Cùng bị hacker đánh sập hệ thống, ai đứng sau VNDirect và Bảo hiểm PTI?

15:24, 29/03/2024

Các công ty bị tấn hacker tấn công hệ thống mạng bao gồm Chứng khoán VNDirect, Bảo hiểm Bưu điện PTI và Công ty TNHH MTV Quản lý quỹ đầu tư Chứng khoán I.P.A đều có liên quan mật thiết đến bà Phạm Minh Hương và ông Vũ Hiền.

Mối quan hệ của Bảo hiểm PTI với VNDirect thế nào?

Mới đây, Công ty chứng khoán VNDirect (VND) và Tổng CTCP Bảo hiểm Bưu điện (PTI) đều công bố bị tấn công mạng cùng vào lúc 10h sáng chủ nhật (24/3). Cùng với đó, website Công ty TNHH MTV Quản lý quỹ Đầu tư Chứng khoán I.P.A (IPAAM) cũng thông báo "đang bảo trì và nâng cấp, xin vui lòng quay lại sau". Ngoài ra, website CTCP Tập đoàn Đầu tư I.P.A (IPA) cũng hiển thị không thể truy cập.

Theo tìm hiểu, VNDirect hiện đang nắm giữ trực tiếp 20% cổ phần tại PTI, tương đương hơn 16 triệu cổ phiếu. Tuy nhiên, một số nguồn tin cho rằng tỷ lệ sở hữu của VNDirect và các đơn vị, cá nhân liên quan tại PTI cao hơn nhiều mức 20%.

VNDirect chính thức trở thành cổ đông lớn của Bảo hiểm Bưu điện từ năm 2012, sau khi mua vào 5,2 triệu cổ phiếu PTI.

Sau khi Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost) thoái toàn bộ vốn, VNDirect trở thành nhóm cổ đông lớn nhất tại PTI, với tỷ lệ sở hữu của cả nhóm lên tới 42,33%. Theo sau là DB Insurance (Hàn Quốc) với tỷ lệ sở hữu 37,32%.

Cũng trong giai đoạn này, VNDirect bắt đầu tham gia vào bộ máy điều hành của PTI. Bà Phạm Minh Hương, Chủ tịch HĐQT VNDirect hiện đồng thời là Chủ tịch HĐQT PTI; bà Đỗ Thanh Hương, cựu Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Quản lý Quỹ đầu tư chứng khoán I.P.A làm thành viên HĐQT PTI.

Vào thời điểm tháng 12/2023, VNDirect được cho là đã rót thêm 176 tỷ đồng vào PTI thông qua việc mua vào 2,8 triệu cổ phiếu. Mức giá này cao hơn thị giá của PTI tại thời điểm đó khoảng 28%.

Ngoài VNDirect, cổ đông lớn khác của PTI là DB Insurance Co. Ltd – doanh nghiệp bảo hiểm đến từ Hàn Quốc. Năm 2015, DB Insurance đã chi 1.077 tỷ đồng để mua vào hơn 37% cổ phần tại PTI. Đây là mức sở hữu có quyền phủ quyết tại một doanh nghiệp.

Liên quan đến IPAAM, Chứng khoán VNDirect cũng từng có sở hữu. VNDirect từng nắm giữ 100% vốn của IPAAM nhưng đã chuyển nhượng cho IPA vào cuối năm 2023 vừa qua. Sau chuyển nhượng, Tập đoàn Đầu tư I.P.A trở thành công ty mẹ của IPAAM. Tập đoàn Đầu tư I.P.A cũng là cổ đông lớn của Chứng khoán VNDirect với tỷ lệ sở hữu 25,84% vốn, theo báo cáo quản trị 2023.

Như vậy, Tập đoàn Đầu tư I.P.A đồng thời sở hữu lượng lớn cổ phiếu của Chứng khoán VNDirect và IPAAM. Tập đoàn này do ông Vũ Hiền, chồng bà Phạm Minh Hương sáng lập và làm Chủ tịch HĐQT còn bà Hương làm Thành viên HĐQT.

