Đã đến lúc siết chặt kỷ luật để chợ thương mại điện tử không thể là vùng “đất hoang pháp lý”

08:50, 07/07/2025

Dù các cơ quan chức năng liên tục mở các đợt cao điểm kiểm tra và xử lý vi phạm, tình trạng rao bán hàng giả, hàng nhái, thậm chí là sản phẩm cấm vẫn đang diễn ra trên các nền tảng thương mại điện tử như Shopee, TikTok, Lazada… Từ mỹ phẩm, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc đến logo thương hiệu bị sao chép trắng trợn, tất cả đang tạo ra một “chợ mạng hỗn loạn” thách thức pháp luật.

Trong thời gian qua, cơ quan chức năng đang đẩy mạnh triệt phá các vụ việc bán hàng giả, hàng nhái thương hiệu, vi phạm luật sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, trên các sàn thương mại điện tử như Shopee, Tiktok, Lazada... vẫn tồn tại nhiều gian hàng bán các sản phẩm vi phạm. 

Trước những sai phạm liên tục được lặp lại, nhiều sàn thương mại điện tử dường như vẫn đứng ngoài cuộc khi lấy danh nghĩa của đơn vị trung gian, cung cấp nền tảng kỹ thuật. Mới đây, Tạp chí Thương Trường đã có buổi trao đổi Luật sư Nguyễn Văn Tuấn – Giám đốc, Công ty Luật TNHH TGS (Thuộc Đoàn Luật Sư Thành Phố Hà Nội), để làm rõ hơn vai trò và trách nhiệm của các "chủ chợ online" này.

Luật sư Nguyễn Văn Tuấn – Giám đốc, Công ty Luật TNHH TGS

PV: Thưa luật sư, trong thời gian gần đây, tình trạng buôn bán sản phẩm không rõ nguồn gốc trên mạng xã hội, sàn thương mại điện tử ngày càng phổ biến, từ mỹ phẩm, thực phẩm chức năng đến quần áo, phụ kiện. Theo quy định pháp luật hiện hành, hành vi này bị xử lý ra sao?

Theo quy định tại Điều 17 Nghị định 98/2020/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 17/2022/NĐ-CP, hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc có thể bị xử phạt hành chính với mức phạt từ 500 ngàn đồng đến 100 triệu đồng, tùy theo giá trị hàng hóa vi phạm. Ngoài ra, người vi phạm còn có thể bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm và buộc tiêu hủy toàn bộ hàng hóa không rõ nguồn gốc nhằm đảm bảo không tái phạm hành vi trái pháp luật.

Trong trường hợp hành vi vi phạm mang tính chất có tổ chức, quy mô lớn, gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội hoặc có dấu hiệu trốn thuế, gian lận thương mại, thì không chỉ dừng lại ở xử phạt hành chính. Khi đó, đối tượng vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 188 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) về Tội buôn lậu, với mức hình phạt lên tới 20 năm tù, hoặc theo Điều 193 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) về Tội sản xuất, buôn bán hàng là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm; Điều 194. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh, nếu đó là các mặt hàng ảnh hưởng đến sức khỏe như mỹ phẩm, thực phẩm, thuốc. Như vậy, pháp luật hiện hành đã có đủ cơ chế để xử lý nghiêm minh, vấn đề còn lại nằm ở khâu thực thi và ý thức tuân thủ pháp luật từ cả người bán lẫn người tiêu dùng.

Cần nhấn mạnh rằng: Không có “mảnh đất màu mỡ” nào cho kinh doanh phi pháp trên môi trường mạng. Việc lợi dụng tính ẩn danh, thiếu kiểm soát của mạng xã hội để “tuồn hàng lậu, hàng giả” ra thị trường là một hành vi phá hoại môi trường kinh doanh lành mạnh, đạp đổ niềm tin của người tiêu dùng và kéo lùi sự phát triển của thương mại điện tử.

