Trở thành doanh nhân số, doanh nghiệp số nhờ thương mại điện tử

09:14, 18/06/2024

Thời gian qua, Thương mại điện tử Việt Nam đã có sự phát triển ấn tượng. Hàng trăm ngàn người dân đã trở thành doanh nhân số. Hàng Việt vượt biên giới, chính phục thị trường nước ngoài. Tuy nhiên, đã đến lúc thương mại điện tử ở Việt Nam cần tập trung phát triển hơn về "chất", với sự chung tay hợp tác của Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp để giải quyết những thách thức này.

Chiến lược Quốc gia phát triển Kinh tế số và Xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (QĐ 411/QĐ-TTg) do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, xác định các nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế số và xã hội số trong thương mại. 

Chính phủ đặt nhiệm vụ phát triển nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) thông qua chuỗi giá trị, kết nối các nhà sản xuất lớn, doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhà bán buôn và các kênh bán lẻ, cùng với các công ty TMĐT để tạo thành chuỗi cung ứng. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng TMĐT để mở rộng tiêu thụ hàng hóa nội địa và phát triển TMĐT tại các địa phương. 

Trong hai năm liên tiếp 2022 và 2023, Việt Nam là quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế số nhanh nhất khu vực Đông Nam Á và được dự báo tiếp tục giữ vị trí này vào năm 2025. Cụ thể, các hoạt động chuyển đổi số đang tạo thêm việc làm mới, tăng nguồn thu và góp phần đa dạng hóa mô hình kinh tế.

Tốc độ tăng trưởng của TMĐT năm 2023 đã đạt đến mốc 20,5 tỷ đô-la, tăng 25% so với năm 2022. Tăng trưởng ngành vẫn còn rất lớn khi được hậu thuẫn bởi cơ sở hạ tầng kỹ thuật số phát triển và hành lang pháp lý thuận lợi. Ở góc độ vĩ mô, nền kinh tế số Việt Nam dự kiến chạm mốc 45 tỷ USD vào năm 2025, nhờ sự thúc đẩy của TMĐT.

Cổng thông tin điện tử Chính phủ trao đổi với ông Trần Tuấn Anh, Giám đốc điều hành Shopee Việt Nam xung quanh những cơ hội triển khai từ thực tiễn thị trường chính sách điều hành của Thủ tướng Chính phủ.

Hỗ trợ nhà bán hàng địa phương, mở rộng chuỗi cung ứng nội địa

Ông có thể cho biết Shopee triển khai cụ thể như thế nào khi bắt tay với các nhà sản xuất, doanh nghiệp địa phương chuyển đổi số?

Shopee là doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thuộc Tập đoàn Công nghệ SEA của Singapore, đầu tư vào Việt Nam trong lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT) từ năm 2015 và hiện là sàn TMĐT lớn nhất Việt Nam. Theo ông Trần Tuấn Anh, thị trường TMĐT của Việt Nam "đang đi đúng lộ trình". Ông cho biết:

Ông Trần Tuấn Anh: Đồng hành với các chiến lược của Chính phủ trong xây dựng kinh tế số và xã hội số, từ đầu năm 2024, Shopee Việt Nam mở rộng quy mô Chương trình Hỗ trợ nhà bán hàng địa phương. Trong đó triển khai một dự án tham vọng Chuyển đổi số Doanh nghiệp Việt qua Thương mại Điện tử.

Theo kế hoạch của dự án này, đến cuối năm 2024, Shopee sẽ kết nối với hơn 1.000 hộ sản xuất trên khắp các tỉnh, thành (gấp 25 lần so với hiện tại), mở rộng tối đa danh mục hàng hóa phục vụ người tiêu dùng, mở rộng phạm vi phủ sóng của hàng nội địa và tiếp tục lan tỏa tinh thần "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".

Chúng tôi kết nối với hàng ngàn xưởng sản xuất, các nhà bán hàng trong nước và hỗ trợ họ toàn bộ khâu vận hành, quảng bá sản phẩm. Theo đó, các nhà cung cấp trao quyền vận hành cho Shopee và tập trung hoàn toàn vào nâng cao chất lượng sản phẩm. 

