Cuộc cách mạng mua sắm mới tại Việt Nam

11:20, 11/04/2011

Mới xuất hiện cách đâu 2 năm tại Mỹ, với ý tưởng “khi có một số lượng đủ lớn người quan tâm đến một điều gì đó thì sẽ xảy ra hành động thực hiện điều đó”, mạng mua sắm đã trở thành một hiện tượng xã hội lan rộng trên toàn cầu.


Cuộc cách mạng mua sắm mới
 

Mô hình kinh doanh Groupon có tên ban đầu là ThePoint.com do một sinh viên tại Mỹ thành lập năm 2008. Sau một thời gian không thu được doanh thu từ quảng cáo, ThePoint.com đổi tên thành Groupon.com. Groupon là tên ghép của hai chữ “group” (nghĩa là nhóm) và “coupon” (phiếu giảm giá). Groupon hoạt động dựa trên nguyên lý: khách hàng sẽ được hưởng dịch vụ khuyến mãi chỉ khi có một số lượng khách nhất định cùng mua dịch vụ đó trong một thời điểm.


Khách hàng được lợi khi mua hàng nhiều khi được giảm đến 90% so với mức giá bình thường. Doanh nghiệp không gặp rủi ro vì không phải trả tiền đăng quảng cáo trên website mà vẫn tiếp cận được trực tiếp với khách hàng mục tiêu của mình. Groupon đem đến giải pháp hiệu quả đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ có ngân sách cho quảng cáo và marketing eo hẹp. Còn các website Groupon cũng thu được lợi nhuận từ quảng cáo online, chiết khấu của các công ty bán hàng giảm giá trên mạng.
 


Hiện Groupon.com rất thành công với mô hình kinh doanh này, đạt mức lợi nhuận lên đến 500 triệu USD và vừa được định giá khoảng 1,35 tỉ USD. Groupon cũng vừa từ chối thương vụ mua lại của Google lên đến 6 tỉ USD. Đây thực chất là mô hình kinh doanh win-win-win, cả ba bên tham gia là doanh nghiệp bán sản phẩm, trang mạng bán hàng trực tuyến và người tiêu dùng đều có lợi.


Giờ đây các nhà đầu tư đang tìm kiếm những "con gà đẻ trứng vàng" tương tự Groupon. Hiện nay, hơn 200 website “kiểu Groupon” đã nở ra tại Mỹ, 500 website kiểu này ở nước ngoài, trong đó có 100 website ở Trung Quốc. Tại Việt Nam, tuy mới chỉ xuất hiện khoảng gần 1 năm trở lại đây, nhưng hình thức mạng xã hội mua sắm đã được cập nhật tới hàng chục phiên bản, chiếm lĩnh được thị phần đông đảo người tiêu dùng, cũng với hình thức nhiều người mua một sản phẩm hoặc dịch vụ thông qua một website trung gian trong khoảng thời gian quy định để được hưởng mức giá ưu đãi.


Cuộc cách mạng mua sắm mới
 
Phununet là đơn vị đầu tiên áp dụng mô hình này khi đưa ra phiên bản thử nghiệm Groupon.vn vào tháng 5/2010 sau đó chuyển thành Phagia.com.vn. Danh sách các trang web tiếp tục dài thêm và có sự xuất hiện của của các đơn vị lớn muachung.vn của VCCorp, nhommua.vn của Địa điểm, cungmua.vn của Tichluydiem.com (Cyvee), cucre.vn của Vatgia, kenhgia, doimua.vn, livingsocial.vn (groupbuy.vn).
 
Các trang web đều đưa ra mức giá hấp dẫn của các dịch vụ ăn uống, vui chơi giải trí tại từng địa phương (chủ yếu ở Hà nội và TP HCM). Trang cungmua chỉ mới ra đời chưa đầy 4 tháng nhưng đã phục vụ gần 20.000 khách hàng và có danh sách hơn 100.000 người đăng ký nhận các thông tin khuyến mãi hàng ngày. Có thể nói đây là một hình thức mua sắm mới tạo ra được sức hấp dẫn nhất định cho người mua và cả các doanh nghiệp.


