Chuyên gia lo ngại về quy định muốn livestream trên mạng xã hội phải xin phép?
Theo đề xuất mới của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), người dùng mạng xã hội phải xác thực tài khoản bằng số điện thoại di động tại Việt Nam. Cùng với đó, muốn dùng dịch vụ phát video trực tiếp (livestream) mạng xã hội, người dùng phải xin phép.
Mạng xã hội có giấy phép mới được cung cấp dịch vụ livestream
Tại dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng và Nghị định 27/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 72/2013/NĐ-CP, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đề xuất bổ sung quy định về quản lý livestream.
Bộ TT&TT cho biết, hiện nay, trên các mạng xã hội trong nước và mạng xã hội nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam xuất hiện tính năng "livestream" là tính năng cho phép tài khoản mạng xã hội truyền tải trực tuyến video theo thời gian thực.
Thực tế cho thấy, đây là hình thức thông tin tác động, ảnh hưởng nhanh tới xã hội, do đó Bộ TT&TT đề xuất cần phải bổ sung quy định để quản lý tính năng này.
Theo đó, chỉ các mạng xã hội đã được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp Giấy phép cung cấp dịch vụ mạng xã hội mới được cung cấp dịch vụ phát video trực tuyến (livestream) hoặc cung cấp các hoạt động có phát sinh doanh thu dưới mọi hình thức (không bao gồm hoạt động thương mại điện tử).
Đề xuất mạng xã hội có Giấy phép mới được cung cấp dịch vụ livestream. (Ảnh minh họa)
Các mạng xã hội có số lượng người truy cập thường xuyên thấp nếu có nhu cầu cung cấp dịch vụ phát video trực truyến (livestream) hoặc cung cấp các hoạt động có phát sinh doanh thu (không bao gồm hoạt động thương mại điện tử) thì thực hiện thủ tục cấp Giấy phép cung cấp dịch vụ mạng xã hội.
Các hoạt động chuyên ngành cung cấp dưới hình thức livestream phải tuân thủ quy định về pháp luật chuyên ngành.
Bên cạnh đó, dự thảo Nghị định cũng bổ sung quy định nhằm bảo vệ quyền lợi của người dùng mạng xã hội.
Theo Bộ TT&TT, hiện nay, trên các mạng xã hội nước ngoài như Facebook, Youtube, Tiktok đang tồn tại nhiều tin giả, tin xấu độc, thông tin bôi nhọ, xúc phạm uy tín, danh dự nhân phẩm tổ chức, cá nhân; tuyên truyền mê tín dị đoạn; các nội dung vi phạm bản quyền… gây ảnh hưởng tới danh dự, uy tín của tổ chức, doanh nghiệp và quyền lợi của người dùng mạng xã hội.
Do đó, dự thảo Nghị định đã bổ sung một số quy định nhằm bảo vệ quyền lợi của người dùng và đảm bảo quy định được thực hiện công bằng giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ tại Việt Nam, cụ thể:
- Mạng xã hội phải công khai mô tả quy trình, phương thức phân phối nội dung trên nền tảng của mình để người dùng được biết và cân nhắc sử dụng (đây là một trong những tính năng của sản phẩm, các mạng xã hội cần phải minh bạch hóa tính năng sản phẩm khi cung cấp đến người dùng);
- Mạng xã hội phải có bộ phận tiếp nhận, xử lý các khiếu nại của người dùng;
- Bổ sung quy định bảo vệ trẻ em khi sử dụng Mạng xã hội.
Việc chặn nội dung sẽ có nguy cơ cô lập Việt Nam khỏi xu hướng Internet mở toàn cầu
Chia sẻ tại hội thảo góp ý dự thảo nghị định thay thế sửa đổi Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng diễn ra mới đây, bà Nguyễn Thanh Huyền - Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Bộ TT&TT cho biết, tại dự thảo nghị định sửa đổi, Bộ TT&TT đề xuất bổ sung quy định khóa tài khoản, trang cộng đồng, kênh nội dung; đề xuất bổ sung quy định yêu cầu mạng xã hội trong nước và xuyên biên giới tạm khóa hoặc khóa vĩnh viễn tài khoản mạng xã hội, trang cộng đồng, kênh nội dung thường xuyên vi phạm hoặc vi phạm nghiêm trọng ảnh hưởng an ninh quốc gia.
