Chuyển vùng quốc tế - Hành trang mùa du lịch

06:27, 24/04/2011

            Tháng 3 như thường lệ, mọi người tất bật chuẩn bị cho các chuyến du lịch nước ngoài vào dịp hè. Mọi thứ được lên kế hoạch khá kỹ. Với nhiều du khách, quan trọng nhất vẫn là khâu liên lạc phải được thông suốt liên tục. Có người chọn giải pháp dùng email, voice chat. Người khác lại dùng thẻ điện thoại cố định hay sim di động ngay tại nước sở tại để liên lạc trong nước cho rẻ… Không ít người chọn dịch vụ chuyển vùng quốc tế (Roaming) của nhà mạng mình đang dùng.

           “Cơ chế” thoáng cho thuê bao trả trước

Lâu nay, cứ nghe đến Roaming là mọi người nghĩ ngay đến dịch vụ dành cho nhà giàu. Vì chỉ có nhà giàu mới đủ điều kiện Roaming quốc tế với cước phí cao cùng khoản tiền đóng cọc để đăng ký dịch vụ. Thêm vào đó là mất thời gian làm thủ tục bởi thủ tục đăng ký rườm rà, nào chứng minh, hộ chiếu, điền thông tin đầy đủ vào bản đăng ký dịch vụ. Sau khi ngừng dùng dịch vụ và thanh toán cước đầy đủ, phải đợi khoản thời gian sau mới nhận lại tiền cọc. Vì vậy, ngoài người giàu, những người dùng bình thường khi có nhu cầu thật sự cũng tỏ ra “ngán” Roaming. Tuy nhiên, mới đây Vinaphone đã mở Roaming quốc tế cho thuê bao trả trước với 2 nhà mạng True Move (Thái Lan) và Hutchison (HongKong). Theo VinaPhone, Roaming quốc tế cho thuê bao trả trước cho phép thuê bao trả trước mạng VinaPhone có thể dùng thẻ SIM và số di động trả trước của mình nhận và thực hiện cuộc gọi/SMS khi ở nước ngoài. Điều kiện sử dụng dịch vụ là thuê bao trả trước đang hoạt động 2 chiều và có tài khoản chính tại thời điểm đăng ký tối thiểu là 100.000 đồng.

Như vậy, từ nay, thuê bao trả trước của Vinaphone cũng có thể Roaming dễ dàng để nhận, thuộc hiện cuộc gọi/SMS quốc tế với người thân, bạn bè trong nước. Để sử dụng dịch vụ, thuê bao bắt buộc phải đăng ký sử dụng dịch vụ Roaming quốc tế tại Việt Nam (đăng ký miễn phí). Hiện VinaPhone đang cung cấp các dịch vụ cung cấp cho thuê bao Roaming quốc tế là dịch vụ thoại, dịch vụ nhắn tin SMS (bao gồm nhắn tin SMS thường và SMS GTGT đến các đầu số 8/7/6/4xxx và 1900xxxx), dịch vụ USSD: nạp tiền, kiểm tra tài khoản, 2Friends. Mặc dù Roaming trả trước của thuê bao Vinaphone mới chỉ có ở 2 nước Thái Lan và HongKong nhưng đây là tin vui cho thuê bao trả trước. Đứng về mặt quyền lợi tiêu dùng, họ công bằng tận hưởng những dịch vụ vốn chỉ dành cho nhà giàu. Nhất là với các thuê bao trả trước hay du lịch, công tác tại hai nước này.

            Thuê bao trả trước có nên Roaming quốc tế?

            Đây có lẽ là câu hỏi được người dùng trăn trở nhiều nhất. Nhiều người dùng cho rằng, đã là thuê bao trả trước, tức là nhu cầu kết nối với đối tác, kinh doanh không cao như giới dùng thuê bao trả sau (phần nhiều là dân kinh doanh, người dùng khá giả có nhà cửa, công việc ổn định) nên cũng chẳng việc gì phải Roaming cho tốn kém. Tuy nhiên không vì thế mà thuê bao trả trước lại không được hưởng những dịch vụ tốt từ nhà cung cấp. Nói gì thì nói, thuê bao trả trước khi Roaming có nhiều thuận lợi hơn. Họ chỉ cần một tài khoản từ 100.000 đồng trở lên là đã dùng được dịch vụ. Với khoản chi phí này, họ vẫn giữ được số điện thoại quen thuộc và nắm bắt thông tin liên lạc trong nước hằng ngày. Họ tự do lựa chọn và ưu tiên giữ liên lạc với các mối quan hệ quan trọng. Với những cuộc gọi không quan trọng, họ có thể không nghe máy và chuyển sang trả lời bằng tin nhắn hoặc hình thức khác. Và cũng vì là thuê bao trả trước nên chủ động kiểm tra tài khoản thường xuyên. Thậm chí nếu tài khoản đã hết tiền thì người dùng có thể chuyển sang một số hình thức khác mà không bị cước phát sinh không kiểm soát được như khi dùng trả sau.

