Chuyển đổi xanh là "cuộc đua tiếp sức" của doanh nghiệp trong chuỗi giá trị
Theo chuyên gia, chuyển đổi xanh không phải cuộc đua cạnh tranh lẫn nhau trong nền kinh tế thị trường, mà là cuộc đua tiếp sức giữa các thành phần kinh tế, giữa các doanh nghiệp khác nhau trong một chuỗi giá trị, của các cơ quan hoạch định chính sách…
Chuyển đổi xanh không chỉ là một xu hướng toàn cầu mà còn là yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng. Việt Nam đang đứng trước cơ hội rất lớn khi Đảng, Chính phủ quyết tâm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tạo động lực tăng trưởng mới kết hợp việc bảo vệ môi trường, thực hiện cam kết Net Zero vào năm 2050.
Cuộc đua nâng cao năng lực cạnh tranh và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu
Với các doanh nghiệp, chuyển đổi xanh không chỉ là yêu cầu cấp thiết mà còn là yếu tố quyết định sự sống còn trong bối cảnh mới. Đánh giá về sự vào cuộc chuyển đổi xanh của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay tại một tọa đàm mới đây, TS. Nguyễn Quốc Việt, Giảng viên trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, khẳng định rằng với các doanh nghiệp Việt Nam, đây không còn là vấn đề nhìn nhận, do dự mà phải bắt buộc, thích ứng chuyển đổi. Nói cách khác đây là cuộc đua của tất cả các doanh nghiệp.
“Đây không phải cuộc đua cạnh tranh lẫn nhau trong nền kinh tế thị trường, mà với một tính chất mới, là cuộc đua tiếp sức giữa các thành phần kinh tế, giữa các doanh nghiệp khác nhau trong một chuỗi giá trị”, TS. Việt nói.
Đây cũng là cuộc đua tiếp sức của các cơ quan hoạch định chính sách, của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, của các nhà nghiên cứu khoa học, các viện nghiên cứu, trường đại học cùng hỗ trợ.
Ảnh minh hoạ
Cuộc đua tiếp sức chuyển đổi xanh này cũng là cuộc đua xuyên suốt, có những việc có thể làm ngay trong năm nay hoặc trong những năm tới, có những việc cần phân chia lộ trình để cho tất cả người dân, doanh nghiệp Việt Nam tiếp sức trong giai đoạn từ năm 2030 đến 2045 và 2050.
Với xu thế chuyển đổi xanh, các doanh nghiệp Việt Nam đã có sự nhập cuộc ở các ngành, lĩnh vực, ở các khía cạnh, từ chế biến chế tạo đến ngành hàng thực phẩm, dịch vụ…
Quan khảo sát cho thấy, về cơ bản các doanh nghiệp đã nhận thức được yêu cầu và bước đầu tham gia vào quá trình chuyển đổi xanh. Việc chuyển đổi xanh, ứng dụng công nghệ mới, bảo vệ môi trường, tiết kiệm tài nguyên, việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh và có thể tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, đặc biệt là chuỗi xuất khẩu.
Không những thế, các doanh nghiệp được hưởng lợi rất lớn nếu thương hiệu, sản phẩm được chứng nhận xanh, vượt qua rào cản phi thuế quan trong các xu thế thương mại đầu tư toàn cầu…
Đối với người dân Việt Nam, theo ông Việt, khi đạt đến mức thu nhập cao hơn, nhu cầu tiêu dùng cũng sẽ cao hơn, thụ hưởng những sản phẩm và dịch vụ có giá trị cao, đáp ứng tốt hơn các đòi hỏi về kinh tế xã hội, môi trường.
Ngoài ra, nếu doanh nghiệp biết tận dụng những cơ hội, hiểu rõ về cơ chế chính sách và thể chế toàn cầu cũng như ở trong nước, các doanh nghiệp sẽ nhận được những hỗ trợ một cách tích cực từ phía nhà nước, cộng đồng các nhà đầu tư, các quỹ đầu tư nước ngoài, tiếp cận được tiếp cận các nguồn lực, vốn, công nghệ của nước ngoài.
