Công nghệ thông tin tiếp tục là ngành học cạnh tranh "gay gắt" nhất
Trong thời chuyển đổi số, lĩnh vực Công nghệ thông tin đòi hỏi nhu cầu nhân lực rất cao, vì vậy, sự cạnh tranh để vào ngành này ngày càng "gay gắt".
PGS.TS Tạ Hải Tùng, Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin và Truyền thông (SoICT), trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã nhấn mạnh như vậy khi trao đổi với phóng viên Dân trí.
Tuyển sinh năm 2020, với phương thức xét tuyển dựa hoàn toàn vào điểm thi tốt nghiệp THPT, ngành Khoa học máy tính (IT1) trường ĐH Bách khoa Hà Nội có điểm chuẩn cao nhất, lên tới 29,04, tăng 1,62 điểm so với năm 2019.
Xếp sau đó là điểm chuẩn ngành Kỹ thuật máy tính, Khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo với điểm chuẩn lần lượt là 28,65. Điểm chuẩn thấp nhất vào Trường Đại học Bách khoa Hà nội là 19 điểm. Với mức điểm trên, cho thấy sự cạnh tranh lớn để có một suất vào trường ĐH Bách khoa Hà Nội luôn "căng thẳng".
PGS.TS. Tạ Hải Tùng, Viện trưởng SoICT nói về chương trình đào tạo chất lượng cao An toàn Không gian số
PGS.TS Tạ Hải Tùng, Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin và Truyền thông (SoICT), trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, từ nhiều năm nay trường ĐH Bách khoa Hà Nội (ĐHBK) luôn giữ vững định hướng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, không chỉ đáp ứng mà còn đón đầu xu hướng phát triển KHCN và KTXH của đất nước.
Lĩnh vực Công nghệ thông tin (CNTT) cũng không nằm ngoài định hướng đó, và với truyền thống đào tạo chất lượng cao, cùng với nhu cầu nhân lực phục vụ sự phát triển bùng nổ của lĩnh vực CNTT trong thời chuyển đổi số không phải chỉ ở Việt Nam mà còn ở các nước trong khu vực thì có thể nói CNTT ĐHBK luôn là cái tên hot nhất trong các mùa tuyển sinh gần đây.
Theo ông Tùng, năm nay Viện Công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT&TT) mở thêm chương trình đào tạo chất lượng cao An toàn Không gian số (Cyber Security) với định hướng tuyển các bạn có năng khiếu trong khoa học tự nhiên và đam mê công nghệ để trở thành các chuyên gia an ninh mạng hàng đầu, dẫn dắt sự phát của lĩnh vực này tại Việt Nam trong những năm tới đây. Chương trình có sự hợp tác chặt chẽ với các tập đoàn công nghệ trong và ngoài nước, như IBM, BKAV... để tạo môi trường học tập "thực chiến" cho sinh viên.
Chia sẻ về nhu cầu nguồn nhân lực CNTT, ông Tùng cho hay lĩnh vực CNTT đòi hỏi nhu cầu nhân lực rất cao, vì vậy, sự cạnh tranh để vào các cơ sở đào tạo uy tín như ĐHBK HN là rất "gay gắt".
Tuy nhiên, Công nghiệp 4.0 không chỉ đòi hỏi mỗi nguồn nhân lực CNTT, do đó, cơ hội vẫn sẽ rất nhiều nếu các thí sinh chọn các ngành phù hợp hơn với sức học, nhưng lại có nhu cầu về nhân lực không hề thua kém, như: Điện-Điện tử, Tự động hóa, Cơ điện tử, Kỹ thuật Ô-tô... và ngay cả các ngành tưởng chừng rất kinh điển nhưng nhu cầu vẫn rất nhiều như: Cơ khí, Vật liệu, Nhiệt lạnh, Môi trường, Kỹ thuật Hóa học, CN Sinh học - Thực phẩm...
"Trong công nghiệp hóa và hiện đại hóa, có thể nói trong lĩnh vực kỹ thuật - công nghệ không phải vấn đề ngành hot hay không, mà vấn đề chính là ta có đủ kỹ năng nghề nghiệp, đủ trình độ chuyên môn, hay nói nôm na là có đủ "giỏi" trong ngành nghề của mình hay không. Đây mới là vấn đề quan trọng" - ông Tùng nhấn mạnh.
Kiến thức đào tạo ngành Khoa học máy tính: Kiến thức khoa học cơ bản và các kiến thức cốt lõi về ngành Khoa học Máy tính bao gồm: hệ thống máy tính; cấu trúc dữ liệu và giải thuật; kỹ thuật lập trình; cơ sở dữ liệu; phân tích thiết kế và phát triển phần mềm; trí tuệ nhân tạo và khai phá dữ liệu, quản lý dự án… Tùy theo định hướng lựa chọn, người học được trang bị thêm các kiến thức chuyên sâu: - Định hướng công nghệ phần mềm: các phương pháp, quy trình, kỹ thuật và công cụ trong việc phát triển phần mềm, quản lý các dự án phần mềm. - Định hướng hệ thống thông tin: các phương pháp, kỹ thuật và công nghệ để thu thập, lưu trữ, xử lý thông tin và phát hiện tri thức nhằm thiết kế, phát triển, vận hành, bảo trì và đánh giá các hệ thống thông tin. |
Theo dantri.com.vn