Bà Phạm Minh Hương. Ảnh: VNDirect

Có thể thấy cả 4 công ty đang có vấn đề về an ninh mạng kể trên đều liên quan bà Phạm Minh Hương và ông Vũ Hiền, chồng bà Hương. VNDirect giới thiệu bà Phạm Minh Hương sinh năm 1966, làm Chủ tịch HĐQT VNDirect từ tháng 12/2006, khi doanh nghiệp này được thành lập. Bà được giới thiệu là có bằng Thạc sĩ hệ thống thông tin Đại học Bách khoa Keiv - Liên xô (cũ).

Bà Hương cũng được giới thiệu là có trên 25 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, từng làm Giám đốc kinh doanh tiền tệ và thị trường tài chính, Ngân hàng Citibank. Bà cũng làm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán SSI trong 2 năm (2003-2005), sau đó sáng lập VNDirect và nắm quyền quản trị đến nay.

Còn ông Vũ Hiền, chồng bà Hương, cũng làm Thành viên HĐQT VNDirect từ 2009 đến nay. Ông Hiền sinh năm 1962, được giới thiệu là sáng lập Tập đoàn Đầu tư I.P.A hoạt động đa ngành trong lĩnh vực năng lượng, thực phẩm, dược, bất động sản và tài chính.

Nhiều lần gặp sự cố, Chứng khoán VNDirect (VND) kinh doanh ra sao?

Chứng khoán VNDirect được thành lập năm 2006, là một trong những thành viên lớn nhất thị trường. Năm 2023, công ty này đứng thứ ba về thị phần môi giới trên sàn HoSE, với 7,01%. Quy mô thị phần chỉ đứng sau SSI và VPS.

Bị bị tấn công mạng lần này không phải lần đầu VNDirect gặp sự cố khiến các nhà đầu tư hoang mang. Lần gần nhất và hy hữu nhất, còn để lại ấn tượng sâu sắc nhất với các nhà đầu tư có lẽ là sự cố vào tháng 4/2022. Sáng 6/4, vào phiên giao dịch, các nhà đầu tư "tá hỏa" khi không thể đăng nhập website công ty.

Lý do khá hy hữu khi tên miền vndirect.com.vn và các trang mở rộng khác (như trade.vndirect.com.vn hay banggia.vndirect.com.vn) đã hết hạn sử dụng. Sau khi VNDirect khắc phục sự cố, còn có thêm các thông báo để nhà xử lý nếu chưa vào được thì xóa app và đăng nhập lại hoặc cũng khuyến cáo với các khách hàng chưa vào được website thì xóa cache trình duyệt và đăng nhập lại.

Trước đó, tháng 11/2021, VNDirect cũng gặp sự cố đăng nhập tài khoản. Ngay khi khắc phục xong sự cố, VNDirect còn ra khuyến cáo nhà đầu tư nên đăng nhập sớm vào tài khoản trên cả điện thoại và máy tính. Bất ngờ hơn khi VNDirect “nhắc khéo” nhà đầu tư tránh đăng nhập vào khung giờ cao điểm 9h-10h và 13h30-14h30.

VNDirect nhiều lần gặp sự cố hệ thống.

Trước nữa, tháng 4/2020, VNDirect cũng gặp sự cố đăng nhập phần mềm giao dịch trực tuyến. Theo Tinhanhchungkhoan, sự cố ban đầu được xác định là do hệ thống xác thực người dùng của công ty có thể bị quá tải cục bộ.

VNDirect khẳng định: “Sự cố kỹ thuật xảy ra vừa qua hoàn toàn mang yếu tố khách quan trong quá trình nâng cấp, cải tiến và là sự cố ngoài mong muốn của VNDirect. Chúng tôi cam kết không có bất cứ sự can thiệp hay động cơ trục lợi riêng nào từ những sự cố trên. VNDirect sẵn sàng phối hợp cùng các Cơ quan quản lý thực hiện các chương trình thanh kiểm tra hệ thống, đảm bảo gửi tới Quý khách hàng thông tin minh bạch nhất".

