Công nghệ số là động lực cho kinh tế xanh
Ứng dụng công nghệ số là cở sở thúc đẩy các mục tiêu liên quan các mô hình tăng trưởng kinh tế mới như kinh tế chia sẻ, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn...
Chuyển đổi số là chất xúc tác góp phần giúp chuyển đổi xanh cho các doanh nghiệp. (Ảnh minh họa).
Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ biến đổi khí hậu như nước biển dâng, thiên tai, thời tiết cực đoan, các ảnh hưởng tiêu cực của ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu ngày càng tăng.
Điều này đòi hỏi Việt Nam cần sớm nhận thức tầm quan trọng của thực thi chuyển đổi xanh bằng việc tích cực tiếp cận các mô hình kinh tế mới như tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế xanh, tạo động lực thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng của Việt Nam.
Công nghệ số thúc đẩy các mô hình kinh tế mới
Tại hội thảo “Thúc đẩy đầu tư xanh và thị trường tài chính xanh - Hướng tới mục tiêu Net Zero tại Việt Nam” với chủ đề "Công nghệ số thúc đẩy chuyển đổi xanh: Cơ hội phát triển các mô hình kinh tế mới” do Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp cùng Tạp chí Kinh tế Việt Nam – VnEconomy – Vietnam Economic Times tổ chức tại Đà Nẵng mới đây, các chuyên gia và đại diện doanh nghiệp khẳng định công nghệ số đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi xanh, từ việc tối ưu hóa quy trình sản xuất, giảm tiêu thụ năng lượng, đến xây dựng hệ thống giám sát và đánh giá phát thải khí nhà kính.
Ứng dụng công nghệ số cũng là cở sở thúc đẩy các mục tiêu liên quan các mô hình tăng trưởng kinh tế mới như kinh tế chia sẻ, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn trong quá trình chuyển đổi xanh, hướng tới mục tiêu Net Zero.
Hội thảo “Thúc đẩy đầu tư xanh và thị trường tài chính xanh - Hướng tới mục tiêu Net Zero tại Việt Nam” với chủ đề "Công nghệ số thúc đẩy chuyển đổi xanh: Cơ hội phát triển các mô hình kinh tế mới” tại Đà Nẵng.
Tại hội thảo, PGS. TS. Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn (ICED), Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh, nhận định, trong chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh và carbon thấp không chỉ là xu thế, mà còn là tương lai bắt buộc để các doanh nghiệp Việt Nam cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
"Trong xu hướng chuyển đổi xanh, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ chịu nhiều tác động trước những rào cản xanh đặt ra bởi các thị trường quốc tế, đồng thời có cơ hội phát triển và lợi thế cạnh tranh khi sản xuất các sản phẩm xanh," ông Quân cho biết. "Ứng dụng công nghệ số là cơ sở thúc đẩy quá trình này."
Còn TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR), cho biết Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế số từ 20- 30% trong giai đoạn từ 2025 đến 2030. Tuy nhiên, ông Việt băn khoăn cụ thể những đóng góp của kinh tế số để đạt được mục tiêu này là gì vì chỉ đơn thuần như lắp ráp một cái máy tính hay điện thoại thì cũng được coi là một phần của kinh tế số.
"Phải chăng con số tăng trưởng chúng ta đang nói đến có phải là kinh tế số không hay kinh tế số phải gắn với chuyển đổi xanh, đó là ứng dụng các công nghệ thực sự trong các hoạt động sản xuất kinh doanh," ông Việt đặt vấn đề.
Phó viện trưởng Viện VEPR dẫn chứng việc ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực năng lượng mới như lắp hệ thống điện mặt trời sẽ thu hồi tiền đầu tư trong 10 năm. Đó chính là sự đóng góp của tiến bộ công nghệ. Hiện nay, điện mặt trời, điện mái nhà không những được khuyến khích đầu tư phát triển mà còn cho phép bán 20% dư lượng không dùng hết để phục vụ chung cho lưới điện quốc gia. 20% đó được tính toán nhờ công nghệ số.
"Như vậy là ứng dụng công nghệ số để thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng sạch nói riêng và chuyển đổi xanh nói chung," ông Việt nhấn mạnh.
Phát huy nguồn lực tài chính xanh từ các tổ chức tài chính và hợp tác quốc tế
Tại Hội thảo, ông Đoàn Trường Giang, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, khẳng định rằng đầu tư xanh và tài chính xanh không chỉ là xu hướng mà đã trở thành yếu tố quan trọng trên hành trình chuyển đổi xanh nói chung, hướng tới mục tiêu Net Zero.
"Việt Nam cần tăng cường hợp tác quốc tế để giải quyết tình trạng thiếu hụt nguồn lực cho tăng trưởng xanh và ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong đó, việc phát triển thị trường tài chính xanh và thị trường carbon sẽ đóng vai trò then chốt trong việc huy động nguồn lực, không chỉ từ trong nước mà còn từ cộng đồng quốc tế", ông Giang nói.
Quá trình chuyển đổi xanh nói chung vẫn còn nhiều thách thức, đặc biệt là về tài chính, công nghệ, chính sách...Vì vậy, ngoài nỗ lực của các doanh nghiệp, vai trò của Nhà nước trong thiết lập các chính sách hỗ trợ, thúc đẩy sự chuyển đổi và kết nối các bên liên quan là vô cùng quan trọng.
PGS. TS. Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn, Đại học Quốc gia Tp.Hồ Chí Minh.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng để thực hiện chuyển đổi xanh hiệu quả, Việt Nam cần có những quy định cụ thể về việc ứng dụng công nghệ số trong sản xuất và phát triển các mô hình kinh tế bền vững.
Các chính sách quy chuẩn về việc áp dụng công nghệ số trong sản xuất, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp trọng điểm, sẽ giúp giảm thiểu tác động môi trường và hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh.
Quá trình này cần có sự tham gia mạnh mẽ từ các nguồn tài chính xanh, không chỉ từ Chính phủ mà còn từ các tổ chức tài chính, doanh nghiệp và các nhà tài trợ quốc tế.
Theo PGS.TS. Quân, quá trình chuyển đổi xanh nói chung vẫn còn nhiều thách thức, đặc biệt là về tài chính, công nghệ, chính sách... "Bởi vậy, ngoài nỗ lực của các doanh nghiệp, vai trò của Nhà nước trong việc thiết lập các chính sách hỗ trợ, thúc đẩy sự chuyển đổi và kết nối các bên liên quan là vô cùng quan trọng," ông chia sẻ.
Trong khi đó, Phó Viện trưởng Viện VEPR lại nhấn mạnh vai trò của các tổ chức ngân hàng và tín dụng.
Ông Việt khẳng định: các tổ chức tài chính đóng vai trò là nguồn vốn xúc tác để khơi thông các khoản đầu tư từ khu vực tư nhân và chính phủ vào các dự án chuyển đổi năng lượng; Giảm thiểu rủi ro cho dự án và/hoặc giải quyết các khoảng trống về tính khả thi; Chia sẻ chi phí/gánh nặng để xử lý tài sản bị mắc kẹt; Tái cấp vốn nhằm giảm chi phí vốn cho các dự án; Cung cấp chuyên môn kỹ thuật về các dự án chuyển đổi năng lượng; Phát triển và triển khai các chương trình "chuyển đổi công bằng," chẳng hạn như các chương trình đào tạo lại kỹ năng...