Đại chiến quảng cáo Online

10:10, 16/01/2012

Ngày  nay, quảng cáo online đã không còn được xem là “chiếc bánh độc quyền” của Google hoặc các hãng chuyên về quảng cáo online hay lấy quảng cáo online làm “nồi cơm” như Facebook, Twitter,… nữa. Đã có thêm hàng loạt tên tuổi hàng đầu lấn sân sang lĩnh vực trên.



Vai trò quảng cáo online

 

Theo các chuyên gia, hiện lĩnh vực quảng cáo trên thế giới có thể chia ra thành 7 lĩnh vực khác nhau trong đó báo chí, truyền hình, phát thanh được xem là những dạng quảng cáo truyền thống đã có lịch sử hàng trăm năm. Hai mô hình quảng cáo mới phát triển trong thời gian gần đây là tiếp thị poster, tờ rơi, băng rôn,… và quảng cáo online trên Internet mặc dù đang bước những bước chập chững nhưng cũng đã giành được những thành công nhất định.

 



Hãng Google, đại diện tiêu biểu nhất cho xu thế quảng cáo trực tuyến từ vị trí một công ty xập xệ nằm trong gác xép gara đã nhanh chóng vươn lên trở thành công ty công nghệ có giá trị vốn hóa đứng thứ tư trên thế giới, chỉ sau Apple, Microsoft và IBM. “Chúng tôi tin tưởng Google hơn bất kỳ công ty nào khác trên thị trường bởi lĩnh vực mà Google đang phát triển có nền tảng rất vững chắc”, một nhà đầu tư nhận định khi quyết định mua cổ phiếu của Google, vốn có giá trị cao nhất trên thị trường chứng khoán Nasdaq, ở mức khoảng 580 USD trong khi Apple – hãng công nghệ lớn nhất thế giới chỉ được định giá khoảng 375 USD/cổ phiếu.

 

Theo các nhà phân tích, sở dĩ quảng cáo online được đánh giá cao và những công ty tham gia thị trường này nhận được các ủng hộ tích cực bởi quảng cáo online là “con gà đẻ trứng… vô tận” mà vào bất kỳ thời kỳ nào người ta cũng cần tới, nhất là trong bối cảnh nhiều thập niên tới đây, quảng cáo online sẽ được xem là phương tiện quảng cáo tốt nhất thế giới – cho hiệu quả rộng khắp với một mức phí rẻ hơn nhiều so với các dạng quảng cáo truyền thống trước kia. “Hãy xem cách thức mà các công ty quảng cáo đã làm và hiệu quả đối tác thu được. Chỉ một clip PR hấp dẫn, ấn tượng phát lên internet là chỉ vài giờ sau, hàng trăm triệu người đã biết đến thương hiệu ấy bất chấp việc họ trước đó, chưa từng nghe, chưa từng biết đến thương hiệu đó”. Ấy là điều mà không một dạng quảng cáo nào có thể làm tốt hơn quảng cáo online.

 

Phân bố thị trường

 



Một cuộc khảo cứu gần đây của Onlinemarketing-trends cho thấy bối cảnh khá hấp dẫn của quảng cáo online. Theo đó, hiện truyền hình vẫn chiếm tỷ trọng hàng đầu trong ngành công nghiệp quảng cáo của thế giới với doanh thu quý II-2011 ở mức giá trị 190 tỷ USD. Cùng thời điểm đó, quảng cáo trên các nhật báo trên toàn thế giới đứng ở mức thứ hai, đạt giá trị 93 tỷ USD. Một người anh em khác của nhật báo là các tạp chí với hạn chế chỉ ra được theo tuần hoặc theo tháng, theo quý thì doanh thu thấp hơn nhưng cũng ở mức rất cao, 43 tỷ USD. Lẽ dĩ nhiên, như dự đoán trước đó rất lâu, quảng cáo online trên Internet đã có những bước phát triển mạnh mẽ để trở thành  thứ ba trong làng marketing với giá trị 72 tỷ USD. Hai dạng quảng cáo khác hiện đang nằm ở thế bét bảng chính là quảng cáo trên sóng phát thanh (33 tỷ USD) và quảng cáo ngoài trời (Outdoor như poster, tờ rơi, băng rôn,… ) chiếm tỷ trọng 31 tỷ USD.

 

Các chuyên gia thậm chí tin rằng, chỉ một hoặc hai năm nữa, quảng cáo trên Internet sẽ có thể vượt qua mọi loại quảng cáo hiện có trên thế giới để mang lại lợi nhuận cực kỳ hấp dẫn cho các công ty tham gia. “Một đặc trưng của quảng cáo online thông qua Internet chính là việc nó có thể đi… xuyên quốc gia”, một nhà phân tích cho biết. Nếu như quảng cáo trên truyền hình, trên báo chí, trên tạp chí, trên sóng phát thanh thì bị bó hẹp trong không gian địa lý “phủ sóng” thì quảng cáo trên Internet có thể lan đến mọi ngõ ngách của bất kỳ nơi nào trên thế giới. Điều này khiến quảng cáo online có được các lợi thế tuyệt vời hơn cả”.

 

Đối thủ mới

 



Chưa có bất kỳ một thống kê nào cho biết số lượng các tổ chức kinh doanh dịch vụ quảng cáo online trên thế giới nhưng theo các nhà phân tích, con số này chắc chắn sẽ là một mức độ rất nhiều bởi ngày nay, không chỉ có riêng các công ty chuyên về quảng cáo online tham gia mà các tờ báo, tạp chí, đài truyền hình, đài phát thanh,… cũng bắt đầu có những động thái bước chân vào thị trường này để chia thị phần. “Chúng tôi sẽ đóng cửa các phiên bản báo giấy và quảng cáo trên báo giấy để tập trung cho báo online và quảng cáo trên báo online”, một số tạp chí hàng đầu tại Hoa Kỳ tuyên bố khi ngừng phát hành các phiên bản báo in để tập trung cho báo điện tử. Tại Việt Nam, một số tờ báo cũng có hành động tương tự khi nỗ lực đầu tư cho phiên bản online của mình nhằm chống lại các sức ép từ các công ty quảng cáo trực tuyến và các trang “báo điện tử” chuyên tổng hợp thông tin từ các báo chính thống.




 

Các kênh phát thanh, truyền hình cũng có những động thái tương tự khi phát triển phiên bản trực tuyến của mình nhằm mở thêm một kênh tương tác với người sử dụng và thu hút quảng cáo. “Đại chiến quảng cáo đã bắt đầu”, một chuyên gia nhận định. “Sự cạnh tranh sẽ ngày càng khốc liệt và các biến tướng nguy hại sẽ xuất hiện ngày càng nhiều để giành giật thị trường. Chắc chắn tương lai, các vấn đề liên quan đến pháp luật sẽ xảy ra và khi đó, thị trường này mới có thể tự điều chỉnh. Còn bây giờ, nó vẫn đang trong tình trạng phát triển một cách rất tự phát”.

 

Quyên Thi
TIN LIÊN QUAN