CP kêu cứu, chuyện phải đến đã đến

10:10, 25/08/2012

CP (Content Provider) là các Công ty cổ phần Dịch vụ nội dung số hoạt động kinh doanh trên nền tảng Dịch vụ di động do các Công ty viễn thông cung cấp. CP được đánh giá là nguồn động lực quan trọng giúp thị trường thương mại điện tử trong lĩnh vực di động phát triển mạnh hơn. Tuy nhiên, CP đang kêu cứu.

 

Vai trò của CP

 



Theo các chuyên gia, thị trường dịch vụ nội dung số trên di động được đánh giá là tiềm năng. Các công ty tham gia lĩnh vực này khá đông và năng động. Các loại hình nội dung cung cấp rất phong phú và người tiêu dùng Việt Nam cũng tích cực tham gia giao dịch. Các dịch vụ giá trị gia tăng trên công nghệ 3G sẽ giúp GDP Việt Nam tăng trưởng thêm nhiều phần trăm. Một quan chức cao cấp của Nhà nước đã nhận định như trên sau khi 3G chính thức được triển khai ở Việt Nam. “3G mang đến cho chúng tôi nhiều cơ hội mới với nhiều dịch vụ mới ấn tượng, hấp dẫn và mang nhiều tính năng hơn nền tảng 2G. 3G sẽ giúp các dịch vụ nội dung số cho di động phát triển hơn”, đại diện của một công ty CP có trụ sở ở Hà Nội cho biết. Ngay sau đó, hàng loạt các công ty CP mới ra đời và những trang quảng cáo trên báo, trên TV, trên truyền hình… xuất hiện với một mức độ ngày càng nhiều. “Thậm chí các đài truyền hình, các tờ báo, đài phát thanh cũng đăng ký các dich vụ để làm một CP”.

 

Nhà mạng ép

 



Để kinh doanh, các công ty CP phải thỏa thuận với nhà mạng về việc được tiếp cận với các đối tượng khách hàng, thuê bao tổng đài cũng như xây dựng cơ chế kiểm soát lượng giao dịch từ phía khách hàng. Nói một cách tổng quát, để có thể kinh doanh được, các CP sẽ phải cần có nhà mạng cung cấp các dịch vụ hỗ trợ. Với thế độc quyền hiện hữu về hệ thống hạ tầng, nhà mạng thừa khả năng để ép tối đa các doanh nghiệp CP.

 

"Một website thương mại điện tử thanh toán bằng thẻ tín dụng sẽ không chấp nhận chuyện công ty thanh toán hoặc ngân hàng đòi tới 50% chi phí giao dịch, thế nhưng tại sao CP sử dụng các kênh "nhà mạng" lại có thể xảy ra chuyện này? Khi không bình đẳng trong chia sẻ doanh thu, người gặp nhiều khó khăn nhất không phải doanh nghiệp mà chính là người dùng”, ông Phạm Thúc Trương Lương, Phó giám đốc Tinh Vân Group nhấn mạnh về tỷ lệ gây bất lợi cho các công ty CP. “Hiện một số ứng dụng thuộc loại rất phức tạp trên AppStore của Apple cũng chỉ bắt người tiêu dùng trả 0.99 USD vì Apple chỉ chiếm 30% doanh thu, nhường lại 70% cho CP. Nhưng CP Việt Nam thì lại đang phải trả từ 50-55% cho nhà mạng, hệ lụy kéo theo là sẽ phải bán hàng rẻ mức giá đắt cho người dùng, khi đó, quyền lợi của người tiêu dùng sẽ không được đảm bảo.”.

 

Quản lý cấp cao vào cuộc

 

Trước phản ánh của các CP, mới đây, trong Dự thảo nghị định về dịch vụ Công nghệ thông tin do Bộ Thông tin và Truyền thông soạn thảo, trong hợp tác kinh doanh dịch vụ nội dung số qua mạng viễn thông, tỷ lệ phân chia doanh thu và lợi nhuận giữa các tổ chức, doanh nghiệp phải minh bạch, hợp lý, theo hướng ưu tiên cho đơn vị CP và hỗ trợ phát triển sản phẩm nội dung số. “Bộ cần có những quy định cụ thể hơn chứ không nên quy định chung chung như hiện nay. Theo đó, cần quy định cứng tỷ lệ phân chia doanh thu tối đa là 30 - 70 với phần hơn thuộc về CP”, ông Lương bình luận về các quy định mới của Bộ. “Do Apple, Google, Microsoft đang áp dụng tỷ lệ này nên nếu vẫn duy trì tỷ lệ chia lợi nhuận không công bằng như thế, chúng tôi không thể tiếp tục kinh doanh hiệu quả hoặc sẽ phải tăng giá dịch vụ lên, người tiêu dùng sẽ chịu thiệt.”.


 



“Không thể chấp nhận kiểu chia lợi như vậy”, đại diện một nhà mạng bức xúc. “Chúng tôi bỏ ra hàng tỷ xây dựng cơ sở hạ tầng nên cần khai thác sao cho hiệu quả. Các công ty CP muốn kinh doanh cần có chúng tôi, nếu không chấp nhận mức giá đó, họ có thể đến làm việc với các nhà mạng khác. CP chỉ làm những việc quá đơn giản, nếu làm những việc “nhà mạng” không thể làm được thì mới có thể “mặc cả” để chỉnh lại mức chia lợi nhuận”. Trong một động thái khác, ngay sau khi CP nghĩ ra được một dịch vụ nội dung số nào mới để kinh doanh thì ngay lập tức các công ty CP khác cũng tung ra dịch vụ tương tự và nhà mạng cũng có nội dung giống y chang.

 

Sau cùng thì nhà mạng cũng là một công ty CP nhưng chiếm ưu thế vượt trội nhờ có cơ sở hạ tầng. “Khó có “cửa” cho các công ty CP đúng nghĩa nếu Bộ không làm gắt”.

 

Tuệ Vi Diệu