Đà Nẵng: Chuyển đổi số góp phần phòng ngừa tham nhũng

10:11, 02/02/2025

Đà Nẵng đẩy mạnh chuyển đổi số, được Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số ghi nhận, đánh giá có nhiều mô hình hiệu quả và chọn làm mô hình điểm để tổng kết, nhân rộng toàn quốc. Đây còn là giải pháp của TP để công tác phòng ngừa tham nhũng đạt hiệu quả cao.

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng Nguyễn Quang Thanh cho biết, quá trình triển khai thực hiện Đề án TP thông minh, Đà Nẵng đã hoàn thành các cơ sở dữ liệu dùng chung, kết nối với các cơ sở dữ liệu quốc gia; bước đầu hình thành cơ sở dữ liệu GIS không gian đô thị, kho kết quả thủ tục hành chính số và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành; kết nối, chia sẻ, cung cấp gần 1.200 bộ dữ liệu mở để khai thác, phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Về chính quyền số, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn trình của Đà Nẵng cao nhất cả nước với 95%, tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến toàn trình là 65%, được Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số ghi nhận, đánh giá có nhiều mô hình hiệu quả. Công tác lãnh đạo, điều hành của TP từng bước chuyển đổi sang môi trường số dựa trên dữ liệu số thông qua Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh Đà Nẵng (Trung tâm IOC), góp phần nâng cao hiệu quả cải cách hành chính (CCHC).

TP Đà Nẵng 5 năm liên tục đạt Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam. Ảnh: N.P

Đà Nẵng đã đạt kết quả bước đầu về xã hội số như: Phát triển các nền tảng, ứng dụng thông minh và cung cấp các tiện ích, dịch vụ cho người dân, doanh nghiệp; người dân sử dụng các dịch vụ số và tương tác với chính quyền, góp phần không nhỏ vào quá trình phát triển kinh tế, CCHC…

Với mục tiêu hiện đại hóa hành chính công, Đà Nẵng lấy quan điểm lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm để xây dựng TP thông minh. Đà Nẵng chủ động triển khai các nhiệm vụ theo Quyết định số 950/QĐ-TTg ngày 1/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ tại Đề án Phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; đến nay cơ bản hoàn thành 11/11 nhiệm vụ đến năm 2025.

Người dân rất hài lòng khi đăng ký công việc tại bộ phận một cửa. Ảnh: N.P     

UBND TP đã triển khai Cổng Góp ý Đà Nẵng do Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh quản lý và được vận hành trên nền tảng hệ thống thông tin chính quyền điện tử. Cổng Góp ý Đà Nẵng triển khai nhiều kênh tiếp nhận khác nhau, giúp người dân thể hiện vai trò, trách nhiệm của mình với chính quyền TP, về phía các cơ quan chức năng tăng cường vai trò quản lý, giải quyết các vướng mắc, từ đó phục vụ người dân tốt hơn.

Đồng thời, triển khai việc khảo sát trực tuyến mức độ hài lòng của công dân, tổ chức đối với các dịch vụ công của các đơn vị từ TP đến quận, huyện, phường, xã. Các cơ quan, đơn vị sử dụng kết quả khảo sát để khắc phục các hạn chế, cải thiện chất lượng dịch vụ hành chính công.

Sau nhiều năm thực hiện Đề án Xây dựng TP thông minh giai đoạn 2018-2025, định hướng đến năm 2030, Đà Nẵng đạt được nhiều kết quả đồng đều trên 6 trụ cột và 16 lĩnh vực ưu tiên.

Trên nền tảng chuyển đổi số, ứng dụng khoa học, công nghệ trong quản lý, nâng cao hiệu quả CCHC; UBND TP đã ban hành Quyết định số 1976 ngày 25/7/2022 về quy định quy trình đánh giá xếp hạng CCHC đối với các cơ quan, đơn vị trên địa bàn và Quyết định số 2188 ngày 17/8/2022 về việc thay thế Bộ Chỉ số theo dõi, đánh giá, xếp hạng kết quả CCHC.

Điểm mới trong việc đánh giá, xếp hạng lần này là thời gian được rút ngắn 30 ngày, kết quả đánh giá, xếp hạng CCHC là một trong những tiêu chí để đánh giá người đứng đầu các cơ quan, tổ chức. Qua đó, chất lượng giải quyết thủ tục hành chính được nâng cao rõ rệt, đơn giản hoá thủ tục hành chính; mở rộng phạm vi công khai, minh bạch hoá thủ tục hành chính và các thông tin quản lý Nhà nước; tập trung cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư.

