Chung tay phổ cập Blockchain và trí tuệ nhân tạo cho người Việt

10:33, 17/05/2024

Chiều ngày 16/5, tại Hà Nội, Tạp chí An toàn thông tin, Ban Cơ yếu Chính phủ đã có buổi làm việc với Viện Công nghệ Blockchain và trí tuệ nhân tạo, Hiệp hội Blockchain Việt Nam để cùng bàn về chương trình hoạt động hợp tác cụ thể trong thời gian tới.

Tham dự buổi làm việc có ông Nguyễn Như Tuấn, Tổng biên tập Tạp chí An toàn thông tin; 02 Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Blockchain và trí tuệ nhân tạo ông Lê Linh Lương, và bà Nguyễn Vân Hiền.

Tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Như Tuấn nhận định tiềm năng của công nghệ Blockchain, trí tuệ nhân tạo trong tương lai và gửi lời chúc mừng sự ra mắt của Viện Công nghệ Blockchain và trí tuệ nhân tạo trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra vô cùng mạnh mẽ.

Đồng chí chia sẻ, giáo dục là yếu tố nền tảng, then chốt, quyết định sự phát triển của một quốc gia. Việc Viện lựa chọn mục tiêu phổ cập Blockchain và trí tuệ nhân tạo là một quyết định đúng đắn, nhân văn, thể hiện rõ mục tiêu hướng tới sự phát triển bền vững. Đồng chí đánh giá cao những nỗ lực của Viện trong tiến trình tham vấn chính sách và thúc đẩy phổ cập, đào tạo kiến thức về Blockchain và trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam. Đồng thời bày tỏ mong muốn tới đây, Tạp chí An toàn thông tin sẽ là đơn vị bảo trợ thông tin truyền thông và cùng đồng hành với Viện trong các sự kiện về Blockchain và trí tuệ nhân tạo.

Tại buổi làm việc, bà Nguyễn Vân Hiền nhấn mạnh, ngành công nghệ chuỗi khối và trí tuệ nhân tạo đã mở ra một kỷ nguyên mới về công nghệ và có tác động sâu rộng tới nhiều lĩnh vực, ngành nghề nhờ các tính năng quan trọng như bảo mật và quyền riêng tư. Những công nghệ này hiện đều được ứng dụng vào các lĩnh vực trong cuộc sống như tài chính ngân hàng, chăm sóc sức khỏe, thể thao giải trí, bảo hiểm, logistics….

Bà Hiền cũng cho biết thêm, Viện Công nghệ Blockchain và trí tuệ nhân tạo đặt mục tiêu đào tạo, phổ cập Blockchain và trí tuệ nhân tạo cho 1 triệu người Việt Nam đến năm 2030, trong đó bao gồm 100 nghìn sinh viên tại 30 trường đại học trên cả nước thông qua nhiều hoạt động cụ thể như hội thảo, đào tạo, hackathon, ideathon, chương trình Unitour 2024 dành cho đối tượng sinh viên hay dự án pháp luật online để hỗ trợ tư vấn pháp lý cho đông đảo cộng đồng.

Tính đến thời điểm cuối tháng 4/2024, chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng, Unitour đã được tổ chức thành công tại 5 trường đại học, bao gồm: Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Kiến trúc Đà Nẵng, Học viện Ngân hàng và Học viện Bưu chính Viễn thông, mang đến nhiều kiến thức bổ ích về ứng dụng của Blockchain và trí tuệ nhân tạo theo nhu cầu và mong muốn của từng trường.

Bà Hiền cũng bày tỏ mong muốn trong thời gian tới, Tạp chí An toàn thông tin sẽ làm cầu nối giúp Viện có cơ hội được phổ cập Blockchain và trí tuệ nhân tạo cho các bạn sinh viên tại các trường Đại học, Học viện như Học viện Kỹ thuật Mật mã, Học viện Kỹ thuật quân sự,…. Đồng thời kết nối các chuyên gia trong Hội đồng biên tập các Ấn phẩm của Tạp chí An toàn thông tin với Viện, nhằm tư vấn, cố vấn giúp các nội dung truyền tải của Viện ngày càng phong phú và đi sâu vào thực tế hơn.

Kết thúc buổi làm việc, hai bên đã thống nhất phương pháp làm việc, lộ trình và kế hoạch thực hiện trong thời gian tới để đạt được hiệu quả tốt nhất.

Chung tay phổ cập Blockchain và trí tuệ nhân tạo cho người Việt

Đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm 

Theo Tạp chí An toàn thông tin

(https://antoanthongtin.vn/cong-nghe-thong-tin/chung-tay-pho-cap-blockchain-va-tri-tue-nhan-tao-cho-nguoi-viet-110165)