiến lược gia trưởng Adam Turnquist của công ty LPL Financial nói với hãng tin CNBC.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London tăng 0,95 USD/thùng, tương đương tăng 1,3%, chốt ở 73,7 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 1,1 USD/thùng, tương đương tăng 1,6%, chốt ở 71,41 USD/thùng.

Dầu tăng giá khi hoạt động sản xuất dầu thô trên Vịnh Mexico của Mỹ vẫn chưa thể phục hồi hoàn toàn sau cơn bão Francine vào tuần trước. Hiện tại, sản lượng dầu của Mỹ ở khu vực này vẫn thấp hơn 12% so với trước bão, dẫn tới việc giá dầu tăng trong 4/5 phiên giao dịch trở lại đây.

Ngoài ra, thị trường cũng tin rằng việc Fed giảm lãi suất vào ngày thứ Tư sẽ giúp thúc đẩy nhu cầu dầu tại Mỹ - nước tiêu thụ nhiều dầu nhất thế giới.