Bộ phận một cửa ở Đà Nẵng triển khai xuyên suốt từ TP xuống phường, xã. Ảnh: N.P

Cơ chế một cửa, một cửa liên thông tiếp tục được duy trì và nâng cao chất lượng phục vụ tại 100% cơ quan hành chính. Công tác ứng dụng công nghệ thông tin được triển khai đồng bộ từ TP đến chính quyền cơ sở, từng bước xây dựng chính quyền điện tử, hướng đến TP thông minh; nổi bật là hệ thống một cửa điện tử hiện đại tại 100% quận, huyện, phường, xã và Trung tâm Hành chính TP.

TP đã có nhiều mô hình, sáng kiến, giải pháp mới trong CCHC được thí điểm, nhân rộng và triển khai có hiệu quả như: Kiểm tra trực tuyến, kết hợp kiểm chứng thực tế các đơn vị, địa phương để đánh giá, xếp loại CCHC, xây dựng và triển khai ứng dụng nền tảng công dân số TP Đà Nẵng và được tích hợp trên ứng dụng DaNang Smart City để thúc đẩy hình thành công dân số, một hợp phần quan trọng của lĩnh vực xã hội số, kinh tế số và chính quyền số...

Đà Nẵng hình thành kho dữ liệu dùng chung toàn TP. Bước đầu hình thành cơ sở dữ liệu hạ tầng đô thị với các lớp dữ liệu địa chính, quy hoạch, giao thông, cấp nước, thoát nước. Đưa vào sử dụng cổng dữ liệu mở với gần 600 tập dữ liệu các lĩnh vực kinh tế - xã hội phục vụ người dân, doanh nghiệp tra cứu, khai thác.

100% quận, huyện ứng dụng công nghệ thi công chức, viên chức trực tuyến trên máy tính ở cấp TP, tránh tình trạng nhờ vả, chạy chọt.

Ứng dụng dịch vụ công trực tuyến, triển khai đề án tổ chức thực hiện cơ chế một cửa đối với các dịch vụ công thiết yếu về hạ tầng đô thị, chiếu sáng, cây xanh, nhà chung cư, bảo hiểm thất nghiệp…

Theo Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh, một trong những thành công bước đầu của Đà Nẵng trong chuyển đổi số là triển khai nhiều ứng dụng, tiện ích và nhiều kênh để người dân, doanh nghiệp tiếp cận sử dụng. Qua đó, tạo được sự tương tác giữa chính quyền và người dân, góp phần không nhỏ vào quá trình phục hồi, phát triển kinh tế, CCHC.

Liên Chiểu là địa phương đầu tiên của Đà Nẵng triển khai phòng học số, thư viện số. Ảnh: N.P

Ông Nguyễn Văn Đông (trú phường Hoà Khánh Nam, quận Liên Chiểu) tâm sự: “Trước đây, tôi đến bệnh viện khám bệnh phải viết giấy rồi nộp và chờ đợi đến lượt mới vào phòng khám, nay chỉ cần bấm số trên máy thì sẽ biết bao lâu đến lượt mình và khi thanh toán tiền chỉ cần quét mã Qrcode là xong, rất tiện lợi”.

Đại diện một doanh nghiệp vận tải khách tuyến Đà Nẵng - Nghệ An cho hay, vì một lý do nào đó, nhà xe muốn thay đổi giờ xuất bến, vào bến thì chỉ cần thực hiện hồ sơ trực tuyến đầy đủ sẽ nhận được kết quả mà không phải mất công đến bộ phận một cửa như trước đây.

Cuối tháng 11/2024, tổ công tác của Thanh tra Chính phủ do Vụ trưởng Vụ Pháp chế Trần Đăng Vinh làm tổ trưởng đã có buổi làm việc với UBND TP Đà Nẵng với nội dung 5 năm thực hiện các quy định về phòng, chống tham nhũng.

Vụ trưởng Trần Đăng Vinh đã đánh giá quá trình triển khai phòng, chống tham nhũng của TP Đà Nẵng đạt kết quả quan trọng, nhất là việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số lan toả trong CCHC; giảm thiểu phiền hà, tạo điều kiện tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp.

Với những nỗ lực, kết quả triển khai chuyển đổi số, năm 2024, Đà Nẵng tiếp tục vinh dự nhận được các giải thưởng như: Năm thứ 5 liên tiếp đạt Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam, năm thứ 3 liên tiếp được công nhận cơ quan Nhà nước tiêu biểu thực hiện Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị và Chương trình Chuyển đổi số quốc gia.

TP Đà Nẵng lần thứ 5 được vinh danh là “TP thông minh Việt Nam”, giải thưởng danh giá và duy nhất dành cho nhóm các TP/đô thị tại lễ trao Giải thưởng TP thông minh Việt Nam 2024 lần thứ 5 do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) tổ chức vào ngày 3/12/2024.