Nhờ đó, nhiều nhà sản xuất địa phương, đặc biệt là các hộ kinh doanh ở làng nghề các tỉnh như Bắc Ninh và Nam Định đã mở rộng thêm kênh kinh doanh trực tuyến bên cạnh mô hình kinh doanh truyền thống.

Tính đến tháng 6.2024, trong khuôn khổ dự án Chuyển đổi số Doanh nghiệp Việt qua Thương mại Điện tử, Shopee đã làm việc với gần 100 nhà cung cấp địa phương thông qua chương trình này.

Chúng tôi đang làm việc với các hộ sản xuất và kinh doanh miền Bắc gồm Nam Định, Bắc Ninh, Phú Thọ, Hà Nội và kết nối với các xưởng sản xuất (thời trang, giày dép) tại TP.HCM.

Hiện tại, để đảm bảo nguồn cung và chất lượng của các mặt hàng cho chương trình, Shopee đang gia tăng tiếp cận với các nhà cung cấp, bao gồm xưởng sản xuất và các nhà bán hàng trong nước.

Điều này phù hợp chiến lược về kinh tế số của Chính phủ, theo đó phát triển mỗi người dân thành một doanh nhân số, mỗi doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh thành một doanh nghiệp số, ứng dụng công nghệ số để kinh doanh trên môi trường mạng.

Với mô hình triển khai thông qua chương trình Chuyển đổi số Doanh nghiệp Việt qua Thương mại Điện tử, Shopee Việt Nam nhằm vào triển khai các mục tiêu mà Chính phủ đề ra.

 Đó là phát triển nền tảng TMĐT thông qua chuỗi giá trị, kết nối các nhà sản xuất lớn, các nhà phân phối vừa và nhỏ, các nhà bán buôn và các kênh thương mại bán lẻ, các công ty TMĐT cùng cấu thành nên chuỗi cung ứng. 

Bên cạnh đó, đẩy mạnh ứng dụng TMĐT hỗ trợ các ngành hàng xuất khẩu chủ lực, mở rộng tiêu thụ cho hàng hóa nội địa và thúc đẩy phát triển TMĐT tại các địa phương.

Ông vừa đề cập đến nhiệm vụ đề ra trong Chiến lược kinh tế số đặt trọng tâm phát triển TMĐT thông qua chuỗi giá trị, kết nối các nhà sản xuất lớn, doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhà bán buôn và các kênh bán lẻ, cùng với các công ty TMĐT để tạo thành chuỗi cung ứng, mở rộng tiêu thụ hàng hóa nội địa. Cụ thể, các sàn TMĐT như Shopee có thể đóng vai trò như thế nào trong nỗ lực này?

Ông Trần Tuấn Anh: Tôi xin trích dẫn lại lời của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính rằng: "Quan hệ giữa Nhà nước và doanh nghiệp có sự tách bạch, nhưng cũng có mặt hòa quyện". Tách bạch là Nhà nước làm nhiệm vụ quản lý Nhà nước còn doanh nghiệp làm nhiệm vụ phát triển sản xuất, kinh doanh. 

Hòa quyện là Nhà nước tạo không gian, hệ sinh thái phù hợp để khuyến khích, tạo động lực cho doanh nghiệp, trong khi doanh nghiệp tích cực, chủ động cùng Nhà nước nhân rộng, thúc đẩy hệ sinh thái tốt hơn, đóng góp tốt hơn.

Shopee đã và đang được Chính phủ Việt Nam tạo điều kiện để hoạt động kinh doanh một cách thuận lợi và hợp pháp. Vậy nên chúng tôi luôn sẵn sàng đồng hành cùng với cơ quan quản lý Nhà nước triển khai các hoạt động mở rộng chuỗi cung ứng TMĐT và gia tăng vùng tiêu thụ cho hàng hóa nội địa.

Rõ ràng, doanh nghiệp Việt có những thế mạnh riêng để có thể cạnh tranh với các thương hiệu nước ngoài. Chúng ta có nguồn nguyên liệu đầu vào tốt và lực lượng lao động dồi dào với trình độ ổn định, có thể đáp ứng các đơn đặt hàng với số lượng lớn trong thời gian ngắn. Quan trọng nhất là thành phẩm có mức giá tốt, chất lượng đủ chuẩn để có thể tự tin thu hút người tiêu dùng.