            Vấn đề về mức cước cũng được nhà mạng nêu rõ trên Website của mình. Tùy theo nhu cầu của bản thân, các thuê bao trả trước có thể nạp một số tiền tương ứng vừa phải đủ dùng khi ra nước ngoài. Vừa ít tiền nhưng lại vừa được tận hưởng những dịch vụ của nhà giàu thì còn gì sướng cho bằng. Đó chính là lợi ích lớn nhất của dịch vụ, đồng thời giúp hàng triệu thuê bao trả trước của mạng này không bao giờ bị đứt liên lạc ngay cả khi ở nước ngoài. Một hành trang cần thiết mà các thuê bao trả trước của Vinaphone cần quan tâm cho mùa du lịch năm nay.

  Những điều cần lưu ý khi roaming:

Trước khi rời Việt Nam, bạn hãy xóa bỏ toàn bộ những cài đặt chuyển cuộc gọi trên máy điện thoại của bạn để tránh tình huống bị tính cước chuyển vùng quốc tế hai lần.

Ngay sau khi kết thúc chuyến đi, trở về Việt Nam bạn hãy thực hiện các bước tương tự như trên để chọn mạng VinaPhone sử dụng.

Hiện nay, VinaPhone hiện nay đang cung cấp 3 số điện thoại cho phép khách hàng liên hệ với Bộ Phận Chăm Sóc Khách Hàng VinaPhone trong khi chuyển vùng:+84.47731856, +84.4773 1857, +84.47731858. Tuy nhiên, lưu ý các số này là những số không được miễn cước. Vì vậy, bạn cần cân nhắc kỹ trước khi gọi nhờ hỗ trợ.

Lưu ý cách chọn mạng sử dụng:

Cài đặt máy điện thoại tự động: Nếu bạn đặt máy ở chế độ Menu/Cài đặt/Cài đặt điện thoại/Lựa chọn mạng/Tự động thì tại nước đến khi bật máy điện thoại SIM của bạn sẽ tự động nhận sóng của các nhà khai thác có ký thỏa thuận chuyển vùng quốc tế với VinaPhone.

Cài đặt máy điện thoại ở chế độ nhân công: Nếu bạn đặt máy ở chế độ Menu/Cài đặt/Cài đặt điện thoại/Lựa chọn mạng/Nhân công thì tại nước đến sau khi bật máy điện thoại, màn hình sẽ hiển thị danh sách các mạng hiện có. Bạn sẽ phải lựa chọn tên mạng mà bạn muốn sử dụng và bấm OK, quá trình cài đặt kết thúc và bạn đã bắt đầu có thể thực hiện cuộc gọi như khi ở nhà.

“Hành trang” khi Roaming quốc tế

            Xác định có nhất thiết phải Roaming?

            Để nỗi buồn sau chuyến du lịch không còn tồn tại và thuật ngữ Roaming không còn là nỗi ám ảnh của những người đã từng dùng qua. Điều cần nhất trước khi Roaming mà người dùng phải xác định chắc chắn mình có cần thiết phải Roaming. Không nên bắt chước hay Roaming để cho biết đó biết đây, cho giống mọi người... Vì rằng đây là dịch vụ viễn thông quốc tế nên cước phí sẽ cao. Vì vậy nhất thiết không được đùa giỡn. Nếu bản thân thực sự có nhu cầu, điều trước tiên bạn cần là đến các điểm giao dịch của nhà mạng đang dùng để lấy thông tin chính xác. Hoặc có thể gọi đến các số điện thoại hỗ trợ của nhà mạng để nhờ tư vấn. Điều kế tiếp là theo dõi kỹ bảng giá cước gọi, nhận, sms ngay tại nước mình sẽ đến để “liệu cơm gắp mắm”.

