Chuyển đổi số trong giáo dục đại học
Dạy trực tuyến, thi trực tuyến, tuyển sinh trực tuyến, bảo vệ khóa luận trực tuyến, khai thác học liệu số và quản lý cũng chuyển một phần sang trạng thái trực tuyến. Dịch Covid-19 đã tác động chưa từng có, đặt ra nhiều thách thức nhưng cũng là cơ hội để giáo dục đại học chuyển đổi số sâu rộng, toàn diện.
- Chuyển đổi số nông nghiệp Việt Nam cần tập trung chế biến sâu để nâng cao giá trị sản phẩm
- Diễn đàn quốc tế chuyển đổi số nông nghiệp Việt Nam 2021
- Xu hướng chuyển đổi số khiến ngành CNTT có cơ hội tăng trưởng mạnh mẽ dài hạn
- Công nghiệp Việt thúc đẩy chuyển đổi số để thích ứng với đại dịch
- Chuyển đổi số để thích nghi trạng thái “bình thường mới”
Giờ thực hành của sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam.
Những ngày này, khi các trường đại học công bố điểm chuẩn trúng tuyển theo hình thức xét tuyển dựa trên kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT, hàng chục nghìn tân sinh viên của các trường đại học chính thức làm thủ tục nhập học. Tuy nhiên, khác với những năm học trước, phần lớn các em nhập học và nộp hồ sơ trúng tuyển bằng hình thức trực tuyến.
Trường đại học Thủy lợi đã xây dựng quy trình nhập học trực tuyến theo địa chỉ nhaphoc.tlu.edu.vn với mô tả chi tiết từng bước, có video hướng dẫn và số điện thoại hỗ trợ cho các tân sinh viên. Trường cũng triển khai các hoạt động đầu khóa học bằng hình thức trực tuyến, đồng thời xây dựng hệ thống LMS để quản lý, giảng dạy trực tuyến triển khai từ năm học 2021 - 2022.
PGS, TS Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường đại học Ngoại thương cho biết, năm học mới 2021 - 2022 mọi hoạt động của trường đều diễn ra trực tuyến. Với hơn 10 nghìn sinh viên, trường đã đầu tư, hoàn thiện hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin, đường truyền Leased Line, wifi... Trường còn đẩy mạnh tương tác trên mạng, phát huy sáng kiến của giảng viên và sinh viên.
Giám đốc Trung tâm thông tin thư viện, Đại học Quốc gia Hà Nội, TS Nguyễn Hoàng Sơn cho biết, hệ thống học liệu số của đơn vị đã phủ kín các ngành học của Đại học Quốc gia Hà Nội. Bước vào năm học mới 2021 - 2022, Trung tâm có 268.805 học liệu số và hơn 114.000 học liệu in phục vụ công tác đào tạo, nghiên cứu. Trong 20 tháng chịu tác động của dịch Covid-19 vừa qua, riêng kho học liệu số trên ứng dụng di động của Trung tâm đã có hơn 102.000 sách, giáo trình số... Số lượng người học, nghiên cứu truy cập tài nguyên số cũng tăng lên không ngừng; năm 2020 có hơn 26 triệu lượt người tương tác (xem, tải, tìm kiếm học liệu số); tám tháng năm 2021 lượt truy cập là 19 triệu lượt.
“Điều đó chứng tỏ người học, nghiên cứu trên nền tảng số ngày càng lớn. Trung tâm đã bảo đảm hệ thống máy chủ, hạ tầng mạng, đường truyền, băng thông tốt, phục vụ 50 nghìn lượt truy cập cùng một thời điểm. Theo bảng xếp hạng của Phòng thí nghiệm Cybermetrics Labs (thuộc Hội đồng nghiên cứu quốc gia Tây Ban Nha), Thư viện Đại học Quốc gia Hà Nội xếp thứ 65 trong tổng số 3.942 kho tài nguyên số toàn cầu” - ông Sơn chia sẻ.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, do đặc thù dịch bệnh, năm 2021 Bộ đã ban hành rất nhiều văn bản liên quan trực tiếp đến đào tạo trực tuyến trong thời kỳ dịch Covid-19. Cả nước có hơn 70% cơ sở giáo dục đại học đã triển khai hệ thống thư viện điện tử và triển khai hệ thống học tập e-Learning liên thông, chia sẻ học liệu với các cơ sở đào tạo đại học khác nhằm nâng cao năng lực đào tạo, nghiên cứu.
Tuy nhiên, khó khăn trong chuyển đổi số chính là hạ tầng mạng và thiết bị công nghệ. Phần mềm “trăm hoa đua nở” và có sự cạnh tranh từ các đại học và tập đoàn lớn, đầu tư vào các nền tảng giáo dục xuyên biên giới. Trong khi đó, các văn bản chính sách chưa theo kịp thực tiễn. Vẫn còn một số cơ sở đào tạo chậm đổi mới phương pháp đào tạo để khai thác thế mạnh của công nghệ; chuyển đổi ứng phó, chưa bền vững; sự hợp tác, phối hợp, chia sẻ của một số trường đại học không nhiều…
GS, TS Lê Anh Vinh, Phó viện trưởng phụ trách Viện Khoa học giáo dục Việt Nam cho rằng, sự sẵn sàng thay đổi thực tế đối với đội ngũ giảng viên, nhà trường đôi khi lại khó hơn đối với sinh viên và học sinh. Do đó, trở ngại lớn nhất không phải là về công nghệ mà là trở ngại về yếu tố con người có sẵn sàng đón nhận thay đổi hay không. Giáo dục đại học cần có đầu tư xứng đáng và có quyết tâm với công cuộc chuyển đổi số.
GS, TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc (Trường đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) nói, trên cơ sở quy định pháp lý chung cho chuyển đổi số, cần hoàn thiện quy định chuyên ngành cụ thể. Trong giáo dục cần quy định chương trình học trực tuyến, thời lượng học, kiểm tra đánh giá trực tuyến, kiểm định chất lượng học trực tuyến, công nhận kết quả học trực tuyến (khác với học truyền thống).
Theo Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, trong tình hình dịch bệnh, các cơ sở đào tạo đã chủ động, có nhiều sáng tạo và đã biến thách thức trở thành cơ hội đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi số. Để tăng cường các biện pháp thích nghi với dịch bệnh có thể còn kéo dài, giáo dục đại học chuyển từ đào tạo trực tiếp sang kết hợp trực tiếp với trực tuyến là kiên trì bảo đảm chất lượng, trên cơ sở đó đẩy mạnh chuyển đổi số một cách sâu rộng, toàn diện. Giáo dục đại học chuyển đổi số không chỉ để ứng phó cho mình mà còn đóng vai trò nòng cốt trong chuyển đổi số toàn ngành giáo dục, hỗ trợ giáo dục phổ thông và các địa phương...
Theo/nhandan.vn