Đã đến lúc cơ quan chức năng phải vào cuộc mạnh tay, xử lý đến nơi đến chốn – không chỉ dừng lại ở “phạt cho tồn tại” – mà cần truy tận gốc, xóa sổ tận rễ những đường dây buôn bán hàng hóa không nguồn gốc đang hoạt động công khai trên không gian mạng. Đồng thời, người tiêu dùng cũng cần nâng cao cảnh giác, đừng vì vài đồng rẻ hơn mà trở thành “nạn nhân tự nguyện” của những kẻ kinh doanh vô đạo đức.

Nhiều sản phẩm trên Shopee không tìm thấy thông tin đăng ký công bố sản phẩm

PV: Nhiều chủ hàng còn sử dụng logo, nhãn hiệu, thiết kế… của các thương hiệu nổi tiếng thế giới đã đăng ký bản quyền. Việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ như vậy sẽ bị xử phạt thế nào?

Cá nhân hay tổ chức sử dụng trái phép logo, nhãn hiệu, thiết kế đã được đăng ký bảo hộ là hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và hoàn toàn không có “vùng xám” để biện minh. Không thể viện dẫn lý do “lấy cảm hứng”, “bắt trend”, hay “tham khảo thiết kế” để che đậy việc sao chép trắng trợn thương hiệu của người khác nhằm trục lợi. Đây là hành vi ký sinh trên thành quả sáng tạo – vốn là tài sản hợp pháp được pháp luật bảo vệ chặt chẽ.

Pháp luật Việt Nam hiện hành quy định rõ chế tài xử lý đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp. Theo Điều 11 và Điều 12 Nghị định số 99/2013/NĐ-CP (được sửa đổi bởi Nghị định 126/2021/NĐ-CP), cá nhân vi phạm có thể bị phạt tiền lên tới 250 triệu đồng, tổ chức vi phạm có thể bị phạt tới 500 triệu đồng. Bên cạnh đó, người vi phạm còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả như buộc tiêu hủy hàng hóa vi phạm, tịch thu tang vật, buộc cải chính công khai và buộc nộp lại khoản lợi bất chính thu được từ hành vi vi phạm.

Đặc biệt, nếu hành vi xâm phạm nhằm mục đích thu lợi bất chính từ 100 triệu đồng trở lên hoặc gây thiệt hại cho chủ thể quyền từ 200 triệu đồng trở lên, thì người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 226 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), với mức phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm hoặc phạt tiền đến 1 tỷ đồng. Đối với pháp nhân thương mại, hình phạt có thể lên tới 5 tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.

Sở hữu trí tuệ không phải là vật trang trí hay khẩu hiệu. Đó là tài sản thật, quyền thật và pháp luật bảo vệ thật. Mọi hành vi xâm phạm, dù trực tiếp hay gián tiếp, dù quy mô nhỏ lẻ hay hệ thống hóa trên nền tảng thương mại điện tử – đều bị xử lý nghiêm. Trong kinh doanh, nếu không tạo ra giá trị riêng mà chỉ sống nhờ việc “mượn danh người khác”, thì sớm muộn cũng phải trả giá. Và cái giá đó có thể không chỉ là tiền, mà là cả uy tín, danh tiếng – thậm chí là tự do cá nhân.

Nhiều sản phẩm nhái thiết kế "hàng hiệu" được bán với giá "hàng chợ"

PV: Theo luật sư, cần có chế tài mạnh mẽ hơn để quản lý hàng giả, hàng nhái trên chợ thương mại điện tử hay không. Khi đây là thực trạng tồn tại trong nhiều năm nay chưa được giải quyết?

Thực trạng buôn bán hàng giả, hàng nhái trên các sàn thương mại điện tử đã tồn tại nhiều năm, nhưng đến nay vẫn chưa được xử lý triệt để. Điều đáng nói là không chỉ diễn ra lén lút, hiện tượng này đang công khai, ngang nhiên, có hệ thống và thậm chí được tổ chức với quy mô lớn. Trong khi đó, chế tài pháp lý hiện hành vẫn còn quá nhẹ tay, chủ yếu dừng ở mức xử phạt hành chính, thiếu sức răn đe thực sự. Chính vì vậy, tôi cho rằng đã đến lúc cần có chế tài mạnh mẽ, trực diện và nghiêm khắc hơn để thiết lập lại kỷ cương pháp luật trên không gian mạng.

