Cuộc chiến chống deepfake ở Đông Nam Á

09:42, 15/01/2025

Deepfake đang trở thành mối đe dọa nghiêm trọng tại Đông Nam Á, gây thiệt hại đáng kể cho chính phủ, doanh nghiệp và người dùng cá nhân.

Deepfake là từ được ghép lại từ hai chữ “Deep” trong Deep-learning (học sâu) và “fake” (giả mạo). Bằng cách sử dụng các kỹ thuật học máy và trí tuệ nhân tạo (AI), deepfake có thể biến đổi hình ảnh và video, tạo ra những nội dung giả mạo với độ chân thực cao, khó phân biệt được thật và giả. Mặc dù công nghệ này mang lại nhiều ứng dụng trong giải trí và sáng tạo, nhưng nó cũng ẩn chứa những mối nguy tiềm tàng gây mất an toàn, an ninh thông tin.

Theo ông Tan Ah Tuan, Trưởng phòng nghiên cứu và đổi mới (Ensign Labs) tại công ty an ninh mạng Ensign InfoSecurity (Singapore), công nghệ này không chỉ làm suy giảm lòng tin vào các tổ chức mà còn tạo cơ hội cho hành vi trộm cắp danh tính, gian lận, rò rỉ dữ liệu nhạy cảm và gây tổn thất nặng nề về uy tín.

Vào năm 2023, deepfake được xếp vào top 5 loại gian lận danh tính hàng đầu. Theo DeepMedia, một công ty khởi nghiệp phát triển các công cụ để nhận dạng phương tiện truyền thông giả mạo của Mỹ đã thống kê số lượng video deepfake thuộc mọi chủng loại đã tăng gấp 3 lần, trong đó, số lượng giả mạo giọng nói đã tăng gấp 8 lần vào năm 2023 so với cùng kỳ năm 2022. DeepMedia ước tính rằng khoảng 500.000 video và âm thanh Deepfake được tải lên các trang mạng xã hội trên toàn thế giới vào cuối năm 2023.

Tại khu vực Đông Nam Á, Sáng kiến ​​toàn cầu về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia lưu ý rằng các nhóm tội phạm công nghệ cao ở Đông Nam Á đã sử dụng AI để mạo danh những người nổi tiếng, từ đó thực hiện các hành vi tống tiền, gian lận và lan truyền thông tin sai lệch.

Theo báo cáo của tổ chức này, trong giai đoạn 2022 - 2023, châu Á - Thái Bình Dương (APAC) đã chứng kiến sự gia tăng các vụ việc liên quan tới deepfake lên đến 1.530%. Cụ thể, Philippines có mức tăng trưởng cao nhất là 4.500%, trong khi Việt Nam có mức gia tăng các vụ gian lận do deepfake cao nhất, ở mức 25,3%.

Những giải pháp mà chính phủ các nước Đông Nam Á đang thực hiện để chống lại deepfake

Deepfake từ video, ảnh và bản ghi âm đã ngày càng trở nên phổ biến. Tại Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) về an ninh mạng năm 2023, 46% số người được hỏi bày tỏ lo ngại về "khả năng đối đầu" của AI, bao gồm các mối đe doạ như lừa đảo, phát triển phần mềm độc hại và deepfake.

Sau đây là một số giải pháp mà Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang triển khai để ngăn chặn các cuộc tấn công lừa đảo qua deepfake

Xây dựng các chính sách và quy định

Các chính phủ khu vực ASEAN đang xây dựng các chính sách và quy định pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân, quyền riêng tư và sự đồng ý của người dùng. Thách thức lớn nhất là làm sao vừa thúc đẩy sự đổi mới và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp (DN) đạt được lợi nhuận trong khi ngăn chặn những tác động tiêu cực đối với công chúng.

Ví dụ, Singapore đang đối phó với các vụ lừa đảo deepfake bằng cách tăng cường an ninh nhằm bảo vệ nền dân chủ và tương lai của đất nước. Trong một vụ việc xảy ra tháng 12/2023, một tội phạm mạng đã sử dụng công nghệ AI để giả mạo hình ảnh của cựu Thủ tướng Lý Hiển Long nhằm kêu gọi đầu tư.

Các công ty công nghệ hàng đầu, bao gồm Microsoft, Meta, X và Google, cũng đang tích cực tham gia cuộc chiến chống deepfake, đồng thời công bố cam kết chung vào tháng 2/2024 nhằm chống lại việc sử dụng AI để gian lận trong bầu cử.