Việc mở rộng quy mô Chương trình Hỗ trợ nhà bán hàng địa phương, bao gồm dự án Chuyển đổi số Doanh nghiệp Việt qua Thương mại Điện tử nằm trong định hướng như câu hỏi đặt vấn đề. 

Với định hướng có tính vĩ mô này, Shopee đặt mục tiêu hợp tác với các Bộ, Ban, Ngành liên quan để thu hẹp khoảng cách giữa các thành phố lớn và các địa phương về mức độ phát triển TMĐT, hướng đến mở rộng thị trường tiêu thụ cho hàng hóa Việt Nam trong và ngoài nước thông qua ứng dụng TMĐT.

Lấy người mua làm trung tâm

Bên cạnh đó, mọi hoạt động của Shopee đều lấy người mua làm trung tâm. Việc giúp các nhà bán hàng tối ưu hóa vận hành cũng nhằm mục đích đơn giản hóa tối đa trải nghiệm mua sắm của người tiêu dùng.

Chúng tôi đi từ gốc rễ là hiểu nhu cầu của khách hàng địa phương, tức cách thức và thói quen mua sắm của người Việt. Từ đó tạo ra một quy trình mua sắm gọn ghẽ từ hiển thị sản phẩm, so sánh giá, thanh toán, vận chuyển.

Các sáng kiến phục vụ người mua như chương trình Shopee Đảm Bảo, Đồng Kiểm, Giao Nhanh Đúng Hẹn là các minh chứng.

Mua sắm kết hợp giải trí đang là xu hướng, nên các tính năng như Shopee Live, Shopee Video cũng được đẩy mạnh theo đúng thị hiếu khách hàng.

Về phía cộng đồng nhà bán hàng, chúng tôi giúp họ giải bài toán vận hành, quản lý kho, quản lý đơn hàng, giao dịch với khách hàng một cách dễ dàng.

Với các nhà bán mới lên sàn, chúng tôi có các chương trình đào tạo online hoàn toàn miễn phí. Nhờ đó, họ có thể nắm vững các công cụ hỗ trợ bán hàng và cách thức để chạy chiến dịch ưu đãi hiệu quả.

Chúng tôi đồng thời triển khai thêm chương trình Shopee Captain - nơi các người bán có thể kết nối với nhau và chia sẻ kinh nghiệm thực chiến.

Shopee cũng chủ động đưa đến nhiều chính sách và quy định mới cho nhà bán hàng nhằm tạo dựng thói quen kinh doanh chuyên nghiệp. Một khi đạt được điều này, người bán mới có thể vận hành trơn tru và kinh doanh thuận lợi.

Trở thành doanh nhân số, doanh nghiệp số nhờ thương mại điện tử

Xin ông chia sẻ một vài kết quả triển khai từ chương trình Chuyển đổi số Doanh nghiệp Việt qua Thương mại Điện tử?

Ông Trần Tuấn Anh: Tôi xin chia sẻ thông qua ví dụ cụ thể. Một ví dụ điển hình là hộ sản xuất của anh Trần Văn Nam ở làng nghề Nam Định. Đây là một trong các hộ sản xuất mặt hàng may mặc ở làng nghề Nam Định, chuyên sản xuất hàng thời trang theo mùa. Hộ đã kinh doanh được 8 năm và trước đây tập trung hoàn toàn vào mô hình sản xuất và phân phối truyền thống. 

Sau khi tham gia dự án, doanh nghiệp hoạt động theo hình thức nhận đơn đặt hàng và chia nhỏ ra cho các hộ sản xuất nhỏ khác để sản xuất và đóng vai trò kiểm soát chất lượng sản xuất (QC). 

Điều này gợi ý rằng, việc kết hợp với Shopee không chỉ mang lại cơ hội kinh doanh, thu nhập cho bản thân hộ sản xuất của anh Nam, mà còn gián tiếp tạo công ăn việc làm cho các hộ sản xuất vệ tinh.