            Hơn ai hết, các thuê bao trả sau phải đặc biệt chú ý khi Roaming. Không như thuê bao trả trước, họ có thể dùng và khi hết tiền thì dịch vụ bị chặn. Thuê bao trả sau khó kiểm soát chi phí hơn nên thường bị cước phát sinh không mong muốn vì cứ thấy xài được là xài mà không thường xuyên kiểm tra tài khoản như trả trước. Có thể điều này là hơi thừa nhưng mấu chốt của vấn đề chính là thuê bao dù trả trước hay sau cần xác định 1 điều, mình có thật sự cần thiết Roaming hay không? Nếu không cần thì có thể chuyển sang các hình thức liên lạc khác để tiết kiệm chi phí.

Chọn lựa và ưu tiên các cuộc gọi

            Có một vấn đề ở Roaming là cả người nhận và gọi đều bị tính cước. Vì lẽ đó, bạn phải hết sức lựa chọn và ưu tiên những cuộc gọi, các mối liên lạc quan trọng không thể bỏ qua. Còn lại thì tùy theo mức độ cần thiết của công việc, mối quan hệ mà có thể nhắn tin thông báo để phía gọi nắm bắt tình hình. Đây là kinh nghiệm tối quan trọng của rất nhiều người dùng đi trước truyền đạt lại. Và như vậy, bạn vẫn vừa giữ được liên lạc, lại có thể kiểm soát tốt chi phí cước.

            Một số người dùng khác thì lại “tư vấn”, vẫn nên Roaming để không bị đứt liên lạc (nhất là với những người làm kinh doanh, mất một cú liên lạc là mất một cơ hội hợp tác kinh doanh tốt). Tuy nhiên, khi thấy cuộc gọi đến thì không nên nhận mà nên dùng sim của nhà mạng nước sở tại để gọi lại cho người đã gọi cho mình. Như vậy sẽ rẻ hơn nhiều. Bên cạnh đó, người dùng còn có thể dùng các dịch vụ Internet như voice chat, sky, email để trả lời, liên lạc với người cần gọi.

Hết sức thận trọng khi dùng dịch vụ chuyển tải dữ liệu GPRS/3G

            Với những dòng máy hiện đại, cao cấp có tính năng như Push mail, tính năng tự động truy cập 3G... thì phải thận trọng. Bởi lẽ lỡ chẳng may vô tình máy truy cập GPRS/3G tự động thì chỉ cần một vài MB, cước phí có thể vài trăm nghìn đồng như chơi. Vì vậy, khi dùng các dòng điện thoại này ở nước ngoài và bạn đang chuyển vùng quốc tế thì luôn chú ý các ký hiệu truy cập Internet trên màn hình điện thoại. Vì rất nhiều người dùng hiện nay có thói quen cài đặt cho máy mình luôn trong tình trạng truy cập Wifi và 3G tự động. Trong trường hợp nơi đó không có sóng Wifi thì máy tự chuyển sang 3G để Push mail chẳng hạn thì rất nguy hiểm nếu ở nước ngoài.

Nên tận dụng sim trả trước để Roaming quốc tế

            Ngoài việc mua sim nước bạn để gọi về trong nước. Một số người dùng hiện nay thực hiện Roaming cho cả 2 số điện thoại của mình. Roaming cho số điện thoại chính để giữ liên lạc và Roaming cho điện thoại phụ (sim trả trước) để nhắn tin, gọi trong một số trường hợp cần thiết. Cách thức này là tiện cho cả đôi đường. Không phải lo sợ, ngại làm quen với các phương tiện liên lạc của nước bạn. Tất cả đều thân thuộc, dễ thực hiện ngay trên những chiếc điện thoại quen thuộc của mình.

Chọn điện thoại có băng tần phù hợp

            Một chi tiết đáng lưu ý nữa mà người dùng cần chú ý để bổ sung đầy đủ cho hành trang Roaming của mình là chọn mẫu điện thoại có băng phù hợp. Một số quốc gia áp dụng các tiêu chuẩn công nghệ khác nhau nên băng tần điện thoại cũng khác nhau. Ví như khu vực Châu Âu dùng băng tần GSM 900/1800; Mỹ và Canada lại là băng tần GSM 850/1900; Nhật và Hàn Quốc có băng tần Wide CDMA (3G)… Thế nên khi chuyển vùng quốc tế, người dùng cần lưu ý mang theo loại máy di động có những thông số kỹ thuật phù hợp (thông thường những máy thế hệ mới đều có đầy đủ hệ băng tần phù hợp).

Hoàng Kim

TIN LIÊN QUAN