Chuyển đổi số thôi thúc đội ngũ phóng viên phải liên tục cố gắng
Chuyển đổi số trong hoạt động tác nghiệp là việc sử dụng các công cụ, công nghệ thiết bị số để thay đổi cách tác nghiệp truyền thống, nhằm tạo ra sản phẩm báo chí có chất lượng tốt, tiết kiệm thời gian, tránh được những rủi ro tai nạn mà phóng viên, nhà báo có thể gặp phả
- Việt Nam tăng tốc chuyển đổi số trong trong giáo dục nghề nghiệp
- Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư phục vụ chuyển đổi số quốc gia
- Bộ TT&TT đề nghị các bộ, tỉnh nêu những bài toán lớn về chuyển đổi số
- Chuyển đổi số hoạt động Kế Toán: Robot ảo đọc và xử lý hoá đơn chỉ trong 1 giây
- Năng lực lãnh đạo số quyết định thành bại chuyển đổi số
Duy trì đội ngũ giỏi về công nghệ, tận dụng tốt nguồn tài nguyên
Để có thể phát huy được những giá trị của nghề báo, các nhà báo tác nghiệp buộc phải chủ động ứng dụng những công nghệ hiện đại. Trong quá trình đó, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ mới vừa là thách thức, vừa là chìa khoá để mỗi phóng viên khẳng định bản lĩnh của mình trong việc tiếp cận khai thác thông tin, hình ảnh.
Chuyển đổi số trong tác nghiệp, chìa khóa của thành công.
Khi mà báo chí bị cạnh tranh nhiều với mạng xã hội, thì việc độc giả có xu hướng đọc ngắn, xem lướt, xem nhanh, thích xem hình ảnh đẹp lại diễn ra phổ biến hơn, đây cũng là xu thế chung trong công nghệ sản xuất, thông tin truyền thông hiện đại. Một cơ quan báo chí đã chú trọng đến chuyển đổi số, đầu tư nâng cao chất lượng về hình ảnh trực quan, điều này không chỉ đáp ứng nhu cầu bạn đọc mà còn là cách cho bạn đọc thấy tờ báo đã không ngại thay đổi để phát triển nhanh, vì độc giả.
Việc thay đổi vì độc giả này cũng thôi thúc đội ngũ phóng viên phải liên tục cố gắng, thấy được định hướng công việc phải làm, vận dụng ứng dụng các công nghệ hiện đại vào tác nghiệp. Tuy nhiên việc đầu tư này nghe có vẻ dễ, nhưng cũng không dễ dàng. Nhiều cơ quan báo chí phải mất 5, 6 năm để liên tục đổi mới công nghệ, cũng như phát triển nội dung hình ảnh.
Nhà báo Thuận Thắng – Tạp chí điện tử Tri thức trực tuyến (Zing News) cho biết: Chúng tôi duy trì đội ngũ lớn chỉ làm ảnh báo chí, xây dựng video, ngoài nền tảng công nghệ thông tin thì việc đầu tư các trang thiết bị tác nghiệp hiện đại cũng phải đi kèm. Nếu một tờ báo có đội ngũ phóng viên tốt, máy móc tốt nhưng không chú trọng duy trì đầu tư thường xuyên liên tục cũng dễ bị lãng phí nguồn tài nguyên.
Bên cạnh đó có nền tảng website hiện đại, chúng tôi còn có thể trình bày đẹp mắt, ở nhiều định dạng bài long-form, mega-story, tin infographic…
Nhà báo Thuận Thắng – Tạp chí điện tử Tri thức trực tuyến (Zing News).
"Cơ quan chúng tôi có chuẩn riêng, nhưng mỗi người lại có cách sáng tạo, có màu sắc khác nhau, ngoài nắm bắt được công nghệ mọi người còn phải duy trì được tần suất tin bài chất lượng thường xuyên. Mỗi người lại có một sở trường riêng, có cách ứng dụng công nghệ riêng và cơ quan biết điều đó nên đã tạo điều kiện để phát huy khả năng nổi trội của mỗi người. Ví dụ có những bạn phóng viên có đặc điểm sử dụng flycam tốt nhất, có nhiều hình ảnh đẹp mắt trên cao, có nhiều bạn làm rất tốt tin bài ở các sự kiện thể thao…" , anh Thuận Thắng chia sẻ.
Chuyển đổi số tạo ra tin tức nhanh nhạy, an toàn, tự tin
Với xu hướng phát triển báo chí như hiện nay việc đầu tư để chuyển đổi số ngoài nguồn lực về con người phải bắt đầu về công nghệ, đưa công nghệ đó đến với mỗi phóng viên là rất quan trọng. Việc này không chỉ đáp ứng được yêu cầu công việc nhanh mà còn cho chất lượng sản phẩm cao.
Giống như nhà báo Thuận Thắng, anh Hoàng Gia Huy (Báo điện tử VnExpress) cũng liên tục cập nhật những công nghệ mới vào làm ảnh báo chí. Nếu như trước đây, anh thường chụp ảnh, sau đó bỏ thẻ nhớ cắm vào laptop để lựa chọn ảnh, thì giờ đây, anh sử dụng máy ảnh tích hợp wifi, kết nối với điện thoại gửi về tòa soạn, tạo ra phóng sự ảnh sẽ nhanh chóng hơn, thậm chí là ngay tức thì, khi câu chuyện thời sự vẫn đang diễn ra.
Tuy nhiên bất cứ phóng viên nào khi mua thiết bị, công nghệ cũng nên tìm hiểu kỹ về nó, những chức năng, công dụng, cách dùng như thế nào. Để khi rơi vào trường hợp cần đến sẽ không bị vướng, vì sự cố có thể xảy ra bất cứ khi nào đối với phóng viên thời sự. Tất cả để đáp ứng được mục đích cuối cùng là có nội dung, chất lượng hình ảnh tốt nhất cho tòa soạn một cách nhanh nhất.
