Covid-19 giúp thúc đẩy chuyển đổi số, thanh toán trực tuyến, tiêu dùng online

Thùy Chi 13:26, 20/08/2020

Tiêu dùng trực tuyến đã và đang là xu thế tất yếu trên toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng. Tại Việt Nam, trong vòng 5 năm trở lại đây, hình thức mua sắm trực tuyến đang ngày càng trở nên phổ biến và nhận được sự quan tâm lớn của người dân, nhất là sau khi dịch bệnh bùng phát, người tiêu dùng thay đổi thói quen mua sắm truyền thống sang tiêu dùng online nhiều hơn.

Ngày 20/8, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh tổ chức diễn đàn “Khuynh hướng tiêu dùng Việt Nam: Tương lai thanh toán trực tuyến và tiêu dùng online”.

Diễn đàn có sự tham dự của các cơ quan Ban Ngành, Hiệp hội: Cục thương mại điện tử và kinh doanh số - Bộ Công thương; Cục cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng - Bộ công thương; Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, các công ty/ doanh nghiệp: Tiki, VNPAY, Moca, INTERSPACE, Nielsen Việt Nam, … và hơn 200 đại biểu cùng các cơ quan báo chí truyền thông.

Khai mạc diễn đàn, ông Lê Đức Anh, Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số thuộc Bộ Công Thương) đã khái quát thực trạng về thương mại điện tử và thanh toán trực tuyến tại Việt Nam với nhiều xu hướng trong bối cảnh kinh tế mới.

Tiêu dùng online diễn ra phổ biến

Trước những xu hướng về hành vi tiêu dùng trong kỷ nguyên số, bà Đặng Thúy Hà, Giám đốc khu vực phía Bắc, Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam cho biết, năm 2020, có 4 tỷ người kết nối internet trên toàn thế giới với 30% doanh số bán lẻ được thực hiện thông qua các ứng dụng điện tử. Tới năm 2025, dự đoán nền kinh tế chia sẻ của toàn cầu sẽ đạt mức giá trị 300 tỷ USD.

Tiêu dùng trực tuyến đã và đang là xu thế tất yếu trên toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng. Tại Việt Nam, trong vòng 5 năm trở lại đây, hình thức mua sắm trực tuyến đang ngày càng trở nên phổ biến và nhận được sự quan tâm lớn của người dân, nhất là sau khi dịch bệnh bùng phát, người tiêu dùng thay đổi thói quen mua sắm truyền thống sang tiêu dùng online nhiều hơn.

Việt Nam vẫn là quốc gia phát triển sau về chuỗi cửa hàng tiện lợi nhưng lại có tốc độ phát triển rất nhanh. Theo số liệu thống kê, tăng trưởng giá trị của cửa hàng tiện lợi, cửa hàng mini là 27% trong khi Hàn Quốc và Philippines là 14%, Thái Lan và Malaysia là 5%... Thương mại điện tử tăng trưởng nhanh với 80% đã từng mua hàng online. Các mặt hàng được mua sắm nhiều nhất là thời trang, IT và mỹ phẩm. Theo khảo sát mua sắm trực tuyến tại Việt Nam năm 2019: mua sắm quần áo: 24%, hàng cá nhân: 21%, hàng điện tử: 18%, vé máy bay, xem phim: 17%, nội dung online: 19%, …

Hiện nay, người tiêu dùng và đặc biệt là giới trẻ, đã gắn chặt với các thiết bị di động, mạng xã hội và đặc biệt thích nghi với việc mua hàng trực tuyến (với hơn 50% dân số). Theo nhận định của Nielsen, đến năm 2020, 55% dân số Việt Nam hoàn toàn có khả năng truy cập internet. Bên cạnh yếu tố tiết kiệm thời gian, người tiêu dùng Việt Nam muốn đầu tư cho một cuộc sống chất lượng cao nên ngày càng thích mua sắm trực tuyến vì độ tiện dụng. Đây chính là cơ hội hấp dẫn đối với các Doanh nghiệp lựa chọn phương thức bán hàng trực tuyến, đưa phương thức này trở thành một xu hướng trong thời đại 4.0.

Chính những điều đó đang đòi hỏi các doanh nghiệp phải hành động đối ứng với sự thay đổi về xu hướng hành vi tiêu dùng của đại bộ phận khách hàng. Bà Thúy Hà khuyến nghị, các doanh nghiệp cần chú ý tới cơ hội để phát triển; trong đó, cần hiểu người tiêu dùng để cung cấp sản phẩm theo xu hướng tiêu dùng, phải mang lại sự thuận tiện cho khách hàng và hướng tới việc tiếp cận đa kênh. Đồng thời, phải mang lại nhiều trải nghiệm khách hàng đồng nhất tại từng điểm chạm…

Diễn đàn khuynh hướng tiêu dùng Việt Nam sáng 20/8.

Nhận định về tương lai số của ngành bán lẻ Việt Nam, Tiến sĩ Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch danh dự Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho hay, hiện nay là thời đại bùng nổ về internet và thương mại điện tử. Chuyển đổi số chính là mô tả việc ứng dụng công nghệ vào tất cả các khía cạnh của doanh nghiệp. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang đặt các doanh nghiệp vào một cuộc đua sinh tử.