Dù nhiều lần gặp sự cố, nhưng tính đến thời điểm cuối năm 2023, VNDirect vẫn đang đứng thứ 3 về thị phần môi giới, chiếm tỷ lệ 7,01%. Đứng đầu về thị phần môi giới vẫn là Chứng khoán VPS (tỷ lệ 19,06%) và đứng thứ 2 là chứng khoán SSI với tỷ lệ 10,44%.

Đáng chú ý, thị phần môi giới của VNDirect đã giảm về mức thấp nhất trong vòng 4 năm trở lại đây. Nếu tính xa hơn, trong vòng 7 năm trở lại đây, thị phần môi giới thời điểm cuối năm 2023 chỉ cao hơn thời điểm cuối năm 2019.

Về kết quả kinh doanh năm 2023 ghi nhận, VNDirect đạt 6.561 tỷ đồng doanh thu, giảm 6% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 2.017 tỷ đồng, tăng trưởng 47,7% so với số lãi 1.366 tỷ đồng đạt được năm 2022.

Trong cơ cấu doanh thu của công ty, ghi nhận doanh thu từ hoạt động môi giới giảm sút 14% so với cùng kỳ, còn 615 tỷ đồng.

Đến cuối năm 2023, tổng tài sản VNDirect vượt 41.700 tỷ đồng vào thời điểm cuối năm. Nợ phải trả cũng tăng 4%, vượt 25.200 tỷ đồng. Nợ phải trả chiếm đến 60% tổng tài sản của công ty. Chủ nợ của VNDirect là các ngân hàng, đối tác, trong đó dư nợ tại Vietcombank (VCB) hơn 5.200 tỷ đồng, dư nợ tại Vietinbank (CTG) hơn 3.000 tỷ đồng và dư nợ tại BIDV (BID) là hơn 2.100 tỷ đồng.

VNDirect cũng là doanh nghiệp thần tốc trong việc tăng vốn. Chỉ trong 2 năm 2021-2022, công ty này tăng vốn gấp gần 6 lần, lên 12.178 tỷ đồng. Công ty đang có kế hoạch tăng vốn lên 18.000 tỷ đồng bằng nhiều hình thức nhưng chưa thực hiện.

Năm 2023, VNDirect có vụ lùm xùm liên quan đến trái phiếu của Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Trung Nam. Trong giai đoạn năm 2021-2022, VNDirect là đối tác đóng vai trò quan trọng trong các thương vụ huy động trái phiếu của Trungnam Group cùng đơn vị thành viên.

Thống kê từ HNX cho thấy, công ty chứng khoán này cung cấp dịch vụ phát hành cho khoảng 16.600 tỷ đồng trái phiếu "nhà Trung Nam". Để thu hút nhà đầu tư, VNDirect đưa ra mức lợi nhuận ưu đãi lên đến 11-11,8%/năm, kỳ hạn linh hoạt (tức trái chủ có thể bán lại mọi lúc), có thể mua bán dễ dàng 100% online tại bảng giá trái phiếu...

Sau đó, Trung Nam gặp khó khăn về thanh toán trái phiếu, một số công ty thành viên chậm trả gốc, lãi. Bà Phạm Minh Hương đã phải đăng đàn, thừa nhận áp lực VNDirect đang mất lượng lớn vốn vào Trung Nam. Doanh nghiệp đã phải mua lại lượng trái phiếu khổng lồ sau thời điểm vụ Vạn Thịnh Phát.

Theo Tạp chí Thương trường

(https://thuongtruong.com.vn/news/cung-bi-hacker-danh-sap-he-thong-ai-dung-sau-vndirect-va-bao-hiem-pti-118941.html)