Công nghệ di động 2012: Một năm nhìn lại

10:14, 31/12/2012

Năm 2012 là một dấu mốc quan trọng của ngành công nghiệp di động. Phần cứng của các thiết bị di động đã được đẩy lên một tầm cao mới với sự xuất hiện ngày càng nhiều của màn hình Full HD, bộ xử lý lõi tứ hay camera phone chất lượng. Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng có một số công nghệ chưa thực sự phát triển và được ứng dụng rộng rãi như mong đợi chẳng hạn như NFC hay Bluetooth 4.0.


Sau đây, chúng ta sẽ cùng nhìn lại trong năm qua, các công nghệ trên di động đã có những bước tiến hay lại gây thất vọng như thế nào.

Màn hình lớn, độ phân giải cao: Thành công

2012 chắc chắn là một năm cực kỳ thành công của “xu hướng màn hình lớn”. Các nhà sản xuất điện thoại liên tục tung ra các sản phẩm với kích cỡ màn hình ngày một lớn hơn và độ phân  giải cũng cao hơn nhiều so với thể hệ trước đó. Giờ đây, thậm chí một smartphone có màn hình 4,3 inch cũng bị cho là “khiêm tốn”.

Các sản phẩm đáng chú ý bao gồm Samsung Galaxy S III (màn hình 4,8 inch, độ phân giải 1.280x720 pixel), Samsung Galaxy Note II (màn hình 5,5 inch, độ phân giải 1.280x720 pixel), HTC Droid DNA (màn hình 5 inch, độ phân giải 1.920x1.080 pixel), HTC One X + (màn hình 4,7 inch, độ phân giải 1.280x720 pixel), Motorola Droid Razr HD và Droid Razr Maxx HD (đều có màn hình 4,7 inch, độ phân giải 1.280x720 pixel). Ngay cả iPhone 5 cũng tăng kích thước màn hình truyền thống từ 3,5 inch lên 4 inch.


Thực tế đã chứng minh rằng, người dùng mong muốn được sở hữu những smartphone có màn hình lớn để phục vụ tốt cho các nhu cầu giải trí cơ bản như xem phim, chơi game hay lướt web. Samsung Galaxy Note II sở hữu màn hình lớn tới 5,5 inch vẫn nhận được sự quan tâm đặc biệt của người dùng và trở thành một trong những smartphone bán rất chạy của hãng điện tử Hàn Quốc bên cạnh Galaxy S III. Sắp tới trong tương lai, nhiều khả năng sẽ còn xuất hiện những chiếc điện thoại có màn hình lớn trên 6 inch và hứa hẹn “cơn sốt màn hình lớn” vẫn chưa hạ nhiệt.

Bộ xử lý lõi tứ: Thành công

Trở lại năm 2010, LG Optimus G2X là chiếc điện thoại Android gây ấn tượng mạnh cho người hâm mộ nhờ được trang bị bộ xử lý lõi kép Nvidia Tegra 2. Trong mùa xuân năm 2011, phiên bản Mỹ của thiết bị mang tên T-Mobile G2X trở thành điện thoại đầu tiên được bán ở thị trường Mỹ sở hữu chip 2 lõi.

Theo thời gian, công nghệ sản xuất chip điện thoại đã có nhiều bước tiến xuất sắc. Năm 2012 mở ra kỷ nguyên của CPU lõi tứ trên điện thoại di động. Hàng loạt smartphone được trang bị chip Snapdragon S4 Pro đã xuất hiện như LG Optimus G, LG Nexus 4 hay chip Exynos 4 của Samsung Galaxy S III đều mang lại hiệu suất làm việc rất cao.


Nhiều người cho rằng tại sao lại phải trang bị những bộ xử lý lõi tứ tiêu tốn nhiều năng lượng trên các smartphone trong khi chỉ cần các bộ xử lý lõi kép là đủ. Nhưng qua rất nhiều thử nghiệm và đánh giá cho thấy, bộ xử lỹ lõi tứ (chẳng hạn như Snapdragon S4 Pro) giúp các smartphone Android hoạt động trơn tru, mượt mà và xử lý các ứng dụng nặng tốt hơn nhiều so với thế hệ lõi kép trước đó.

NFC: Thất vọng

Kể từ khi dịch vụ thanh toán di động Google Wallet ra mắt năm ngoái, NFC (công nghệ giao tiếp tầm gần) đã được mô tả như là một công nghệ đỉnh cao có khả năng thâm nhập sâu vào thị trường đại chúng. Tuy nhiên, kế hoạch đầy tham vọng của Google đã bị “đình trệ” khi không có nhiều nhà cung cấp mặn mà với dịch vụ này.


