Đại biểu Quốc hội: Tuyệt đối không đưa thuốc kê đơn vào danh mục phân phối qua thương mại điện tử

13:50, 27/06/2024

Quan ngại bán thuốc online sẽ có thể tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro, đặc biệt là thuốc giả, thuốc kém chất lượng, các đại biểu đề nghị cần cân nhắc và có quy định ngặt nghèo, cẩn trọng, chặt chẽ hơn loại hình kinh doanh mới này...

Thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược chiều 26/6, quan tâm quy định áp dụng thương mại điện tử mua bán online, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, đoàn Tp.Hồ Chí Minh cho rằng "chúng ta quản lý nhà thuốc truyền thống còn chưa nổi mà giờ lại tính tới bán thuốc online thì sẽ có thể tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ, đặc biệt là nguy cơ thuốc giả, thuốc kém chất lượng, rất khó phát hiện và xử lý trên không gian mạng".

Cần cơ chế kiểm soát chặt chẽ việc bán thuốc qua thương mại điện tử

“Tôi thấy, các nội dung của dự thảo Luật về bán thuốc qua sàn giao dịch điện tử còn rất đơn giản và rời rạc, chưa đủ tính khả thi”, đại biểu nói.

Đại biểu đề nghị, tuyệt đối không đưa thuốc kê đơn vào danh mục có thể phân phối qua thương mại điện tử. Còn đối với thuốc không kê đơn, việc áp dụng thương mại điện tử phải được cân nhắc ở giai đoạn khi nền pháp lý của Việt Nam đã được hoàn thiện chặt chẽ và phải được tổ chức trong một khuôn khổ an toàn và trật tự hơn. Hiện nay, chưa phải là giai đoạn chín muồi bởi công tác chuẩn bị chưa đầy đủ.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, đoàn Tp.Hồ Chí Minh phát biểu thảo luận tại hội trường chiều ngày 26/6.

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Tri Thức, Tp.Hồ Chí Minh nhấn mạnh, “chúng ta phải xem xét kỹ vấn đề này, chỉ được phép kinh doanh online những thuốc không kê đơn và phải lập một trang web hoặc app chính thống để có thể quản lý được. Nếu mở ra hết cho kinh doanh thuốc online thì rất nguy hiểm trong quá trình vận chuyển, tráo đổi thuốc, điều kiện nhiệt độ, hóa chất…làm ảnh hưởng tới chất lượng điều trị.

Đại biểu Tráng A Dương, đoàn Hà Giang đề nghị cơ quan soạn thảo quy định rõ hơn về hoạt động giao dịch, mua bán theo phương thức thương mại điện tử, đồng thời quy định bổ sung thêm những hành vi nghiêm cấm đối với hoạt động này nhằm đảm bảo sự thống nhất trong quá trình áp dụng vào thực tiễn.

Đối với vấn đề thương mại điện tử trong kinh doanh thuốc, đại biểu Nguyễn Công Hoàng đề nghị cần cân nhắc và có quy định ngặt nghèo, cẩn trọng vì hiện nay việc rao bán thuốc rất phức tạp và nhiều người đã mất tiền oan mà thuốc không chữa được bệnh…

Thống nhất với việc cần bổ sung việc kinh doanh dược theo hình thức thương mại điện tử vào dự thảo luật, tuy nhiên, đại biểu Dương Tấn Quân, đoàn Bà Rịa- Vũng Tàu đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, quy định chặt chẽ, cụ thể hơn các hoạt động giao dịch, kinh doanh dược trên môi trường điện tử nhằm đảm bảo việc thực hiện trong thực tiễn hiệu quả và khả thi hơn.

Đề cao quyền và trách nhiệm của cơ sở kinh doanh dược, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng, đoàn Bà Rịa- Vũng Tàu đề nghị cơ quan soạn thảo cần có quy định chi tiết về việc cho phép bán thuốc qua thương mại điện tử và có cơ chế kiểm soát thật chặt chẽ. “Mục tiêu đặt ra là người dân được mua thuốc dễ dàng, an toàn, bảo đảm có kê đơn của bác sĩ và được tư vấn đầy đủ, đúng người, đúng bệnh, theo dõi các phản ứng có hại của thuốc”.