Thứ nhất, cần tăng mạnh mức phạt đối với hành vi buôn bán hàng giả, hàng nhái trên sàn thương mại điện tử – không chỉ xử lý người bán, mà cả đơn vị vận hành sàn nếu có dấu hiệu buông lỏng kiểm soát, tiếp tay cho hành vi vi phạm. Hiện nay, theo Điều 12 và Điều 13 Nghị định 98/2020/NĐ-CP, mức phạt hành chính tối đa đối với cá nhân là 50 triệu đồng, tổ chức là 100 triệu đồng – mức này hoàn toàn không tương xứng với lợi nhuận bất chính mà người vi phạm thu được. Cần sửa đổi để tăng gấp nhiều lần mức phạt, đồng thời buộc truy thu toàn bộ doanh thu từ hoạt động vi phạm.

Thứ hai, phải trách nhiệm hóa vai trò của các sàn thương mại điện tử. Không thể chấp nhận tình trạng “có chợ mà không quản lý người bán”, chỉ thu phí còn bỏ mặc pháp luật. Pháp luật cần quy định rõ: nếu sàn không có biện pháp rà soát, loại bỏ sản phẩm vi phạm, hoặc chậm trễ xử lý sau khi có phản ánh, thì sàn đó phải bị xử phạt tương xứng, thậm chí đình chỉ hoạt động một phần hoặc toàn phần, tùy mức độ sai phạm.

Thứ ba, cần đẩy mạnh truy cứu trách nhiệm hình sự với các cá nhân, tổ chức cố tình tái phạm, tổ chức đường dây buôn bán hàng giả qua nền tảng số. Bộ luật Hình sự đã quy định tại Điều 192 và Điều 226 về tội sản xuất, buôn bán hàng giả và xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, nhưng việc áp dụng thực tế còn quá hạn chế. Khi một hành vi gian lận gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp chân chính, làm suy giảm lòng tin người tiêu dùng, thì xử lý hành chính không còn đủ – phải có bản án nghiêm minh để răn đe.

Tóm lại, chợ thương mại điện tử không thể là vùng “đất hoang pháp lý”. Đã đến lúc siết chặt kỷ luật, nâng trần chế tài và buộc cả người bán lẫn nền tảng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Sự phát triển của thương mại điện tử là tất yếu, nhưng pháp luật không thể đứng bên lề sự phát triển ấy. Nếu không xử lý tận gốc nạn hàng giả, hàng nhái, chúng ta sẽ đánh mất môi trường kinh doanh lành mạnh – thứ vốn là nền tảng của mọi thị trường tử tế.

Trong thời gian qua, Tạp chí Thương Trường đã phát hiện nhiều gian hàng của sàn thương mại điện tử Shopee - nền tảng đang chiếm thị phần lớn nhất Việt Nam, bày bán nhiều loại sản phẩm thời trang sử dụng logo, nhãn hiệu của nhiều thương hiệu lớn trên thế giới. Bên cạnh đó, sau tháng cao điểm truy quét thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả hoặc không rõ nguồn gốc thì trên Shopee vẫn xuất hiện nhiều sản phẩm chưa được đăng ký công bố với Bộ Y tế.

Mặc dù đã có cam kết trong hoạt động chống hàng giả, hàng nhái, không rõ nguồn gốc, nhưng ghi nhận thực tế cho thấy, việc tiếp nhận và xử lý thông tin tố cáo của Shopee đang khá hời hợt. Bên cạnh đó, việc truy quét các gian hàng vi phạm trên sàn thương mại điện tử này dường như chưa mang tính chủ động, khiến nhiều sản phẩm vi phạm sở hữu trí tuệ, chưa có hoặc làm giả đăng ký công bố vẫn được bán đến tay người dùng.