Năm 2012, những ứng dụng thực tiễn khác của NFC đã mang đến nhiều sự tiện lợi hơn cho người dùng chẳng hạn như họ có thể chuyển hình ảnh, video, hay dữ liệu kinh doanh chỉ bằng cách chạm điện thoại với nhau. Samsung Galaxy S III đã coi S Beam (ứng dụng chuyền dữ liệu bằng NFC) là công nghệ chiến lược để thu hút người tiêu dùng. Điện thoại Sony Xperia TL của James Bond cũng sử dụng NFC để đọc thẻ thông minh “Smart Tags" và ra lệnh cho thiết bị tự khởi động các ứng dụng cài sẵn. Trong khi đó, một số điện thoại Windows Phone 8 như Lumia 920 và Lumia 820 lại sử dụng NFC để kết nối Bluetooth giữa thiết bị với các phụ kiện như loa và tai nghe.

Tuy nhiên, những ứng dụng của NFC còn khá rời rạc và đối với nhiều người nghĩ chúng thực sự không cần thiết. Nếu so với những kỳ vọng ban đầu, công nghệ NFC sẽ cần có những thay đổi theo hướng tích cực hơn để có thể mang lại những hiệu ứng lan rộng và hỗ trợ người dùng tốt hơn.

Bluetooth 4.0: Thất vọng


Trong năm 2011, công nghệ không dây Bluetooth 4.0 lần đầu tiên được ứng dụng trên điện thoại di động và bắt đầu tìm hướng phát triển mới trên iPhone 4S hay Motorola Droid Razr. Kể từ đó, Bluetooth 4.0 đã có mặt trên hầu hết các smartphone cao cấp bao gồm Samsung Galaxy S III và serie HTC One. Điểm cốt lõi về mặt công nghệ của Bluetooth 4.0 là các thiết bị có thể kết nối với nhau mà không cần tiêu thụ nhiều năng lượng. Ngoài ra, Bluetooth 4.0 còn có thể được ứng dụng thực tiễn trong các cảm biến của các thiết bị thể dục hay y tế.

Nhưng xét cho cùng, năm 2012 vẫn chưa phải thời điểm mà Bluetooth 4.0 “tỏa sáng”. Tính ứng dụng của Bluetooth 4.0 là không nhiều và có chăng chỉ để làm cho bộ thông số cấu hình của các smartphone thêm “đẹp”. Có lẽ phải bước sang năm 2013 công nghệ này mới có thể nổi lên và được người dùng quan tâm nhiều.

Sạc không dây: Thành công


Nokia Lumia 920 đã mở đường cho cộng nghệ sạc không dây tiêu chuẩn Qi trở nên thịnh hành đối với các smartphone cao cấp. Ngay sau đó, HTC Droid DNA và LG Nexus 4 cũng hỗ trợ công nghệ này và hứa hẹn đem đến sự tiện dụng cho người dùng. Bạn sẽ không còn cần đến những bộ sạc phải cắm dây “loằng ngoằng” hay lo lắng vừa sạc vừa nhắn tin hay gọi điện sẽ làm pin bị “chai”. Công nghệ sạc không dây sử dụng từ trường của dòng điện xoay chiều sẽ giải quyết hoàn toàn các thiếu xót đang tồn tại trên công nghệ sạc cũ.

Camera trên điện thoại: Thành công

Trong năm 2012, camera trên các smartphone ngày càng được cải thiện và có thể rút ngắn dần khoảng cách với những chiếc máy ảnh DSLR chuyên dụng. Hầu hết các smartphone cao cấp đều được trang bị camera từ 8 đến 13 MP trong đó cá biệt Nokia 808 PureView sở hữu cảm biến lên tới 41 MP.

Nhiều camera điện thoại có chế độ HDR nhằm tăng cường các chi tiết đổ bóng.


Nokia Lumia 920 hiện được ví như là ông vua chụp ảnh thiếu sáng với chất lượng cực tốt và khả năng chống rung khi quay video một cách đáng kinh ngạc. Bên cạnh đó, iPhone 5 hay Samsung Galaxy S III cũng đủ sức làm hài lòng người dùng với nhiều chế độ chụp như HDR, burst và panorama.

Thời lượng pin: Thành công

Ngay cả smartphone hiện đại nhất cũng có thể trở thành “cái chặn giấy” khi hết pin. Các thiết bị Android và Windows Phone thường có thời lượng pin khá khiêm tốn và nếu sử dụng với cường độ lớn, hầu hết các smartphone đều khó có thể “trụ” được một ngày.

Motorola Droid Razr Maxx HD sở hữu pin dung lượng “khủng” 3.300 mAh.


Vào đầu năm 2012, Motorola đã tung ra điện thoại Droid Razr Maxx được trang bị pin dung lượng lớn 3.300 mAh. Tiếp sau đó, Droid Razr Maxx HD cũng trình làng với pin tương tự và thêm cả màn hình độ phân giải HD với thời lượng hoạt động đáng kinh ngạc. Trong năm 2013, người dùng sẽ có xu hướng lựa chọn những sản phẩm có thời lượng hoạt động “bền” hơn và do đó chắc chắn những smartphone trang bị pin dung lượng trên 3.000 mAh sẽ được quan tâm hàng đầu.

Theo genk.vn