Mặt khác hiện nay, tình trạng hàng giả bán trên mạng internet đang diễn biến rất phức tạp, nhất là đối với dược phẩm. Theo thống kê có tới 80-90% hàng giả được mua bán trên mạng. Đây là một thách thức với lực lượng chức năng bởi xử lý ở ngoài thực tế đã khó, việc phát hiện và xử lý vi phạm trên không gian mạng lại càng khó hơn.

Vì vậy, ông Hùng đề nghị ban soạn thảo cần xem xét quy định rõ hơn, chặt chẽ hơn loại hình kinh doanh mới này.

Mặc dù dự thảo luật đã bổ sung khá nhiều quy định liên quan đến việc quản lý kinh doanh thuốc online nhưng theo đại biểu Lã Thanh Tân, đoàn Tp.Hải Phòng, cần có quy định cụ thể hơn nữa về các loại thuốc được kinh doanh theo phương thức thương mại điện tử, đối tượng được tham gia mua bán, cách thức tư vấn, hướng dẫn sử dụng thuốc, trách nhiệm của các bên liên quan khi xảy ra sự cố, các điều kiện để cho phép tổ chức sàn giao dịch điện tử đối với dược phẩm...

Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng, đoàn Bà Rịa- Vũng Tàu.

Đề nghị tái lập điều kiện khoảng cách giữa các nhà thuốc để phân bổ hợp lý hơn

Trong luật đã có những quy định ưu tiên phát triển công nghiệp dược. Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cho rằng việc cải thiện quy trình thủ tục cấp số đăng ký thuốc như trong dự thảo là cần thiết nhưng cần xem xét tận gốc rễ của vấn đề. Theo theo đại biểu, hiện nay chúng ta đang ở tình trạng cấp số đăng ký không có định hướng, chỉ xét trên hồ sơ. Điều này có nghĩa bất kỳ quốc gia nào, sản phẩm nào chỉ cần có công ty đứng ra đăng ký thì sẽ được xét cấp ở Việt Nam, đại biểu nêu thực tế.

Điều này sẽ dẫn đến tình trạng quá tải, chậm cập nhật các thuốc mới và nhiều số đăng ký cho một hoạt chất, kể cả những thuốc đã được sản xuất trong nước, nên dễ phát sinh cơ chế xin- cho, tiêu cực cũng như khó lựa chọn thuốc trong đấu thầu.

Bà Lan cho biết, Việt Nam có 22.000 số đăng ký cho 800 hoạt chất, trong khi đó ở Singapore chỉ có 10.000 số đăng ký cho 1200 hoạt chất.

Vì vậy, dự thảo luật cần có định hướng thuốc nào cần ưu tiên, thuốc nào cần hạn chế cấp số đăng ký. Theo đại biểu, muốn hạn chế cần phải sử dụng hàng rào kỹ thuật, thẩm định điều kiện sản xuất thực tế chứ không chỉ trên giấy tờ và phải dùng các tổ chức chuyên nghiệp như các nước đang làm.

Đại biểu cũng nêu nghịch lý khi chúng ta ưu tiên sản xuất trong nước nhưng thực tế nhiều doanh nghiệp dược có tên tuổi ở Việt Nam nhưng đã bị vốn ngoại thôn tính do chúng ta mở room kênh đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực dược. Thực tế này có thể sẽ dẫn đến hệ lụy mất an ninh dược phẩm.

Do đó, Luật Dược cần thể hiện vai trò luật chuyên ngành, phải có các quy định về điều kiện cần thiết, chi phối sâu hơn vai trò, quyền hạn nhà đầu tư nước ngoài đang kinh doanh đa ngành khi muốn bước vào đầu tư trong lĩnh vực dược phẩm.

