Cô giáo đưa dự án tin học vươn ra thế giới

09:01, 06/04/2021

Lồng ghép dạy kỹ năng sống vào Tin học để sinh viên hứng thú, cô Nguyễn Thị Phương đưa dự án này vào top 50 quốc gia, sau đó dự thi toàn cầu.

Sau khi đọc kỹ phần ghi chú công việc cần hoàn thành trong ngày trên máy tính, cô Nguyễn Thị Phương, 38 tuổi, giảng viên Cao đẳng Sư phạm Trung ương (Hà Nội), nhận được video do cựu sinh viên, nay là giáo viên mầm non tại Thanh Hóa, gửi về. Trong video, cô giáo dạy kỹ năng xử lý tình huống khi đi lạc cho trẻ 4 tuổi. Các bé chăm chú theo dõi từng hình ảnh được trình chiếu và mô tả của cô giáo, được tham gia xử lý tình huống nên hào hứng, thi thoảng reo lên.

Xem video, cô giáo Phương mỉm cười ưng ý. Để giúp sinh viên, giáo viên mầm non thành thạo khi giảng dạy và đạt hiệu ứng như vậy, cô Phương đã dành 15 tháng tìm tòi, thực hiện dự án tăng cường năng lực dạy kỹ năng sống cho giáo viên mầm non dưới sự hỗ trợ của công nghệ thông tin.

Cô Nguyễn Thị Phương, giảng viên trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Cô Nguyễn Thị Phương, giảng viên trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Là giảng viên Khoa Công nghệ thông tin, trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương, cô Phương dạy tin học cho sinh viên, bồi dưỡng kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin cho giảng viên và giáo viên mầm non. Để giờ học bớt nhàm chán, cô thường tìm cách lồng ghép kiến thức liên ngành hoặc áp dụng phương pháp mới.

Tháng 8/2019, đọc tin tức về hàng loạt trẻ gặp tai nạn vì giáo viên thiếu kinh nghiệm dạy kỹ năng sống, cô Phương giật mình. Khảo sát sinh viên các lớp sư phạm mầm non, giáo viên và phụ huynh tại các trường, cô giáo nhận ra sinh viên chưa thực sự chú trọng lồng ghép rèn luyện kỹ năng sống cho trẻ qua các bài dạy, đa số trường chưa có giáo viên chuyên biệt để dạy lĩnh vực này. Từ đó, cô nảy ra ý tưởng đưa nội dung về kỹ năng sống làm chủ đề xuyên suốt trong quá trình dạy Tin học cho sinh viên sư phạm mầm non.

Để có nguồn tài liệu tin cậy, cô Phương tìm đến đồng nghiệp tại Khoa Giáo dục mầm non của trường, hỏi xin giáo án, bài giảng hoặc nhờ tư vấn về giảng dạy kỹ năng sống. Cô tập trung vào các nhóm kỹ năng như giao tiếp, giải quyết vấn đề, tự lập, thoát hiểm... rồi lên kế hoạch cùng cả lớp thực hiện.

Với mỗi nhóm kỹ năng, cô yêu cầu sinh viên vận dụng khoảng 4-5 phần mềm để hoàn thành bộ học liệu. Chẳng hạn, paint dùng để viết thơ, sáng tác tranh vẽ theo chủ đề bài học, word để soạn giáo án dạy về kỹ năng đó, power point giúp làm bài giảng điện tử. Ngoài ra, cô cũng giới thiệu bộ công cụ trong office 365 để lưu trữ, viết nhật ký học tập, một số phần mềm cắt, ghép ảnh và chỉnh sửa video để giúp sinh viên thể hiện bài giảng phong phú hơn.

"Tôi đặt mục tiêu sau phần tin học này, thay vì chỉ biết sử dụng word, excel hay power point, sinh viên biết thêm nhiều phần mềm khác, đồng thời nắm chắc kiến thức về kỹ năng sống để dạy cho trẻ", cô Phương nói.

Tuy nhiên, cô giáo gặp nhiều khó khăn khi bắt đầu hiện thực. Học phần tin học kéo dài 45 tiết, mỗi tuần chỉ có một buổi. Việc xây dựng giáo án như nào để vừa truyền tải hết kiến thức về kỹ năng sống, vừa giúp sinh viên thành thạo tin học là "bài toán khó".

Cô nghĩ ra cách làm trước các video hướng dẫn sử dụng paint, word, power point và nhiều công cụ khác, đăng lên kênh Youtube cá nhân, tạo khóa học miễn phí để sinh viên có thể xem trước và sau bài học. Thời điểm đó, cô cũng đang hoàn thiện dự án tham gia E-learning, công việc ở trường cuối năm lại bận rộn nên gần như "ôm máy tính cả ngày, chẳng còn thời gian dành cho bản thân".

Thấy con gái vất vả, liên tục sụt cân, mẹ cô từ Thanh Hóa ra giúp nấu nướng, sắc thuốc bổ cho uống. Hơn một lần cô nghĩ đến việc từ bỏ, "cứ bình thường mà dạy có sao đâu". Những lúc đó, cô lại cầm điện thoại, xem lại những tin nhắn và video sinh viên gửi về khi thực tập: "Cô ơi, em đi thực tập được mọi người khen lắm, dạy học sinh đều thích thú", "Em chưa bao giờ được học nhiều công cụ thế này", "Các thầy cô ở trường còn nhờ em dạy lại"...

"Đọc những dòng này, tôi bình tâm nghĩ lại. Tôi thấy những cái mình làm đang được đón nhận rất tốt, giúp được nhiều người nên có động lực tiếp tục theo đuổi dự án", cô Phương tâm sự.

