Công nghệ 3D trên MTXT có hấp dẫn?
Về mặt cấu hình, cả hai sản phẩm của ASUS và Acer đều sử dụng nền tảng Intel. Aspire 5738G có BXL Core 2 Duo, đồ họa ATI Mobility Radeon HD 4570 (512MB), bộ nhớ trong 4GB và đĩa cứng 320 GB. Trong khi đó ASUS G51J 3D lại “khủng bố” hơn nhiều với BXL Core i7 mới, đồ họa GeForce GTX 260M (1GB). Điều này cho thấy hiệu năng của G51J vượt xa so với Aspire 5738G. Tuy nhiên đây cũng là điều dễ hiểu vì giá thực tế của sản phẩm ASUS cũng đắt gần gấp đôi so với Acer. Dĩ nhiên, các thành phần cơ bản của một chiếc MTXT đều có mặt đầy đủ như Wifi, Bluetooth, webcam… đều có mặt đầy đủ. Cả hai mẫu máy đều được cài sẵn Windows 7 bản 64-bit.
Cả hai mẫu máy đều có màn hình 15.6” (độ phân giải mặc định 1366x768) với góc nhìn khá tốt. Tuy nhiên riêng với máy Acer, người dùng sẽ phải ngồi thẳng góc khi đeo kính 3D nếu muốn hình ảnh và các hiệu ứng thể hiện được chính xác. Trong khi đó ASUS lại không bị như vậy. Thử nghiệm thực tế cho thấy người dùng có thể xem từ nhiều góc độ khá thoải mái trong khi vẫn thưởng thức hoàn hảo các hiệu ứng 3D. Đây là điều hết sức lý tưởng – đặc biệt là với những game thủ vốn hay có thói quen nghiêng ngửa người một cách vô thức khi né đạn hay các đường kiếm trong trò chơi hành động.
Kính 3D – ASUS chiếm ưu thế
Sự khác biệt về góc nhìn chính là do công nghệ tích hợp trong kính tạo ra. Cặp kính phân cực của Acer thể hiện hiệu ứng một cách thụ động (Passive). Acer cung cấp kèm máy 2 cặp kính, một cặp dành cho những người đã đeo kính sẵn (cận hoặc viễn). Trong khi đó, ASUS lại sử dụng kính điện tử nhận tín hiệu từ một bộ thu phát hồng ngoại lắp trên cổng USB. Bên cạnh đó, màn hình của máy có tần số quét 120 Hz – lần đầu tiên xuất hiện trên một chiếc MTXT. Vì thế hình ảnh 3D khi thường thức trên đó chi tiết và sắc nét hơn rất nhiều so với Acer. Tuy nhiên, kính của ASUS lại nặng hơn của Acer và đeo không thoải mái bằng.
Với phim, nVIDIA chọn giải pháp chuyển đổi theo thời gian thực và điều này có vẻ không hiệu quả lắm. Trong khi đó với ứng dụng của TriDef, người dùng có thể tinh chỉnh thêm một số tùy chọn của phần mềm chơi của nVIDIA nhưng nhìn chung tình hình cũng chẳng khá khẩm hơn là mấy. Các nội dung DVD cũ kĩ hầu như không có cải thiện nhiều trong khi các file AVI tải từ Internet lại rất dễ gây lỗi.
Hầu hết các tựa game mới như Call of Duty hay Left 4 Dead đều chạy mượt mà trên G51J do hệ thống đồ họa mạnh mẽ. Tuy nhiên hiệu năng thấp hơn chút ít so với mẫu máy không hỗ trợ 3D. Trong khi đó, do đồ họa Radeon HD của máy Acer chỉ là loại phổ thông nên hiệu năng thấp hơn nhiều. Điều này cũng thể hiện rõ trong thử nghiệm với 3D Mark 2006 – điểm số của ASUS G51J 3D là gần 6800 trong khi Acer 5738G chỉ nhỉnh hơn 3000 chút ít. Điều này cũng dễ hiểu khi mức giá chênh lệch khá lớn.
Nhìn chung, bản thân mức giá của hai sản phẩm cũng cho thấy sự khác biệt về đẳng cấp với khoảng 1700 USD cho mẫu G51J 3D trong khi máy của Acer lại rẻ hơn nhiều (khởi điểm chỉ ở 700 USD). Tuy nhiên, tương tự như bất kì sản phẩm công nghệ mới nào khác, người dùng chỉ nên mua chúng khi những thế mạnh ưu việt có thể được thể hiện hoàn hảo. Mặc dù máy Acer có thể đưa các hiệu ứng 3D vào phim 2D khá tốt nhưng nếu nhìn ở góc độ sử dụng thì nó chưa thực sự hoàn hảo và tiện dụng. Trong khi đó, ASUS G51J 3D lại tỏ ra hiệu quả hơn khi hỗ trợ hầu hết các trò chơi máy tính – một trong những yếu tố quan trọng của các dòng máy tính giải trí.
Hoàng Nguyễn