Một trong những lý do khiến mạng xã hội mua sắm thành công lớn tại Việt Nam là do đánh trúng tâm lý thích khuyến mãi và làm theo đám đông. Trung bình mỗi sản phẩm mua bằng hình thức này được hưởng mức khuyến mãi từ 30% trở lên, thậm chí đạt mức cực đại tới 90%. Sản phẩm được ưa chuộng nhất qua các mạng xã hội này là vé ăn nhà hàng, vé sử dụng dịch vụ spa hay các trung tâm chăm sóc sức khỏe… Ví dụ: một phần đùi cừu nướng với giá gốc 300.000 đồng cho 2 người, qua mạng xã hội bạn chỉ phải trả 120.000 đồng. Một lần xông hơi, massage tại spa cao cấp trị giá 630.000 đồng, với mạng xã hội bạn chỉ phải trả 189.000 đồng… Hơn thế nữa, cách mua sắm qua mạng xã hội cũng vô cùng tiện lợi với nhiều hình thức thanh toán: chuyển khoản, thanh toán trực tiếp, giao tận nhà…
 

Chị Mỹ Hạnh (nhân viên văn phòng ở Q1, HCM) cho biết, “Tôi làm việc trong môi trường internet nên đã khám phá cả một thế giới mua sắm tuyệt vời qua mạng xã hội. Giờ đây tôi đã có thể đưa cả gia đình đi ăn nhà hàng với chi phí chỉ khoảng 200.000 đồng. Hơn thế nữa, còn có nhân viên đưa vé tới tận nhà, nhận tiền trực tiếp”.


Còn nhiều “chông gai”
 

Vẫn còn nhiều trở ngại để mô hình Groupon thành công tại Việt Nam như phương thức thanh toán chưa thuận lợi, việc hoàn lại tiền khi giao dịch không thành công khá phiền phức, chi phí cho khâu thanh toán vẫn còn cao. Không chỉ gặp vấn đề với thanh toán trực tuyến, những khách hàng thanh toán chuyển khoản cũng thường phàn nàn về dịch vụ giao hàng tận nơi. Anh Hải Đảo (Quận 7, HCM) đăng ký mua thẻ ăn uống qua nhommua.vn nhưng không may bỏ lỡ một lần giao dịch tại nhà, anh Đảo đã phải tới trung tâm để nhận thẻ.


Ở Việt Nam khi khách hàng dùng phiếu khuyến mãi, đặc biệt ở mảng dịch vụ thường không được nhân viên phục vụ chu đáo, thậm chí còn coi thường khách hàng. Ngay cả dịch vụ của các thương hiệu lớn cũng đã có nhiều trường hợp tương tự xảy ra. Dịch vụ cung cấp không được 100% như hứa hẹn, bị cắt xén nhiều. Tại Mỹ, hình thức mua sắm qua mạng xã hội đã phát triển đến mức các nhà cung cấp dịch vụ phải xếp hàng để tới lượt “lên sóng”. Nhưng tại Việt Nam, hình thức này vẫn còn khá mới mẻ, chưa thu hút được nhiều nhà tài trợ, các Groupon phải đi thuyết phục, dụ dỗ các nhà cung cấp, chi phí sales tăng lên.
 
Chưa thể khẳng định chắc chắn sự thành công của mô hình này tại Việt Nam nhưng các con số bán hàng được công bố trên các website cho thấy một tín hiệu tốt. Để phát triển được một cộng đồng xã hội sử dụng hình thức mua chung, các trung tâm mạng nên đầu tư thêm vào chất lượng dịch vụ hơn là chạy theo số lượng mặt hàng.
 
Hiện tại các website Groupon nào tại Việt Nam có dịch vụ giao hàng và thu tiền tận nhà, có lượng lớn thành viên đã quen với việc mua hàng trực tuyến sẽ có lợi thế lớn. Hơn nữa các website này phải đủ nguồn lực tài chính tồn tại trong một khoảng thời gian đủ dài vì trước mắt chưa thể có lợi nhuận nhanh chóng. Vì vậy, có thể nói groupon đang có đất sống tại Việt Nam. Nhưng đây mới chỉ là một lớp mầm khởi đầu, việc tận dụng sao cho tốt “phép màu” Internet lại phụ thuộc hoàn toàn vào khả năng của các công ty.


Thanh Thúy

TIN LIÊN QUAN