Thiết lập cơ chế thực thi

Carol Soon, nghiên cứu viên chính và là người đứng đầu Viện Nghiên cứu Chính sách của Singapore, cho biết các công ty công nghệ cần có một cách tiếp cận đa chiều để triển khai và thực thi các biện pháp nhằm đối phó với việc sử dụng AI vào các mục đích lừa đảo.

Các chính phủ ASEAN đã ban hành các quy định pháp luật để chống lại deepfake và các mối đe dọa trực tuyến khác. Ví dụ, Singapore đã thông qua Đạo luật về tác hại của tội phạm trực tuyến (OCHA) và Đạo luật an ninh mạng. Trong khi đó, Philippines thành lập Cơ quan ứng phó khẩn cấp máy tính quốc gia để xử lý các sự cố kỹ thuật số, còn Indonesia có Cơ quan an ninh mạng và tiền điện tử quốc gia (BSSN).

Nghiên cứu và phát triển các giải pháp chống deepfake

Theo công ty xác minh dữ liệu Sumsub (Vương quốc Anh), số lượng deepfake được phát hiện trên toàn cầu trong giai đoạn 2022 - 2023 tăng 10X. Trong đó, ngành truyền thông trực tuyến ghi nhận ​​mức gia tăng cao nhất về các vụ gian lận danh tính. Ngành tiền điện tử đã trở thành mục tiêu chính, chiếm 88% số vụ được phát hiện vào năm 2023, tiếp theo là ngành công nghệ tài chính (fintech) với 8%.

Các công ty an ninh mạng như GROUP8 có trụ sở tại Singapore cung cấp các giải pháp sử dụng AI để phát hiện và ngăn chặn các mối đe dọa trực tuyến. Các công ty khởi nghiệp nên xem xét phát triển các công nghệ mới để phát hiện và xác thực deepfake, đồng thời đào tạo các mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) để xác định chính xác các deepfake trong các tình huống thời gian thực. Họ có thể phát hiện nội dung do AI tạo ra bằng cách sử dụng hình mờ kỹ thuật số, chuỗi khối và siêu dữ liệu.

Đào tạo nâng cao kiến thức/hiểu biết về công nghệ

Theo WEF, việc nâng cao nhận thức của công chúng về các rủi ro trực tuyến sẽ giúp công dân cảnh giác và học cách phân biệt giữa nội dung có thật và nội dung bịa đặt. Điều này cũng ngăn chặn mọi người chia sẻ nội dung sai lệch do AI tạo ra.

Một số mẹo để nhận diện deepfake bao gồm kiểm tra các đặc điểm của một người có nhất quán với hình ảnh trước đây không, xem xét thông tin chi tiết của ảnh hoặc video và đánh giá xem chuyển động của nhân vật đó có thực tế hay giống phim hoạt hình không. Ngoài ra, xác thực đa yếu tố cũng giúp ngăn chặn truy cập trái phép vào các thiết bị cá nhân.

Cuộc chiến chống deepfake ở Đông Nam Á

Các dự báo cho thấy thị trường an ninh mạng tại ASEAN sẽ đạt 4,37 tỷ USD vào năm 2024. Với việc ASEAN đang thúc đẩy các mục tiêu chuyển đổi số, khu vực này sẽ dễ bị tổn thương trước các mối đe doạ an ninh mạng. Để đối phó với thực tế này, các DN cần phải triển khai kết hợp nhiều công cụ bảo mật, bao gồm công nghệ đám mây và chuỗi khối, cùng các quy trình tự động cùng các giải pháp khác để đảm bảo an toàn.

Những thách thức tiếp tục ảnh hưởng đến cuộc chiến chống deepfake bao gồm nguồn lực hạn chế, công nghệ liên tục phát triển, chuyên môn AI không đầy đủ, deepfake siêu thực, các quy định không nhất quán và tỷ lệ phát hiện thấp.

Do đó, các chính phủ khu vực và các bên liên quan khác cần tăng cường hợp tác, tìm kiếm ý kiến ​​đóng góp từ các quốc gia khác về các biện pháp mà họ đang thực hiện, đồng thời tăng cường kinh phí và nguồn lực để chống lại mối đe dọa từ deepfake./.