Công nghệ thông tin giúp hoạt động giáo dục đạt hiệu quả cao hơn

14:45, 21/02/2021

Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý giáo dục, tổ chức dạy và học ở các trường đã và đang trở thành xu thế tất yếu của giáo dục trong thời kỳ cách mạng công nghệ 4.0. Có thể nói, CNTT có vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả quản lý và chất lượng dạy học.

Học sinh chủ động tìm hiểu kiến thức qua máy tính dưới sự hỗ trợ của giáo viên. 

Hiện nay, tốc độ lan tỏa của CMCN 4.0 trong nền kinh tế rất lớn, ở mọi lĩnh vực, đặt ra thách thức chưa từng có đối với lực lượng sản xuất xã hội. CMCN 4.0 sẽ thay đổi bức tranh của thị trường lao động, làm thay đổi mạnh mẽ nhu cầu về nguồn nhân lực, cơ cấu ngành nghề và trình độ. Yêu cầu đặt ra đối với quá trình giáo dục hiện nay là cần đáp ứng nhu cầu xã hội, cần đào tạo ra những người lao động có đủ kỹ năng mới để thích nghi với biến đổi nhanh chóng của môi trường sản xuất, kinh doanh.

Nền giáo dục Việt Nam trước nay đều sử dụng mô hình chuyển giao kiến thức theo cách độc thoại giữa giảng viên với sinh viên. Tuy nhiên, khi xã hội thay đổi ngày một nhanh chóng cùng với sự phát triển công nghệ vượt bậc, mô hình này không thể tạo ra giá trị gia tăng. Điều đó cho thấy cách giảng bài truyền thống kém hiệu quả hơn so với các hình thức dạy – học tích cực.

“Giáo dục thông minh” hay “Giáo dục 4.0” được xem là mô hình phù hợp với xu thế phát triển của thời đại hiện nay. Mô hình có sự liên kết chặt chẽ giữa 3 yếu tố quan trọng, đó là nhà trường – nhà quản lý – nhà doanh nghiệp. Theo đó, mô hình này thúc đẩy hoạt động dạy và học diễn ra mọi lúc, mọi nơi, giúp cho người học có thể chủ động quyết định nội dung, phương thức học tập theo nhu cầu của bản thân.

Có thể nhận thấy những lợi ích tích cực mà CNTT mang lại như chất lượng giáo viên được nâng cao, các phương pháp giảng dạy được thay đổi theo chiều hướng tích cực. Các thầy cô không còn bị bó buộc trong khối lượng kiến thức hiện có mà còn được tìm hiểu thêm về những chuyên ngành khác như tin học và học hỏi các kỹ năng sử dụng hình ảnh, âm thanh trong việc thiết kế bài giảng. Ngoài ra, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học còn giúp giáo viên có thể chia sẻ bài giảng với đồng nghiệp, cùng nhau thảo luận và nâng cao chất lượng giáo án của mình.

Trong tương lai, việc truyền thụ, cung cấp kiến thức, dần dần sẽ do CNTT đảm nhận, giải phóng người thầy khỏi sự thiếu hụt thời gian, để người thầy có thể tập trung giúp học sinh tìm ra phương hướng tiếp cận tri thức, giải quyết vấn đề tồn đọng và tổ chức các hoạt động học tập gắn với thực tiễn nhằm phát triển năng lực của học sinh.

Ảnh: minh họa

Nhờ có CNTT, việc học trực tuyến ngày càng phổ biến, được mọi người đón nhận và sử dụng ngày càng đông đảo khi nó mang đến nhiều tiện ích hơn cho người học. Các bài giảng vẫn đảm bảo lượng kiến thức theo giáo trình, thay vì chỉ được truyền đạt bằng lời nói như trước đây, học trực tuyến còn kết hợp với các hình ảnh, video cụ thể một cách sinh động. Điều này, giúp người học có thể dễ dàng hiểu và ghi nhớ hơn. Có thể thấy, những thay đổi mạnh mẽ trong ngành giáo dục thời đại 4.0 có tác động tích cực, giúp người học có thể làm chủ được kiến thức, từ đó phát huy được những hiệu quả giáo dục. Các lớp học thời đại 4.0 cũng có thể diễn ra bất cứ đâu, bất cứ thời điểm nào nhờ internet.

Dưới tác động của CMCN 4.0, toàn bộ quá trình sản xuất, tái sản xuất xã hội đều thay đổi. Trí tuệ nhân tạo và người máy thông minh dần dần thay thế lao động chân tay và thậm chí cả lao động trí óc của con người. Muốn tồn tại, muốn có việc làm, bản thân người lao động cần thay đổi. Muốn tồn tại, muốn tuyển sinh được, các trường đại học cần phải tiếp cận việc dạy và học theo cách mới, lợi dụng tối đa những tiến bộ công nghệ và vạn vật kết nối (IoT) để tạo nên chất lượng riêng cho từng trường. Trường đại học không chỉ dành cho những người có thể suốt ngày đi học, mà cần dành cả cho những người chỉ có thể chắt chiu thời gian để đầu tư cho tương lai. Các trường đại học cần định hướng lại những ngành nghề đào tạo, những lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu để đón đầu, bám sát yêu cầu của thị trường trong nước, trong khu vực và thế giới.

Minh Thùy