Nếu chậm chân và không kịp chuyển đổi, doanh nghiệp sẽ đặt dấu chấm hết cho sự phát triển của mình trong tương lại. Thêm vào đó, ảnh hưởng của dịch COVID-19 cũng tạo thêm sức ép buộc các doanh nghiệp trong ngành bán lẻ đều phải chuyển mình. Bởi đây là một trong những ngành nghề chịu tổn thất nặng nề về doanh thu, chưa kể nhiều tác động tiêu cực khác.

Bà Loan cũng phác thảo mô hình chuyển đổi số trong ngành bán lẻ. Theo đó, phải tập trung vào trải nghiệm của khách hàng và tạo thêm các mô hình chuỗi giá trị số như thu thập dữ liệu khách hàng của sản phẩm hay địa điểm, biến dữ liệu thành thông tin hiểu biết để rồi biến chúng thành hành động. Từ đó, tạo nên những trải nghiệm số trong cả hành trình mua sắm của khách hàng.

Thanh toán không dùng tiền mặt chưa phổ biến

Từ thực tiễn của doanh nghiệp, ông Hoàng Quốc Quyền, Giám đốc đối ngoại cấp cao của Tiki miền Bắc cho biết, việc thanh toán trực tuyến, tiêu dùng online đang là xu hướng hiện hữu khắp nơi trên thế giới. Thanh toán trực tuyến, tiêu dùng online sẽ thúc đẩy nhiều lĩnh vực phát triển; trong đó, có thương mại điện tử, góp phần làm minh bạch trong quản lý và thuận tiện cho người tiêu dùng.

Tuy nhiên, thanh toán trực tuyến tiêu dùng online chưa thực sự đạt được như kỳ vọng và tiến tới một bước mạnh mẽ hơn tiêu dùng, mua sắm không dùng tiền mặt. Qua thực tế, với sàn thương mại điện tử của Tiki, một tháng khoảng từ 4,5-5 triệu đơn hàng thì số thanh toán online chỉ khoảng từ 40-60% là tiền mặt. Điều đó cho thấy, sự lệch pha rất lớn giữa thanh toán online và thương mại điện tử.

Để người mua hàng sẵn sàng cho việc thanh toán online, không dùng tiền mặt, theo ông Quyền, cần kiên quyết kiểm tra, xử lý những sàn thương mại điện tử bán hàng giả, hàng nhái không rõ nguồn gốc. Cùng đó có chế tài và biện pháp mạnh mẽ để tạo niềm tin cho người mua sắm và thanh toán online. Các ngân hàng, cổng thanh toán và nhà mạng cần tạo điều kiện và có chính sách hỗ trợ thiết thực cho người dân khi thanh toán online; đồng thời, tạo dựng cơ sở dữ liệu dùng chung để giảm thiểu rủi ro cho khách hàng.

Toàn cảnh hội thảo

Trong thời đại số cũng ghi nhận nhiều xu hướng phát triển trong ngành dịch vụ bán lẻ như áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) hay IoT để tăng kết nối giữa nhà bán lẻ và khách hàng, tăng hiệu quả với đám mây; đổi mới công nghệ định hình lại tương lai của các cửa hàng thông minh, sử dụng công nghệ cất cánh (AR và VR); áp dụng robot nhiều hơn hay các hình thức mua sắm qua đàm thoại, qua trợ lý ảo phát triển, phát triển các hình thức thanh toán điện tử và thanh toán kỹ thuật số, ứng dụng logistics thông minh hay công nghệ blockchain để cải thiện tính minh bạch của chuỗi cung cứng…  

Việc chuyển đổi số được đánh giá là xu thế không thể đảo ngược, tuy nhiên rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam lại thất bại do hiểu chưa đúng và chưa sẵn sàng về nguồn lực. Bà Loan cho biết, theo khảo sát của Hiệp hội phần mềm và dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA), có gần 95% doanh nghiệp ý thức rõ tầm quan trọng của chuyển đổi số, chỉ có 5,1% trả lời chưa hiểu biết và chưa có hành động gì liên quan tới chuyển đổi số. Song, có 84% doanh nghiệp thất bại khi chuyển đổi số và việc áp dụng công nghệ mới vào doanh nghiệp thường là thất bại. Điều đó đặt ra vấn đề nên bắt đầu từ đâu để có hành trình chuyển đổi số an toàn và hiệu quả và làm thế nào để chuyển đổi số thành công.

Nhằm đưa ra các biện pháp chuyển mình nắm bắt cơ hội cho các doanh nghiệp để phù hợp với thị trường công nghệ mới, đồng thời nhận định về những tiện ích, rủi ro mà khuynh hướng tiêu dùng mới mang lại cho tương lai thanh toán không dùng tiền mặt và những vấn đề đặt ra với doanh nghiệp, Viện nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức buổi Diễn đàn “Khuynh hướng tiêu dùng Việt Nam: Tương lai thanh toán trực tuyến và tiêu dùng online”.

Diễn đàn tập trung làm rõ các tác động ảnh hướng tới khuynh hướng tiêu dùng của thị trường Việt Nam những năm gần đây cũng như trong đại dịch Covid -19 và đưa ra các giải pháp phát triển bền vững ngành hàng tiêu dùng tại Việt Nam; chia sẻ những ý kiến từ phía các chuyên gia kinh tế trong lĩnh vực thương mại điện tử, thanh toán trực tuyến; thảo luận về tác động, thách thức và định hướng cho các doanh nghiệp nắm bắt cơ hội phù hợp với thị trường công nghệ mới…

Thùy Chi