Anh Trần Văn Nam đã nhận tổng cộng 50 mẫu quần áo do Shopee đặt hàng. Lượng đơn đặt hàng từ Shopee chiếm 100 % tổng lượng đơn đặt hàng mà hộ kinh doanh này nhận được. Hai tháng gần nhất, lượng đơn của đơn vị sản xuất này nhận được trong tháng 5 tăng gấp đôi so với tháng trước. 

Hiện hộ đã hoàn thành việc đăng ký kinh doanh, đây là điểm khác biệt so với các hộ sản xuất truyền thống khác, đặt dấu mốc kinh doanh chuyên nghiệp hoá hơn sau khi tham gia dự án của Shopee.

Công ty TNHH Sản xuất Thương mại ABH là một doanh nghiệp sản xuất hàng thời trang phân khúc giá rẻ, sản xuất sản phẩm từ gốc đến ngọn, xử lý từ sợi vải đến dệt may. Đây là cơ sở giúp giá thành sản phẩm của doanh nghiệp này rẻ hơn so với mặt bằng chung thị trường, nhưng vẫn đảm bảo chất lượng tốt. 

Doanh nghiệp này từng tìm cách hợp tác để phát triển kinh doanh trên các nền tảng TMĐT khác nhưng thất bại vì không đáp ứng được khâu vận hành, quảng bá sản phẩm. 

Dự án của Shopee đã giúp doanh nghiệp giải quyết các mối lo ngại này và có đầu ra sản phẩm ổn định. Hiện tại doanh nghiệp sản xuất khoảng 20 tấn vải/ngày và giải quyết trung bình từ 100.000 đến 200.000 đơn vị sản phẩm cho Shopee mỗi tháng.

Một ví dụ khác là hộ kinh doanh Trần Văn Huy chuyên sản xuất sản phẩm may mặc, cụ thể là đồ lót nam. Hộ sản xuất này đã mở thêm 3 nhà máy để đáp ứng lượng đơn đặt hàng lớn từ Shopee. Với các đơn đặt hàng, hộ sản xuất này hiện quản lý gần 300 công nhân may mặc. 

Có rất nhiều các doanh nghiệp nhỏ, các nhà sản xuất và cung ứng hàng hóa nội địa tham gia thị trường thương mại điện tử Shopee thành công theo dự án Chuyển đổi số Doanh nghiệp Việt qua Thương mại điện tử.

Xuất khẩu trực tuyến hàng Việt Nam ra Đông Nam Á

Bên cạnh thị trường tiêu thụ nội địa, TMĐT còn mở ra tiềm năng tiếp cận thị trường nước ngoài cho các doanh nghiệp Việt Nam. Theo một nghiên cứu mới đây của Access Partnership, xuất khẩu từ doanh nghiệp tới người tiêu dùng qua thương mại điện tử tại Việt Nam hiện đạt giá trị 3,5 tỉ USD và có khả năng lên tới 5,5 tỉ USD vào năm 2027. Shopee đã có kế hoạch nào để hỗ trợ các hộ sản xuất, các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs) của Việt Nam khai thác lợi thế xuất khẩu trực tuyến này?

Ông Trần Tuấn Anh: Sự thật là phần lớn doanh nghiệp MSMEs tại Việt Nam đều gặp nhiều khó khăn khi thực hiện hoạt động xuất khẩu. Lý do đến từ việc thiếu kinh nghiệm vận hành, e ngại khoản giấy tờ thủ tục, kho bãi, ngôn ngữ và mẫu mã thiếu tính cạnh tranh…

Do đó, chúng tôi đã cho ra mắt Chương trình Bán hàng toàn cầu qua Shopee (SIP) vào năm 2021, giải quyết rốt ráo các khó khăn mà các doanh nghiệp xuất khẩu vừa và nhỏ đang lo ngại.

Với sáng kiến này, Shopee giúp người bán vận hành gian hàng xuyên biên giới từ bước nhỏ nhất, như đồng bộ cửa hàng tại Việt Nam sang quốc tế, làm các thủ tục xuất nhập khẩu và lưu kho cho hàng hóa, tiếp nhận xử lý các khiếu nại của người mua nước ngoài, và hỗ trợ thanh toán quốc tế. Shopee cũng hỗ trợ tất cả chi phí liên quan.