Về phân phối, đại biểu nêu thực trạng bùng nổ số lượng các công ty phân phối bán buôn và nhà thuốc bán lẻ. Từ khi có Luật Dược 2016 đến nay, số lượng này tăng rất lớn, số doanh nghiệp bán buôn tăng từ hơn 3.100 lên gần 5.200 doanh nghiệp, số nhà thuốc tăng từ hơn 39.000 lên 67.000. Như vậy một nhà thuốc thay vì phục vụ cho hơn 2200 người (năm 2016) thì nay chỉ còn hơn 1500 người. Trong khi đó con số này ở quốc tế là gần 4200 người/nhà thuốc.

Điều này có yếu tố tích cực là người dân tăng khả tăng tiếp cận cửa hàng thuốc, dễ mua thuốc. Tuy nhiêu, vấn đề này dẫn đến tình trạng khi có nhiều công ty tăng chi phí trung gian, khó kiểm soát giá thuốc trong khi bộ máy thanh tra và hậu kiểm vẫn như cũ. Với các nhà thuốc, khi lợi nhuận giảm sẽ phải có những chiêu trò cạnh tranh, bỏ qua kê đơn của bác sĩ. “Hiện nay tình trạng muốn mua gì ở nhà thuốc cũng được, phớt lờ các quy tắc thực hành tốt nhà thuốc vẫn diễn ra nhức nhối”, đại biểu nêu.

Do đó đại biểu đề nghị cần phải có quy định như tái lập điều kiện khoảng cách giữa các nhà thuốc để phân bổ một cách hợp lý hơn, tránh tình trạng tập trung quá nhiều vào một số vị trí. Cùng với đó bổ sung điều kiện cư trú của dược sĩ, tránh tình trạng một dược sĩ có chứng chỉ hành nghề có thể mở nhà thuốc ở bất kỳ nơi nào trong khi đang làm việc ở một đơn vị khác.

Đại biểu Lã Thanh Tân, đoàn Tp.Hải Phòng.

Liên quan tới kiểm soát thị trường thuốc kinh doanh qua các hệ thống quầy thuốc, đại biểu Lã Thanh Tân, đoàn Tp.Hải Phòng chỉ rõ, Luật hiện hành đang có nhiều quy định liên quan đến việc kiểm soát hoạt động mua bán thuốc tại các quầy thuốc. Tuy nhiên trên thực tế, việc mua bán các loại thuốc tại nhiều nhà thuốc, quầy thuốc vẫn khá thoải mái, kể cả những loại thuốc thuộc diện phải kê đơn của bác sĩ chuyên khoa.

Việc người bán thuốc tự chẩn bệnh, kê đơn và tư vấn cho người mua dù hoàn toàn không có bằng cấp chuyên môn tương ứng về lĩnh vực y, dược còn khá phổ biến. Từ đó dẫn đến nhiều nguy cơ cho sức khoẻ của người dân như dùng sai chỉ định, dùng quá liều, tác dụng phụ của thuốc... Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung các quy định, chế tài cụ thể để kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa vấn đề này trên thực tế.

Quan tâm đến giá thuốc và kinh doanh thuốc, đại biểu Nguyễn Công Hoàng, đoàn Thái Nguyên nhận xét việc quản lý giá thuốc trong giai đoạn hiện nay còn lỏng lẻo và có nhiều giá. Người dân đi mua thuốc có thể bị đội giá lên rất nhiều. Trong khi đó, tất cả người dân đi mua thuốc không bao giờ mặc cả giá. Do đó đại biểu đề nghị cần áp dụng chuyển đổi số vào quản lý giá thuốc đối với các nhà thuốc trong và ngoài bệnh viện.

Theo VnEconomy

https://vneconomy.vn/dai-bieu-quoc-hoi-tuyet-doi-khong-dua-thuoc-ke-don-vao-danh-muc-phan-phoi-qua-thuong-mai-dien-tu.htm