Nhà báo Hoàng Gia Huy - Báo điện tử VnExpress.
Anh Hoàng Gia Huy và đồng nghiệp cùng cơ quan luôn có những tiêu chuẩn cao về hình ảnh, chất lượng, nội dung, vì thế ngoài công nghệ trong quá trình tác nghiệp anh luôn giữ phong thái chỉn chu. Chú ý cả về khuôn hình, ánh sáng, bố cục. Công nghệ luôn biến đổi từng ngày vì thế anh và đồng nghiệp buộc phải học hỏi, tìm tòi ở nguồn tin khác nhau, kể cả các diễn dàn chuyên ngành, mạng xã hội. Gắn lý thuyết với thực tế, để việc ứng dụng giải pháp công nghệ đó được hiệu quả và bền lâu.
Nhà báo Hoàng Gia Huy chia sẻ: Hiện nay công nghệ làm ảnh báo chí thường cho sản phẩm ảnh được như ý, không bị hỏng như trước. Tôi lựa chọn thiết bị đời mới nhất của các hãng nổi tiếng, đảm bảo cho mình bắt được mọi khoảnh khắc, ít bị trượt. Độ nhanh nhạy, chất lượng ảnh tốt khi dùng cảm thấy tự tin hơn rất nhiều. Tôi nhớ năm ngoái có đi sự kiện lũ lụt ở miền Trung, trời mưa rất to, tôi vẫn có thể chụp trong điều kiện trời mưa to, nghĩa là máy ảnh có thể bị ướt trong quá trình tác nghiệp.
"Công nghệ giúp mình tác nghiệp trong nhiều điều kiện khác nhau, từ ban đêm, khu vực ẩm, cho đến khu vực thời tiết giá lạnh. Ở đây không hẳn vật chất quyết định ý thức mà vẫn phải cân bằng, có công nghệ mà không có trang bị kiến thức, kỹ năng, thì hiệu quả không cao, có được cả hai sẽ giúp cho mình tự tin hơn. Bên cạnh đó, làm gì cũng phải tư duy, đầu tư chất xám vào đấy thì mới có chất lượng tốt nhất", anh Hoàng Gia Huy thông tin thêm.
Chuyển đổi công nghệ để giữ lửa nghề
Nghề báo là nghề nguy hiểm trong đó làm những đề tài điều tra có thể coi là nguy hiểm nhất. Nhưng với sự hỗ trợ đắc lực của công nghệ, hoạt động tác nghiệp, điều tra thu thập thông tin hình ảnh có thể diễn ra một cách an toàn hơn.
Thời gian gần đây nhà báo Hoàng Chiên - Báo Nông thôn ngày nay/Dân Việt khi sản xuất tin bài, phóng sự điều tra được bộ phận công nghệ của cơ quan hỗ trợ rất tích cực, đó là dựng những video chuyên nghiệp, ảnh đẹp, nội dung tốt, từ đó thiết kế đẹp, bắt mắt khi trình bày, càng thu hút người đọc đến với những bài điều tra của báo.
Nhà báo Hoàng Chiên - Báo Nông thôn ngày nay/Dân Việt.
Mỗi bài điều tra anh và đồng nghiệp sản xuất là tác phẩm đa phương tiện, nghĩa là đủ cả video, ảnh, âm thanh sinh động. Để thực hiện được tác phẩm như vậy, công nghệ thu thập thông tin hình ảnh đã giúp cho anh và đồng nghiệp an toàn khi tác nghiệp, dễ dàng có được bằng chứng xác đáng nhất. Có thể nói chuyển đổi về công nghệ theo hướng hiện đại cũng giúp anh để giữ lửa nghề.
Với các vụ việc cần theo dõi lâu dài, phóng viên có gắn thiết bị vào xe các đối tượng để biết được hành trình, điểm đi, điểm đến của họ. Từ đó đưa ra phương án, quá trình điều tra không tốn thời gian, đạt được kết quả mà mình mong đợi.
Nhà báo Hoàng Chiên chia sẻ: "Theo tôi chuyển đổi số là câu chuyện dài, trường kỳ, từng bước một nhưng về ứng dụng công nghệ trong tác nghiệp thì ai cũng biết, cũng dễ học hỏi. Nhưng về kỹ năng áp dụng công nghệ thì không phải ai cũng biết, ai cũng thành thục được. Vì vậy mỗi cá nhân cần luyện tập kỹ các góc quay, vừa đủ hình, đủ âm thanh, đạt được mục tiêu, mục đích đề ra thì khâu chuẩn bị khá quan trọng như chuẩn bị dung lượng, pin, sự tự tin qua nét mặt, trình độ, tìm hiểu thông tin mình nắm được trước khi trao đổi. Tạo thiện cảm với người được phỏng vấn".
Trong nền báo chí hiện đại, tác nghiệp nhanh, chính xác, hình ảnh đẹp, với mỗi nhà báo không chỉ chuẩn bị tốt về phương tiện, thiết bị, mỗi nhà báo còn phải nhanh nhạy, phán đoán tình huống, trước khi tham dự sự kiện cần chuẩn bị kỹ thông tin nền, áp dụng kiến thức xã hội, luyện tập sử dụng công nghệ...
Và cùng với công nghệ, bản lĩnh của người làm báo sẽ được phát huy qua mỗi lần tác nghiệp, mỗi tác phẩm, nhưng tất cả đều có một mục tiêu chung là có chất lượng cao, được đông đảo độc giả đón nhận.
Theo/congluan.vn