Vượt qua hơn 2.000 tác phẩm dự thi, cô Phương giành giải nhất Đại sứ E-learning Việt Nam 2019. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Vượt qua hơn 2.000 tác phẩm dự thi, cô Phương giành giải nhất Đại sứ E-learning Việt Nam 2019. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Cuối năm 2019, sau hơn hai tháng triển khai trong quy mô lớp học cho sinh viên, cô Phương quyết định hoàn thiện hồ sơ dự án và gửi dự thi "Giáo viên sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin" do Cục Công nghệ thông tin và Microsoft Việt Nam tổ chức.

Vào tuần cuối của deadline, thấy vợ bận rộn mà không thể sắp xếp công việc gia đình, chồng cô Phương nổi cáu. "Lúc đó tôi chỉ tự động viên thôi cố gắng nốt, được giải hay không thì mình cũng đã làm hết sức, rồi thuyết phục chồng. Rất may, anh hiểu cho tôi", cô Phương nhớ lại. Kết quả, trong cuộc thi giáo viên sáng tạo năm 2019, cô Phương vào top 50 sản phẩm được đánh giá cao nhất toàn quốc.

Cô Phương định "dừng chân" tại top 50, không mang dự án tham dự thêm các cuộc thi khác vì trong thời gian hoàn thiện hồ sơ trước đó, cô sút 5 kg, không còn thời gian bên gia đình. Tuy nhiên, được nhà trường thuyết phục và nhận được sự ủng hộ của người thân, cô quyết định đăng ký dự thi sáng kiến đổi mới toàn cầu trong giảng dạy (Global innovations) do HundrED tổ chức, đang chờ kết quả.

Khi đến với cuộc thi quốc tế, thay vì dự thi cá nhân, cô Phương có thêm sự hỗ trợ của đồng nghiệp trong trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương, các đối tác. Yên tâm hơn về khía cạnh nội dung, chuyên môn, cô Phương tập trung cải thiện hình thức, cách thể hiện dự án qua phần mềm.

Tuy nhiên, cô Phương vẫn gặp bất lợi về mặt ngôn ngữ khi toàn bộ hồ sơ phải chuyển sang tiếng Anh. Mỗi bước làm, cô đều phải nhờ đồng nghiệp phiên dịch và kiểm tra lại. Đầu năm 2021, Covid-19 bùng phát, các thành viên của dự án gần như chỉ làm việc online nên không thể đạt chất lượng như gặp trực tiếp.

Cuối tháng 1, cô Phương quyết định tổ chức một buổi giao lưu online giữa 8 trường mầm non và chuyên gia tại 4 nước Việt Nam, Thái Lan, Ấn Độ và Sri Lanka. Các điểm cầu lần lượt chia sẻ kinh nghiệm dạy kỹ năng sống cho trẻ và thực hành các hoạt động liên quan đến ngày Tết cổ truyền của Việt Nam. Buổi giao lưu thành tốt đẹp, cô Phương thở phào, tự nhận mình "liều".

"Ý tưởng kết nối các lớp học xuyên quốc gia xuất hiện, lên kế hoạch và thực hiện chỉ trong 4 ngày. Tôi đã thử thách khả năng của bản thân khi lo liệu mọi thứ, từ việc thống nhất giáo án, nội dung chương trình, ngày giờ gặp gỡ và cách triển khai", cô Phương nói.

Cô Phương thuyết trình về dự án của mình tại Diễn đàn Đổi mới sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin 2020, lọt top 50 chung cuộc. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Cô Phương thuyết trình về dự án tại Diễn đàn Đổi mới sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin 2020, lọt top 50 chung cuộc. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Sau 15 tháng, dự án của nhóm cô Phương đã hỗ trợ hơn 2.500 thầy cô, giúp 1.200 học sinh mầm non được tiếp cận thông tin về kỹ năng sống và các phương pháp giảng dạy mới mẻ. Hiện, dự án có 12 bộ chủ đề, với hơn 300 tài nguyên. Xuất phát từ mong muốn giúp giờ học tin không nhàm chán, cô Phương thừa nhận "chưa từng nghĩ ý tưởng này sẽ mang dự thi quốc tế".

Ngoài ghi dấn ấn trong dự án dạy kỹ năng sống, cô Phương còn chủ biên sách, chủ nhiệm và tham gia nhiều đề tài nghiên cứu khoa học, tài liệu tham khảo, công bố 28 bài viết trên các ấn phẩm trong và ngoài trường. Năm 2019, cô trở thành đại sứ E-Learning Việt Nam.

TS Trịnh Thị Xim, Phó hiệu trưởng Cao đẳng Sư phạm Trung ương, đánh giá cao tính thực tiễn của dự án dạy kỹ năng sống qua tin học. "Việc xây dựng kho học liệu về giảng dạy kỹ năng sống có ý nghĩa quan trọng, cần thiết với trẻ mầm non hiện nay", bà nói.

Cùng quan điểm, TS Tôn Quang Cường, Chủ nhiệm khoa Công nghệ giáo dục, Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, nhận định dự án đã khai thác hiệu quả các giải pháp, nền tảng công nghệ mang tính tích hợp, kho học liệu mang tính tương tác cao.

Sắp tới, cô Phương sẽ bổ sung ngôn ngữ ký hiệu cho tài liệu dự án dạy kỹ năng sống và đưa lên website LMS, đặt mục tiêu giúp học sinh khiếm thính, khiếm thị không có điều kiện đến trường cũng được học tập. "Ngoài các trường mầm non trong nước, tôi cũng muốn kết nối với nhiều trường học dành cho người Việt trên thế giới để chia sẻ miễn phí bộ học liệu này. Tôi mong có thể phần nào giúp đỡ giáo viên mầm non nâng cao kỹ năng về công nghệ thông tin, dạy kỹ năng sống một cách thú vị và an toàn", cô Phương nói.

Theo/vnexpress.net