Cuộc cạnh tranh giữa QR Code và các ví điện tử trở nên gay cấn
Thời gian qua, thanh toán không dùng tiền mặt đang tăng trưởng mạnh mẽ tại Việt Nam. Song song đó, cuộc cạnh tranh giữa QR Code và các ví điện tử cũng trở nên ngày càng gay cấn.
Ví điện tử tại Việt Nam đã chứng kiến tăng trưởng bùng nổ từ năm 2018 đến 2023 nhờ chính sách thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ. Tuy nhiên, mô hình ví điện tử độc lập - chỉ tập trung vào các dịch vụ thanh toán và chuyển tiền - đang phải đối mặt giai đoạn thử thách với sự xuất hiện của QR Code và khả năng mở rộng của các ứng dụng ngân hàng.
Ảnh minh họa
Theo Statista, ví điện tử, thẻ ATM/VISA và QR Code đã trở thành lựa chọn thanh toán của phần lớn người dân Việt Nam. Trong năm 2023, thị trường thanh toán số tại Việt Nam có giá trị cao thứ 4 trong khu vực Đông Nam Á và vượt cả Singapore, Malaysia. Dự kiến, thị này sẽ đạt tổng giá trị giao dịch khoảng 160 tỷ USD trong năm 2025 tại Việt Nam.
Các ví điện tử độc lập liên kết với các hệ sinh thái thương mại điện tử lớn, chẳng hạn như ShopeePay với Shopee, có thể tiếp tục phát triển mạnh mẽ nhờ vị thế thống trị thị trường của họ. Tuy nhiên, theo bà Trần Thị Kiều Oanh, Giám đốc nghiên cứu thị trường và tư vấn tại Fiin Group, ngay cả ShopeePay hiện nay cũng phải đối mặt với áp lực cạnh tranh với Apple Pay và Samsung Pay.
Đáng chú ý, phương thức thanh toán qua QR Code là phương thức chứng kiến mức tăng trưởng ấn tượng nhất, tăng 892,95% về số lượng và 1.062,01% về giá trị. Tại họp báo thường kỳ quý I/2024 của ngành ngân hàng, NHNN cho hay, tổng số giao dịch qua QR Code đã đạt 7-8 tỷ lượt chỉ trong năm 2023.
Thế nhưng, đi cùng với sự tăng trưởng vượt trội về cả lượng và chất của hình thức thanh toán này là sự cạnh tranh ngày càng gay gắt của các bên tham gia.
Thanh toán qua QR Code thực sự bùng nổ khi NAPAS cho ra mắt VietQR, cho phép chuyển tiền chéo giữa các tài khoản khác nhau.
Mặc dù ra đời muộn hơn nhưng mã VietQR lại có tốc độ tăng trưởng ấn tượng và có phần lấn lướt các ví điện tử ở thời điểm hiện tại.
Theo chuyên gia Fiin Group, sự hứng khởi của VietQR đã thúc đẩy việc tái đánh giá vai trò của ví điện tử trong lĩnh vực thanh toán tại Việt Nam. Với việc áp dụng rộng rãi VietQR, mục tiêu giảm sử dụng tiền mặt xuống 8% vào năm 2025 đã trở nên khả thi. Tổng lượng tiền mặt ngoài lưu thông đã giảm xuống 10,1% vào cuối tháng 2/2024.
Thống kê từ NHNN chỉ ra, hiện có hơn 40 ngân hàng thương mại nội địa cùng 51 ví điện tử và nền tảng thanh toán trung gian đang cùng cạnh tranh “miếng bánh” này. Tuy nhiên, tăng trưởng trong thanh toán mã QR Code tại Việt Nam lại đang do các ngân hàng dẫn dắt.
Theo Kapronasia, hơn 62% người tiêu dùng Việt Nam hiện đang sử dụng thanh toán bằng mã QR, quét mã trung bình khoảng 16 lần mỗi tháng.
Mặc dù mã QR Code mang tới sự đơn giản và phổ biến, ví điện tử vẫn hấp dẫn thông qua các chương trình khuyến mãi, chương trình khách hàng thân thiết và các hệ sinh thái đa dạng. Sự chuyển dịch sang thanh toán bằng mã QR Code đã khuyến khích nhiều người tiêu dùng hơn áp dụng các phương thức thanh toán kỹ thuật số so với các giao dịch tiền mặt truyền thống.
Việc ra mắt VietQR đã châm ngòi cho một xu hướng thanh toán mới, buộc các ví điện tử độc lập trước đây đã đầu tư vào hệ sinh thái của họ phải đổi mới và nâng cao dịch vụ để có vị trí tốt hơn trên thị trường.
Để tồn tại trong thị trường ví điện tử cạnh tranh, các nhà cung cấp cần xây dựng các hệ sinh thái đa dạng để đảm bảo cơ sở khách hàng và dòng doanh thu ổn định. Đặc biệt, bảo mật cao, phí giao dịch cạnh tranh, giao dịch nhanh chóng và đáng tin cậy là những yếu tố cạnh tranh then chốt.
Họ cũng cần phát triển các dịch vụ tính phí và đầu tư vào việc thu hút khách hàng thông qua các chương trình khuyến mãi hay chương trình khách hàng thân thiết. Chẳng hạn, ZaloPay đã đạt được mức tăng trưởng doanh thu 40% và giảm 42% khoản lỗ hoạt động kinh doanh vào năm ngoái nhờ tối ưu hóa chi phí.
Theo Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị