Có đến 45% học sinh gặp vấn đề sức khỏe khi học trực tuyến
Theo khảo sát của Bộ Giáo dục và Đào tạo, có đến 45% học sinh và hơn 40% giáo viên gặp các vấn đề về sức khoẻ trong thời gian học trực tuyến. Trong đó, các vấn đề liên quan đến sức khỏe mà học sinh gặp phải là: mỏi mắt, đau cổ, ù tai.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Nguyễn Kim Sơn.
Liên quan đến đánh giá dạy học trực tuyến, báo cáo của bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo chỉ rõ từ ngày 24-2 đến 28-2, bộ đã tiến hành khảo sát đánh giá quá trình dạy học trực tuyến của đại diện những nơi có điều kiện tổ chức dạy học trực tuyến và dạy học trên truyền hình trong cả nước với 5.175 cán bộ quản lý, 95.359 giáo viên và 341.830 học sinh.
Kết quả đánh giá thấy khó khăn nhiều nhất mà các trường gặp phải là thiếu thiết bị cho dạy học trực tuyến (31,6%) và thiếu sự hỗ trợ kịp thời từ các tổ chức, ban ngành (29,4%).
Kết quả khảo sát cũng cho thấy, 42,6% giáo viên gặp các vấn đề sức khỏe và 37,2% giáo viên gặp vấn đề về tâm lý... Còn học sinh thì có 45% gặp vấn đề sức khỏe khi học trực tuyến như mỏi mắt, đau cổ, ù tai…
Bên cạnh đó, còn khoảng 20% học sinh cho rằng mình không nhận được sự hỗ trợ học tập khi cần; 26,5% học sinh gặp khó khăn trong việc giao tiếp với thầy cô dưới hình thức trực tuyến.
“Các giáo viên cho rằng học tập trực tuyến có ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, tâm lý, tình cảm, khả năng phát triển các kỹ năng xã hội của học sinh là khá cao, từ 62 - 77%, với mức độ ảnh hưởng tăng dần từ cấp tiểu học lên đến THPT”, báo cáo của bộ nêu.
Ngoài ra, giáo viên ở các cấp học đều cho rằng dạy học trực tuyến chỉ tương đối hiệu quả đối với học sinh (tỉ lệ giáo viên các cấp tiểu học, THCS, THPT đồng ý với mức độ này lần lượt là 64,4%; 65,5%; 65,1%). Trong khi tỉ lệ giáo viên các cấp tiểu học, THCS, THPT cho rằng dạy học trực tuyến không hiệu quả lần lượt là 20,9%; 19,8% và 21,2%.
Trong tình hình mới, Bộ Giáo dục và đào tạo cho biết sẽ chú trọng công tác tư vấn, hỗ trợ tâm lý cho học sinh; tăng cường sự tương tác, gắn kết giữa các học sinh trong lớp học.
Bộ đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục đặc biệt quan tâm với các em học sinh lớp 1 chưa từng tới trường, nhà trường cần phổ biến các quy định về học tập và sinh hoạt tại trường; tổ chức các hoạt động để tạo hứng thú và trạng thái thoải mái cho học sinh tới trường; tuyệt đối không được để xảy ra việc kỳ thị đối với các trường hợp bị COVID-19…
Cạnh đó, tiếp tục tổ chức dạy học tại trường các nội dung cơ bản, cốt lõi, không gây áp lực, quá tải đối với học sinh; tổ chức ôn tập, củng cố, bổ sung nội dung kiến thức phù hợp với các nhóm đối tượng học sinh có điều kiện học trực tuyến khác nhau ngay trong nội dung dạy học chính khóa.
Thiên Thanh (T/h)