Chuyển đổi số trong năng lượng ở Việt Nam
Thực hiện chuyển đổi số thành công sẽ giúp chúng ta tiết kiệm lượng điện năng cho quốc gia.
Phần lớn điện năng hiện nay của Việt Nam đều được tạo ra từ nước, than, dầu khí… là những nguồn năng lượng của thiên nhiên do vậy, nếu sử dụng lãng phí thì nguồn tài nguyên sẽ nhanh chóng cạn kiệt. Ngoài ra, số hóa năng lượng thành công sẽ giúp thế giới hướng tới một tương lai năng lượng an toàn, bền vững, hiệu quả và thông minh hơn.
Tầm quan trọng của năng lượng
Tại Việt Nam, về cơ bản, cơ cấu ngành công nghiệp năng lượng được chia làm 2 nhóm ngành: Công nghiệp khai thác nguyên - nhiên liệu và công nghiệp điện lực. Mặc khác, trong công nghiệp khai thác nguyên - nhiên liệu, có 2 ngành chính là công nghiệp khai thác than và công nghiệp khai thác dầu mỏ. Do vậy, có thể nói công nghiệp năng lượng gồm các ngành chính: Công nghiệp khai thác than, công nghiệp khai thác dầu khí, công nghiệp điện lực.
Trong chương trình chuyển đổi số quốc gia thì năng lượng là 1 trong 8 lĩnh vực được ưu tiên triển khai. Quyết định số 749 ngày 03/6/2020 phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ xác định: “Chuyển đổi số trong lĩnh vực năng lượng, trong đó ưu tiên tập trung cho ngành điện lực hướng đến tối đa hóa và tự động hóa các mạng lưới cho việc cung ứng điện một cách hiệu quả. Kết nối các đồng hồ đo điện số để cải thiện tốc độ và sự chính xác của hóa đơn, xác định sự cố về mạng lưới nhanh hơn, hỗ trợ người dùng cách tiết kiệm năng lượng và phát hiện ra các tổn thất, mất mát điện năng”.
Việt Nam đã phê duyệt lộ trình lưới điện thông minh để từng bước hiện đại hóa lưới điện, ứng dụng các công nghệ tiên tiến trong quản lý lưới điện. Trong đó, chú trọng thúc đẩy sự phát triển của nguồn điện phân tán, nguồn điện năng lượng tái tạo quy mô nhỏ và sự tham gia tương tác của khách hàng sử dụng điện trong việc quản lý và điều chỉnh phụ tải điện. Việt Nam đã chủ động triển khai các công nghệ tự động hóa nhằm tích hợp số lượng lớn các nguồn điện tái tạo không điều khiển được như điện gió, điện mặt trời vào hệ thống.
Tính đến thời điểm hiện tại, thị trường phát điện và bán buôn điện cạnh tranh Việt Nam đã bắt đầu được hình thành, các nhà máy điện đã và đang có thể chào giá cạnh tranh trong môi trường minh bạch và bình đẳng. Quá trình tái cơ cấu ngành điện (phân tách giữa yếu tố độc quyền tự nhiên và yếu tố cạnh tranh) đang được thực hiện, nhằm hướng đến sự hình thành của thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, cung cấp cho khách hàng sự lựa chọn đơn vị cung cấp điện. Việt Nam đã ban hành lộ trình phát triển thị trường điện theo 3 cấp độ nhằm lần lượt tự do hóa khâu phát điện, bán buôn điện và bán lẻ điện.
Mục tiêu chuyển đổi số
Mục tiêu chuyển đổi số trong DN năng lượng có thể chia thành 2 nhóm mục tiêu chính, bao gồm: Mục tiêu về sản phẩm/dịch vụ và mục tiêu kinh doanh.
Về sản phẩm, dịch vụ DN năng lượng cần hướng đến, đó là ưu tiên tập trung ứng dụng để tối đa hóa, tự động hóa các mạng lưới cho việc cung ứng điện hiệu quả hơn, tiết kiệm hơn. Kết nối các đồng hồ đo điện số để cải thiện tốc độ và sự chính xác của hóa đơn, xác định sự cố về mạng lưới nhanh hơn, hỗ trợ người dùng cách tiết kiệm năng lượng và phát hiện ra các tổn thất, mất mát điện năng.
Theo thống kê nhu cầu tiêu thụ năng lượng trong giao thông chiếm 28% và 23% lượng khí thải CO2 từ việc đốt nhiên liệu, ngành công nghiệp chiếm khoảng 38% và thải ra 24% tổng lượng khí thải CO2, nhu cầu sinh hoạt của người dân chiếm khoảng 48% mức tiêu thụ năng lượng còn lại và thải ra 53% CO2.
