Tăng cường chuyển đổi số và Ứng dụng CNTT trong quản lý và giáo dục

10:16, 20/12/2022

Những năm học qua, huyện Than Uyên đã thực hiện tốt ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý giáo dục, dạy học, đầu tư trang thiết bị hiện đại, tập huấn, bồi dưỡng giáo viên để có thể ứng dụng hiệu quả CNTT trong giáo dục.

Năm học 2022-2023, các trường học trên địa bàn huyện Than Uyên đã nỗ lực khẳng định mình trong đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý và dạy học được xem là một trong những khâu trọng tâm. Công nghệ số đã hỗ trợ đắc lực kỹ sư tâm hồn ở vùng đất gió Than Uyên trong sự nghiệp “trồng người”.

 

Chương trình chuyển đổi số tác động tốt đến ngành Giáo dục và Đạo tạo

Năm học này, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Than Uyên quản lý 39 trường và 1 trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp - Giáo dục Thường xuyên. Trong đó có 12 trường Mầm non, 11 trường Tiểu học và 12 trường THCS, 4 trường THPT và 1 Trung tâm GDNN - GDTX với tổng số 707 lớp và hơn 20 nghìn học sinh. Ngay khi bước vào năm học mới, ngành giáo dục đã chủ động khai thác hiệu quả ứng dụng công nghệ trên không gian mạng internet để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành và nâng cao chất lượng dạy và học.

Trao đổi với ông Trịnh Ngọc Hải - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Than Uyên, chúng tôi được biết, phòng đã chỉ đạo, định hướng các đơn vị trường học xác định ứng dụng CNTT trong quản lý, dạy học. Hàng tháng, phòng duy trì giao ban trực tuyến với để nắm tình hình hoạt động của các trường. Các trường trong toàn huyện cũng Nhà trường tổ chức sinh hoạt chuyên môn liên trường với các trường học trong và ngoài huyện một số chuyên đề học sinh giỏi, hỗ trợ học sinh yếu kém. Thầy cô cũng chung tay xây dựng kho dữ liệu dùng chung, mã hóa, không gian số, với các bài giảng điện tư. Ban Giám hiệu các trường học cũng chỉ đạo các nhà trường căn cứ tình hình thưc tế của các bộ môn, thiết kế bài giảng điện tử phù hợp, đảm bảo hiệu quả, trực quan, thu hút học sinh.

Chuyển đổi số giúp nâng cao chất lượng giáo dục.

Để làn sóng công nghệ số tạo hiệu ứng tích cực trong toàn ngành, phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Than Uyên đã tham mưu cho UBND huyện phối hợp cùng các cơ quan chuyên môn tiến hành rà soát, kiểm tra hạ tầng mạng viễn thông. Cùng với đó, tập trung nguồn lực, đẩy mạnh xã hội hóa trang bị máy tính, máy chiếu cho các trường trong toàn huyện. Tới thời điểm hiện tại toàn bộ trường Tiểu học và THCS đã có phòng máy với tổng số gần 500 máy tính có kết nội mạng internet. Các trường đã ứng dụng các phần mềm One driver để lưu trữ và đồng bộ hóa dữ liệu, Vnedu để quản lý trường học, zoom meeting để họp, giao ban trực tuyến và một số phần mềm chuyên dụng của ngành giáo dục, ứng dụng một số mạng xã hội trong quản lý, điều hành.

Theo Cô Nguyễn Thị Lựu - Trường THCS xã Mường Than chia sẻ, kho dữ liệu được số hóa trên không gian mạng là nguồn tài liệu quý, tạo môi trường thuận lợi giúp thầy cô chia sẻ thông tin, trao đổi phương pháp, nghiệp vụ sư phạm. Ứng dụng CNTT, giúp các thầy cô dễ dàng tiếp cận phương pháp dạy học mới, nhiều bài giảng điện tử được thiết kế trên các ứng dụng giúp cho giờ học sinh động, học sinh dễ nắm bắt và tiếp thu kiến thức.

Người học được trao đổi trực tiếp với giáo viên.

Ứng dụng CNTT trong giảng dạy cũng tạo ra bước đột phá về phương pháp, giúp ngành giáo dục hoàn thành nhiệm vụ khi phải đối diện với những khó khăn do dịch bệnh Covid-19. Học trực tuyến cũng giúp nhiều trường học giải quyết được tình trạng thiếu giáo viên cục bộ một số học đặc thù: âm nhạc, ngoại ngữ. Một số nhà trường Tiểu học, THCS thị trấn và các xã dọc Quốc lộ 32 của huyện Than Uyên: Mường Than, Phúc Than, Mường Cang đã phát huy hiệu quả của phòng máy đã được trang bị, mạnh dạn thí điểm phương pháp học trực tuyến với các trung tâm ngoại ngữ có uy tín. CNTT đã rút ngắn khoảng cách, giúp học sinh được tiếp thu những bài giảng có chất lượng của các thầy cô giáo miền xuôi và các bạn học sinh trong cả nước.

Phát huy hiệu quả, ứng dụng CNTT trong quản lý và giáo dục đã giúp các trường học trên địa bàn huyện Than Uyên thực lợi thắng lợi nhiệm vụ năm học. Sỹ số lớp học được đảm bảo, tỷ lệ trẻ chuyên cần, học sinh lên lớp, học sinh khá giỏi và giáo dục mũi nhọn tiếp tục được nâng cao. Tuy nhiên, để CNTT thực sự trở thành công cụ, giải pháp mang tính đột phá tạo đổi mới từ căn bản tới toàn diện, đòi hỏi ngành giáo dục huyện Than Uyên cần tiếp tục có sự đầu tư hiệu quả để trang bị máy tính, đường truyền internet. Các nhà trường cần đẩy mạnh xã hội hóa tận dụng nguồn hỗ trợ để đầu tư trang thiết bị phục vụ cho việc đẩy mạn ứng dụng CNTT trong giảng dạy.

Trong quá trình triển khai thực hiện trong thời gian tới, ngành giáo dục huyện Than Uyên cần tiếp tục tăng cường kiểm tra, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó cho các trường vùng cao, vùng sâu, vùng xa. Tăng cường chỉ đạo, ứng dụng công nghệ song song với tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ về CNTT cho cán bộ, giáo viên. Cùng với đó, các trường cũng cần lên kế hoạch, lộ trình cụ thể trong công cuộc số hóa.

 Bảo Trân