Chuyển đổi số trong công tác ghi chỉ số công tơ, tính hóa đơn tiền điện tại Công ty Điện lực Vĩnh Phúc

15:40, 29/03/2021

Trong thời đại hội nhập và phát triển ngày nay, việc áp dụng khoa học công nghệ, các dịch vụ điện tử trong hoạt động sản xuất kinh doanh là vô cùng quan trọng. Thời gian qua, Công ty Điện lực Vĩnh Phúc đã triển khai lắp đặt các công tơ điện tử trên lưới điện.

Số liệu công tơ đo đếm thu thập từ xa vừa có thể phục vụ việc tính hóa đơn tiền điện, giám sát và giảm tổn thất điện năng, giám sát chất lượng điện năng, tính toán và cải thiện các chỉ tiêu độ tin cậy cung cấp điện, giám sát tình trạng vận hành của TBA và đường dây giúp nâng cao độ an toàn lưới điện.

Việc ứng dụng công nghệ đo xa cũng giúp công tác quản lý, vận hành lưới điện có sự thay đổi rõ rệt. Việc lắp đặt công tơ điện tử thu thập dữ liệu từ xa giúp nhân viên quản lý vận hành dễ dàng theo dõi các thông số vận hành của từng điểm đo, nâng cao năng suất lao động và đảm bảo an toàn hơn.

Đối với người dân, việc lắp đặt công tơ điện tử và hệ thống điểm đo xa đã mang lại những tiện ích rất lớn. Nhờ hệ thống đo, đếm từ xa, người dân dễ dàng giám sát và quản lý số liệu công tơ mình đang sử dụng theo từng thời điểm trong ngày.

Tính đến tháng 3/2021, Công ty Điện lực Vĩnh Phúc có 228.417 công tơ, trong đó có 79.819 công tơ 1 pha cơ khí chiếm 34,95%; 148.598 công tơ điện tử chiếm 65,05%; với khoảng 115.000 nghìn công tơ điện tử đã được thu thập chỉ số từ xa chiếm 77,4% trên tổng số công tơ điện tử và chiếm 50,3% trên tổng số công tơ bán điện. Với hình thức ghi chỉ số tự động: Hàng ngày, công tơ được thu thập dữ liệu và truyền về trung tâm qua các bộ tập trung (DCU) và chuyển máy chủ lưu trữ. Khách hàng sau các trạm biến áp công cộng đã được đọc xa có thể tra cứu chỉ số hàng ngày tại địa chỉ http://pcvinhphuc.npc.com.vn/, khách hàng có TBA chuyên dùng tra cứu trên các website của nhà cung cấp dịch vụ.

Còn lại khoảng 113.500 công tơ các loại gồm cơ khí, điện tử không đo xa và điện tử chưa đo xa được Điện lực sử dụng thiết bị máy tính bảng để cho Nhân viên ghi chỉ số (GCS), trên đó có phần mềm GCS đồng thời có tính năng cảnh báo chênh lệch so với tháng trước để nhân viên có thể kiểm tra ngay tại công tơ. Sau khi đi GCS và cập nhật lên hệ thống tính hóa đơn tiền điện, Điện lực sẽ gửi thông báo theo các hình thức SMS/Email/Zalo/Web CSKH/App CSKH… đến khách hàng để khách hàng có thể giám sát việc ghi chỉ số công tơ của các đơn vị Điện lực.

Quá trình ghi chỉ số và lập hóa đơn tiền điện được Công ty Điện lực Vĩnh Phúc nghiêm túc thực hiện theo Quy trình kinh doanh của Tập Đoàn Điện lực Việt Nam. Công tác lập lịch ghi chỉ số, thực hiện ghi chỉ số theo đúng lịch, phúc tra chỉ số và lập hóa đơn được thực hiện đúng quy định.

PV