Chuyển biến tích cực trong chuyển đổi số ở huyện Than Uyên (Lai Châu)
Thời gian gần đây, chuyển đổi số đã có những tác động tích cực đối với sự phát triển chung của huyện Than Uyên. Công nghệ 4.0 đã hỗ trợ đắc lực công tác quản lý điều hành của chính quyền địa phương cũng như mọi mặt đời sống của người dân nơi đây. Trước sự thiếu đồng bộ của hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin cấp ủy, chính quyền nơi đây đã chủ động các giải pháp để thúc đẩy quá trình số hóa.
Trao đổi với đồng chí Lò Văn Hương - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Than Uyên, chúng tôi được biết, quá trình chuyển đổi số đã thể hiện rõ nét trên một số lĩnh vực: chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Huyện đã chủ động trong công tác lãnh chỉ đạo, đi trước, đón đầu công nghệ, chủ động nguồn lực đê đầu tư trang thiết bị công nghệ thông tin. Cùng với đó, huyện cũng nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền về chuyển đổi số. Các tổ chuyển đổi số trong cộng đồng được thành lập tự để hộ trợ các tổ chức doanh nghiệp. Tới thời điểm hiện tại 12 tổ chuyển đổi số cấp xã, thị trấn, 131 tổ chuyển đổi số cấp thôn, bản, khu dân cư được thành lập và đi vào hoạt động hiệu quả.
Chuyển đổi số giúp người dân bình đẳng về cơ hội tiếp cận dịch vụ, đào tạo, tri thức.
Bám sát kế hoạch của lộ trình chuyển đổi số, quá trình chuyển đối chính quyền số trong công tác quản lý, điều hành được diễn ra mạnh mẽ. Toàn bộ các cơ quan chuyên môn cấp huyện, UBND xã, thị trấn trong toàn huyện đã thực hiện gửi, nhận văn bản điển tử tích hợp chữ ký số thay thế văn bản giấy trên hệ thống quản lý văn bản và điều hành được kết nối liên thông vào trục liên thông văn bản Quốc gia với Văn phòng chính phủ, các bộ, ngành Trung ướng và các cơ quan, đơn vị trong tỉnh. Ứng dụng công nghệ thông tin cũng tạo luồng gió mới trong nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn. Hội chẩn, chuẩn đoán bệnh và giao ban trực tuyến đã là một trong những giải pháp trọng tâm trong chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người dân.
Các xã trong toàn huyện đã có mạng Internet (cáp quang), giúp cho việc tham gia các Hội nghị trực tuyến, tiếp nhận và giải quyết hồ sơ thông qua hệ thống một cửa điện tử tại bộ phận tiếp nhận và trả kết tại các xã, thị trấn hoạt động hiệu quả, hướng tới sự hài lòng của người dân. Theo ông Lò Văn Dũng – Phó Chủ tịch UBND xã Tà Mít chia sẻ, công nghệ thông tin hỗ trợ, tham gia các phiên họp trực tuyến giúp cho việc năm bắt các chủ trương được kịp thời hơn. Cùng với đó, chi phí công vụ, công tác phí cũng giảm nhiều so với những năm trước đây. Tuy nhiên, để ứng dụng công nghệ số quá trình tiếp nhận thông tin, quản lý điều hành đỏi hỏi hạ tầng kỹ thuật, cán bộ được trang bị thiết bị, có trình độ, am hiểu và ứng dụng tốt công nghệ thông tin.
Huyện Than Uyên chú trọng đầu tư, nâng cấp hệ thống Internet, mạng nội bộ các xã, thị trấn.
Số hóa không chỉ hỗ trợ đắc lực công tác quản lý nhà nước, còn tiếp tục khẳng định tính ưu việt của mình trong đời sống kinh tế, xã hội. Hệ thống ngân hàng đóng chân trên địa bàn, các Chi cục thuế đã đẩy mạnh sử dụng hóa đơn điện tử, kê khai điện tử và thanh toán qua các tài khoản ứng dụng công nghệ số. Thanh toán không dùng tiền mặt không chỉ xuất hiện, trong các ngân hàng, các cơ quan thuộc khối tài mậu còn phổ biến trong cửa hàng, trung tâm mua sắm, tạp hóa và sạp hàng của các tiểu thương. Quẹt thẻ ATM, quét mã trong giao dịch trở thành thói quen mới trong chi tiêu của người tiêu dùng.
Thời gian gần đây, bán hàng trên không gian mạng, quảng bá sản phẩm trên các ứng dụng của mạng xã hội đã thành xu thế, trào lưu và đã tạo ra nhiều hiệu ứng tích cực. Chị Nguyễn Thị Hà - Giám đốc Hợp tác xã Thiết Hà (thị trấn Than Uyên) cho biết, đơn vị chủ yếu kinh doanh các sản phẩm nông sản đã qua chế biến và được chứng nhận OCOP. Được phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện hướng dẫn, HTX đã đẩy mạnh quảng cáo và giới thiệu sản phẩm trên các Web site mua bán có uy tín, các ứng dụng mạng xã hội zalo, face book, tiktok… sản phẩm được quảng bá rộng rãi đã được người tiêu dùng trong và ngài tỉnh biết tới, tăng sức mua giúp đơn vị có thêm lợi nhuận để tái đầu tư sản xuất, tạo thu nhập, việc làm ổn định cho người địa phương.
Sản phẩm đạt chuẩn OCOP của tỉnh Lai Châu
Qua khảo sát của các cơ quan chuyên môn, các địa phương trong toàn huyện đã có mạng di động kết nối 3G, 4G. Số người dân sử dụng thiết bị di động thông minh ngày càng nhiều. Trên địa bàn có gần 6 nghìn người lập các face book, fan page, kênh you tube, tiktok… thường xuyên giới thiệu về vẻ đẹp, tiềm năng thế mạnh và các vẻ đẹp văn hóa truyền thống của Than Uyên. Qua đó, góp phần tích cực trong quảng bá về vẻ đẹp, tình đất, tình người nơi đây. Việc làm thiết thực đã có tác động tích cực trong thu hút đầu tư, liên kết bao tiêu sản phẩm nông nghiệp và kích cầu du lịch.
Chuyển đổi số là xu thế tất yếu của thời đại, đón đầu kỷ nguyên số được xác định là mở hướng, dẫn nối thành công. Điều này đòi hỏi sự sát sao trong công tác lãnh, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, căn cứ tình hình thực tế đưa ra những giải pháp mang tính đột phá. Trong điều kiện hạ tầng cơ sở đáp ứng yêu cầu số hóa chưa đồng bộ, mạng viễn thống một số địa bàn còn chưa đảm bảo chung tay cùng các đơn vị viễn thông, nhà mạng khẩn trương phát triển mạng lưới, xóa vùng lõm mạng interet là việc làm cần sớm triển khai.
Bùi Chiến