Tuy nhiên, cơ hội sẽ đi kèm với thách thức với các doanh nghiệp như việc chuyển đổi công nghệ, khả năng tiếp cận vốn…
Việc chuyển đổi xanh, ứng dụng công nghệ mới, bảo vệ môi trường, tiết kiệm tài nguyên, việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh và có thể tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, đặc biệt là chuỗi xuất khẩu. |
Cơ chế chính sách theo kịp khả năng và nhu cầu chuyển đổi
Từ góc nhìn doanh nghiệp triển khai thực tế, đại diện Công ty TNHH Kẻ Gỗ cho rằng yêu cầu về xanh và bền vững hiện không còn là xu hướng mà đã trở thành điều kiện bắt buộc ở nhiều thị trường lớn như châu Âu, Bắc Mỹ, Đông Á và châu Úc. Đặc biệt trong ngành gỗ, những tiêu chuẩn này được áp dụng xuyên suốt toàn bộ chuỗi giá trị sản phẩm- từ nguyên liệu đầu vào đến phương thức sản xuất và sản phẩm hoàn thiện.
Cụ thể, nhiều khách hàng quốc tế yêu cầu doanh nghiệp phải sử dụng nguồn nguyên liệu gỗ có chứng nhận quản lý rừng bền vững, đồng thời phải chứng minh rằng quá trình khai thác không gây phá rừng, mất rừng…
Trong quá trình sản xuất, các tiêu chuẩn cũng được siết chặt với yêu cầu áp dụng công nghệ thân thiện với môi trường, không phát thải độc hại. Ví dụ như EU đang triển khai Cơ chế điều chỉnh carbon (CBAM), buộc doanh nghiệp khai báo lượng phát thải khí nhà kính trên mỗi đơn vị sản phẩm.
Các doanh nghiệp cho rằng chuyển đổi xanh là điều tất yếu, nhưng muốn doanh nghiệp thực hiện hiệu quả và bền vững, cần có hành lang pháp lý rõ ràng, đồng bộ và những cơ chế hỗ trợ thực chất
Theo chuyên gia, trong cuộc đua tiếp sức này, chúng ta phải vượt qua thách thức, khó khăn để có thể cộng tác được với nhau, để tạo ra cuộc đua tiếp sức của các thành phần, các thế hệ doanh nghiệp. Điểm mấu chốt là thể chế chính sách phải thực sự theo kịp khả năng, nhu cầu chuyển đổi của cả nền kinh tế và của các doanh nghiệp. Ví dụ về quy định tiêu chuẩn xanh, phân loại xanh các ngành nghề, lĩnh vực để ưu tiên đầu tư và cấp tín dụng xanh…vẫn chưa có cơ chế cụ thể.
Các chuyên gia cho rằng việc hoàn thiện khung pháp lý và cơ chế tài chính, đặc biệt là các chính sách về bảo lãnh tín dụng và huy động vốn là rất quan trọng. Theo TS. Nguyễn Quốc Việt, trước hết cần bắt đầu từ việc phân loại đặc điểm và mô hình của các dự án, từ đó đưa ra các giải pháp phù hợp với từng nhóm đối tượng.
Trong lĩnh vực nông nghiệp và dịch vụ, các hộ kinh doanh nhỏ và hộ nông dân vẫn đang gặp trở ngại trong việc tiếp cận tín dụng. Các khoản vay nhỏ lẻ, thiếu bảo đảm, trong khi nhu cầu vốn lại lớn và ngày càng tăng. Trước thực trạng đó, việc phát triển các mô hình hợp tác xã hoặc liên kết sản xuất là giải pháp khả thi, giúp tập trung nhu cầu vốn và nâng cao khả năng vay mượn thông qua cơ chế bảo lãnh tín chấp.
Ví dụ từ các dự án chuyển đổi xanh trong lĩnh vực nông nghiệp, thay vì từng hộ kinh doanh tự đứng ra vay vốn, các hợp tác xã có thể đại diện cho nhiều hộ, từ đó tăng tính tín nhiệm và khả năng tiếp cận nguồn vốn ưu đãi từ ngân hàng hoặc tổ chức tài chính.
Để các chính sách phát huy hiệu quả, TS. Việt nhấn mạnh cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan như Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công Thương và Bộ Tài nguyên và Môi trường. Việc đồng bộ hóa từ trung ương tới địa phương sẽ tạo hành lang thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện các dự án xanh.
Đặc biệt, việc phân loại nhu cầu và mô hình doanh nghiệp theo từng ngành hàng, quy mô hoạt động là yếu tố quan trọng để thiết kế chính sách “đúng và trúng”. Không thể áp dụng một chính sách chung cho mọi doanh nghiệp trong bối cảnh đặc thù và điều kiện tài chính rất khác nhau.