Theo lý giải của ban soạn thảo, quy định này sẽ giúp giải quyết cơ bản nguồn vi phạm, cũng như giảm thời gian và nguồn lực của các cơ quan chức năng trong việc thực hiện chặn gỡ từng nội dung vi phạm như hiện nay.
Bộ TT&TT bổ sung quy định mạng xã hội phải xác thực tài khoản người dùng qua số điện thoại di động tại Việt Nam. Cơ quan báo chí thiết lập tài khoản, trang cộng đồng, kênh nội dung, nhóm cộng đồng trên mạng xã hội trong và ngoài nước phải đăng ký với Bộ TT&TT và cam kết chịu trách nhiệm nội dung cung cấp, theo đúng tôn chỉ, mục đích. Điều này nhằm tránh tình trạng giả mạo cơ quan báo chí và tránh tình trạng các cơ quan báo chí cung cấp các nội dung không phù hợp với tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí.
Theo các chuyên gia, các quy định của nghị định mới cần cẩn trọng để tránh xảy ra bảo hộ ngược khiến doanh nghiệp Việt Nam không cạnh tranh với doanh nghiệp quốc tế. (Ảnh minh họa)
Ông Đậu Anh Tuấn - Tổng Thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - cho biết, hiện nay có đến 70% người dân Việt Nam sử dụng internet. Hạ tầng viễn thông quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp mọi mặt người dân.
“Các quy định của nghị định mới cần cẩn trọng để tránh xảy ra bảo hộ ngược khiến doanh nghiệp Việt Nam không cạnh tranh với doanh nghiệp quốc tế. Và tránh tình trạng, nhà đầu tư trong nước ra nước ngoài thành lập doanh nghiệp để cung cấp dịch vụ vào Việt Nam. Ban soạn thảo nghị định cần tính tới tác động này”, ông Tuấn đề xuất.
Góp ý về quy định Bộ TT&TT đề xuất, ông Vũ Tú Thành - Phó Giám đốc Điều hành khu vực Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN - cho rằng, việc chặn nội dung không có hướng dẫn rõ ràng, không xét đến bản chất toàn cầu của Internet tiềm ẩn nguy cơ cô lập Việt Nam khỏi cuộc xu hướng Internet mở toàn cầu. Bên cạnh đó, yêu cầu tạm khoá và khoá vĩnh viễn các tài khoản mạng xã hội, trang cộng đồng, nhóm cộng đồng, kênh nội dung, chặn và gỡ bỏ ứng dụng là quá nhiều và không khả thi về mặt vận hành.
Trong khi đó, ông Nguyễn Quang Đồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) đề xuất quy trình chặn, gỡ bỏ nội dung vi phạm pháp luật theo báo cáo của người dùng theo các bước. Theo đó, sau khi người dùng thông báo nội dung vi phạm sẽ chặn quyền truy cập đến nội dung vi phạm. Tiếp đó, sẽ thông báo đến người dùng có nội dung bị báo cáo vi phạm pháp luật. Trong thời gian này, người đăng tải nội dung bị báo cáo thực hiện quyền phản đối. Cuối cùng, khôi phục quyền truy cập hoặc tiếp tục chặn quyền truy cập khi bắt đầu quá trình kiện tại tòa.
Theo ông Đồng, quy định về người dùng thông báo nội dung vi phạm cần đảm bảo nhà cung cấp dịch vụ cho phép người dùng báo cáo vi phạm bằng hình thức trực tuyến. Người dùng phải giải thích rõ ràng lý do cho rằng nội dung báo cáo là vi phạm pháp luật.
Ngoài ra, người dùng cung cấp đường link dẫn đến nội dung được cho là vi phạm. Người dùng cung cấp thông tin liên hệ của người gửi báo cáo vi phạm. Người dùng tuyên bố về xác nhận gửi báo cáo nội dung vi phạm và được cảnh báo về việc lạm dụng quyền báo cáo có thể dẫn đến chịu trách nhiệm pháp lý.
Theo thuongtruong.com.vn