Hiện nay, các doanh nghiệp Việt bán hàng trên Shopee có thể xuất khẩu các sản phẩm của mình sang các thị trường quốc tế gồm Malaysia, Singapore, Philippines, Thái Lan và Đài Loan (Trung Quốc). 

Chúng tôi đang có hơn 350.000 người bán Việt Nam tham gia với hơn 15 triệu sản phẩm được đăng bán tại thị trường nước ngoài. Đáng kể, trong số này có hơn 1.000 thương hiệu Việt Nam.

Hàng tháng, doanh số trung bình của các nhà bán hàng tăng đều đặn từ 20-30%. Các sản phẩm thời trang nam nữ, trẻ em của Việt Nam rất được thị trường Đông Nam Á, Đài Loan (Trung Quốc) ưa chuộng. Một số nhãn hiệu của Việt Nam được khá nhiều người tiêu dùng khu vực ưa chuộng như Libe, Mona…

Nâng cao năng lực số và quá trình chuyển đổi số cho các MSME đòi hỏi những nỗ lực và thời gian. Trước mắt, chúng tôi tập trung giải quyết các khó khăn tồn đọng của doanh nghiệp, liên quan đến nắm bắt xu hướng thị trường, cách thức vận hành và tiếp thị trên sàn TMĐT thông qua dự án Chuyển đổi số Doanh nghiệp Việt qua Thương mại điện tử như đã đề cập trên. 

Các nhà bán hàng địa phương được Shopee hỗ trợ vận hành trọn gói, và chỉ họ cần tập trung vào nâng cao chất lượng sản phẩm.

Do đó, trong thời gian tới, chúng tôi mong nhận được sự hợp tác với các Bộ, Ban, Ngành để tìm kiếm các nhà sản xuất và nhà bán hàng tiềm năng trong nước, khẳng định mục tiêu và cam kết của Shopee trong việc hỗ trợ doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa cũng như các thương hiệu Việt mới nổi tham gia thị trường TMĐT và vươn ra thị trường khu vực toàn cầu.

Đã đến lúc TMĐT ở Việt Nam cần tập trung phát triển hơn về "chất"

TMĐT ở Việt Nam đã có một giai đoạn phát triển ấn tượng trong một thập niên trở lại đây. Từ thực tiễn điều hành sàn TMĐT lớn nhất Việt Nam trong gần 10 năm qua, ông quan sát thấy những rào cản nào để TMĐT tiếp tục phát triển một cách mạnh mẽ và bền vững trong những năm tới?

Ông Trần Tuấn Anh: Tôi cho rằng TMĐT ở Việt Nam đã đi qua chặng đường đầu tiên với sự bùng nổ mạnh mẽ về số lượng. Nhưng giống như hai mặt của một đồng xu, những tồn tại và vướng mắc trong quá trình triển khai không thể tránh khỏi. 

Ở tầm vĩ mô, đó là thách thức về mạng lưới logistics, về một môi trường an toàn và bảo mật để người tiêu dùng và doanh nghiệp thực hiện các giao dịch trực tuyến.

Ở tầm doanh nghiệp, số lượng tiếp cận TMĐT đang ngày một nhiều hơn, nhưng thực chất vẫn còn hạn chế về một số phương diện. Họ vấp phải nhiều khó khăn cản trở quy trình chuyển đổi số, bao gồm vấn đề về tài lực, nhân lực có kỹ năng số, năng lực quản trị, bảo mật thông tin…

Nhiều đơn vị không biết nên tập trung sản xuất sản phẩm gì, đưa ra thị trường món hàng nào để phù hợp với thị hiếu và có thể bán chạy. Một bộ phận khác thì chưa nắm rõ cách thức marketing hay vận hành trên sàn mà đa số vẫn dựa vào cách làm truyền thống.

Bởi vậy, giờ là lúc TMĐT ở Việt Nam cần tập trung phát triển hơn về "chất", với sự chung tay hợp tác của Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp để giải quyết những thách thức này./.

Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ

(https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/hang-tram-ngan-nguoi-dan-tro-thanh-doanh-nhan-so-nho-thuong-mai-dien-tu-119240617072953134.htm)