Cơ hội cho nông sản Việt Nam tại Thái Lan
Mặc dù là một cường quốc về xuất khẩu nông sản trên thế giới, Thái Lan cũng có nhu cầu rất lớn về nhập khẩu các loại trái cây, rau củ tươi. Đây chính là cơ hội để các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam khai phá thị trường đầy tiềm năng có giá trị lên tới hàng tỷ USD này.
- Nông sản Việt Nam trước cơ hội lớn xuất khẩu vào thị trường Anh
- Nhóm sinh viên tạo Cổng điện tử đưa nông sản Việt ra thị trường quốc tế
- Quảng bá nông sản Việt Nam tại Hội chợ quốc tế ớt ở Italy
- Chính thức ra mắt diễn đàn kết nối nông sản Việt
- Yêu cầu cấp thiết cho tiêu thụ nông sản các tỉnh phía bắc hiện nay
Khách hàng Thái Lan mua thanh long và vải nhập khẩu từ Việt Nam.
Năm 2020, Thái Lan xuất khẩu rau quả tươi và chế biến trị giá hơn 4,2 tỷ USD. Với điều kiện khí hậu và địa lý tương đối giống nhau, nông sản Thái Lan và Việt Nam cũng có nhiều điểm tương đồng. Nhưng với cùng một mặt hàng thì sức cạnh tranh của hàng Thái Lan thường cao hơn. Tuy nhiên, bà Trần Thanh Mỹ, Tham tán Thương mại, Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan khẳng định, Thái Lan là một thị trường xuất khẩu giàu tiềm năng cho doanh nghiệp Việt Nam. Mặc dù xuất khẩu nhiều nông sản, nhưng Thái Lan cũng phải nhập khẩu một lượng lớn rau, củ, quả. Năm 2020, nước này nhập khẩu lượng rau quả tươi và chế biến có giá trị hơn 2,6 tỷ USD. Trong khi đó, Việt Nam có nhiều sản phẩm thế mạnh mà Thái Lan không cạnh tranh được, thí dụ như vải và thanh long. Nhiều doanh nghiệp Thái Lan đã nhập thanh long, vải từ Việt Nam về bán trong các hệ thống siêu thị lớn. Ngoài ra, doanh nghiệp Thái Lan còn nhập nông sản nguyên liệu và đưa về Thái Lan để chế biến.
Có mặt tại sự kiện Tuần hàng Việt Nam lần thứ 5 mà Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan phối hợp Tập đoàn Central tổ chức ở tỉnh Udon Thani, chúng tôi được chứng kiến sự ưa chuộng của người tiêu dùng Thái Lan đối với các mặt hàng nông sản Việt. Các quầy bán vải thiều, thanh long, cà-phê luôn có một lượng lớn khách hàng tìm hiểu thông tin và mua hàng. Riêng mặt hàng vải thiều Bắc Giang, dù giá đắt gấp hai đến ba lần so với vải Thái Lan, nhưng vẫn rất được ưa chuộng. Ông Wanchai, một khách hàng Thái Lan cho biết: “Mặc dù giá hơi đắt, nhưng tôi thấy quả vải Việt Nam rất ngon. Quả vải Việt Nam xuất sang Thái Lan đã trở thành một loại đặc sản”. Sự kiện này là một trong số hàng loạt hoạt động xúc tiến thương mại mà Thương vụ đã tổ chức trong thời gian qua nhằm đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông sản Việt Nam vào Thái Lan. Mặc dù có những khó khăn do đại dịch Covid-19, đại diện các doanh nghiệp không thể có mặt tại Thái Lan, nhưng vẫn gửi hàng hóa tới giới thiệu tại các sự kiện. Thương vụ Việt Nam đánh giá những sự kiện này đã đạt được kết quả ban đầu rất khả quan và tích cực.
Trả lời phỏng vấn Báo Nhân Dân, ông Emmanuel Couronne, Giám đốc Hàng hóa của Central Food Retail thuộc Tập đoàn Central cho biết: “Central Food Retail đã nhập khẩu nông sản Việt Nam vào Thái Lan từ năm 2006 với các mặt hàng là thanh long và khoai lang. Năm 2017, chúng tôi đưa mặt hàng vải thiều vào thị trường Thái Lan. Hiện nay chúng tôi đang đàm phán với các doanh nghiệp Việt Nam để nhập khẩu thêm nhiều loại nông sản khác”. Ngoài khách hàng là người Thái Lan, bà Trần Thanh Mỹ cho biết, hàng hóa Việt Nam còn được tiêu thụ bởi một nhóm khách hàng tiềm năng khác là cộng đồng người Thái gốc Việt. Bà chia sẻ: “Chúng tôi lựa chọn Udon Thani để tổ chức sự kiện Tuần hàng Việt Nam lần này là do nơi đây có cộng đồng người Thái gốc Việt rất đông. Đây là nhóm khách hàng tiềm năng bởi bà con có nhu cầu lớn đối với sản phẩm của Việt Nam, đồng thời trong cộng đồng kiều bào có nhiều cửa hàng, siêu thị nhỏ để phân phối”. Theo bà Mỹ, mặc dù hàng nông sản của Việt Nam có chất lượng tốt và có giá cả cạnh tranh nhưng vẫn chưa có được lợi thế lớn với các sản phẩm của Thái Lan: “Các doanh nghiệp Việt Nam cần tìm hiểu cặn kẽ hơn nhu cầu của thị trường, đáp ứng được các tiêu chuẩn mà thị trường đặt ra. Có nghĩa là chúng ta phải xuất khẩu, bán thứ thị trường cần chứ không phải bán thứ mà chúng ta có sẵn”.
Ông Emmanuel chia sẻ thêm một số kinh nghiệm từ Central: “Đối với hàng nông sản Việt Nam, chúng tôi lựa chọn các loại sản phẩm có thế mạnh và không gặp nhiều cạnh tranh từ sản phẩm Thái. Đồng thời, tập trung nhập khẩu mặt hàng có giá trị gia tăng như nông sản có xuất xứ địa lý, hoặc có lợi thế như hương vị cao cấp hay hoa quả trái mùa”. Ông cho rằng, để mở rộng sự hiện diện trên thị trường Thái Lan, các doanh nghiệp Việt Nam cần tập trung nâng cao tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, tuân thủ tiêu chuẩn của Thái Lan cũng như bảo đảm nguồn cung liên tục. Còn theo bà Trần Thanh Mỹ, các doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu hàng hóa sang Thái Lan cần tìm kiếm những đối tác, những cơ quan đáng tin cậy hỗ trợ, bởi họ cần có một đối tác Thái Lan đứng ra đăng ký các loại giấy phép để nhập khẩu và lưu thông nông sản ở Thái Lan. Quá trình nhập khẩu có nhiều quy định khác và Thương vụ luôn sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam.
Theo/nhandan.vn