Chụp ảnh ẩm thực - Lắm công phu, nhiều chiêu trò
Những bức ảnh món ăn cực kỳ bắt mắt và ngon miệng nhưng sự thật đằng sau những bức ảnh ẩm thực thì không phải ai cùng biết.
Có lẽ mọi người đã quá quen thuộc với những bức ảnh món ăn cực kỳ bắt mắt, ngon miệng được đăng trong các tạp chí, chuyên trang âm thực hay đơn giản là trên tờ quảng cáo món ăn trên các tờ thực đơn ở nhà hàng. Những bức ảnh đó luôn khiển người xem rất muốn được ăn ngay tấp lự... Tuy nhiên câu chuyện bên dưới lại tiết lộ một sự thật mà chắc hẳn không phải ai cũng muốn xem....
Chỉ cần liếc trộm vào nhà bếp một cái, ta sẽ thấy ngay những dụng cụ quái lạ thường được sử dụng trong nghề nhiếp ảnh ẩm thực; chúng dùng để biến những chiếc bánh sôcôla mới ra lò, hay sườn cuộn nướng, thành những “dự án khoa học” được ngụy trang dưới lớp vỏ đồ ăn. Ẩm thực là một trong những đề tài khó đối với các nhiếp ảnh gia. Khó là vì quy luật tự nhiên: Đồ nóng sẽ nguội, món mềm và ướt sẽ dễ khô, đồ đông lạnh sẽ chảy rất nhanh dưới ánh đèn studio, rau cải sẽ héo úa đi, và trái cây sẽ ngả màu nâu. Nhưng các nghệ sĩ nhiếp ảnh tâm huyết luôn đối diện với những thử thách trên, bằng muôn vàn các thủ thuật đầy sáng tạo.
Ngoài những dụng cụ nhiếp ảnh cơ bản, nhiếp ảnh gia ẩm thực cần thêm nhiều phụ kiện nữa, họ có thể tìm mua chúng ở… cửa hàng điện máy, tiệm tạp hóa, tiệm vải, nhà thuốc, và cả cửa hàng bán dụng cụ mỹ thuật; tất cả nhằm thực hiện những bức ảnh ẩm thực kỳ công.
Sau đây là một số thứ trong danh sách mua sắm của họ, và mỗi món đều có ít nhất một lý do chính đáng đáng để được nằm trong cái “tạp dề” của các nhiếp ảnh gia:
Đèn hàn: để làm chín vàng phần rìa của miếng thịt hăm-bơ-gơ sống, hay làm chín phần da gà da vịt, hoặc làm vàng món xúc xích. (Lưu ý: hãy luộc xúc xích một lúc trước khi hàn, trừ phi bạn muốn chụp một pô ảnh “hành động” về một vụ nổ thịt sống.)
Đây, chiếc đèn hàn có thể làm phần ngoài của miếng thịt trông như được nướng vàng rực, chứ chờ đầu bếp nấu xong thì cũng phải mấy tiếng, nên dùng đèn hàn mông má bên ngoài là tiện nhất
Nước sốt hay dầu nhớt!.
Dầu nhớt: dùng thế cho các loại nước sốt không ăn ảnh. Thực tế mà nói, các loại nước sốt (thật) lên ảnh sẽ không được bóng bẩy cho lắm, một số nước sốt còn hơi lợn cợn những nguyên liệu như hành tỏi hay muối tiêu. Màu thì lẫn với màu thịt, để lâu lại đóng vảy
Dầu nhớt trông sáng sủa hơn, cũng không bị đóng vảy. Nhưng nghĩ cũng tiếc vì chế dầu nhớt lên thịt thì sau đó chẳng còn ăn uống gì được.
Nhúng các cây cọ vẽ đa cỡ vào glycerin (một dạng chất lỏng dùng trong ngành mỹ phẩm) rồi phết lên các món hải sản; nó sẽ làm hải sản trông tươi ngon như vừa được đánh bắt vậy. Bình tạo sương cũng rất hay, nó phun từng giọt nước nhỏ lên lá xà xách, làm điệu bộ như rau vừa mới rửa xong.
Mấy hạt nước tròn đều làm trái táo trông hấp dẫn ghê. Chứ rửa bằng vòi thì sao được đẹp vậy?
Bông gòn, sau khi thấm nước và quay nóng trong lò vi-ba, sẽ toả khói nghi ngút; giúp tạo “hiệu ứng” của các món ăn nóng mới ra lò.
Giấu bông gòn bốc khói vào đĩa, sẽ chụp được hình món ăn nóng đến bốc khói.
Chế mật ong hay si-rô (hoặc... dầu nhớt) trực tiếp lên pan cake thì chỉ 5 phút sau là pan cake sẽ xẹp lép, chẳng chụp chọt gì được nữa, nên phải xịt chất chống thấm lên bánh.
Tăm xỉa răng để giữ những mẩu sandwich “bất trị” lại với nhau..Có bao giờ bạn tự hỏi tại sao những chiếc bánh kẹp dày cộp như vầy không đổ ụp xuống khi các nhiếp ảnh gia chụp hình nhỉ?
Cái nhíp để cuộn sợi mì cho thật đẹp và sắp đặt những mẩu vụn nho nhỏ (Pho-mát, hành, ngồ v.v...)
Ống bơm cỡ lớn, để bơm khoai tây nghiền dưới da gà vịt trước khi nướng (bằng đèn hàn) để con gà trông béo tròn (giống như việc các bà các cô mặc áo ngực độn).
Xi đánh giầy màu nâu để thịt sống trông ngon lành như mới quay xong.
Keo dán màu trắng, dùng thay cho sữa khi chụp hình món ngũ cốc (để ăn sáng, như cornflake) và để chỉnh sửa bánh nướng (những cái bánh được chụp lên thường là bánh nửa mùa, bên trong nhét đầy… khoai tây nghiền. Cắt một góc bánh ra, dùng keo “dán” sốt chanh hay dâu tây vào trong, rồi chụp hình. Bánh dùng nhân thật thì khi cắt, nhân bánh rất hay… rớt ra ngoài).
Cái bánh nhân mâm xôi này ngoan nghê, một góc bánh bị cắt mà mâm xôi vẫn nằm yên đó, không có quả nào rớt ra ngoài hay bị dập gì hết.
Những miếng giấy carton cứng hình vuông dùng làm bệ để giữ cho những miếng thịt (với sự hỗ trợ của vài cây tăm) khỏi đè lá xà lách dẹp lép. Thịt ở đây là thịt bò xay được vo tròn rồi ép thành miếng, còn sống nhăn, trừ phần rìa vốn có thể dùng đèn hàn nướng “ngụy trang” cho chín. Thành phẩm cuối cùng: một cái hamburger hoàn hảo nhất thế giới. (Ghi chú: chọn bánh mì cũng là một trong những phần quan trọng của quá trình dựng cảnh; một số nhiếp ảnh gia hình như còn tự dùng keo dán hạt mè lên những phần “trống trải” của bánh.)
Bánh hamburger trong hình lúc nào cũng hấp dẫn hơn cái được bưng ra trên đĩa.
Nghệ thuật nhiếp ảnh ẩm thực góp phần củng cố cho cái triết lý: nhận thức chính là hiện thực. Chỉ cần luyện tập vài lần, kết hợp với lòng kiên nhẫn, chúng ta cũng sẽ từ từ phát hiện ra vài mẹo vặt và ngón nghề riêng để lưu truyền cho các thế hệ nhiếp ảnh ẩm thực sau này.
Danh Nguyễn (Tổng hợp)