Cụ thể hóa lộ trình chuyển đổi xe buýt điện tại Hà Nội từ nay đến 2035

11:43, 11/01/2024

Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) cho biết, sẽ lên lộ trình để hiện thực hóa việc chuyển đổi phương tiện chạy diesel sang Năng lượng Xanh đồng thời xây dựng kế hoạch nhằm sẵn sàng mở rộng thí điểm thẻ vé điện tử sang nhiều tuyến buýt khác của thành phố.

Thông tin tại Hội nghị triển khai kế hoạch công tác năm 2024 của Tổng công ty Vận tải Hà Nội, các tuyến bus mới đấu thầu của Hà Nội phải chuyển đổi sang sử dụng xe điện đồng thời lên lộ trình để hiện thực hóa việc chuyển đổi phương tiện chạy diesel sang năng lượng.

Cụ thể trong năm 2024, Transerco đã xây dựng và báo cáo UBND thành phố Hà Nội, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đề án chuyển đổi sang phương tiện sử dụng năng lượng xanh. Căn cứ lộ trình sử dụng xe buýt năng lượng sạch của Chính phủ, Transerco xây dựng phương án cụ thể đối với các tuyến hết hạn hợp đồng thầu trong năm 2024; đề xuất điều kiện, cơ chế triển khai để thành phố hỗ trợ thực hiện như hỗ trợ lãi vay, xây dựng hạ tầng trạm sạc...

Lãnh đạo TP Hà Nội cũng yêu cầu Transerco cụ thể hóa lộ trình chuyển đổi xe buýt điện từ nay đến 2035 đồng thời giao Sở Giao thông Vận tải làm việc với 11 doanh nghiệp vận tải hành khách công cộng của Thủ đô.

Nhằm cụ thể hóa lộ trình chuyển đổi xe buýt sử dụng năng lượng dầu diesel sang năng lượng xanh giai đoạn từ nay đến năm 2035, thành phố đã giao Sở Giao thông Vận tải Hà Nội làm việc với 11 doanh nghiệp vận tải hành khách công cộng Thủ đô. Hiện tại, các đơn vị đều bày tỏ sự ủng hộ việc chuyển đổi này cũng như thí điểm triển khai thẻ vé điện tử.

Toàn thành phố quyết tâm chuyển đổi sang sử dụng điện, năng lượng xanh đối với các tuyến bus đấu thầu mới. Các tuyến đầu thầu lại từ năm 2024 yêu cầu phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh và đến năm 2035 sẽ hoàn thành 100% số lượng phương tiện chuyển đổi sang sử dụng điện, năng lượng xanh.

Trên cơ sở đó, thành phố yêu cầu Transerco tính toán lộ trình chuyển đổi xe buýt diesel sang năng lượng xanh; thường xuyên rà soát, điều chỉnh lộ trình tuyến buýt; quy hoạch các tuyến đường điểm đỗ xe bởi quy hoạch là gốc rễ của mọi vấn đề; hoàn thiện bãi xe ngầm, bãi xe nổi; đưa công nghệ khai thác điểm đỗ xe vào ứng dụng thực tế. Transerco phải tiên phong, các khó khăn, vướng mắc từ vốn vay, lãi suất, đất đai... cần báo cáo thành phố để giải quyết.

Hà Nội muốn thay thế 9 tuyến xe buýt truyền thống thành xe buýt điện

Trước đó, Sở Giao thông vận tải Hà Nội vừa kiến nghị UBND TP Hà Nội cho phép thí điểm đặt hàng sử dụng xe buýt điện trong thời hạn 1 năm đối với 9 tuyến buýt hết hạn thầu năm 2024.

Theo đó, trong quý 1/2024, Hà Nội có 9 tuyến buýt sẽ hết hạn thầu vào ngày 31/3, gồm tuyến buýt số 05 lộ trình khu đô thị Linh Đàm - Phú Diễn; tuyến 15 bến xe Gia Lâm - Phố Nỉ; tuyến 17 Long Biên - Nội Bài; tuyến 36 Yên Phụ - khu đô thị Linh Đàm; tuyến 39 công viên Nghĩa Đô - Tứ Hiệp; tuyến 43 công viên Thống Nhất - thị trấn Đông Anh; tuyến 54 Long Biên - Bắc Ninh, tuyến 47A Đại học Kinh tế quốc dân - Kiêu Kỵ (Gia Lâm); tuyến 59 thị trấn Đông Anh - Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Sở đề xuất thí điểm đặt hàng sử dụng xe buýt điện sau khi 9 tuyến xe buýt trên hết hạn thầu.

Theo sở này, khi hoàn thiện xong thủ tục đặt hàng, đơn vị sẽ lựa chọn đơn vị tư vấn xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá đối với xe buýt điện loại trung bình và nhỏ, để làm cơ sở đấu thầu các tuyến buýt khi hết thời gian thí điểm.

Dự kiến đến năm 2025, Hà Nội có khoảng 68 tuyến buýt sẽ hết hạn thầu và phải đổi chuyển sang buýt điện.

Theo Tạp chí Thương trường

(https://thuongtruong.com.vn/news/cu-the-hoa-lo-trinh-chuyen-doi-xe-buyt-dien-tai-ha-noi-tu-nay-den-2035-114568.html)