Như vậy mục tiêu chuyển đổi số trong các tòa nhà dân dụng, công sở đã và đang trở nên cấp bách hơn bao giờ hết để tiết kiệm năng lượng, giảm khí thải. Hiện nay, các nghiên cứu mới nhất của thế giới đều đi sâu vào khả năng đáp ứng của các dịch vụ năng lượng (ví dụ: sử dụng cảm biến chiếu sáng) và dự đoán hành vi của người dùng (ví dụ: Thông qua các thuật toán, lập trình tự động các dịch vụ sưởi ấm và làm mát) cũng là những phương án giúp đảm bảo việc tiết kiệm nguồn năng lượng.
Tại các đô thị thông minh, đã áp dụng các giải pháp dự đoán, đo lường và giám sát trong thời gian thực hiệu suất năng lượng của các tòa nhà, cho phép người tiêu dùng, người quản lý tòa nhà, nhà điều hành mạng và các bên liên quan khác xác định địa điểm và thời điểm cần bảo trì. Tất cả những lợi ích này có thể được thực hiện với chi phí năng lượng hạn chế, vì các biện pháp kiểm soát tích cực dự kiến chỉ tiêu thụ 275TWh vào năm 2040; ít hơn nhiều so với 4650TWh có thể tiết kiệm được trong cùng năm đó.
Trong ngành công nghiệp, sử dụng công nghệ số để cải thiện độ an toàn và tăng sản lượng, có thể tiết kiệm năng lượng hiệu quả hơn nữa thông qua các quy trình điều khiển tiên tiến, bằng cách kết hợp các cảm biến thông minh và phân tích dữ liệu để dự đoán lỗi thiết bị. Công nghệ số cũng tác động đến quy trình sản xuất sản phẩm. Các công nghệ như robot công nghiệp và in 3D đang trở thành thông lệ tiêu chuẩn trong các ứng dụng công nghiệp nhất định. Những công nghệ này có thể giúp tăng độ chính xác và giảm lượng phế thải công nghiệp. Việc triển khai robot công nghiệp dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng nhanh chóng, với tổng lượng robot tăng từ khoảng 1,6 triệu đơn vị vào cuối năm 2015 lên tới 2,6 triệu vào cuối năm 2019.
Đối với giao thông vận tải, công nghệ số đang giúp cải thiện hiệu quả năng lượng và giảm chi phí bảo trì. Trong ngành hàng không, các máy bay thương mại mới nhất được trang bị hàng nghìn cảm biến, tạo ra trung bình gần một terabyte dữ liệu trên một chuyến bay. Phân tích dữ liệu lớn sẽ giúp tối ưu hóa quá trình lập kế hoạch bay và giúp phi công dễ dàng đưa ra quyết định, từ đó giảm mức sử dụng nhiên liệu.
Các tàu thuyền lớn cũng đang được trang bị nhiều cảm biến hơn, giúp thủy thủ đoàn thực hiện các biện pháp tối ưu hóa các tuyến đường, đồng thời những tiến bộ trong liên lạc vệ tinh cho phép khả năng kết nối được nâng cao hơn rất nhiều.
Với vận tải đường bộ, nơi các công nghệ tự động hóa và kết nối mọi lúc mọi nơi làm thay đổi cơ bản cách di chuyển của con người và hàng hóa. việc áp dụng các giải pháp kỹ thuật cho vận hành xe và hậu cần có thể giảm mức sử dụng năng lượng của vận tải đường bộ xuống 20 - 25%. Ví dụ về các giải pháp như vậy bao gồm GPS kết hợp với thông tin giao thông thời gian thực nhằm tối ưu hóa tuyến đường, giám sát trong quá trình di chuyển và phản hồi để nâng cao hiệu suất lái xe; kết nối giữa các phương tiện với nhau tạo điều kiện các đoàn xe đi sát nhau, từ đó cải thiện hiệu suất nhiên liệu và chia sẻ dữ liệu giữa các công ty trong chuỗi cung ứng để vận chuyển nhiều hàng hóa hơn với ít chuyến đi hơn.
Về mục tiêu kinh doanh, nội bộ DN cần chuyển đổi số trong công tác quản lý, điều hành, thống kê sản phẩm... để nâng cao năng suất, tối ưu hiệu quả sử dụng nguồn lực, tiết kiệm chi phí và gia tăng lợi nhuận qua từng thời kỳ. Trong đó, nhóm yếu tố cần được chú trọng trong chuyển đổi số khi vận hành và quản lý DN là: Tính tự động hóa; tính kế thừa và kết nối dữ liệu; tính an toàn và bảo mật thông tin.
Với đảm bảo các mục tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội, Chính phủ Việt Nam quyết tâm và đang giành ưu tiên cao cho các nỗ lực phát triển ngành năng lượng theo hướng phát triển bền vững, với mục tiêu giữ vững an ninh năng lượng quốc gia và giảm phát thải khí nhà kín.
Theo/kinhtedothi.vn